*LQH 19- Phải Bám Vào Một Điều Gì Đó (Tản Mạn) Lý Quang Hoàn (Florida- USA)

 

Lý Quang Hoàn

 

 

PHẢI BÁM VÀO MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ ...

 


          Phải bám vào một điều gì đó để sống dù biết là mơ hồ và dù tất cả chỉ là những mảnh vụn vỡ sau ô kính và bên ngoài là cơn mưa... Haizaaaa... biết nói sao đây !

Lại một ngày nữa trôi qua trong cái không khí ẩm ướt và giá rét của mùa đông hình như vẫn còn luẩn quẩn đâu đây. Quang chụp vào tai mình cái headphone và chìm đắm trong dòng âm nhạc trữ tình của Giovani Marradi như để lãng quên đi những tiếng nói chì chiết nặng nhẹ của gã chủ cho thuê phòng trọ.

Lê la đến đất Mỹ vừa chẵn năm năm sáu tháng ngoài... Vừa đi làm vừa đi học, thay đổi công việc và nhà trọ như chong chóng. Cứ làm công việc này dăm ba tháng, chán lại bỏ rồi đi tìm công việc khác vì vậy chuyện chậm trễ trong việc thanh toán tiền nhà trọ và phải nghe những lời chì chiết nặng nhẹ là chuyện cơm bữa hàng ngày đối với Quang. Hôm nay cũng vậy, đã quá hạn thanh toán hơn ba ngày rồi vì vậy lão chủ nhà người Brazil lại sang nhắc nhở và nặng nhẹ.

Bên cạnh nơi Quang ở ...

Là những người láng giềng đáng yêu: một chàng họa sĩ xứ Puerto Rico tuổi trung niên với nước da màu nâu hoang dã như những vệt màu sắc anh ta thường thể hiện trên những tác phẩm của mình; một anh chàng là nhà văn đến từ Mễ tây cơ, nơi xảy ra những điều bất trắc, nghèo đói trong thân phận làm người; và một gã râu rìa cao to vạm vỡ, một nhà thơ đển từ quần đảo Haiti. Quang trở nên thân thiết với bọn họ từ cái dạo vô tình gặp nhau tại một cuộc triển lãm về nghệ thuật tạo hình ở Viện bảo tàng nghệ thuật ở địa phương trong khi cùng thưởng lãm một bức sơn dầu của Van Gogh.

Cũng giống như Quang, bọn họ cũng là dân nhập cư với những số phận hẩm hiu khác nhau và trôi dạt đến nơi này, một xứ sở hoàn toàn xa lạ từ thuở còn nằm nôi. Bọn họ khoái Quang vì Quang thường rủ rê nhậu nhẹt chỉ với vài lốc budlight với những món nhắm hoàn toàn "made in Việt nam" như xoài chua ngâm mắm ớt, vài con khô miền tây hoặc đôi lúc hứng chí Quang làm nguyên một nồi lẩu cá bông lau, hoặc món thịt bằm xiên que được nướng trên cái lò than độc nhất. Nhất là những ngày không có job bọn Quang thường tụ tập lại với nhau trước khu vườn cùng lai rai nói chuyện nghệ thuật. Angel Alberto, tên của gã hoạ sĩ xứ Puerto Rico thường nói lên những ước mơ của mình là một ngày nào đó dành dụm đủ tiền để tổ chức một cuộc triển lãm cho những tác phẩm của mình, bán được nhiều tranh và sẽ mời cả bọn về thăm quê hắn ta Puerto Rico môt chuyến với những cuộc dạ vũ thâu đêm suốt sáng cùng những kiều nữ bốc lửa còn hơn ánh mặt trời ... Trong khi đó anh chàng nhà văn xứ Mexico, bọn Quang thường gọi đùa là Amigo, thì trầm ngâm đọc lầm bẳm trong họng những câu thơ mà hắn vừa sáng tác trên một bao thuốc lá với môt chất giọng khàn đục rất Mexican không lầm lẫn với môt ai đó ... Bọn họ thường yêu cầu Quang nói chuyện về Việt nam, nhất là chuyện sông nước ở miệt đồng bằng sông Cửu long, những cô gái miền Tây uống rượu đế như hủ chìm, những món đặc sản miền Tây như gà nướng đất sét, cá tai tượng chiên dòn ăn với bánh tráng cuốn rau thơm, xà lách ...

 

Những ngày giáp tết bầu không khí trở nên lạnh giá một cách khủng khiếp. Quang cứ trầm ngâm và lạnh lùng trong nỗi nhớ nhà, nhớ con cháu đến quặn lòng và nỗi buồn rầu cứ như cục than hồng trong lò, mãi âm ỉ từ năm này qua năm khác. Công việc làm thì bất ổn, thu nhập thì thấp, bảo bọc riêng cho cuộc sống mình đã là một chuyện cực khó nói chi đến chuyện cưu mang thêm một ai đó trong đời. Nỗi dằn vặt về thân phận cứ như một ám ảnh không rời. Nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên xứ sở này với mớ bằng cấp ở Việt nam xem như vứt vào xó bếp vì không được công nhận, nếu muốn thì phải đi học lại từ đầu, Quang nghĩ chỉ lo cho cuộc sống của riêng mình đã khó khăn lắm rồi nói chi đến chuyện học hành ... Lấy đâu ra tiền để trả học phí, trăm thứ đổ vào đầu nào là tiền nhà, tiền ăn, tiền bảo hiểm ... Ôi hàng trăm thứ bà rằn nó đổ lên đầu ... Ai bảo nước Mỹ là thiên đường ...

Trong những ngày như thế này như một cách tiêu dao để quên đi những tháng ngày phiền muộn luôn dằn vặt mình, Quang lao đầu vào chuyện viết lách. Anh viết như chưa bao giờ được viết, viết như một cách đào thoát ra khỏi những bức bách thường ngày, viết như một cách gợi nhớ lại những ngày đã qua và hướng về những ngày sắp tới trong cuộc sống rất đời thường, rất gạo cơm tiền áo. Anh biết trong anh không có một chút nào những tính cách của một nhà thơ nhà văn, vã lại hơn thế nữa cuộc sống của anh vốn dĩ đa đoan và có một chút hơi hám của sự vô độ pha trộn lẫn với tính cách phóng đãng trong cuộc sống thường ngày của anh. Có thể nói viết đối với Quanh như một cách xì van an toàn và tạo cho anh cân bằng lại trong cuộc sống đời thường.

Anh nhớ lại những ngày lúc còn ở Việt nam, nhất là trong những cuộc nhậu nhẹt, anh luôn là kẻ lầy lội nhất, nhậu là phải tới bến, nhậu cho đến khi nào quên đường về mới thôi, chính vì vậy anh bị bạn bè gán cho một hỗn danh là Quang lầy ...

Anh như lạc lõng trong cuộc đời thực, lúc nào cũng như mơ mơ màng màng, trong túi Quang luôn thủ sẵn một tập giấy và cây viết để anh có thể ghi lại những cảm xúc của mình ... trong một quán cà phê với bạn bè, trong môt bữa ăn sáng... 

Quang nhớ lại có một lần vào quán ăn sáng anh gọi cho mình một tô phở thế rồi ý tưởng chợt đến, anh rút vội tập giấy ra với cây viết và cứ thế anh trải dài những ý tưởng lên những trang giấy cho đến khi ngừng lại thì tô phở đã nguội ngắt cùng với những sợi bánh phở đã trương phều từ lúc nào và mọi người trong quán đã nhìn anh như một người đến từ môt hành tinh xa lạ nào đó. Cứ thế cuộc đời Quang trượt dài những bước chân vô định... 

Anh nhớ lại những ngày tháng ở Việt Nam lúc còn làm tour guide với những dòng nhật ký ghi vội vã trong những ngày tour, những mối tình một thoáng nhưng đã để lại trong lòng anh những ray rức khôn cùng và nỗi cô đơn cứ mãi như một ám ảnh không rời. Anh nghĩ mình như được sinh ra chỉ để sa đà vào những mối tình vật vờ mà không kém phần lãng mạn để rồi luôn đứt gánh nửa chừng xuân.

 

Thời tiết ở đây như đã chuyển mùa từ cái giá rét của mùa đông nay đã bắt đẩu với những cơn gió xuân hây hẩy cộng với một chút ấm áp của mặt trời lấp ló đâu đó sau những bụi cây cùng những tia nắng ấm áp dường như truyền cho cây cỏ và con người một chút sự sống thoang thoảng đâu đây sau những ngày đông rét mướt làm Quang nhớ về những cái tết ở quê nhà hơn bao giờ hết. 

Vào những ngày tháng chạp mẹ luôn chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ và lá rong để gói bánh chưng cúng tổ tiên ông bà trong ba ngày tết, sau đó là cả nhà cùng thưởng thức, và Quang được bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu mùa lễ tết một tay mẹ gói ghém từng chiếc bánh chưng vuông vức, bọn con trai thì cùng bố chuẩn bị bếp, nồi luộc và thức để canh chừng củi lửa. Quang còn nhớ như in bóng dáng mẹ nhỏ nhắn lo toan hết thảy mọi thứ trong nhà để gia đình luôn có một cái tết đầy đủ và đầm ấm...

Nhất là đêm giao thừa, bàn thờ tổ tiên với đèn đuốc sáng choang, ánh sáng lấp lánh từ cặp chân nến và chiếc lư đồng toả ra mùi trầm hương thơm ngát và trong khi chờ giao thừa, Quang xách xe lang thang trong thành phố dọc theo những chợ hoa chờ mua được những chậu cúc rẻ rề vì đến lúc này nếu không bán thì cũng vứt đi. Bọn Quang dù có muốn đi chơi giao thừa suốt đêm cũng phải về trước giao thừa vì sau lễ cúng giao thừa cả gia đình tập họp ở phòng khách để chúc tết ông bà và bố mẹ, sau đó ngồi nghe bố mẹ chúc tết các con, nhận xét về những điều đã làm được và chưa làm được trong năm cũ cùng những lời dạy dỗ của bố mẹ chẳng hạn như bước sang năm mới các con phải sống tốt hơn, học hành giỏi giang hơn ...

 

Trong những ngày tháng đặt chân lên đất Mỹ, Quang đã không chọn nơi định cư của mình là San Jose, Houston hoặc Port Arthur mà quyết định di chuyển về Fort Myers, Florida là vì nhiều lý do... Các bang ở miền bắc thì quá lạnh về mùa đông và sức khoẻ Quang không cho phép. Lý do sâu xa khác để Quang chọn về định cư lâu dài ở Fort Myers, Florida là vì anh muốn tìm lại những kỷ niệm về hình ảnh của người cha thân yêu của mình nay đã khuất. Những ngày đầu mới đến đây Quang nghe một số người Việt sống lâu năm ở cái thị trấn hắt hiu Fort Myers này nói chuyện thì bố Quang là người Việt đầu tiên sau 1975 đến định cư ở vùng đất này sau khi rời Philadelphia... 

Ông làm việc cho hội thiện nguyện của nhà thờ chuyên giúp đỡ những người Việt đến Fort Myers sau này như phiên dịch, làm giấy tờ, giới thiệu công việc làm, trợ giúp lương thực, quần áo... Nghe nói ngày ấy ông sống trong một cái trailer và làm việc cho một trường middle school do Hội Thiện nguyện nhà thờ quản lý ... Ông vừa là giáo viên vừa kiêm luôn việc bảo trì điện nước, bàn ghế xe cộ của nhà trường. Môn dạy của ông là tiếng Pháp. Mọi người thường nói về những thói quen của ông là vào những sáng chủ nhật ông thường lái xe sớm ra chợ trời mua vài con gà đem về và thảy cho một số anh em còn trẻ mới đến Mỹ sau 1985 như Phong, Mẫn, Kim hoặc Bảo làm mồi để một số anh em đồng hương Việt nam hiếm hoi trên cái đất này có cớ tụ họp nhắm nháp cho quên đi nỗi nhớ nhà... Dạo ấy ông có chân trong school board, ngoài ra còn làm thêm part time cho bà Francis, một chủ hãng tàu buôn nổi tiếng ở vùng này. 

Bà Francis là người Pháp, chồng bà là một thuyền trưởng tàu buôn, chuyên đi khắp thế giới đã gặp bà và phải lòng người phụ nữ một con, trẻ đẹp mê hồn và sau đó ông đưa bà về đất này thành lập công ty tàu buôn chuyên chở hàng đi khắp thế giới. Dạo ấy bà đã khá lớn tuổi giàu có, sống một mình và nghe đâu có người con riêng ở tận miền Bắc, năm thỉnh mười thoảng mới ghé qua thăm bà, cuộc sống khá buồn rầu vì vậy bà mới nhận bố làm con nuôi kiêm luôn quản gia, kế toán sổ sách cho công ty của bà. Và bà Francis trong một dịp sinh nhật của bố đã tặng cho bố chiếc Cadillac Deville đời 1972 của chồng bà lúc còn sinh thời đậu trong trong garage lâu rồi không ai lái. Bố đã sử dụng chiếc xe ấy trong một thời gian khá lâu và chăm sóc nó còn hơn bản thân mình, mãi cho đến sau này khi bà Francis qua đời, hãng Cadillac có gặp bố điều đình mua lại để trưng bày trong bảo tàng của hãng và ngược lại hãng giao cho bố một chiếc xe khác đời mới hơn và một số tiền nghe nói đâu khoảng chừng mươi mười lăm ngàn buck... Nhớ lại lần đi thăm Bảo tàng xe của hãng Cadillac một nỗi xúc động tràn ngập trong Quang khi nhìn thấy chiếc xe mà thời sinh tiền bố đã từng lái đi làm và gắn bó với nó trong môt thời gian khá dài và Quang như hình dung ra được hình ảnh người cha thân thương, như cảm nhận được vòng tay ấm cúng và hơi hám của ông đã ôm ấp mình trước lúc ra đi ...

Những khoảnh khắc trong quá khứ cứ lần lượt trở về ... trở về trong tâm trí Quang. Quang còn nhớ như in hình ảnh bố trang trọng trong bộ veston màu xanh đậm, mẹ trẻ trung trong chiếc áo dài màu hồng phấn, Quang và các em trong những bộ quần áo mới cùng với niềm vui bất tận của tuổi thanh xuân trong tay là những phong bao lì xì cùng những tờ tiền mới tinh tươm còn thơm mùi giấy. Bọn Quang và các em chạy nhảy tung tăng chơi đùa bên những sòng bầu cua rải rác dọc theo con phố, thế rồi những ngày dấu yêu như thế cũng trôi qua ...

 

Đậu tú tài đôi xong lúc ấy Quang dự định nộp đơn xin thi vào trường Quốc gia hành chánh nhưng mẹ và bố không đồng ý. Bố và mẹ khuyên Quang nên thi vào sư phạm bởi vì thời thế đang buổi nhiễu nhương và dù thời thế có thay đổi như thế nào đi nữa thì con cũng chỉ là một anh thầy giáo bình thường không ảnh hưởng nhiều đến bản thân. Thế nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như bố mẹ suy luận ...

Sau khi trải qua bốn năm miệt mài ở trường Đại học sư phạm, sau lễ mãn khoá lúc nhận bằng tốt nghiệp cũng là lúc Quang nhận được tờ giấy động viên. Thế là một chặng đời mới lại diễn ra.. Trải qua những ngày lăn lê bò toài ở quân trường, Quang được điều động về sư đoàn 23 bộ binh, tiểu đoàn 53 thuộc trung đoàn 44, hành quân dọc theo biên giới Lào và Việt nam. Thế là những ngày máu lửa chết chóc lại diễn ra trong đời Quang. 

Quang còn nhớ một lần về phép mẹ vừa khóc vừa xoa nắn từng ngón tay và bàn tay chai xạm vì cò súng, sau đó mẹ đến bàn thờ tổ tiên thắp nhang khấn cầu cho đứa con trai yêu quý của mình luôn bình an và tránh khỏi mọi tai ương bên hòn tên mũi đạn, trong khi bố ngồi trầm ngâm bên chén trà bốc khói như đang mơ hồ thả hồn vào môt chốn nào, các em thì đang chuẩn bị nấu nướng những món ngon cho ông anh vừa trở về từ chiến tuyến. Quang chợt cảm thấy ngùi ngùi dâng lên mắt nhưng đã cố gắng vượt qua những giây phút yếu lòng đó, tảng lờ bỏ ra ngoài sân châm cho mình một điếu thuốc và nhìn về phía bầu trời trước mặt những tia nhìn vô vọng. Anh biểt một cách rõ ràng là trong cuộc chiến này mình không có đường lùi, chỉ có tiến về phía trước... chết hoặc muôn đời chỉ là một kẻ khiếp nhược, đớn hèn thể thôi ...

Cũng trong thời gian này, những lần dưỡng quân ở Buôn mê thuột, Quang đã quen biết Vân, môt nữ sinh trung học, con gái cưng của một sĩ quan phòng 4 thuộc tiểu khu DakLak, Quang gặp Vân trong một ball de famille và họ đã dễ dàng đến với nhau sau những bước nhảy và rồi phải lòng nhau lúc nào không biết. Quang chỉ nhớ sau buổi party đêm ấy anh đã xin phép được đưa Vân về và ma đưa quỷ dắt lối thế nào hay tại men rượu say anh đã lái chiếc Jeep của đơn vị và đưa Vân đến một trang trại cà phê vắng vẻ. Họ đã cho nhau những nụ hôn và những vòng tay nồng ấm và sau buổi tối đáng nhớ ấy họ đã là của nhau. 

Sau những cuộc hành quân dài ngày, Quang luôn phóng về thị xã để gặp Vân và họ đã cho nhau những giờ khắc ngọt ngào bên nhau ... Ăn tối, khiêu vũ và chuyện trò cùng nhau đến khuya ... Trong những lần như vậy Vân thường nói: - Anh đừng chểt nha anh, anh phải sống, sống cho em, cho những đứa con sau này của chúng mình. Và Quang chỉ biết im lặng bởi anh biết nói gì đây, cuộc chiến vẫn còn đang tiếp diễn, là người lính chiến đấu, hòn tên mũi đạn đâu có mắt ... và anh chỉ ậm ừ cho qua chuyện ...

Sau 1975 đơn vị anh rã ngũ, Quang và vài người lính băng rừng Phước An để tìm đường về gia đình ở Nha Trang. Anh đã trải qua những ngày đói khát, muỗi mòng, vắt và rắn rít. Khi về đến Nha Trang thì cả gia đình đã di tản vào Sài gòn ...

Lại một chặng đời mới tiếp nối, sau khi trình diện, Quang đi học tập cải tạo ở vùng rừng núi Kim sơn. Lại cuốc xẻng, rìu phá đá núi rừng và những căn trại hàng dọc mái lợp bằng tranh rừng, tường là tre nứa và những bữa ăn chỉ là những củ mì được lột vỏ trắng như bắp đùi con gái... Vậy mà Quang cũng đã trải qua những ngày tháng gian khổ ở đấy, cam chịu những ngọn gió bấc trong mùa rét mướt và cái nóng khô khốc của những ngày mùa hè bốc lửa, những cơn sốt rét tưởng chừng như đã đưa Quang đến gần cổng địa ngiục hơn bao giờ hết. 

 

Ngày được ra trại Quang cũng không ngờ được, cứ ngỡ như một phép màu.

Buổi sáng như mọi ngày sau một đêm trằn trọc vì các khớp xương nhức nhối trong những ngày phá núi chẻ đá, gã giám thị bước vào khu trại của Quang với xấp giấy tờ trên tay hô to: - Phạm nhân Lê phú Quang chuẩn bị quần áo và vật dụng cá nhân lên trình diện... Quả thật lúc ấy trong đầu Quang chỉ nghĩ đươc một điều là có lẽ họ chuyển mình về các trại cải tạo khác ngoài bắc như Lạng sơn, Sơn tây... nếu như vậy có lẽ mình sẽ không còn ngày về hoặc sẽ chết rũ trong tù vì đói khát và bệnh tật.

Khi trình diện giám thị trại giam, hắn chỉ nói ngắn gọn : - Phạm được phóng thích trước thời hạn. 

Với một ít tiền hôm trước lặn lội vào thăm Vân đã lén lút chạy chọt với cán bộ trại giam, anh đón xe đò về Qui nhơn, trên người là bộ quần áo dân sự cũ mốc vì chẳng bao giờ mặc ở trại thay cho bộ quần áo tù đặc biệt nhớp nháp với những vêt sọc đặc biệt để nếu phạm nhân có trốn tù cũng dễ bị nhận ra và dễ bị bắt lại...

Quang thắc mắc hoài không biết lý do gì mà anh được thả sớm ? Câu hỏi đó mãi chục năm sau này khi vượt biên và được định cư ở Mỹ, Quang mới có câu trả lời qua liên lạc với một số bạn bè cũ còn ở lại trong nước: đó là nhờ sự bảo lãnh của Viên. Té ra ngày ấy Viên, bạn sinh viên cùng lớp ở đại học sư phạm, học nửa chừng rồi bỏ lên bưng, sau này nghe nói làm chức lớn trong chính quyền mới đã bảo lãnh cho Quang được ra trại sớm ...

 

Nhật ký tháng ngày ...

Mình đã ở Cần thơ... nay Châu đốc ... Hôm nay đã di chuyển trên một chặng đường dài Cần thơ... Thới lai... Ô Môn... Thốt nốt... Long xuyên... Ngày mai lại tiếp tục từ Châu đốc qua Hà tiên... ba Hòn và Rạch giá...

Cuộc đời mình được ví như hòn đá lăn... mãi mãi đi chuyển từ nơi này sang nơi khác với những bến bờ vô định...

Và em... Em đã ở một nơi nào đó trên cái hành tinh cô quạnh này... Mà sao tôi cứ mãi vô vọng tìm em...

Điều này làm tôi nhớ lại một câu văn ngắn của một nhà văn nước ngoài viết cho người tình như sau ...

"It's nice to know that you are in the other side of this world... and we can see each other even just a few finger taps !".

( Thật đáng yêu biết bao khi biết rằng em đã ở một nơi nào đó trong thế giới này, nếu như vậy chỉ với vài ngón tay lướt trên phím là chúng ta có thể gặp nhau từng giờ từng khắc...và sẽ không còn cái cảm giác vắng xa nhau ...)

Ngày kia tôi lại trở về Sài gòn, thành phố của những ganh đua, nổ lực trong cuộc mưu sinh ... và tôi, chính tôi đã cô đơn trong chính thành phố này, ngay giữa đám đông xa lạ... Vậy làm sao, làm sao tôi có thể tìm gặp và nhận ra em giữa một nơi mà tôi không tìm thấy tôi ......


Nhật ký rời ...

"- Thế là Vân cũng đã bỏ mình đi rồi ...
- Biết làm sao được khi ý nàng đã quyết
- Sự phù phiếm của đời sống đã làm mọi người quên đi tất cả.
- Tóm lại mình chỉ là một kẻ thất trận... Nhưng biết làm sao được nhỉ, Vân không thể cam chịu được một cuộc sống khốn khó bởi nàng đã quen với nhung lụa từ thuở chào đời ..."

Sau những tháng ngày trầm uất vì những mất mát trong đời... Một tên lính thất trận, một người tình bị bỏ rơi... Quang cũng dần dần lấy lại sự cân bằng trong đời sống. Anh bây giờ như một loại khí trơ và hầu như không tương thích và xúc tác với bất kỳ một loại hoá chất nào khác. Anh lầm lũi và cặm cụi sống một mình như cây cỏ hoa lá trong vườn ...

Vân, thì nghe nói sau khi bỏ Quang đã lấy một đại gia nào đó ở Saigon, chắc hẳn là nàng cũng đã toại nguyện với những ước mơ rất đời thường ...

Tóm lại, hãy để cho tất cả được mồ yên mả đẹp, cũng không nên khơi lại làm gì, hãy cố gắng sống an nhiên và tự tại ...

Dù nghĩ thế, nhưng bài toán quá khứ vẫn còn đó và Quang vẫn chưa tìm ra được đáp số cho riêng mình, cho đời mình ...

Nhà Văn Lý quang Hoàn

những ngày cuối tháng hai ...
 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền