Võ Công Liêm
GIỮA CHÓ Và NGƯỜI
Mùa hè 1975 Tư Thoáng và Cai Hổ gặp nhau mừng lắm. Họ cứ nghĩ một trong hai đứa thế nào cũng có đứa chết hoặc lưu lạc giang hồ; thì nay gặp lại tưởng như chết đi sống lại. Họ kéo nhau vô chợ, ngồi trệt xuống đất húp tô cháo lòng mụ Ký, nước ’xít’ nồi cháo bốc hơi cuộn vào không gian nghe mùi cứt heo bay phất phới hay là cục dồi nồi trường đặc trên chiếc rá khô phản lại. Họ húp cạn nước cháo còn đọng trong tô nghe reo trên môi. Đoạn hất vô họng ly rượu đế dầm rể cỏ cú một cách cảm khoái. Buổi gặp ’phục sinh’ tưởng như lâu dài, nhưng sau đó lại chia xa bởi vận nước; thế rồi mỗi người mỗi phương chả biết đi về đâu.
Tư Thoáng đi trình diện đàng hoàng như nhiệm vụ công dân đối với chính phủ lâm thời. Nghe tiếng loa đầu chợ; Thoáng ăn vận chỉnh tề, chải lại mái tóc và bước ra khỏi nhà, nở nụ cười trên môi, lê bước đến trụ sở đình làng.
- Bác cần việc gì chúng cháu giúp. Bộ đội giải phóng nói.
- Tôi đi trình diện với Ủy Ban Quân Quản. Tư Thoáng nói.
Qua phong cách của Tư Thoáng người ta thầm cười cái tư chất ít học của ông Tư. Tư Thoáng ngơ ngẩn mỉm cười vì không ai hiểu tinh thần đối xử của hắn, Tư nằng nặc đòi trình diện để được học tập cải tạo sớm trở thành người mới, việc mới trong một xã hội mới.
- Bác đâu phải Ngụy mà trình diện. Cán bộ nói.
- Uạ! Sao lạ thế? Ngụy quân, Ngụy quyền, Ngụy dân đều phải học tập mà lị. Tư Thoáng nói.
- Bác không Ngụy. Bác về và tiếp tục đi cày. Bác là nhân dân tốt. Cán bộ nói.
Tư Thoáng ra về mà lòng buồn rười rượi bởi không ai hiểu lòng yêu nước của mình. -Không Ngụy! vậy thì ngụy ở đây là Ngụy thời chiến quốc bên Tàu hay ngụy quân tử, ngụy tặc đời nay? Tư Thoáng tự vấn. Khi đi thì hồ hởi đến khi về thì mặt mày như đưa đám. Rõ khổ cho thằng dân ngu!
Cai Hổ đi kinh tế mới tận trong Nam sau một năm đất nước thống nhứt. Tất cả gia trang chất lên xe bò đi theo chính sách kêu gọi của nhà nước. Vợ chồng con cái Cai Hổ chấp hành; nói cho ngay gia cảnh Cai Hổ trên răng dưới dế khới cái gì đây. Thôi thì đi cho khuất con mắt, gở cục đất khô nầy có ngày chết không kịp ngáp. Binh cái chiêu nầy Cai Hổ nắm chắc chín chết một sống. Nhưng liều ba bảy cũng liều. Nghiến răng ăn củ chuối, củ môn. Vợ chồng nai lưng cày thế trâu, nạy từng cục đá tảng, biến rừng sâu nước độc thành nương rẫy và rồi xây trang trại chế biến khoai mì thành phẩm trao đổi đến những phố thị xa xuôi. Cảnh nhà Cai Hổ trở nên tư sản mại bản, ăn nên làm ra, sanh chứng tráo trở, đút lót. Được 10 năm tang gia bại sản, khánh tận vì sâu mọt đục khoét, vợ chết, con điên. Cai Hổ bơ vơ như hổ lạc rừng. Từ đó Cai Hổ không còn một đồng dính túi, tinh thần, thể xác như kẻ điên, tiều tụy, xuống sắc không còn oai phong lẫm liệt, xưng hùng xưng bá, tay hô tay quát, bao che lộng hành như trước đây. Hổ đi lang thang khắp phố phường, ngủ đình ngủ chợ, đêm đêm khóc thầm vì thấy đời bạc bẽo, khi sa cơ thất thế nó hùa nhau đạp xuống hố, bạn bè khi đói thì hắn giúp, khi no thì lại tránh hắn, Cai Hổ đau đớn vô cùng phải dung thân vào cái xã hội mục nát, lưu manh, Hổ nhập cuộc cho nên bây giờ Hổ ngậm đắng, cúi mặt mà đi. Hổ biết đi đâu và về đâu.
Mười lăm năm sau Cai Hổ qui cố hương, vát cái mặt mo về làng Vẹm, ngó không được với bà con chòm xóm. Hổ cúi đầu đi như con chó đói, bụng cào, họng khô chớ chi có một cụm rượu làng Chuồn đẩy vô thì đời Hổ sướng biết chừng nào. Hổ không dám nhìn đám bạn cũ; nhìn chi nổi, thằng Đẽo thọc huyết heo ngày nào giờ cũng hai ba căn hộ, cái ở, cái cho thuê. Nghe đâu Đẽo công tác ở huyện đội. Đẽo thoáng thấy Cai Hổ một lần ở chợ Đũi, Đẽo tránh mặt sợ vạ lây. Cai Hổ còn một thằng bạn cố tri mà không ở chợ, mặc dù thằng bạn cũ xưa là kẻ chợ. Không biết giờ này hắn còn sống hay chết. Cai Hổ húp bát chè xanh mà nước chè không chịu chảy xuống họng muốn ngừng lại để trào ra. Hổ nhắm mắt suy tư.
Tư Thoáng nghe con Nghĩa sủa đầu ngõ, vói miệng kêu Nghĩa để ngăn tiếng sủa. Giây lát sau Cai Hổ xuất hiện đứng trước căn nhà lá, phên tre trét đất bùn non trộn với cứt trâu phết lên thế vôi, phên tre khô, nứt để lại những lỗ thủng, ánh sáng uà vào, chiếu sáng như khách sạn ngàn sao giữa bãi vắng. Cai Hổ đằng hắng xem chừng chủ nhân có nhà hay không. Nghĩa không có ở đó. Nghĩa đánh hơi Hổ là kẻ ’sát nhân’ có hơi chó, Nghĩa sợ chạy trốn sau bụi tre.
- Về hồi nào?Nghe cụ lúc nầy làm ăn khắm khá lắm phải hôn?Tư Thoáng nói.
- Khá cái con khỉ mốc. Đói muốn chết đây nè! Cai Hổ nói.
Hai bên hàn huyên tâm sự, mắt nhìn lắu liêng xem bốn bề có gì nhấm nhắp. Trong căn nhà lá của Tư Thoáng ngoài cái chõng tre, lu nước, cái bếp tàn, trên kệ kê vài cái ve chai đầy mồ hóng khó nhận ra muối hay ớt. Ấm nhôm nằm im lặng trên cái kiềng từ sáng đến giờ chờ đun lửa nóng. Tư Thoáng nhớ ra trong khạp còn đâu chừng chưa tới một lon gạo. Nếp ăn ở Tư Thoáng đơn sơ sau khi vợ Tư qua đời; thằng con trai 35 tuổi có vợ, con ở trên chợ huyện, đạp xích lô, thỉnh thoảng về thăm cha với vài ba con cá biển và gói thuốc rê. Tư Thoáng nghèo sát đất nhưng tình cảm bạn bè cao qúy lắm. Vắng bạn mười mấy năm, thấy bạn cơ hàn mà thân mình cũng cơ hàn không nói nên lời, biết lấy gì mà trải tấm lòng. Suy nghĩ mông lung, không có lối thoát, nói cho ngay Tư Thoáng lâu nay trong người cũng khô dòng rượu. Vậy lấy đâu ra rượu để thiết bạn qúy. Vô phương! bỗng nghe tiếng Nghĩa sủa. Tư Thoáng đưa mắt nhìn ra ngoài xem Nghĩa ở đâu. Đứng dậy; tay cầm con dao giấu sau đít, lần mò đến bên cạnh Nghĩa, Tư Thoáng nhìn Nghĩa bằng đôi mắt ủ dột. Nghĩa đến gần vẫy đuôi, vuốt ve Nghĩa đoạn đưa con dao cứa vào cổ Nghĩa, Nghĩa đau nhói, búng mình chạy tẩu thoát vào luống bắp, thở ì ạch, hai con mắt hớt hải, Tư Thoáng quyết chìu tình bạn quên tình chó, ra tay hạ Nghĩa để đánh chén cùng bạn. Cảnh trời xuống chiều, mây xám đầy đặc gây u ám, khó cho Tư Thoáng lùng kiếm Nghĩa. Tư đứng trước gió và mây, đảo mắt nhưng không thấy Nghĩa động tĩnh. Tư Thoáng bỏ cuộc; chó chạy luôn không còn trở về. Tư Thoáng nghe tiếng xào xạt của lá, đứng lại và thấy lạnh ở đôi chân. Nghĩa gục đầu liếm đầu chân Tư Thoáng, ngước nhìn Tư với hai hàng nước mắt. Tư Thoáng nghe như tiếng cầu xin của chó. Tư qùi xuống ôm Nghĩa vào lòng, đứng dậy dương hai tay lên trời và thề rằng : ’Không ăn thịt chó! Không ăn thịt chó!’. Hắn chém phập lát dao vào thân cây. Tư Thoáng chậm rãi bước, chó đi sau lưng, cổ còn rướm máu đỏ.
Về sau người ta không thấy Cai Hổ ở làng Vẹm. Hắn ra đi như đã ra đi và không biết ngày mai có làm ăn khắm khá hơn không ? Tư Thoáng chết vài năm sau đó và thường thấy con chó đốm ngồi trên lưng mộ chủ vào những buổi hoàng hôn ./.
Nhà Văn VÕ CÔNG LIÊM
(gòvấp.Vn. giữa tháng 6/2012)
Kommentar schreiben