*VH 5- Chữ Duyên Trong Cuộc Đời (Thơ) Vĩnh Hoàng (VN)

 

Vĩnh Hoàng

 

 

Chữ Duyên Trong Cuộc Đời

 

   Theo triết lý Phật Giáo , cuộc sống của mỗi con người, luôn luôn bị ảnh hưởng bởi

duyên và nghiệp . Duyên như một động lực thúc đẩy tạo ra cơ hội chi phối sự thành bại của sự việc, như làn gió đưa đẩy từng đám mây tụ lại để thành cơn mưa ,con ong cần mẩn thụ phấn cho hoa kết thành trái , chất xúc tác trong một phản ứng hoá học để các phân tử kết hợp tạo thành một chất mới v .v. Bỡi vậy, chữ “duyên” là một yếu tố quan trọng chi phối mạnh mẽ vào cuộc đời của mỗi con người. Có nhiều chữ duyên: duyên vợ chồng, duyên văn chương, duyên nghề nghiệp , duyên tu hành v .v ..

Nói đến duyên vợ chồng , đại thi hào Nguyễn-Du với Truyện Kiều đã chứng minh điều đó

" Người ơi gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không "

Từ khi Kim, Kiều gặp gỡ; trong mười lăm năm lưu lạc,trải qua biết bao sóng gió đổi thay nhưng vì Kim Kiều còn vướng dây duyên chưa dứt nên kết cuộc cũng được đoàn tụ sum vầy

“Còn duyên may lại còn người

Còn vầng trăng bạc còn lời thề xưa “

Có duyên với nhau thì dù xa cách trắc trở đến mấy cũng có ngày nên vợ nên chồng

Bằng không duyên, yêu nhau đến núi lở non mòn, đến lúc mỗi người đi một ngả

“Anh đi đường anh ,tôi đi đường tôi

Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi “

Câu chuyện ông tơ bà nguyết trói buộc dây duyên cho đôi nam nữ, có tin được không ? Trong mối tình thơ mộng, nồng nàn, thuỷ chung đầy cay đắng của Kim Trọng, Thuý Kiều, đại thi hào Nguyễn – Du đã dùng đến 57 câu có chữ duyên để thể hiện căn duyên thiên định ấy. Trong đó có 4 chữ dành cho : Thúc-Sinh ,Bạc-Hạnh ,Từ-Hải, Thổ quan

Kiểm nghiệm lại cuộc đời của chúng ta có tin vào chữ duyên không? Theo tôi là có.

Đây tôi xin trình bày một chữ duyên khác dó là duyên văn chương của đời tôi.

Tôi sinh ra, lớn lên tại một làng quê nghèo bên bờ nam sông Hiếu thuộc huyện Cam –Lộ, tỉnh Quảng Trị. Tôi mồ côi cha rất sớm khi mới có bảy tuổi ,được sự thương yêu, nuôi dưỡng, dạy dỗ của mẹ và bà. Tôi được lớn lên trong tiếng hát ru của mẹ, của quê tôi, những lời ngọt nào đã thấm đậm trong dòng máu, trong trái tim,trong hơi thở chất chồng theo năm tháng, cho tôi có được một vóc dáng, một tâm hồn như hôm nay

Huyện Cam-Lộ, một huyện vùng cao miền trung du ,có địa hình vừa đồi núi ,vừa đồng bằng ,nên sản vật cũng đa dạng ,không như những huyện thuần nông chiêm trủng Triệu –Phong , Hải-Lăng. Đường giao thông tiện lợi kể cả thuỷ ,bộ .Quốc lộ 9 nối từ Đông -Hà lên cửa khẩu Lao-Bảo qua nước bạn Lào . Trước đây xe cộ còn ít thì đường thuỷ tiện lợi hơn ,nhờ sông Hiếu-giang nối qua sông Thạch-hản rồi xuống sông Vĩnh-định đến phá Tam-giang nên thuyền bè từ Huế vào ra buôn bán tấp nập . Chợ phiên Cam-lộ ,nơi tập kết hàng hoá giao lưu giữa miền xuôi và miền ngược ,không biết chợ có tự bao giờ ,khi lớn lên tôi đã thấy,khu chợ nằm trước đình làng Cam-lộ nơi có cây cổ thụ to tướng . Chợ Đuồi nằm về hướng đông bắc cách chợ phiên non cây số sát sông Hiếu-giang , nơi thuyền bè neo đậu , bốc xếp hàng hoá bán buôn của thương lái từ Huế ra ,nơi có một vạn đò địa phương sinh sống bằng nghề chài lưới. Cứ năm ngày có một phiên, kể từ ngày mồmg ba tháng giêng nhóm phiên chợ đầu năm, ngày hai mươi tám tháng chạp phiên cuối năm . Nhờ chợ phiên Cam-lộ nên quê tôi có cuộc sống khá giả hơn những vùng chung quanh . Mỗi lần phiên chợ nhóm người qua lại tấp nập đông vui , hàng hoá trao đổi cũng đa dạng đầy đủ không thiếu món gì .

Qua bài viết của cô Trùng-Dương Cao-Thị-Yến đề cập nhiều khía cạnh của cuộc sống ở quê ngoại vùng Cam-lộ trong đó có chợ phiên ,các nhà thơ,nhà văn gốc từ Cam-lộ như thầy Thái-mông-Hùng,thầy Hoàng –Đằng các bạn Thái-tăng-Phương ,Thái-văn-Thạch ,Lê-Văn-Trạch ,Phan-Sĩ-Trung ,Trần-Đại-Hành v. v.. Trong các tác phẩm đăng ở Hương-Quê-Nhà , Nguyễn-Hoàng - chân-dung và kỷ-niệm tôi chưa thấy ai đề cập đến nếp sinh hoạt văn hoá thưở trước của dân Cam-lộ đó là Trại-Hát-Đất-Cam-Thành. Thế nên tôi xin mạo muội kể câu chuyện trại hát đất Cam-Thành được bà nội tôi kể lại . Vì lẽ nếu tôi hoặc thế hệ như tôi qua đi thì con chắu đời sau không ai còn biết.

Trại hát Cam-Thành đặt tại bờ nam sông Hiếu nơi nhóm chợ Đuồi ,chỗ hội tụ của nam thanh nữ tú các huyện Triệu-phong ,Hải-lăng và nhóm thương lái theo thuyền từ Huế ra giao lưu với dân vùng Cam-lộ. Trại hát gồm một ngôi nhà nghỉ mát dựng trên mặt nước đơn sơ bằng tranh tre, nứa lá . Những dịp hội hè hoặc những đêm trăng thanh gió mát ,thi nhân mặc khách dến đây hát giao duyên sinh hoạt văn hoá hát đối đáp nhân tình, đông vui nhất là những đêm gần phiên chợ.

Trại hát này do một ông huyện trấn nhậm tại Cam-lộ khởi xướng , tôi không biết tên ,cũng không rõ thời gian thành lập và sinh hoạt đươc bao lâu , nhưng theo phỏng đoán có lẽ trước cuộc kháng chiến chống Pháp. Những gì còn lại làm nhân chứng chỉ một câu hò của cụ thợ Tiềm ở chợ Đông-Hà người nỗi tiếng hát hay ở vùng Cam-Lộ . Khi tôi viết bài này chắc cụ đã trở thành người thiên cổ ,nhưng tôi tin chắc con chắu cụ và những cư dân vùng Cam-lộ đều biết tài của cụ vì cụ đã nổi tiếng một thời

Vùng Quảng-trị quê tôi, khúc ruột miền Trung hàng năm phải gánh chịu biết bao thiên tai bão lũ ,dạo đó sau một cơn bão lũ đi qua ,trại hát đất Cam-thành bị sụp đổ hoàn toàn để khắc phục hậu quả một số bạn hát đến cùng nhau dọn dẹp sửa sang lại trại hát trong đó có cụ thợ Tiềm , chạnh cảnh sinh tình cụ cất cao giọng hát rằng :

“ Ôi thôi rồi thừa lương nhà mát!

Ôi thôi rồi trại hát đất Cam Thành!

Chừ bây chừ, người tháo ván , kẻ lại lôi tranh ,

Trước để tỏ tinh sư đệ , sau nhớ buổi trăng mành ngày xưa “

Sau khi nghe câu hát này ông huyện lấy làm cảm kích trước cái tài của cụ đã thương cho cụ đến mấy quan tiền . Khi chiến tranh trại hát không còn nữa , nhưng cụ thợ Tiềm vẫn còn sống ,vào khoảng năm 1957. Xã Cam-Hiếu của tôi tổ chức một buổi hát tại trường tiểu học Cây-Lội có cụ đến tham gia.

Những điệu hò câu hát giao duyên vang lên trong những đêm trăng giữa miền thôn dã, trên dòng sông Hiếu thân thương hoà nhịp với tiếng khua mái chèo lướt sóng ,những giọng hát trong trẻo của đôi trai tài gái sắc đối đáp nhân tình đã di vào hồn tôi từ bao giờ không hay biết ,tôi say mê nhớ mãi .Để tỏ bày chữ trung chữ hiếu cô gái hát rằng :

“Chiều ba mươi anh không đi ngang qua cữa ngõ

Rạng ngày mồng một anh không ghé đến bàn thờ ,

Chơ hiếu trung mô nửa vẹ em chờ cho uổng công.”

Chàng trai đáp:

“ Em ơi em, chiều ba mươi anh còn tập quân ,dượt lính

Rạng ngày mồng một , anh bận kéo quân lên đường

Hiếu trung bên anh , anh cũng bỏ

Huống chi bên nường, nường ơi!”

 

 

Vĩnh Hoàng

 

· 

 

Chữ Duyên Trong Cuộc Đời (Tiếp theo)

 

         Câu hát an ủi ngọt ngào và sát thực trong thời chinh chiến, phận làm trai luôn luôn đặt nợ nước trên tình nhà. Câu hát nói lên tình nghĩa vợ chồng sắt son chung thuỷ:

“ Tai em nghe anh đau đầu chưa khá ,

Em đây băng đồng vượt phá ,bẻ ngọn lá qua xông ,

Có làm như ri mới trọn đạo nghĩa vợ chồng ,

Đổ mồ hôi ra thì em quạt , ngọn gió lồng anh che.”

Ở quê tôi thường đến mùa gặt ,một số thanh niên nam nữ từ các huyện Triệu-Phong ,Hải-Lăng ra giúp thu hoạch. Chúng tôi gọi những người này là bạn . Thời trước làm được hạt lúa phải đổ biết bao công sức , gặt xong bó thành gánh mang về nhà chất thành bã cho trâu bò giẫm đạp xảy rủ ,sàng sảy, diên quạt mới ra hạt lúa chẳng may gặp mưa thì sự phơi phong thật vất vả cực nhọc Mùa gặt kéo dài có khi vài tháng , khi công việc tạm ổn thì mùa chia ly lại đến. Cuộc chia tay nào cũng bịn rịn, xót thương với lời hẹn năm sau trở lại, cũng có người thương nhau trở thành chồng vợ,có người chưa trọn lời thề than rằng

“ Rồi mùa tóc rạ rơm khô ,

Bạn về xứ bạn biết mô mà tìm.”

Hay:

“ Ra về cổi áo lại đây .

Để dêm em đắp , kẻo ngọn gió tây lạnh lùng.”

Rất nhiều ,rất nhiều câu hát thấm đậm tinh quê hương làng mạc.

Lúc lớn lên đi học , tôi được thọ giáo bởi hai vị giáo sư dạy Văn tuyệt vời đó là thầy Trần-Xuân-Mai dạy trường B-C Đông-Hà và thầy Mỹ dạy ở Nguyển-Hoàng. Từ những lý luận phân tích tâm trạng các nhân vật trong Truyện Kiều cùng các nhà thơ, nhà văn hiện đại ,những bài luận luân lý văn chương, cách vào đề lung khởi , trực khởi diễn đạt nội dung đầy đủ ,súc tích , kết luận hài hoà, ngắn gọn. Hai thầy đã truyền thụ cho tôi những kiến thức có hôm nay . Xin cảm ơn những người thầy đáng kính đã cho tôi hành trang để bước trên con đường nghệ thuật .

Tâm hồn tôi chứa đầy yêu thương , gặp lúc quê hương chinh chiến , làm lính tôi đi khắp đó đây nhìn cảnh làng mạc nát tan , bạn bè ly tán , gặp những mảnh đời bất hạnh , với tiếng bom,tiêng đạn, tiếng khóc la làm tim tôi luôn trĩu nặng Tôi phải viết ,viết để giải toả lòng mình ,chia sớt nỗi đau của đồng loại cho tâm hồn nhẹ bớt phần nào . Tôi không nghĩ mình trở thành nhà thơ nhà văn, vì đó là mơ ước ngoài khả năng không thể đạt tới. Thế nhưng đây là cái nghiệp , bắt tôi phải theo không bỏ được ,tôi biết nếu vướng vào nó thì đời mình lận đận khổ đau ,nhiều lần tôi đã gác bút nhưng vẫn không yên

.

Ta mãi yêu em, nàng thơ

Ta đã yêu em ,từ thời còn bé nhỏ

Có phải đây là phận số? Hay em đã mê hoặc ta chăng?

Ta đã theo em suốt mấy chục năm

Có phải vì em nên đời ta lận đận ?

Hay nhờ em mà đời ta hưng phấn ,đời ta còn chút ý nghĩa mai sau? .

Em đã cho ta thấm thía nỗi đau

Nỗi đau của cuộc chiến tranh tàn khốc

Nỗi đau của quê hương dân tộc ,lúc thịnh lúc suy

Ta đã dìu bước em đi trên con đường đã chọn

Em thì hồn nhiên trong sáng, ta lại mơ mộng đa tình

Em luôn luôn trung thực với chính mình

Không khòm lưng nịnh bợ

Để ta bao đêm phải trăn trở ,trước gian dối tình đời

Những lúc thư thả thảnh thơi

Em đã cho ta cả một khoảng trời mơ ước

Ta ôm em vào lòng ,để được sống được yêu

Nhưng khoảnh khắc vui buồn mơ ước có bao nhiêu

Bỡi cuộc đời nghiệt ngã

Có lần ta đã bỏ em ,vì đời ta lạnh giá

Nhưng em nào có xa được ta đâu

Em cứ quanh quẫn bên ta như mối tình đầu

Lời em ngọt ngào vổ về ta đứng dậy

Rồi từ đó ta cùng em đi mãi

Ta với em chung trọn mối tình dài

Luôn hướng về thầm mơ ước ngày mai

Gió xuân thoảng, chút hương đồng cỏ nội ./.

Vĩnh-Hoàng

Không bỏ được nghiệp cầm bút , tôi lại nhớ đến một nhà tiên tri đã bảo tôi rằng

“ Anh có sao văn chương ,văn khúc sáng sủa. Ngoài ba mươi tuổi thơ anh sẽ phát triển mạnh. Sau chính nhờ bộ môn này anh được nhiều người biết đến.” Tôi thật không tin vì nghĩ mình không có cơ hội . Làm thơ thì cứ viết thế thôi không ai biết cũng không đăng báo cứ để cho thời gian trôi đi mãi đến năm 1972, tôi mạnh dạn gởi bài thơ đâu tiên với tựa đề: “Tình yêu lính” cho chương trình “Nghệ sĩ với chiến sĩ” do chị Dạ-Lan và Quỳnh-Giao phụ trách của đài Tiếng nói quân đội.

Bài “Tình yêu lính” của tôi được diễn ngâm trên đài kết quả rât nhiều thính giả gởi lời khen tặng và xin chép bản gốc .Điều này làm tôi rất phấn khởi và tiếp tục cộng tác cho đến năm 1975 mới chấm dứt.

Trong trại cải tạo tôi có viết vài bài khi ra khỏi trại trở về quê vì điều kiện hoàn cảnh tôi đành gác bút đến năm 1981, trước những bức xúc của cuộc sống đã thôi thúc tôi cầm bút viết lại .Lần này cũng chỉ viết để giải toả lòng mình chứ không gởi đăng và không ai biết ngoại trừ những người bạn thân.

Năm 1994, một cơ duyên đã đến với tôi. Tôi tình cờ gặp anh Tam-Thanh, tức anh Nguyển-Tiềm ở Vũng-Tàu trong một tiệc cưới. Trước đây anh với tôi chưa từng quen biết , nhưng khi gặp anh trong tôi cảm thấy có một sự gắn bó cảm mến . Sau vài câu chuyện tôi biết anh là người đồng hương với tôi. Ngày trước anh có thời gian dài công tác tại huyện Cam-Lộ lúc tôi mới học tiểu học. Hiện anh là hội trưởng hội thơ Đường Lan-Đình tỉnh Bà Rịa-Vũng-Tàu

Tôi đã ngỏ ý nhờ anh giới thiệu xin gia nhập hội thơ và anh đã nhận lời

Trời xui đất khiến được cùng anh

Hội ngộ duyên văn dã tác thành

Tôi đã trở thành hội viên hội thơ Lan-Đình năm 1995. Từ đó tôi bắt đầu giao lưu xướng hoạ với nhiều bạn thơ , hội thơ ,thường đi sinh hoạt thơ nên quen biết rất nhiều . Thơ tôi cũng góp mặt trong một số tập san của hội .

Năm 1999 anh Lộng-Chương trao cho tôi bài xướng “Thầy Tôi” của nhà thơ Thạch-Lỉnh Hồ-Văn-Mẫn viết về thầy hiệu trưởng trường Nguyễn Hoàng-thầy Thái-Mộng-Hùng. Tôi đã hoạ và được chọn đăng trong tập thơ “Tình thầy, nghĩa bạn”của Thạch-Lĩnh xuất bản năm 1999. Từ bài đó, anh Lê-Ngọc-Phái lại sưu tầm đăng vào tập “Dòng-Thơ-Lưu-Niệm” của Lê-Ngọc-Kha. Sau đó, hai anh Phái và Kha đã tặng cho tôi tập “Dòng-Thơ-Lưu-Niệm”. Tôi xin cảm ơn và hoạ bài “Kết-Từ” của Lê-Ngọc-Kha.

Nhờ những lần giao lưu xướng hoạ mà sợi giây nối kết bạn bè cứ ngày càng dài thêm. Qua tập san “Hương-Quê—Nhà”, “Nguyễn Hoàng-Chân dung và kỉ niệm”, tôi đã được biết thêm nhiều đồng môn ,đồng hương ,và nhiều thầy cô sau bao ngày xa cách. Gần đây nhất là tâp thơ “Đường-Chiều” của Lê-Ngoc-Kha , không biết còn có duyên thơ nào đến với tôi nữa không, bởi đời vô thường ai biết được chuyện ngày mai .

Xin cảm ơn những ân nhân đã trợ duyên cho tôi bước đi trên con đường mình đã chọn

Để kết thúc bài viết có chút riêng tư, tôi mạn phép, mong quý vị độc giả thông cảm, xin trích mấy câu thơ viết cho anh Lê-Ngọc-Kha khi đọc tập thơ “Đường-Chiều” của anh để nói lên rằng : Nếu có duyên với nhau thì dù ở cách xa ta vẫn bên nhau vậy.

…… Tôi với anh là những người tri kỷ

Dẫu trong đời chưa biết mặt nhau

Cùng quê hương mà cách xa nửa quả dịa cầu

Tình gắn bó qua từng trang sách

Mặc dù xa nhưng lòng không cách

Bởi “ Đường-Chiều “ ta đã cùng đi ../.

 

 

Vĩnh-Hoàng

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền