*HHSG 11- Cái Chai Đựng Dầu Hôi (Tản Mạn) NV Hai Hùng Sài Gòn (Texas- USA)

 

Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn

 

 

 Cái Chai Đựng Dầu Hôi

            

  Mùa dịch bịnh đang lan truyền ra nhiều nơi, vì vậy các chỗ vui chơi giải trí đông người đều ngưng hoạt động, có những người vì công ăn việc làm thì bắt buộc họ phải ra đường để mưu sinh, trên gương mặt ai cũng có cái khẩu trang để phòng bệnh. 

                       ***

  Ở nhà riết quanh đi quẩn lại cũng chán, chiều qua tui thả bộ trên con đường quen thuộc trong xóm, định đi tới đi lui cho giãn gân cốt, nào dè tui lại gặp thằng Lạc Lớn bạn tui một lần nữa, sở dĩ tui nói ( Nào dè) là tại tui tưởng nó đã về lại La Ngà, không ngờ nó còn nấn ná nhà của bác Tư Chuông ba của nó nơi xóm cũ, để rồi cuối tuần nó mới ra bến xe đò về lại trên đó.

  Tui tấp vô nhà nơi thằng Lạc Lớn đang ngồi nghe mấy bản nhạc Bolero thời xưa, giọng hát của ca Sỹ Duy Khánh đang cất lên trong bài Qua Cơn Mê nghe thiệt đã, vì âm giai của những bản nhạc điệu bolero nó ăn sâu vô tiềm thức của lứa tuổi đám tụi tui ngày xưa, có thể nói "Nó" cũng đã trở thành "Da thịt, máu huyết" trong mỗi con người tụi tui, nên khi nghe những bản nhạc này khiến  làm sống lại những kỷ niệm một thời đã qua.

 Thấy tui kéo cái ghế nhựa ngồi sề xuống kế bên nó, thằng Lạc nói:

 - Trời mưa bay lất phất mà mầy đi đâu vậy Phương, ngồi đi tao kêu thằng (Giựt) ( em của thằng Lạc) pha cho bình trà, tao mầy uống chơi.

  Bạn bè mấy chục măm, sống chung xóm , đi học chung, chơi chung từ nhỏ tới giờ, lâu lâu mới có dịp gặp nhau nên dễ gì tui bỏ qua, nghe nó nói pha bình trà tui đáp liền:

 - Vậy được đó, mưa lâm râm trời lành lạnh mà có bình trà nóng là ngon hết biết luôn, sao mầy nghĩ trúng ý tao quá vậy.

  Chưa để cho thằng Lạc kịp trả lời, tui "đế" thêm cho nó một câu:

 - Có trà nhưng có bánh kẹo gì nhâm nhi cho vui không Lạc.

 Nghe tui nói kiểu "Được Voi đòi Tiên", nó "Sực" lại tui liền:

 -Chèn ơi, thời buổi khó khăn mà có trà uống là ngon lắm rồi, vậy mà mầy còn đòi bánh kẹo nữa hả thằng quỷ, mấy thứ đó tao hông có, thôi mần bậy miếng (Mứt bí) đỡ đi Phương ơi!.

  Nghe nói nói có mứt bí tui lấy làm lạ, đâu phải Tết nhất gì mà nhà nó còn mứt bí, tui bèn hỏi:

 -Chèn ơi , mầy đừng có nói với tao là mứt bí còn lại hồi Tết tới giờ nghe Lạc.

 Nó trả lời không cần suy nghĩ:

 - Chớ còn gì nữa, mầy yên chí cứ ăn đi vì mứt này ở nhà tao tự "sên" lấy, không có trộn hóa chất của chợ Kim Biên vô đâu mà lo, tao để dành ăn uống trà quanh năm, mầy ăn thử miếng nha, "Tào tháo" không có rượt đâu mầy sợ.

 Nói xong thằng Lạc đứng lên bước vô nhà sau, khi nó trở lên tui thấy nó cầm trên tay cái keo đựng mứt bí.

 Nó chìa cái keo đã mở nắp, thằng Lạc mời Tui :

- Ăn đi Phương, ngon lắm đó, xong rồi hớp miếng trà nóng vô đã lắm nghe mậy.

 Tui vì nể bạn nên "Bấm bụng" cầm miếng mứt bí của "Hai mươi tám Tết" năm nay của nhà thằng lạc, đưa lên miệng cắn và nhai lấy có rồi nuốt trọng luôn, đúng như thằng Lạc nói ăn miếng mứt của nó làm thật thơm ngon không khác gì mới làm ra chứ không phải hàng "ế" từ hăm tám Tết.

 Sau vài ngụm trà thằng Lạc bắt đầu đưa tui quay về sống lại những năm tháng của thập niên sáu mươi...

                      ***

  Buổi trưa nọ khi tan trường, thằng Lạc đang cặp kè với tui trở về nhà, khi tới ngã ba chỗ có cái "Phông tên nước" hai đứa tấp vô đưa miệng vô cái vòi uống ừng ực, trời nắng chang chang được giải khát bởi dòng nước mát lạnh từ cái "Phông Tên nước" này, hai đứa tui vô cùng sảng khoái tinh thần, rồi bổng thằng Lạc nó hỏi tui:

 -Ê Phương , lâu quá mình không chọc ghẹo bà Năm ( Má của thằng Thành) , đâu hôm nay tao tính vầy nè mầy coi được (hông).

 Nó kê vô lổ tai tui nó bày mưu kế, nghe xong tui tưởng tượng ra cảnh bà Năm gặp phải cách phá phách của hai thằng quỷ nhỏ khiến tui cười khoái trá, nhưng phá bà Năm kiểu này thú thật cũng tội nghiệp cho bà, bỡi mắt bà đã mờ, đi đứng không còn nhanh nhẹn như xưa, trong lòng tui áy náy định nói với thằng Lạc đừng ghẹo bà nữa coi chừng mang tội với người già.

 Thằng Lạc nó đọc được ý nghĩ của tui, nó bèn trấn an:

 - Bà Năm má thằng Thành tụi mình thương bả không hết, cái này mình ghẹo bà Năm cho vui thôi Phương ơi, đâu có tổn hại gì cho bà Năm đâu mà sợ, cứ giỡn cho vui, bữa nào mình bù lại cho bà Năm với thằng Thành hai gói xôi bắp coi như chuộc lỗi. 

 Nghe nó nói cũng xuôi tai, tui gật đầu cái rụp, thế là ....

 Trưa đó cơm nước nghỉ ngơi và học hành xong, thằng Lạc lấp ló ngoài cửa, nó ra hiệu cho tui tới giờ hành động, tui theo nó qua tiệm tạp hóa của cô Ba Sao kế bên nhà để mua "Vật liệu" cho cuộc chơi phá phách bà Năm một bữa.

 Thấy hai ông "Thần nước mặn" bước vô tiệm, cô Ba hỏi liền:

-Hai đứa mua cái gì đây, nay có mấy xâu bánh Rế ngon lắm, cô Ba mới lên xóm "Công xi heo" trên chợ đem về nè, nó giòn rụm mà thơm ngon nữa nghe bây.

 Nghe cô Ba "Quảng cáo" món ngon khiến tui với thằng Lạc thèm chảy nước miếng, gia tài có năm cắc bạc, mua một số viên bi ( Ve chai) để phá bà Năm, giờ không lẽ mua hai xâu bánh Rế thì không đủ tiền mua mấy viên bi, sau một hồi suy tính, tui với thằng Lạc quyết định mua một xâu bánh Rế, còn lại nhiêu tiền mua đạn ve chai đem về.

 Bánh rế là loại bánh làm rất đơn giản, nhưng cái độ giòn , cái độ ngọt, cái béo béo của bột khiến con nít thời bấy giờ mê lắm, nhất là nó có màu đỏ tươi thật bắt mắt, làm bánh Rế hoàn toàn bằng tay, thợ ngắt cục bột nhỏ rồi xòe bàn tay rộng ra đè lên cục bột rồi lăn cho nó thành một cọng bằng đầu đũa, họ ngắt bột ra thành từng khúc dài chừng ba bốn phân, rồi cuốn tròn nối lại thành cái vòng tròn nhỏ, cứ vậy thả vô chão dầu đang sôi ùng ục, khi bánh chín nó tự nổi lên trên mặt chão dầu, họ lấy cái vợt có lổ nhỏ bằng đồng thau, được gắn trên cái cán gỗ dài để với bánh ra cho ráo dầu, khi bánh nguội thợ làm bánh lấy sợi "Dây lác" chẻ nhỏ phơi khô để xâu bánh lại, một xâu chừng hai mươi cái bánh, giá bán chừng một hai cắc bạc một xâu, mấy đứa con nít ngày xưa mua về chưa thèm ăn liền đâu nhất là mấy đứa con gái hay điệu đàng, lấy xâu bánh tròng vô cổ làm sợi dây chuyền đeo thật duyên dáng, lúc thèm thì kéo bánh lên nhai tiện lợi vô cùng, cũng vì vậy có đứa bị tía má đánh cho một trận tơi bời khói lửa, vì dầu mỡ trong bánh còn sót lại chảy dính đầy áo giặt rất cực.

 Cầm xâu bánh rế với bịch nylon đạn ve chai, (loại đạn này có ba cỡ, loại lớn, loại trung bình và loại nhỏ, trò chơi thằng Lạc bày đầu chỉ cần xài đạn loại trung bình là đủ) hai đứa tui đi lơn tơn tới nhà bà Năm để bắt đầu "Quậy".

 Nhà bà Năm nghèo lắm, đồ đạc trong nhà không có vật gì đáng giá mà phải sợ trộm đạo rình mò, vì vậy nhà bà không có cánh cửa để đóng mở như các căn nhà khác trong xóm, chú Ba Thợ Mộc một người hàng xóm tốt bụng định gắn cho bà một cánh cửa cũ của khách hàng thay ra, bà Năm một mực khước từ, bà nói với chú Ba:

 -Thôi dượng ơi! Nhà tui có cái giống gì quý giá đâu, ăn trộm nó vô cũng không có cái gì cho nó lấy đâu.

 Chú Ba thợ mộc ghẹo bà:

-Bà Năm nói sao chứ nhà bà không có cánh cửa, tụi ăn trộm nó vô rinh thằng Thành đi mất là mệt lắm nghe .

 Bà Năm nói:

- Chèn ơi, cái thằng Thành nó làm biếng như quỷ, nó ngủ nướng dữ lắm dượng Ba ơi, ăn trộm mà rinh nó tui còn cầu nữa.

 Nói xong câu đó bà Năm tủm tỉm cười, chú Ba thợ mộc và tui tui biết tỏng tòng tong, bà Năm thương thằng Thành dữ lắm, vì nó là con một của ông bà, khi ông Năm bỏ bà "Đi xa" thì Thành là cái "Phao" để bà dựa vô đó mà sống với phần đời còn lại của mình.

 Bước vô nhà bà Năm, hai đứa tui xuống sau bếp, nhìn xuống chân cái "Gạc măng gre" cũ mèm của bà, tui thấy cái chai dầu hôi bằng thủy tinh đang ở đó, đem chai dầu hôi lên nhà trên, tui thấy trong chai chỉ còn lại ít dầu vậy là trúng ý của thằng Lạc, đưa tay rút cái nút "Cạc bần" của chai dầu hôi ra, nó quơ cây đèn dầu "Huê kỳ" đang để trên bàn thờ ông Năm đem xuống đất, thằng Lạc kêu tui vịn cây đèn, nó tháo cái bóng và họng đèn ra, rồi trút hết dầu hôi trong bầu đèn vô chai dầu hôi, tiện tay nó bắt đầu thả mấy viên bi ve chai vô miệng chai dầu hôi, từng viên từng viên nó lọt thỏm và chìm xuống đáy chai dầu hôi, khi thả hết số viên bi vô chai thằng Lạc đậy nắp lại rồi đem chai dầu hôi về chỗ cũ, còn tui lắp cây đèn dầu và đem trả lại nơi nó tọa lạc lúc nãy, hành tung hai đứa thật êm ru đến nỗi chú Ba thợ mộc và thằng Mẫm bạn tui đang bào đang đục mấy cây gỗ mà chẳng hay biết điều gì.

 Tối đến bà Năm đi bán mới về, nhờ bóng đèn tròn cho ánh sáng vàng vọt của nhà chú Ba chiếu sang, bà Năm lò dò vô nhà tới bên cây đèn dầu để thắp lên, lúc này hai đứa tui đang rình phía trước, vì biết thế nào bà Năm cũng phải châm thêm dầu vô đèn, quả vậy khi thấy đèn cạn nhách không còn miếng dầu nào, bà Năm lại mò mẫm xuống bếp lấy chai dầu hôi lên, thấy bà Năm cằm chai dầu hôi trở lên phía nhà trên khiến tui muốn bật cười thành tiếng , nếu tui không tự bịt miệng mình lại thì sẽ tự tố cáo mình cho bà Năm biết thủ phạm nào đã thả mấy viên bi vô chai dầu hôi .

 Đem cái đèn và chai dầu hôi ra sân để ăn ké ánh sáng đèn bên nhà chú Ba chiếu sang, khi bà Năm chỏng cái chai dầu định châm vô đèn, bà chợt nghe âm thanh lách cách của các viên bi trong chai đụng nhau phát ra âm thanh này, mỗi lần muốn đỗ dầu vô thì các viên bi nó ùa tới miệng chai khiến bà Năm không dám châm dầu tiếp, bà sợ viên bi nó lọt vô bầu đèn nên bà dừng lại, vì vậy tòa cả buổi mà chỉ có ít dầu được chảy vô bầu đèn, tức mình bà Năm bắt đầu lên tiếng chửi:

- Mẹ tổ nó, cái quân nào phá dữ thần ôn vầy nè.

Chú Ba với thằng Mẫm ăn cơm phía sau nhà, khi nghe tiếng bà Năm la lớn, chú và Mẫm buông đũa chạy lẹ lên phía nhà trên rồi hỏi :

- Gì vậy bà  Năm, trộm vô ăn cắp vàng hả, thi nói rồi bà đưa tui giữ cho,  bà để lung tung tụi nó biết ráo rồi.

 Đang sùng trong bụng vụ chai dầu hôi, nghe chú Ba ghẹo bồi thêm nữa, bà Năm còn la dẫu lên nữa:

- Thôi dượng ba ơi, đừng ghẹo tui nữa, cái đám quỷ nào nó thả mấy viên đạn bắn Cu li vô chai dầu hôi , tui châm "quài" không được nè, tức mình gì đâu.

 Thằng Mẫm nó tới để phụ bà Năm châm dầu vô đèn, tưởng dễ ăn ai dè Mẫm nhà ta cũng gặp y kiểu như bà Năm gặp phải khi châm dầu, rồi nó buộc miệng nói:

- Bà Năm có nghi đứa nào phá không, tui là không có rồi đó, sáng giờ cưa cưa đục đục mệt ứ hơi, không tin hỏi anh Ba tui coi phải hông nè.

Bà Năm nói :

Không phải mầy thì cũng thằng Phương , thằng Lạc Lớn chứ ai trồng khoai đất này,

Rồi tự dưng chú Ba thấy hai thằng tui đang núp bên gốc cây Le kiu ma sau lưng nhà bà Bốn, chú kêu:

- Thôi hai ông nhỏ, vô đây xin lỗi bà Năm đi, vụ này mấy ông chứ ai, dặn rồi đừng ghẹo bà Năm nữa tội nghiệp.

Bà Năm thấy chú Ba nói vậy bà liền nói theo liền:

- Thôi dượng Ba ơi, xóm này có nhiêu đó hà, không mấy đứa tự làm thì có bữa dượng làm quân sư bày cho mấy đứa phá tụ chứ đâu.

 Chú Ba thợ mộc cười cầu tài rồi nói:

- Vụ này tui không ó nha bà Năm, mấy vụ khác thì ... Thì có chút đỉnh.

                      ***

 Lấy cái thau nhôm đỗ hết dầu hôi và mấy viên bi ra thau, thằng Lạc vớt hết bi ra ngoài rồi lấy cái quặn để châm dầu hôi vô đèn và vô chai trả lại cho bà Năm.

 Khi cây đèn dầu cháy sáng, bà Năm xuống bếp lục đục lo cơm nước để chút nữa chờ thằng Thành về ăn, lúc này hai đứa tui cảm thấy hối hận vô cùng, vì tưởng đâu giỡn chơi chút xíu chẵng hại gì, nhưng thực tế khiến nà Năm mất thì giờ quý báu để nghỉ ngơi khi xong một ngày kiếm sống ngoài đường.

 Đúng lời hứa, sáng hôm sau hai đứa tui hùn tiền lại mua hai gói xôi bắp của bà Tư bán xôi trong xóm, đem hai gói xôi để lên cái bàn thờ nơi thờ phượng ông Năm, tụi tui biết chắc rằng khi thức dậy trước khi rời khỏi nhà bà phải đốt nhang cho ông Năm, khi bà thấy hai gói xôi bắp này chắc bà cũng vui lòng, và bà đoán chắc rằng đây là quà tạ lỗi của hai thằng quỷ nhỏ chứ ai vô đây .

                        ***

 Nhắc lại chuyện này khi hai thằng tui đầu đã điểm sương, bà Năm đã đi thật xa, còn thằng Thành bạn tui giờ còn mất nơi nào chẳng ai biết được, thôi thì nhân câu chuyện hôm nay tui viết lên, nếu ai biết được Thành ở đâu thì nhắn nó quay về xóm cũ, nơi này những người bạn thân thương của ngày xưa vẫn còn đây và hy vọng có ngày "Trái đất tròn" tụi tui sẽ gặp lại nhau tại nơi này, nơi mà dĩ vãng vẫn còn nương náu trong mỗi con người của đám " Xây lố cố" ngày xưa.

 

  14.8.2020

Hai Hùng Sài Gòn

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền