Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn
Chuyến Đi Kỷ Niệm
Tôi được một Công ty du lịch nhận vào làm, nói thật trong lòng tôi lúc ấy "Mừng hết lớn" vì đang " Bảy nghề" mà có được một công việc tương đối nhàn hạ, được chu du miễn phí đây đó trên mọi miền đất nước thì thử hỏi còn hạnh phúc nào hơn thế nữa.
***
Ngày đầu vào nhiệm sở nhận việc, tôi hơi thiếu tự tin vì bị thất nghiệp thâm niên nên bao nhuệ khí trong tôi nó đà tan biến tự bao giờ, mở cửa văn phòng của sếp lớn tôi rụt rè như đứa trẻ mới chập chững bước vào lớp đầu cấp bậc tiểu học, giống tâm trạng các cháu bé mẫu giáo bị chuyển qua học tiểu học thật đột ngột, vì đang được các cô nuôi dạy trẻ chăm nom cho từ miếng ăn giấc ngủ, làm gì trong lớp cũng được các cô thay nhau để mắt đến, chạy giỡn trong lớp nếu lỡ bị té thì bao giờ cũng được các cô vỗ về an ủi, thoa dầu xoa bóp chỗ vết đau, khi vào lớp một, cái lớp đầu cấp tiểu học ngày nay, mọi việc liên quan đến bản thân các em đều phải tự làm, không còn cảnh được nuông chìu tha hồ nũng nịu, thì làm sao các cháu không khỏi hụt hẫng.
Trước mắt tôi là sếp bự nhất trong công ty, mọi người gọi ông một cách thân mật như người trong nhà, một cũng anh Tư mà hai cũng anh Tư khiến tôi lấy làm lạ cách xưng hô nơi công sở, tôi chợt nghĩ thầm "Ai sao mình vậy" nên tôi cũng khẻ gật đầu rồi nói:
- Dạ tôi xin chào anh Tư, tôi rất mừng vì được công ty tuyển dụng, tôi sẽ bằng hết khả năng để hoàn thành mọi công việc được giao .
Sếp lớn hết nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi nhìn ngang liếc dọc để coi tướng của tôi có hạp với công việc hay không? sau một lúc ngắm nghía, dường như anh Tư chấp nhận cái ngoại hình của tôi, sếp bắt đầu phỏng vấn:
- Cậu tên Hùng phải không, cậu Hải ở công ty có giới thiệu về cậu cho tôi nghe, nay tôi hỏi cậu một số việc nha, cậu nghe nói tuổi Tỵ phải không, Quý Tỵ mới đúng chứ. Tuổi này mạng Thủy, Trường Lưu Thủy tức con sông chảy dài, tuổi cậu tốt đó vì tuổi này tương đốip hạp với tôi rồi, có điều sao tôi thấy gương mặt cậu dường như không vui, ý là tôi nói cậu thiếu nụ cười, đã làm nghề du lịch là phải có nụ cười thật tươi mới được.
Vừa dứt lời sếp lớn cất tiếng gọi người lao công vừa bước ngang ngoài cửa.
- Cô Hai nè, cho tụi tôi 3 ly cà phê đá nghe, có một ly ít đường thôi nghe cô.
Người lao công gật đầu rồi đi khuất, sếp tiếp tục giảng "Mô ran" cho tôi và thằng Hải nghe:
- Cậu Hùng phải tập cười như mấy cô gái chàng trai bên Thái Lan vậy đó, du lịch phải vậy chứ mặt khó đăm đăm như vậy sao làm du lịch được.
Đẫy hai ly cà phê đá cho tôi và thằng Hải xong, sếp Tư phán tiếp:
- Thôi coi như tôi chấp nhận cậu Hùng vào làm cho công ty mình, về nhà cậu đứng trước tấm kiếng tập cười đi, ai đời làm du lịch mà mặt "Ngầu" như vậy thì sao mà làm, anh nói vậy có phải không Hải?.
Thằng Hải bạn tôi nghe sếp Tư chịu cho tôi vào làm nó mừng ra mặt, nó liền lên tiếng:
- Dạ anh Tư nói chí phải, cái thằng này để em về sẽ nhắc lại nó cái vụ gương mặt cười mới được .
Dường như cuộc phỏng vấn đã xem như hoàn thành, chúng tôi đứng dậy xin phép sếp Tư ra ngoài, chưa ra khỏi cửa chừng như nhớ ra điều gì sếp gọi giật ngược hai đứa tôi lại:
- Ờ nè Hải, Hùng. Nhớ bổ sung cái lý lịch và hồ sơ xin việc cho phòng tổ chức nhe, mà sao hai cậu có cái tên gì mà ngộ quá vậy, công ty có Hải rồi bây giờ có thêm Hùng nữa, nay mai đi ký hợp đồng với mấy khách hàng chắc họ "Hãi hùng" luôn quá. Ha ha ha.
Biết sếp Tư nói giỡn cho vui, chúng tôi cùng cười tươi rói, một nụ cười thả ga trên gương mặt tôi sau bao tháng ngày ở không ăn bám gia đình, tưởng đâu chỉ có vậy thôi sếp Tư còn bồi thêm câu nữa:
- Sau này hai cậu có dịp đi công tác chung, hoặc tết nhất các cậu chúc tết nhà ai thì làm ơn để cậu Hùng vô trước rồi mới đến cậu Hải nghe. Thiệt tình bây giờ nghe tên hai cậu mà tui còn "Hãi Hùng" huống chi người ta. Ha ha ha ...
Ra khỏi công ty thằng Hải chở tôi đến quán nhậu bình dân gần chợ, sau vài chai larue 333, tôi và nó chếnh choáng hơi men rồi thì rượu vài lời ra thằng Hải nói với tôi:
- Ông Tư coi vậy chứ ổng vui tánh lắm mầy ơi, có điều ổng là người của "âm lịch".
Tôi thắc mắc hỏi nó :
- Mầy nói người của âm lịch là sao, tao thiệt tình không hiểu Hải ơi.
Thằng Hải bưng ly Larue lên hớp một ngụm, vẫn cầm cái ly trên tay nó nó nhỏ cho tôi nghe:
- Là mê tín dị đoan đó thằng quỷ, có vậy mà không biết, tuần nào tao nghe nói ổng hay đi coi tử vi bói toán. Chuyện linh ứng hay không tao chưa thấy, nhưng tin tưởng thái quá thì cũng không nên, nhiều khi mất cơ hội làm ăn nữa đó.
Tôi phản lại ý thằng Hải :
- Người ta thường nói có thờ có thiêng, có kiêng có lành Hải ơi, ông Tư làm vậy cũng đâu có hại gì, kệ nó niềm tin của mỗi người mà, miễn sao đừng đụng chạm đến quyền lợi của người khác là được rồi.
Thằng Hải chưa chịu thua, nó cố nói:
- Đành vậy, cái gì cũng vừa vừa phải phải thôi, làm "Quá trớn" cũng khó coi lắm mầy ơi, thôi bỏ vụ đó đi (Dô) nè trăm phần trăm nghe mậy.
Trả tiền chầu nhậu đó, trước lúc chia tay thằng Hải nhanh chóng nhét vào túi áo tôi vài trăm bạc, để gọi là "cứu trợ" bạn bè cho qua thời bĩ cực. Tôi thầm biết ơn thằng Hải vô cùng, vì nó biết tôi đang tiền khô cháy túi mà ra tay cứu giúp kịp thời, bất chợt tôi liên tưởng đến luật nhân quả mà tôi thường nghe bà nội kể cho mình nghe thuở nhỏ, bà nói con người có kiếp đời trước, kiếp hiện tại, kiếp đời sau, nhất nhất khi ta hành động cư xữ với ai đó việc gì đều có nhân quả không sai chạy, làm ác sẽ gặp ác, ở hiền ở lành thì gặp được nhiều điều tốt, thú thiệt lúc đó nghe bà nội nói thì biết vậy, chứ tôi cũng chưa hiểu thấu đáo nhân quả là gì, sau này tôi có nghe một số người, họ còn bày bác nhân quả hoặc ở hiền gặp lành chỉ là câu nói cho thuận nhĩ mà thôi, ở hiền gặp lành thì tại sao có gia đình thật hiều từ mà tai ương đến với họ liên tục, còn những người dữ dằn, đâm thuê chém mướn, gạt gẫm thiên hạ đủ đường, hoặc tham quan ô lại thì nhà cao cửa rộng xênh xang mũ áo, vậy thì câu ở hiền gặp lành không thuyết phục cho lắm, sau này tôi có nghe các bậc cao minh của nhà Phật thuyết giảng về luật nhân quả , tôi chợt hiểu không phải làm ác hiện tại thì gặp liền quả báo. Hiện tại họ giàu có là do phước báu của đời trước trổ quả. Còn việc ác đời này có khi trả quả ngay như tù tội... còn không sẽ trổ quả kiếp sau. Thôi thì xin tạm gác việc nhân quả lại đây để cùng tôi đi tiếp câu chuyện còn dài phía trước các bạn nhé.
* * *
Vào sáng nọ khi vào đến bàn làm việc, mở Computer ra xem mấy E-mail khách hàng gửi đến, thôi thì đủ thứ thư gửi đến, nào là đặt tour, thư rác, thư làm quen, thư quảng cáo, nhắc nợ.v.v..
Đang tập trung trả lời các E-mail theo thẩm quyền của mình, thì Cô lao công đứng phía bên ngoài đang gõ cửa và ra dấu cho tôi sếp lớp gọi tôi có việc cần .
Bước vào phòng sếp tôi thấy đâu gần năm sáu vị khách lạ, nói lạ là do tôi gặp họ lần đầu chứ với công ty và sếp Tư thì họ là người quen đã lâu. Tôi gật đầu chào mọi người rồi tìm một chổ ngồi khiêm tốn cho thân phận mình để chờ lệnh sếp Tư.
Trao đổi điện thoại với khách xong, sếp Tư giới thiệu các vị khách kia cho tôi biết, cứ đến vị nào tôi gật đầu đến đó, rồi sếp nói tiếp:
- Các anh đây là những người từng trải trong ngành báo chí, văn chương và du Lịch, anh muốn Hùng tháp tùng đi cùng các anh đây để khảo sát tour du lịch, vì tương lai đơn vị mình sẽ liên kết với các nơi đưa khách đến các địa phương thăm viếng nghỉ ngơi mua sắm, nhất là về du lịch văn hóa nữa.
Các vị này khi gặp vài lần thì tôi mới biết họ là nhà văn Sơn Nam, một "Cây đại thụ" trong dòng truyện về vùng đất miền nam trù phú, ông có nhiều tác phẩm để đời được dựng thành phim ảnh chiếu trên màn ảnh vô tuyến truyền hình cho bà con thưởng lãm, một người khác là vị Tiến sĩ Dân Tộc Học Nguyễn Tiến Hữu một việt kiều ở Tây Đức về, ông khác nữa là anh Minh Đăng Khánh nhà báo chuyên viết về văn học tình tự quê hương, còn những lãnh vực khác của ông viết thì tôi không được rõ cho lắm.
Cuộc họp hôm đó nói chung là vui vẻ, hy vọng nó sẽ tìm đường hướng thiết thực, góp phần cho du lịch nơi địa phương tôi làm việc. Nhà văn Sơn Nam trong lúc cao hứng về những dự án du lịch của công ty tôi ông góp ý:
- Qua thấy mấy chú có khu đất ven sông đẹp quá, vì nó có nhà hàng nổi ( Hoa Biển) trên bờ sông Vàm Thuật thì thuận lợi rồi, sau này khi có khách ở bên ngoài về thăm quê hương, thì nên có những món ăn truyền thống của Người Việt, chẳng hạn như cá Tai Tượng chiên xù, cá rô bí chiên giòn lấy bánh tráng cuốn rau sống chấm mắm nêm thì tuyệt cú mèo.
Các vị còn lại cũng góp nhiều ý rất hay và thiết thực cho công việc kinh doanh về du lịch. Sau cuộc họp sếp Tư quyết định cho chúng tôi làm một nhóm khảo sát tour như nói trên...
* * *
Đúng ngày ấn định cho cuộc hành trình năm ngày bốn đêm của đoàn khảo sát tour Sài Gòn - Nha Trang - Đà Lạt, trước ngày lên đường đêm ấy tâm trạng tôi háo hức vô cùng, vùng đất Nha Trang thì ít nhiều tôi cũng đã từng ăn ở nơi đây một thời gian và cũng đôi ba lần qua lại thành phố xinh tươi này trước ngày ba mươi tháng tư.
Tôi háo hức vì đây là chuyến đi khảo sát vùng cao nguyên Lăng Biang của Đà Lạt mộng mơ, vùng đất mà tôi chỉ được biết qua sách báo, qua truyền hình nên chuyến đi này nó khiến tôi rất nôn nao muốn nhanh chóng đặt chân lên là điều dễ hiểu.
Sáng tinh mơ khi lủ gà trong chuồng chưa kịp gáy sáng là tôi đã có mặt tại điểm hẹn, chừng ít phút sau các vị khách cũng hiện diện, có điều thật tiếc cho đoàn khảo sát do bận việc bất ngờ nên Nhà văn Sơn Nam không tham dự, có lẽ người tiếc nhất là tôi vì tôi dự định trên con đường thiên lý tôi sẽ có dịp hỏi han ông về các câu chuyện ông sáng tác và cũng để học hỏi nơi ông những vốn sống của ông biết đâu sau này tôi có dịp cần đến. (Nay nhà văn Sơn Nam đã thành người thiên cổ rồi).
Anh Châu một tài xế lão luyện đưa chúng tôi bon bon trên đường xa lộ Sài Gòn, ra đến quán Phở Tàu Bay ngoài xa lộ chúng tôi vô ăn sáng, trong khi ăn Tiến sỹ Hữu chỉ vào mấy tô chén muỗng bằng nhựa đựng thức ăn của quán, ông nói:
- Việt Nam mình bây giờ xài đồ nhựa nhiều quá, bên Đức họ loại bỏ hết chỉ sử dụng đồ dùng Thủy tinh. Giấy. Sành sứ, inox, mây tre lá thiên nhiên, các loại đồ nhựa rất độc.
Tôi nghe ông nói tôi cứ ngớ người ra, vì vừa hết thời bao cấp được xài mấy thứ đồ gia dụng bằng các loại nhựa đủ màu sắc bắt mắt thì ai nấy cũng mừng, nào ai biết được trong đó có đầy các hóa chất, chứa thức ăn lâu ngày không tốt cho sức khỏe con người, bài học đầu tiên tôi học nơi vị này là vậy đó.
Xe tiếp tục lên đường, quốc lộ 1 mạch máu nối liền Sài Gòn ra các tỉnh miền Trung miền Bắc đang được sửa chữa lại, ổ gà, ổ voi, ổ khủng long đầy đường, xe dằn xốc liên hồi khiến tô phở vừa ăn xong đã được tiêu hóa cấp kỳ, anh Châu là dân hút thuốc đôi ba lần ghiền quá anh định đốt điếu thuốc cho qua cơn buồn ngủ, nhưng anh đành nén lại vì sợ ông Việt Kiều Tây Đức sửa lưng thì mất vui, bởi đi xe đông người nếu hút thuốc trên xe là điều khiếm nhã.
Qua Dầu Giây, đến Xuân lộc Long khánh, nơi mấy chục năm trước trận thư hùng giữa hai miền Nam Bắc trong thời binh lửa, một thời đau thương của dân tộc Việt Nam sao mãi hận thù.
Còn cách Phan Thiết chừng vài cây số, hai bên những ruộng muối ngút ngàn, những đụn muối to ngọn cao vun vút chờ chuyển bán đi cho các nơi, Diêm dân nơi đây đúng với câu ví: "Bán lưng cho đất, bán mặt cho trời" cực khổ như vậy đó, đôi khi vị mặn của muối kia chát mặn ở đầu môi của họ, vì khi muối làm ra thương lái ép giá rẻ như bèo, có khi lại đụng hàng với muối nhập cảng mới là chuyện khôi hài, vì đất nước có bờ biển thật dài mà phải nhập cảng muối.
Thôi thì chuyện làm kinh tế mình miễn bàn, chỉ mong sao bà con Diêm dân đừng bao giờ phải khóc bên ruộng muối khi được mùa.
Mùi nước mắm từ đâu theo gió tràn vô xe nghe ngột ngạt, trong tôi có ý nghĩ hài hước tôi bèn ghẹo anh Châu tài xế:
- Anh Châu ơi ! Tui nghe người ta đố ông Mù đi xe đò ngang đây là địa danh gì, thì ông Mù nói trúng phóc luôn đó anh, vì mùi nước mắm khu vực này là của thành phố Phan Thiết chứ đâu mà bày đặt đố, nghe mùi là biết liền mấy ông ơi.
Anh Châu cười cười rồi nhấn ga dọt lẹ cho qua khỏi vùng đất có "Mùi thơm" trứ danh này, trưa hôm đó chúng tôi ghé một nhà hàng gần chợ để dùng cơm, thức ăn ngon, tươi, lạ miệng, nhất là dĩa nước mắm y để chấm các loại cá vớt trong tô canh ra, nó đậm đà vô cùng nên khi thấy người phục vụ trong nhà hàng đi ngang qua tôi khiều anh ta lại và hỏi nhỏ:
- Anh vui lòng cho hỏi thăm, nước mắm này rất ngon, nhà hàng mua ở đâu vậy?
Rất nhiệt tình anh ta chỉ tay ra ngoài cửa chính rồi nói:
- Đó anh, cái cô mập mạp mặc áo xanh là chủ đó, anh muốn mua bao nhiêu cũng có.
Được cái "Tuy dô" có nơi bán "Đặc sản" này khiến tôi phấn chấn vô cùng, tôi thầm đếm số người quen thân để liệu định mua đủ số chai về biếu làm quà, nhằm lấy le với họ mình cũng đi du lịch nơi xa như ai.
Cơm nước xong, tôi thả bộ ra khỏi nhà hàng rồi bước qua chỗ bà bán nước mắm, bà ta đon đả mời chào hàng hóa, thậm chí bà còn khui một chai cho tôi lấy ngón tay út chọt vào để thử nước mắm số một La mã của Phan Thiểt, nếm xong tôi mới thấy anh chàng hồi nãy giới thiệu không ngoa chút nào, vậy là tôi trút "Hầu bao" ra mua ba thùng, khi đang trả tiền tôi bổng thấy anh Châu tài xế nháy nháy mắt ra hiệu liên tục mà tôi chẳng hiểu anh ta muốn nói điều gì với mình, hai ông khách đi cùng cũng người mua vài thùng như tôi, cả ba người mua đều hả hê vì có quà quý về cho bạn bè.
Lúc chất mấy thùng nước mắm phía sau cái cốp xe, anh Châu nói nhỏ với tôi:
- Tui nháy muốn lòi con mắt ra hiệu kêu đừng mua, mà chú em mầy cứ mua, tụi này nó bán đồ ba trợn không hà. Đem về nhà hai bữa nó bốc mùi thúi rùm có nước đỗ xuống cống chứ ăn uống gì được, tui mà la lên tụi nó thù oán mai mốt ra đây nó nhớ số xe thì coi như xong đời chiếc xe của tui luôn.
* * *
Thị xã Phan Rang Tháp Chàm ngấp nghé phía đàng xa, hai bên đường bà con trồng ngút ngàn các loại Nho, Nho xanh, Nho đỏ đầy trái mọc trên giàn, anh Châu tài xế giới thiệu qua tiếng gió gào thét ở ô cửa kính của xe:
- Nho mùa này nhiều lắm, tối nay mình ngủ ở khách sạn Ninh Chữ tui sẽ đãi mọi người uống rượu Nho Phan Rang nghe, ngon lắm đó, có điều so với loại rượu vang của Pháp, của Mỹ thì quả thật không bằng, nhưng làm được rượu vang như vậy thì cũng hay lắm rồi, uống rượu Vang Ninh Thuận nhậu với con Dông nữa thì còn gì bằng.
Tôi không biết con Dông là con gì, vì đây là lần đầu tiên mới được nghe nói đến, anh Châu tỏ ra một hướng dẩn viên du lịch kiêm tài xế nói một cách rành rọt:
- Con Dông nó tương tự như con Cắc Ké ở trong Sài Gòn có điều nó to và mập hơn, nó hay trốn dưới cát, dân chuyên nghiệp ở đây có người giàu lên nhờ kinh doanh con Dông này đó.
Con đường từ thành phố Phan Rang di vào Ninh Chữ không xa lắm, hai bên cũng mênh mông ruộng muối, chẳng mấy chốc xe đến khu du lịch Ninh Chữ, chúng tôi đi khảo sát không nhằm mùa du lịch nên nơi đây khá vắng khách, chỉ vài ba chiếc xe loại mười sáu chổ ngồi chở khách ra nghỉ dưỡng, còn lại thì lát đát vài cặp tình nhân là người dân địa phương, họ đi từ thành phố Phan Rang chạy Honda vô nơi này để vui chơi và tắm biển khi chiều họ lại quay trở ra .
Nhận phòng xong chúng tôi ào ra biển ngay, thời tiết oi nồng nhưng nước biển thì mát rượi vỗ về da thịt khiến chúng tôi khỏe hẳn lên, đêm đó chúng tôi uống rượu vang, ăn con Dông chiên, nướng, trộn gỏi thật ngon.
Đêm về khuya chúng tôi lại phải ghi ghi chép chép mọi điều của chuyến đi, khi ngã lưng đồng hồ trên tường điểm đúng hai giờ sáng
Sáng hôm sau Tôi và anh Châu thức sớm, ra biển sớm hít thở không khí trong lành với làn gió mát miên man thổi thật la khoái chí, xa xa các ngư dân bủa lưới bắt cá ven bờ, tôi với anh Châu chạy đến phụ kéo mảnh lưới dài ngoằn, thu lưới xong tôi thấy đủ thứ cá, mực tươi, sao biển , tôm tép nằm trong lưới, những ngư dân có thân hình vạm vỡ thấy thành quả không tệ họ mừng ra mặt khiến chúng tôi cũng vui lây.
Mặt trời lên cao, nắng chói chang, khi vào đến nơi bán đồ lưu niệm khu du lich Ninh Chữ, thấy những cái xách tay được người đồng bào Chăm Ninh Thuận dệt với những hoa văn lạ lẫm vô cùng, tôi với anh Châu vào hỏi mua và được cô bán hàng trông thật đẹp ra chào mời:
- Mấy anh mua giúp nhé, đây là sản phẩm của làng dệt Mỹ Nghiệp làm ra, ở đây tụi em bán giùm cho họ, không có lời lóm gì đâu, giá rẻ thôi, chỉ có hai mươi lăm ngàn đồng một cái, mua về tặng cho bồ là hết ý luôn.
Thấy cô gái đẹp ăn nói cũng khá dịu dàng tôi với anh Châu liền mua mỗi người hai cái, tôi còn bông đùa với cô ta:
- Tụi anh chưa có bồ, mua về không biết tặng cho ai đây, hay em làm bồ tụi anh được không?
Cô gái đang vui nghe tôi nói liền chuyển sang làm mặt lạnh như tiền, hầm hầm không nói không rằng thối tiền xong cô ta ngoe nguẩy đi vào bên trong không thèm đếm xĩa hai tên dê xồm không đúng lúc.
Anh Châu thấy vậy liền nói:
- Cô này cũng làm cao ghê hé chú mầy.
Tôi đáp:
- Phải chi tui nói làm bồ mình tui thôi, không chừng cô ta ok, kêu làm bồ cả hai đứa mình cô ta không rủa xả mình là may phước lắm rồi anh ơi.
Ăn sáng xong anh Châu đưa chúng tôi đi thăm làng dệt Mỹ nghiệp, làng đồng bào dân tộc ngườn Chăm, nhà cửa thấp lè tè, nhưng khang trang gọn ghẽ, những người phụ nữ ngồi bên khung cữi toàn bộ động tác dệt đều làm bằng đôi tay, không một máy móc dệt nào được đưa vào nơi đây, tôi thầm phục tài khéo léo của các cô các bà ở đây vì họ đã góp cho đời những mảnh vải đẹp khiến du khách phương xa một khi đã đến nơi này, thì dù khó tính đến đâu cũng mua một vài sản phẩm đem về làm kỷ niệm.
Nhìn nơi trưng bày những sản phẩm đã được hoàn thành, tôi cùng anh Châu thấy mấy túi xách y hệt cái mình vừa mua nơi bán quà lưu niệm ở khách sạn Ninh Chữ, tôi bước vô hỏi giá một bác đứng bán bên tủ kiếng:
- Cho cháu hỏi bác, túi xách này ở đây mình bán bao nhiêu tiền một cái.
- Ở đây giá bốn chục một cái không bớt.
Tưởng chừng mình đã nghe lộn, tôi liền hỏi:
- Ủa sao ngoài khu du lịch bán có hai mươi lăm ngàn một cái vậy bác, bác có nói lộn không.
- Hai mươi lăm ngàn thì mấy chú ra đó mua đi, ở đây bốn chục.
Tôi với anh Châu lật đật rút lui có trật tự, trong bụng tôi lẫm nhẫm:
"Giờ thì mới thấy câu Đắc đồng ế chợ là chính xác" .
***
Chào tạm biệt thị xã Phan Rang với lòng không vui, câu chuyện nói thách khi bán hàng cho du khách là điều rất tai hại cho phát triển du lịch vậy mà... tôi đành bỏ ngỏ ý này không dám lạm bàn thêm, xe lao vun vút qua làng gốm Bàu Trúc, một địa danh chuyện làm ra những sản phẩm đất nung bằng thủ công nhưng không kém phần bắt mắt.
Chúng tôi đi đây đó để xem các tháp chàm, ghé thăm hỏi han nhà một số đồng bào chăm, xong xuôi chúng tôi thẳng tiến ra Nha Trang .
* * *
Cuối ngày hôm ấy khi mặt trời khuất sau dãy núi phía Tây thì chiếc xe cà tàng của anh Châu cũng bò ra đến thành phố biển Nha Trang.
Chúng tôi vào nghỉ chân ở khách sạn Hữu Nghị, khách sạn này nằm trên trục lộ chính của thành phố Nha Trang xinh đẹp, trút bỏ lớp bụi đường sau một ngày vất vả trên con đường thiên lý, có vài người bạn của anh Minh Đăng Khánh là cư dân Nha Trang thứ thiệt, (tôi nói thứ thiệt là ám chỉ các anh này là người chào đời tại Nha Trang) mời chúng tôi dùng cơm tối, xe chạy loay quanh mấy con đường sau cùng chúng tôi dừng chân một nhà hàng ngoài một đảo nhỏ trong thành phố, chung quanh nước bao quanh, gió thổi man mát, bên những dĩa hải sản, nào là Sò, Tôm, Cua, Cá, Mực các anh cho chúng tôi ăn no cành hông , (Cách gọi của miền Nam là cho ăn thả dàn).
Trong khi ăn tôi nhìn quanh quẩn, thấy về phía xa xa là cầu Xóm Bóng, một cây cầu nổi tiếng từ lâu của thành phố này, rồi những nhà hàng khách sạn khác trong vịnh Nha Trang cũng đèn hoa rực rở, khung cảnh trong vịnh thật yên bình...
Về khuya gió càng lạnh, chúng tôi từ giã những người bạn quý của anh Minh Đăng Khánh, trở về khách sạn chúng tôi ghi ghi chép chép lại những điều mắt thấy tai nghe trong ngày, sau này chúng tôi cùng thuyết trình từng người theo nhận xét riêng của mình, nằm xuống tôi nhanh chóng chìm vào trong giấc ngủ sau một ngày "bầm giập".
Sáng hôm sau khi cà phê và ăn sáng tôi mới thấy phong cách của người dân sống bên Tây Đức lần nữa, số là chút nữa chúng tôi sẽ đi thăm hồ cá Trí Nguyên nên muốn ăn uống cho nhẹ nhàng để khi đi tàu ra đảo cho nhẹ cái bụng, chúng tôi ăn bánh mì và hột gà ốp la, ai cũng chừa lại chí ít là cái ruột bánh mì, riêng chú Hữu, ông vét cái dĩa sạch bóng, vừa ăn hết miếng cuối cùng chú Hữu ôn tồn nói:
Bên Đức nói riêng các nước phương Tây nói chung, khi ăn thì không bao giờ để thức ăn thừa mứa, nó trở thành thói quen tốt cho mọi người, ai phung phí thức ăn bị phạt rất nặng, tôi thấy đây là thói quen tốt, người Việt mình nên học hỏi, vì đa phần tiệc tùng ở nước ta thì thịt cá ê hề ăn không hết cũng cứ gọi, cứ trả tiền, lãng phí vô cùng.
Khi thăm hồ cá Trí Nguyên xong chúng tôi trở về khách sạn nghỉ để lấy sức ngày mai "Leo đèo" sang Đà Lạt.
* * *
Còn cách chân đèo Ngoạn Mục chừng hai cây số, anh Châu ghé lại cây xăng ven đường châm đầy bình để bắt đầu chinh phục ngọn đèo hiểm trở bật nhất cao nguyên Trung phần, trong khi đổ xăng chúng tôi nghe loáng thoáng dân địa phương bàn tán với nhau:
- Chết hết trơn, không ai sống sót.
- Ghê vậy, nghe nói xe đó là đoàn chuyên gia người Nhật, xe lao thẳng xuống vực sâu.
Chuẩn bị leo đèo mà nghe cái tin không vui trên làm chúng tôi, "Rợn tóc gáy", anh Châu de cái xe đến một góc khuất cách xa cây xăng, anh Châu lấy nhang đèn bánh trái cất sẳn trong xe ra cúng người khuất mặt khuất mày, cầu xin phù hộ cho đoàn chúng tôi di đến nơi về đến chốn, có lẽ nhờ niềm tin mãnh liệt từ những oan hồn kia phù trợ cho mình, anh Châu đã bình tĩnh đưa chúng tôi đến thành phố ngàn hoa tươi thắm một cách thật yên bình.
Thành phố Đà Lạt thật nhiều nơi đễ mọi người thăm viếng, đoàn chúng tôi đi nào là Hồ Tuyền Lâm, Trúc Lâm Thiền Viện, thác Cam Ly, Hồ Than Thở, Vườn Hồng, Đồi Thông Hai Mộ, Dinh Bảo Đại .v.v...
Điểm thăm viếng đáng nhớ nhất là chuyến đi lên đỉnh Lang Biang bằng loại xe của "Com măng ca", loại xe của Liên Xô hay Trung Quốc viện trợ cho bộ đội miền Bắc thời chiến tranh.
Mỗi xe sáu hoặc tám khách là họ cho xe chạy, đường lên có lúc dốc dựng đứng, một bên là vực thẳm chỉ cần sơ suất nhỏ coi như về "Cõi Niết Bàn" hoặc "Lên Thiên Đàng" trong nháy mắt, nhưng bao nhiêu sợ sệt tan biến hết khi ta lên đến đỉnh, khí trời mát rượi, mây trắng bay thấp lè tè, sương mù bao phủ, nếu trời quang mây tạnh thì phóng tầm mắt ra xa ta sẽ thấy khu vực suối vàng, suối bạc, thấy đỉnh núi mà truyền thuyết tình yêu của Lang và Biang, hai bộ tộc thù hận nhau gây nên cái chết của hai trẻ yêu nhau...
Khi xe leo đèo chúng tôi đã sợ gần chết, khi xuống đèo thì nỗi sợ tăng lên mấy chục lần, ngồi sau thùng xe chúng tôi chỉ có cầu nguyện và cầu nguyện, chắc thần rừng, thần núi Đà Lạt rũ lòng thương nên chúng tôi được bình an khi hạ sơn, khi bước ra khỏi chiếc xe mắc dịch này, tôi tự hứa sẽ không có lần thứ hai ngồi lên những "Cổ quan tài di động này".
Sau khi viếng phần lớn thắng cảnh Đà Lạt, chúng tôi cũng ham vui ghé những lò mức, lò rượu, lò bánh trái mua những phẩm vật nơi này về làm quà biếu, khi về đến Sài Gòn ra chợ Sài Gòn hỏi giá thì câu "Đắc đồng ế chợ" được lặp lại lần nữa.
Tôi rút ra bài học ngẫm lại có lý: "Khi đi du lịch đừng nên bỏ tiền ra mua sắm các sản vật địa phương bày bán, vì lúc nào cũng mắc hơn chợ Sài Gòn, ( Tôi cũng xin lỗi những nơi làm ăn chân chính, và tôi không đề cập trong câu chuyện này) ở đây họ chuyên móc túi khách du lịch, có điều họ biết chắc rằng làm như thế sẽ hại cho địa phương mình, nhưng thói thường là vậy, "Ai chết mặc ai, tiền thầy thầy bỏ túi".
* * *
Còn nhiều địa danh thú vị nữa, nếu tôi kể dông dài e không còn sức, thôi thì xin kết thúc chuyến đi lại nơi đây, xin hẹn lần khác sẽ cùng quý vị đi lòng vòng các vùng đất khác trên quê hương mình nhé.
21.4. 2015
Hai Hùng SG
Kommentar schreiben