*LY 4- Cái Hũ Gạo (Truyện Ngắn) NV Lê Yên (Sài Gòn- VN)

 

Nhà Văn Lê Yên

 

 

 

Cái Hũ Gạo

                                                                 

 

         Bà Hai ngồi đó, bên mâm cơm chừng đã nguội hết thức ăn, lưng chén cơm trước mặt sao nghe no ngang, toàn những món con trai và con dâu bà thích. Từ sáng sớm bà đã đi chợ, sơ chế sẵn để tủ lạnh, chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Bữa cơm gia đình trong ngày bà cũng thường xuyên một mình đối diện với mâm cơm vì những cuộc đột xuất tiếp khách trong việc làm ăn của con. Căn nhà trở nên rộng hơn, không một âm thanh… Chan miếng canh vào chén cơm cho dễ nuốt, bà dùng thìa múc từng muỗng một cách thờ ơ, sự va chạm nhỏ cũng tạo nên tiếng vang rất rõ, vọng lại từ nỗi cô đơn xế chiều. Nhìn thố cơm trắng còn đầy nguyên bà chợt nhớ đến cái hũ gạo ngày xưa… Khi cái lon đong gạo chạm đáy, âm thanh sắc nhọn vỡ ra, xoáy buốt nỗi nhọc nhằn, đè nặng trái tim bà…

 Bà ngồi trên chiếc xích đu trước hiên nhà trong ánh sáng nhạt từ phòng khách hắt ra, gió đưa hương những khóm hoa hồng phảng phất êm đềm, lắng dịu của đêm… Dõi tầm mắt xa xăm qua cánh cổng rào thưa, bà có thể nhìn thấy con đường tấp nập người và xe qua lại. Mọi người vội vã… Trước đây bà cũng vậy, ra khỏi nhà khi mặt trời chưa mọc, trở về đường phố đã lên đèn. Thỉnh thoảng có ngày nghỉ, bà tìm cơ hội để chào hỏi hàng xóm. Trong bà như có ai đó đốt lửa, một tháng ba mươi ngày, một năm mười hai tháng, như chiếc kim đồng hồ không ngừng nghỉ. Đâu là sức mạnh? Gần đến cuối đời, nhìn lại những đoạn đường đã qua, mỗi một bước chân đi in dấu tình thương và các con chính là động lực… Nhìn con lớn lên từng ngày, được cắp sách đến trường, cấp một rồi cấp hai, cấp ba, vô đại học. Bà không còn biết đói, biết lạnh, cũng quên mất cảm giác thèm ăn món gì, chỉ suy nghĩ nấu món ngon con thích, ăn no đủ để lớn…

 Thời gian như chớp mắt. Mới đó con bà đã khôn lớn. Có thể yên tâm mà hưởng phước tuổi già, không còn lo nghĩ. Bà đã sử dụng thời gian trong ngày của mình với nhiều công việc, không muốn đối diện với khoảng trống… Vậy nhưng cũng có lúc nằm thừ ra không biết làm gì, lắng nghe cơ thể đau chỗ này, nhức chỗ kia và trong đầu vang lên những câu hỏi: “Bà đã thật sự già rồi sao? Bà đã trở nên vô tích sự hồi nào thế? Sao lại bạc nhược như thế này…?”

 Cưới vợ cho con trai, bà đã một bước tròn tâm niệm. Có những lúc một mình trong căn nhà vắng vẻ, ngồi trước di ảnh người chồng quá cố, lặng đi với cảm giác trở về thật xa ngày ông còn sống… Nắm tay đi hết đoạn đường đời/ Nào ngờ sóng vỗ bão tơi bời/ Thuyền nan một mảnh tay chèo ngược/ Thuận với vô thường đợi tới nơi… Bà đã đợi được ngày này… Ngày mà sự an yên cho bà cảm giác cuộc đời đã lãng quên chính mình…

 Trời trở gió thổi tung những chiếc lá rụng rơi đầy hàng hiên, lao xao lùa về cuối góc thấp, nép vào đêm yên phận… Bà tựa đầu vào chiếc xích đu, khép hờ đôi mắt, lội ngược dòng trong thế giới tĩnh mịch, trộn lẫn những suy nghĩ mông lung, muốn tách ra, sắp xếp chúng lại ngày hiện tại… Bà muốn thêm nắng, thêm gió, thêm vận động để ngày sống thêm ý nghĩa… Đời là một chọn lựa, bước xuống hòa mình vào luân chuyển sự sống hay tự nhốt mình trong bốn bức tường với một mặc định già nua, hết thời gian còn lại? Trong bà đã có quyết định…

Có tiếng chuông làm bà giật mình trở về thực tại, bước ra nhìn qua ô nhỏ thấy con về tới, vội mở rộng cửa. Chiếc xe hơi màu đen chạy thẳng vào nhà rồi tắt máy. Bà bước vào phòng khách, bật cái tivi cho vui tai… Cùng lúc con trai và con dâu bà lên tiếng: “Con chào mẹ.” Mặt bà tươi tỉnh hẳn lên, liền hỏi: “Các con có ăn thêm gì không?” Tiếng con dâu trả lời: “Dạ không.” “Vậy các con tắm rửa rồi nghỉ ngơi cho khỏe.” Con trai quay qua nói với vợ: “Em lên phòng tắm trước đi, anh chơi với mẹ chút.” Nói rồi nó sà xuống bên cạnh, trong chiếc ghế sopha dài gối đầu lên chân bà, dài giọng “Mẹ… gãi đầu cho con…” Bà cười khẽ: “Có vợ rồi còn nhỏng nhẻo…” Miệng nói thế nhưng bà vẫn gãi đầu cho con trai như hồi còn nhỏ. Đầu nhiều tóc, đen mun, ngày xưa bị bạn chọc quê cái đầu tóc rễ tre lúc nào cũng khét nắng, bây giờ đã hớt cao gọn gàng. Thời sinh viên nó vừa học vừa làm, gà-mên cơm mẹ bới cho treo lủng lẳng bên chiếc xe đạp, tới bữa thường ăn chung với bác bảo vệ trong khi các bạn xuống căn tin… Ra trường ngày làm hai ca, nó cũng như bà trở về nhà khi mặt trời đã đi ngủ… Một ông chủ trẻ nghiêm túc với công việc, ba mươi ngoài mới dẫn cô dâu của mình về ra mắt mẹ. Bà cưới vợ cho con, mong mau có cháu nội cho vui cửa nhà.

 Bình minh như một sự chờ đợi, dậy từ rất sớm với thói quen thời vất vả, những người phụ nữ một nắng hai sương thời gian chừng không đủ… Họ làm việc, chợt bàng hoàng không biết trời đang vào khuya hay đã về sáng… Bên ngoài tờ mờ cảnh vật, chỉ chờ có thế, bà mở cửa bước ra tạ ơn thượng đế một ngày mới. Vươn vai với những động tác thể dục cho máu huyết lưu thông, bà cảm giác thật sảng khoái… Quét sân, hốt lá rụng, bật vòi nước tưới những chậu cây cảnh và tia nắng đầu tiên bắt đầu xuyên qua những giọt nước lấp lánh phản chiếu đủ sắc màu, ánh sáng đó ban phát sự sống, trải dài vô tận.

 Các con đi làm, trả lại cho bà không gian lặng yên! Công việc làm thoáng đã xong. Mở tủ lạnh bà ngao ngán: đồ ăn hôm qua vẫn còn nguyên… Thừ người ra, nhớ ngày con còn nhỏ, chẳng có bữa nào là thịnh soạn, sao mà ngon lạ! Bà chỉ tính đủ phần con, còn mình ăn những gì còn lại để không phải phung phí. Vậy mà cái hũ gạo của bà chẳng khi nào đầy… Bữa ăn là một ân huệ, không chỉ thức ăn mà được cùng ăn với người thân trong yêu thương gắn kết. Uống vội ly sữa, bà thay bộ đồ tươm tất, với tay lấy cái túi xách, bỏ vào những thứ cần dùng, không quên mang theo chai nước lọc. Trong bà nôn nao như thiếu nữ lần đầu đi hẹn hò… Hôm nay bà định bụng bước ra ngoài kia, nơi con đường dẫn lối không có đích đến, chỉ muốn đi lại những bước ngày xưa với một tâm thái khác…

 Sài gòn với nhiều tuyến xe buýt, phương tiện giao thông giữa các quận, huyện. Từ nhà, bà đi bộ một đoạn ngắn là có trạm. Bà đứng ở trạm chờ thật nhẹ nhàng, như người đi rong chơi, không mang theo một đống hàng hóa như thuở nào trong buổi chợ sớm mai đầy áp lực… Vừa lúc có chiếc xe buýt ghé vô. Bước lên xe, theo thói quen bà chọn hàng ghế thứ hai sau lưng tài xế, đó là ghế ngồi gần cửa để xuống hàng cho lẹ. Yên vị chỗ ngồi, trả tiền vé, đảo mắt một vòng bà thầm nghĩ “Xe giờ này không đông như xe sớm mai…” Cảm giác thân quen, gần gũi khiến bà cứ tủm tỉm cười.

Chuyến xe ngày cũ của bà thật vội, lên xe hấp tấp, kiểm lại hàng hóa. Nghề làm bếp trong đầu chỉ có thực đơn và nguyên liệu… Bên ngoài màn đêm với những ánh đèn lấp loáng. Tựa đầu lên thành ghế bà ngủ giấc mộng thường chập chờn tiếp nối, mặc cho xe ghé vô bao nhiêu trạm nhưng khi đến điểm dừng của mình mới bật dậy tỉnh táo, bước xuống xe với lủ khủ hàng hóa… Trời vừa chớp mắt ưu tư với ánh sáng nhạt, trách bà sao sớm rộn ràng đánh thức… Bà đi cho kịp thời gian… khi sương đêm còn thấm lạnh vai áo, con trăng về muộn, dõi theo bà qua mỗi mùa vơi, đầy nhọc nhằn… Trở về chiều ở trạm chờ xe buýt, có những hôm thành phố ngập trong mưa mùa, mắt môi tím tái co lại giữa lồng lộng ướt run, bà như manh áo thô trở tứ bề giữa nắng mưa cuộc đời, vá víu yêu thương, hong khô muộn phiền… Khi chuyến xe chuyển bánh mọi địa chỉ lướt qua thật mơ hồ nhưng trong bà đã có đích đến… 

  Khẽ thở dài, mới đó đã hơn hai mươi năm. Trước đây quá vội với ngày sống bà không còn thời gian quan sát chuyển động chung quanh, không cảm nhận được sự huyền nhiệm từ cuộc sống…

Xe đã vào trung tâm thành phố. Bà xuống xe tại một trạm không định trước, đứng lại định thần nhìn quanh, bước những bước thật chậm, như người ở dưới quê mới lên, hết nhìn bên này lại nhìn bên kia rồi ngửa cổ mút mắt tòa nhà cao tầng, dãy phố với nhiều cửa tiệm bày bán đủ mặt hàng sang trọng, người qua lại tấp nập… Bà được sống trong một thành phố văn minh, giàu có, tiến bộ mọi mặt, vậy mà trước đây không biết, hay nói đúng hơn những người mưu sinh vất vả, thời gian ngủ còn không có, lấy đâu thưởng lãm cuộc sống… Định bụng mỗi ngày sẽ đi một tuyến đường, muốn nhìn ngắm nơi cho bà đủ cảm xúc để nhớ về hai tiếng gọi quê hương! 

 Cho đến một ngày, bà xuống trạm xe buýt, còn đang tần ngần dõi tầm mắt chung quanh… Phía bên kia đường có một quán cơm từ thiện với cái tên "Niềm Vui" gợi sự tò mò… Chưa vội bước qua, bà ghé vô xe bán nước dạo bên đường ngồi xuống, vừa uống từng ngụm trái dừa tươi, mát lạnh, vừa làm quen hỏi thăm cô chủ. Được biết quán chỉ phục vụ hai ngày giữa tuần. Tiếng cô hàng nước cất lên “Sắp tới giờ cơm trưa rồi, lát bà sẽ thấy người ta đến đông lắm.” Bà ngồi tám chuyện được một lúc. Quán bên đường bắt đầu có khách đông dần, đa số là dân lao động, không biết họ đến từ đâu? Bà hiểu được cảm giác này… Có phần cơm từ thiện, tiết kiệm được chút tiền. Giữa cái nắng ban trưa, bà nghe nao lòng như đứng trước một chiều thu hiu hắt khiến nước mắt chảy tuôn… Mang vội mắt kiếng giấu đi cảm xúc của mình, bà thầm nghĩ “Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nếu không may gặp bất hạnh, xin có đủ nghị lực để vượt qua và vươn tới…” Bà đứng lên, không quên cám ơn cô chủ, mạnh dạn bước qua bên kia đường. Chỉ còn vài người khách sau cùng, quán cơm từ thiện cũng khá rộng. Người đứng gần cửa lên tiếng “Bà dùng cơm?” Một người khác: “Bà vô trong ngồi cho mát.” Ngồi xuống một chiếc bàn gần quầy, bà khẽ nói “Cho tôi ít cơm thôi.” Vừa ăn bà vừa quan sát: Có tất cả bốn người, họ đều là những người lớn tuổi, căn bếp không được sắp xếp theo đúng quy trình một chiều nên bừa bộn vướng víu. Bà tự cười thầm mình với cái nhìn nghề nghiệp… Ăn xong bà đánh bạo hỏi thăm người đàn ông đứng ở quầy, chắc cũng trạc tuổi bà, nãy giờ nghe người khác gọi là ông Tư. “Ở đây ông có cần người giúp không?” Bỏ cặp mắt kiếng, ông ngước nhìn bà hồi lâu rồi trả lời: “Ở đây chúng tôi không thuê người làm, như bà thấy đó, bọn già chúng tôi tự làm tất cả.” “Không! Không, ông đừng hiểu lầm! Tôi chỉ muốn giúp! Tôi có thời gian và biết nấu…” Những người khác nghe bà và ông Tư nói chuyện như hiểu ra. Ai cũng bỏ việc đến bên quày góp vô mỗi người một câu. Họ là những người bạn đã về hưu, muốn sử dụng thời gian còn lại thật hữu ích. Họ không muốn tự kỷ ám thị về hai tiếng tuổi già. Không muốn làm gánh nặng tâm lý cho con cái. Nuôi con lớn đó là bỗn phận cha mẹ, hãy cho con sự tự do sống cuộc đời của nó… Chỉ sau thời gian ngắn ngủi nói chuyện, làm quen giới thiệu về nhau, bà với họ như không còn khoảng cách. Sự đồng cảm trong suy nghĩ khiến mọi người sít lại gần nhau. Vẫn là tiếng ông Tư “Được bà chị giúp cho một tay còn gì bằng, nhưng phải cho con biết nhé!” “Ông yên tâm, tôi biết sắp xếp.”

 Cảm giác trên con đường trở về khác hẳn lúc đi. Bà tìm cảm hứng cho ngày sống để xua tan sự nhàm chán! Được làm việc, được phục vụ người khác đó là niềm hạnh phúc. Bên trong bà như có ai đang nhóm lửa… Bà không muốn lặng đi trong cái tĩnh mịch thời gian chờ đợi sự chết, chỉ là một chuyến đi về, cứ thuận theo tự nhiên mà đến…

 Xuống trạm xe buýt, bà bước chân sáo, lòng khấp khởi vui như cô gái đang xuân. Vô nhà rót ly nước lọc uống một hơi rồi đi thẳng xuống bếp đến bên cái hũ gạo, tâm hồn bà đang chuyện trò cùng hũ gạo. Bà truyền cảm hứng và niềm vui cho nó! Từ nay nó không phải bị bỏ quên trong xó bếp với số gạo cũ xì, nhạt thếch, cứ phải ôm ấp giữ lấy do những buổi cơm vắng bóng con. Ngày mai bà sẽ đem hết số gạo này đi, để hũ gạo lại được đong đầy tươi mới…

 Bà đến quán cơm từ thiện cũng vừa kịp lúc mọi người. Ai nấy rất vui khi thấy bà trở lại. Bà Tám lên tiếng “Chị mang gì nhiều vậy?”  Bà cười vui trả lời “Có gì đâu, chỉ một ít gạo và rau.”

 Vào căn bếp nhìn quanh một lượt, bà muốn một vài thay đổi cho tiện công việc. Chỉ một loáng là xong (tổ chức bếp là nghề của bà…) Nhân lực hôm nay có thêm bà là năm. Được xào, được nấu, nghe lại âm thanh lửa bừng lên từ cái bếp khè, mùi thịt cháy xém gia vị khi chiên thật hấp dẫn… Bà như linh hoạt hẳn lên không còn cái vẻ trầm mặc thường ngày. Ai nấy đổ mồ hôi sau một hồi làm việc nhưng ánh mắt họ lấp lánh niềm vui, nụ cười rạng rỡ… Ai cũng có cái để cho đi và đó là hạnh phúc. Đến giờ ăn, từng tốp người cứ thế vào quán. Khách như quen thuộc với chỗ ngồi thường ngày. Năm người phục vụ luôn tay trong thoáng chốc đã hết sạch thực phẩm. Hết giờ, họ ngồi lại bên mâm cơm với những gì còn lại… Những con người tìm vui trong việc phục vụ, ngày qua ngày, sẻ chia từng mẫu chuyện đời có lúc tưởng chừng không qua được…

 Hôm nay ông Tư nhắc chừng “Bà Hai! Chị lưu địa chỉ và số điện thoại vào sổ nhé!” Khẽ cười bà lên tiếng “Yên tâm, tôi còn mời mọi người đến nhà tôi một chuyến cho biết.” Nói rồi bà vỗ vỗ vào cái thùng nhựa cứng đựng gạo kế bên “Cái hũ gạo này trách nhiệm không của riêng ai! Tin đi nó không những đầy gạo mà còn nở hoa nữa…” Ông Tư tròn xoe mắt với câu nói bỏ lửng của bà.

Chào mọi người ra về, đứng ở trạm chờ bà nghe nhói ngực trái. Đưa tay lên xoa ngực vẫn là thói quen mỗi khi bà thấm mệt với hơi thở thật nặng nhọc. Mới đó đã tròn một năm kể từ lần đầu tiên bà bước chân vào quán cơm từ thiện “Niềm Vui”. Tình cảm mọi người dành cho nhau rất tốt. Ở đó bà tìm thấy sự ấm áp như ngôi nhà thứ hai của mình. Xuống xe bà bước đi trong trạng thái không trọng lực. Trái tim bà mơ hồ thổn thức… Bệnh cũ rồi, bà biết có ngày này, cứ thế mà đến sao! Gọi điện cho con “Con trai…” tiếng bà đứt quãng rồi tắt lịm… Không biết bà có kịp nghe ở đầu bên kia tiếng con trai thảng thốt gọi mẹ… 

***

                                                            l

 

  Ông Tư và những người bạn ở quán cơm từ thiện đứng lặng trước di ảnh người đàn bà. Những bàn tay run run với nén nhang không đành lòng cho tiễn biệt… Khuôn mặt người trong khung ảnh đang nhìn họ như mỉm cười…

 Con trai bà Hai đưa cho ông Tư cuốn sổ tiết kiệm người mẹ để lại cho quán cơm từ thiện…

Đâu đó trong đầu ông lại vang lên: “Cái hũ gạo này trách nhiệm không của riêng ai…”  

 Những giọt nước mắt không cầm được chảy dài…

 Cả một đời nước mắt cứ chảy ngược vào trong như đến giới hạn… Họ muốn được khóc thật to như đám trẻ con phật ý…

Hẹn gặp lại… những đóa yêu thương đã nở hoa giữa hũ gạo cuộc đời…! 

 

                                                                                                  SÀI GÒN 11/5/2020

                                                                                                         LÊ YÊN

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền