*PĐN 3- Một Phát Biểu Về Thơ Kiểu "Điếc Không Sợ Súng" (Lời Bình) Nhà Thơ Phạm Đức Nhì (Texas- USA)

 

Nhà Thơ Phạm Đức Nhì

 

    

 MỘT PHÁT BIỂU VỀ THƠ KIỂU “ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG”

 

 

Ông Nguyễn Vũ Tiềm Trả Lời Phỏng Vấn Của Báo Giáo Dục & Thời Đại

 

Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, trong cuốn “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” xuất bản năm 2000 và sau đó tái bản nhiều lần, ông có nêu tiêu chí của thơ là: -Xúc cảm khác thường -Suy nghĩ khác thường -Cách nói khác thường. Gọi tắt là X-S-C. Qua hơn mười năm, hiện nay phong trào sáng tác thơ phát triển rất đông đảo, tiêu chí “khác thường” này có còn phù hợp không?

 

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (NVT): Khi đọc cuốn sách Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam, Giáo sư Hoàng Như Mai viết bài đăng báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam, có biểu dương bài đề dẫn của tôi trong cuốn sách ấy, trong đó có tiêu chí về thơ mà bạn vừa nói đến, tất nhiên là từ “khác thường” hiểu THEO CHIỀU MỸ CẢM. Tôi nghĩ, dù thời gian trôi đi, tiêu chí ấy vẫn nguyên giá trị.

 

PV: Nhưng nhiều tập thơ (nhất là ở các địa phương) được in ra nhìn chung là có sao viết vậy, hình ảnh câu chữ rất “bình thường”, tiêu chí “khác thường” sao còn phù hợp nữa?

 

NVT: Nếu một bài thơ mà “có sao viết vậy” thì là văn vần chứ không phải thơ, nó chỉ giống như thơ mà thôi.

PV: Ông có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về sự khác nhau giữa thơ và văn vần?

 

NVT: Tôi gọi văn vần là chỉ chung những bài “giống như thơ” nhưng gần với ca dao, hò vè, tấu, diễn ca hơn là thơ. (Ca dao, hò vè, tấu, diễn ca… là những thể loại văn học mà đa phần có nguồn gốc từ thời chưa có văn học viết).

 

 

http://vanvn.net/tu-doi-vao-van/phan-biet-tho-va-van-van/1814

 

 

Thơ Và Văn Vần

 

Trong văn chương có 2 thể loại chính: Văn Xuôi và Văn Vần.

 

1/ Văn xuôi là loại văn không có vần như các loại văn nghị luận, phê bình, hợp đồng thương mại, án quyết của tòa…

 

2/ Văn vần gồm ca dao, đồng dao, hò vè, tấu, diễn ca … và Thơ. Văn vần thì thường có vần - ngoại trừ thơ tự do và thơ văn xuôi.

 

Như vậy, thơ là một thể loại của văn vần.

 

Đặc Tính Của Văn Xuôi

 

1/ Sử dụng con chữ để chuyển tải thông tin.

2/ Cảm xúc nếu có, chỉ là sản phẩm phụ. “Cái tôi riêng tư” cũng có thể xuất hiện

3/ Không vần.

 

Đặc Tính Của Thơ

 

1/ Sử dụng con chữ để diễn tả một cảm xúc, tâm trạng.

2/ Tâm, hay còn gọi là phần hồn hoặc “cái tôi riêng tư” của tác giả phải có mặt trong khung cảnh của bài thơ (và có câu thơ sinh tình). (Tâm, phần hồn, “cái tôi riêng tư” – 3 tên gọi nhưng chỉ là một thứ)

3/ Có vần và (hoặc) nhịp điệu - ngoại trừ Thơ Tự Do và Thơ Văn Xuôi

 

Đặc Tính Của Vè

 

1/ Vè là chuyện khen chê có vần; chuyện xuất hiện tức thời, mang tính thời sự, tác giả nắm bắt nhạy bén sự việc, sự kiện, ghi nhanh rồi truyền đi để gây dư luận. (Thí dụ: Vè Chàng Lía, Vè Quan Đình, Vè Tán Thuật). Người xưa cũng sáng tác vè để quảng bá một số kiến thức phổ thông cho giới bình dân (Vè Loài Vật, Vè Loài Hoa, Vè Loài Rau, Vè Loài Quả) cũng như chế diễu những thói xấu của con người. (vè nói dóc, vè đánh bạc)

2/ Ngôn ngữ vè mộc mạc, đơn giản, thường không đạt tới một hình thức trau chuốt, hoàn chỉnh.

3/ Những người đặt vè, bẻ vè, nói vè phần nhiều thuộc tầng lớp dưới trong xã hội.

4/ Người viết vè kể chuyện nhưng là kẻ bàng quan, đứng ngoài câu chuyện của bài vè.

5/ Vè tuyệt nhiên không có cảm xúc của cái tôi riêng tư.

 

 

Văn Với Thơ Có Thể Nhập Nhòe

 

Do cái nhìn về thơ đương đại ngày càng phóng khoáng nên có người nói khoảng cách giữa văn và thơ bây giờ chỉ như “sợi tơ mong manh”. Theo tôi, văn và thơ bây giờ đôi lúc không còn khoảng cách nữa mà đã nhập nhòe.

 

Thí dụ:

 

Em ơi!

Hãy nhìn lên trời xem có bao nhiêu vì sao

thì anh yêu em còn nhiều hơn thế nữa.

 

Đây là câu nói của một anh chàng nịnh người yêu của mình. Nó là văn xuôi nhưng do cái nhìn phóng khoáng về thơ nên cũng có thể gọi là thơ vì đã có đủ 3 đặc tính của thơ – có cảm xúc, có “cái tôi riêng tư” trong cảnh thơ, và nằm trong trường hợp “ngoại trừ” (không có vần - Thơ Tự Do).

 

 

Phân Biệt Thơ Với Vè (Và Những Thứ Không Phải Thơ)

 

Thơ với Văn có thế nhập nhòe nhưng Thơ với Vè (hoặc những thứ không phải thơ) thì rạch ròi tách biệt.

Cái tạo nên sự tách biệt đó là “cái tôi riêng tư”.

 

Người viết vè kể chuyện bằng “trí” nhưng tâm đứng ngoài câu chuyện của bài vè; do đó, vè không có “cái tôi riêng tư”.

 

Thi sĩ khi làm thơ phải cho tâm của mình - tức là “cái tôi riêng tư” - xuất hiện trong câu chuyện (khung cảnh) của bài thơ.

 

Trong bài vè, nếu có “cái tôi riêng tư” của tác giả xuất hiện trong câu chuyện, nó sẽ tự động thành thơ.

 

Trong “bài thơ”, nếu không có “cái tôi riêng tư” của tác giả trong khung cảnh thơ thì phải gọi nó là “cây dị chủng trong vườn thơ”; nó có thể là vè hoặc là “một chủng loại gì đó” chứ không phải thơ.

 

 

Một Số Tác Phẩm Giống Thơ Nhưng Không Phải Thơ

 

1/

 

HÌNH VUÔNG

 

Muốn tìm chu vi hình vuông

Lấy cạnh nhân bốn lệ thường nhớ ghi

Diện tích hình vuông khó gì

Lấy cạnh nhân cạnh sai đi đường nào.

 

Môt ông thầy dạy toán nào đấy đã mượn thể thơ lục bát để diễn tả một công thức toán cho học trò dễ nhớ. Nội dung của 4 câu lục bát hoàn toàn là sản phẩm của lý trí, không có một chút cảm xúc nào. Đây không phải là thơ.

 

 

2/

 

Con ơi, muốn nên thân người,

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

Gái thì giữ việc trong nhà,

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.

Trai thì đọc sách, ngâm thơ,

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.

Mai sau nối được nghiệp nhà,

Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

(Ca dao)

 

3/

 

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

(Ca dao)

 

Một nhà Nho đã đem quan niệm về chữ hiếu của Khổng Tử dàn trải trong thơ lục bát để loan truyền trong dân gian. Đây chỉ là sản phẩm của lý trí, tâm chưa đối cảnh, không có cảm xúc, không thể gọi là thơ.

 

 

4/

 

KINH PHÁP CÚ

Không làm các việc ác

Tu tập các hạnh lành

Giữ tâm ý thanh tịnh

Là lời chư Phật dạy

 

Chỉ là lời chư Phật dạy, không cảm xúc.

 

5/

 

HÃY TIN CHÚA

 

Hãy tin nơi Thiên Chúa

Hồn xác dâng cho ngài

Hãy sống theo lời Chúa

Chết, sẽ về nước Trời

 

Đây chỉ là lời kêu gọi mọi người Hãy Tin Chúa, hoàn toàn đến từ bề mặt ý thức, là sản phẩm của lý trí, không có bóng dáng cảm xúc nên không thể gọi là thơ.

 

6/

 

HÃY MUA THUỐC SỐ 42

 

Ai khóc ngoài quan ải?

Ai chưa đánh đã chạy dài?

Thuốc này bôi một tý thôi

Là trèo lên ngựa vung roi cả ngày

Thuốc này, ôi thật là hay!

Thuốc này tên gọi là Xây Xập Zì (tiếng Hoa: 42)

 

Đây có vóc dáng là thơ nhưng chỉ là bài quảng cáo thuốc “chơi lâu” ở các tỉnh biên giới phía bắc. Nó là sản phẩm của óc thương mại, kinh doanh, không phải là những lời tâm tình, hàm chứa cảm xúc.

 

KHÔNG MUỐN MÀ PHẢI NÓI

 

Nói thêm về bác Vượng:

Nếu bác có gì sai

Thì đã có pháp luật.

Pháp luật không chừa ai.

 

Bác chưa hề bị bắt,

Chưa bị tù, nghĩa là

Bác là công dân tốt.

Tốt gấp vạn chúng ta.

 

Tốt vì bác đóng thuế,

Chắc nhiều lắm, rất nhiều.

Tạo hàng triệu công việc,

Tất nhiên cho người nghèo.

 

Nhờ những người như bác,

Tức kinh tế tư nhân,

Kinh tế mới phát triển,

Cuộc sống mới khá dần.

 

Bác muốn tăng học phí?

Quyền của bác chứ sao.

Không thích thì mời biến.

Bác không ép người nào.

 

Dễ thấy một chấm bẩn

Trên một tấm kính trong.

Nhưng thấy cả tấm kính,

Rất tiếc, thường là không.

 

Không một ai hoàn hảo.

Thị trường là thị trường.

Có sai mới có đúng.

Chuyện ấy rất bình thường.

(Thái Bá Tân)

 

Đây là một trong những “bài thơ” của Thái Bá Tân mà nói đến thể loại có người đặt cho cái tên rất “chua”: Vè Thời Đại. Tôi không dám vơ đũa cả nắm, nhưng có thể nói khá nhiều thơ của TBT thuộc loại này. Chúng như những bài giảng mạch lạc của một thầy giáo có kiến thức, có khả năng sư phạm và có tài “chọn chữ xếp vần”. Chúng đến từ bề mặt ý thức, là sản phẩm của lý trí nên thiếu cái điều kiện cốt yếu để được gọi là thơ.

 

Những tác phẩm “không phải thơ” trong mục này được trích trong Em Còn Trẻ Và Em Không Thể Biết Của Nguyễn Đức Tùng Có Phải Là Thơ? của Phạm Đức Nhì. (1)

 

 

Mấy Điều Lầm Lẫn Của Nhà Thơ Nguyễn Vũ Tiềm

 

1/ Hiểu Sai Hai Chữ “Văn Vần”

 

Ông Nguyễn Vũ Tiềm nói:

 

Nếu một bài thơ mà “có sao viết vậy” thì là văn vần chứ không phải thơ, nó chỉ “giống như thơ” mà thôi.

 

Như đã giải thích ở trên, thơ chỉ là một thể loại của văn vần. Ông Nguyễn Vũ Tiềm dùng hai chữ “văn vần” không chính xác.

 

Tuy chỉ là lỗi kỹ thuật nhưng do tính văn chương “cao cấp” của nội dung cuộc phỏng vấn – nói đến cội rễ, gốc gác của thơ - nên nó là lỗi rất nặng.

 

 

2/ “Có Sao Viết Vậy” Không Phải Là Thơ?

 

Như đã giải thích ở phần trên, điều kiện để tặng danh hiệu Thơ cho một tác phẩm là “chữ tình” riêng tư của tác giả - chữ chuyên môn là “tâm đối cảnh”, “cái tôi riêng tư” có mặt trong cảnh thơ - chứ không phải 3 cái “Khác Thường” như ông Nguyễn Vũ Tiềm nói.

 

Thí dụ:

 

Anh thương em lắm Phấn à

Thương em anh muốn em là của anh.

 

Đây là hai câu tỏ tình non tay của một cậu học trò 15 tuổi. Tác giả diễn đạt kiểu “có sao nói vậy”, chẳng có gì “khác thường” nên không được văn hoa lắm. Nhưng chữ “tình” thì đã hiện rất rõ. Cậu đã gởi hồn của mình vào tác phẩm. Ai dám bảo hai câu ấy không phải thơ?

 

Chúng ta thử đọc câu sau đây trong diễn văn nhậm chức của Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy:

 

“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn -  

mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc.” (2)

 

Câu này có “suy nghĩ khác thường”, được nói một cách khác thường, đã đi vào lịch sử ở cả hai phạm trù chính trị và văn học. Nhưng vì không có cảm xúc, xuất phát từ cái đầu chứ không phải con tim nên không phải là thơ. 

 

Và đây là hai câu khác:

 

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

(Hồ Chí Minh)

 

Ý tưởng đúng đắn, xứng đáng để các em nhỏ học hỏi, ứng xử, nhưng hoàn toàn là sản phẩm của lý trí. Vì thế không thể gọi là thơ.

 

Còn hai câu:

 

Nhìn con học giỏi hiền ngoan

Lòng cha cảm thấy ngập tràn sướng vui

(PĐN)

 

Cha đã bước vào khung cảnh bài thơ và đã có cảm xúc. Đích thị là thơ.

 

Hoặc:

 

Trồng trầu thì phải khai mương

Làm trai hai vợ phải thương cho đồng

(Ca dao Nam Bộ)

 

Một người từng trải, nhiều kinh nghiệm về chuyện đa thê đã đưa ra lời khuyên đối với những anh mới học đòi Phòng Nhất, Phòng Nhì. Đó chỉ là sản phẩm của lý trí, không có cảm xúc.

 

Còn mấy câu:

 

Bà lớn ở nhà đang trông

Nhìn em “quá đã” qua không muốn về

Thôi đành mặc người cười chê

(PĐN)

 

Cảm xúc đã dạt dào - mê bà nhỏ đến mức quên cả lẽ công bằng của người đàn ông hai vợ (theo câu ca dao). Đã có thơ.

 

Tóm lại ở phần này:

 

Tác phẩm dù  non tay, “có sao viết vậy” mà có “tâm đối cảnh”, có “chữ tình” thì vẫn được gọi là thơ.

 

Tác phẩm dù có “khác thường” đến mấy mà không có “tâm đối cảnh”, không có “chữ tình” thì vẫn là “cây dị chủng”.

 

Phát biểu của ông Nguyễn Vũ Tiềm về cội nguồn, gốc gác của thơ là không chính xác.

 

(Phần trên đây được trích trong Bàn Thêm Về Nhận Diện Thơ của PĐN)

https://phamnhibinhtho.blogspot.com/2017/03/ban-them-ve-nhan-dien-tho.html

 

Cách Nhận Diện Thơ Của Ông Nguyễn Vũ Tiềm Không Đúng

 

Ông Nguyễn Vũ Tiềm viết:

Hai câu thơ quen thuộc và rất hay của nhà thơ Chế Lan Viên:

 

“Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt

Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm”

 

Gié lúa và cây gỗ là thứ vô tri, nó đâu biết mơ ước đến những điều cao siêu ấy, mà chính là cảm xúc, ý tưởng của nhà thơ về chúng mà thôi. Ở hai câu này nhà thơ dùng thủ pháp nghệ thuật nhân cách hóa.

 

Nếu làm văn vần chỉ cần viết:

 

“Lúa vàng hạt mẩy đồng ta

Trầm hương gỗ quý, bao la trên rừng”

 

Văn vần thường tả chân, phản ánh trực tiếp sự vật, phù hợp với đề tài người thật việc thật.

 

 

Hai câu thơ của Chế Lan Viên được trích trong bài Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng? Nếu tách riêng như ông Nguyễn Hữu Tiềm thì 2 câu:

 

“Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt

Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm”

 

không có “chữ tình” của “cái tôi riêng tư” nên không thể gọi là thơ được. (Ông NVT nói có cảm xúc là nói lấy có.)

 

Nhưng thơ có một điều luật tạo điều kiện dễ dàng cho thi sĩ làm thơ. Đó là:

 

Một bài dài cách mấy mà chỉ cần có một “câu sinh tình” là cũng đủ điều kiện để được gọi là thơ. Những câu còn lại, dù có tình hay không, cũng được ăn theo để thành thơ.

                         

Trong 68 câu còn lại có khá nhiều câu sinh tình nên Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng? đã xứng đáng với danh hiệu thơ. Hai câu ông NVT cắt ra làm thí dụ, nếu để riêng thì không phải thơ, nhưng nhờ ăn theo cả bài nên cũng được gọi là thơ.

 

Lấy 3 câu đầu trong bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận làm thí dụ:

 

Nắng chia nửa bãi chiều rồi

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu

Sợi buồn con nhện giăng mau

 

Ba câu này chỉ là phần dọn cảnh, không có “chữ tình” của “cái tôi riêng tư” nên nếu để riêng chưa thể gọi là thơ. Nhưng đến 2 câu kế tiếp:

 

Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây

Lòng anh mở với quạt này

 

thì “chữ tình” của “cái tôi riêng tư” đã có mặt, cả bài đã thành thơ; ba câu đầu, nhờ thế, cũng được “ăn theo” để thành thơ.

 

Việc ông Nguyễn Vũ Tiềm tách riêng 2 câu trong bài thơ 70 câu để xem 2 câu ấy có phải là thơ không là việc làm không những không hợp lý mà còn có vẻ “ngờ nghệch” nữa.

 

Những Cây Dị Chủng Trong Vườn Thơ Của Nguyễn Vũ Tiềm

 

Ngoài ra, ông Nguyễn Vũ Tiềm vì lơ là với cái gốc của thơ nên đã “làm thơ hóa ra viết vè”. Xin giới thiệu với bạn đọc 4 câu vè của ông:

 

1/

Ban tình yêu, việc của Trời

Giữ tình yêu, việc của người, khó thay

 

Nhận xét của tác giả về việc thủ đắc và gìn giữ tình yêu của con người, hoàn toàn là sản phẩm của lý trí. Ở đây không có cảnh thơ và tâm hồn tác giả vẫn còn nằm ngủ ở một chỗ bí mật nào đó, chưa xuất hiện.

 

2/

Giai nhân son phấn thì sang

Văn chương son phấn lại càng già nua

 

Nhận xét của tác giả về việc làm đẹp cho văn chương một cách giả tạo, bề ngoài. Đây cũng chỉ là sản phẩm của lý trí.

 

3/

Bước đi: học chỉ một năm

Bước dừng: học đến rụng răng chưa thành

 

Không có “tâm đối cảnh”, là sản phẩm của lý trí.

 

4/

Một tác phẩm chưa thể nói thành công

nếu chưa có người đòi mang ra phán xử

 

Rõ ràng là sản phẩm của lý trí.

https://www.thivien.net/Ngu.../author-y-8FU-bxva8gLBdrnIEqeA

 

 

Kết Luận

 

Mới đây (24/04/2020), trong một buổi họp tường trình về tình hình đối phó với dịch Covid19 Tổng Thống Donald Trump có gợi ý cho dân Mỹ tiêm hoặc uống thuốc sát trùng (disinfectant) để diệt Virus Corona. Lời gợi ý phản khoa học của Tổng Thống trong buổi họp được truyền hình toàn nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới đã làm sửng sốt giới truyền thông, y học, quan chức chính quyền và toàn dân Mỹ.

 

Sau đó chỉ riêng tiểu bang Maryland đã có hàng trăm người gọi đến các cơ quan y tế địa phương để hỏi cho rõ thực hư. Thế là các bác sĩ, hãng sản xuất thuốc sát trùng Lysol phải ra thông báo cải chính. Bởi nếu không, dân chúng “nghe dại” Tổng Thống, chích hoặc uống thứ đó vào thì chỉ có … đi đời.

 

Không hiểu sao nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm lại mạnh miệng phát biểu trên báo chí những điều sai lạc về thơ như vậy – mà lại là những cái sai về “gốc gác”, cốt tủy của thơ mới đáng tiếc. Ông là nhà giáo, lại là “Người Nổi Tiếng” nên phát biểu kiểu “điếc không sợ súng” của ông làm những người yêu thơ - đặc biệt là giới trẻ - bối rối, hoang mang, không biết đâu là hư thực.

 

Bài viết của tôi chỉ là một nhận xét “trái chiều”. Rất mong nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm lên tiếng làm sáng tỏ cái “màn đêm u tối” mà chính ông đã tạo ra trên Thi Đàn, thì chúng tôi, những người yêu thơ, sẽ biết ơn ông lắm lắm.

 

San Leon 29/04/2020

 Phạm Đức Nhì

 

 

CHÚ THÍCH:

 

1/

http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/03/em-con-tre-va-em-khong-biet-cua-nguyen.html

 

2/ Ask not what your country can do for you—ask what you can do for your country.

https://www.jfklibrary.org/learn/education/teachers/curricular-resources/elementary-school-curricular-resources/ask-not-what-your-country-can-do-for-you

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền