Nguyên Lạc
HAI CHỮ QUÊ HƯƠNG
.
HỌA THƠ ĐƯỜNG
Thơ Đường hay Đường thi được xem là thơ hay nhất của các thi nhân đời Đường, trong đó một số được làm theo thể thơ Đường Luật, số còn lại làm theo những thể thơ khác mà đa số là thơ Cổ phong: Cổ phong hay Cổ thể là loại thơ có trước đời nhà Đường, phóng khoáng và tự do về niêm luật - không theo niêm luật nhất định.
.
Bài “Dịch Thủy Tống Biệt” tiễn Kinh Kha qua sông Dịch, đi hành thích Tần Thủy Hoàng của Lạc Tân Vương là thơ Cổ phong ̣́
Từ bài “Dịch Thủy Tống Biệt”, nhiều bạn thơ, trong đó có thi sĩ kiêm nhà bình thơ DHD họa, Nguyên Lạc xin họa theo ghóp vui.
.
1. HỌA THƠ CỔ PHONG
Xin được ghi lại nguyên tác:
Dịch Thủy Tống Biệt
(Lạc Tân Vương)
Thử địa biệt Yên Đan
Tráng sĩ phát xung quan
Tích thời nhân dĩ một
Kim nhật thủy do hàn.
Nguyễn Hiến Lê dịch:
Tiễn Biệt Trên Bờ Sông Dịch
Đây chỗ biệt Yên Đan
Tóc dựng khí căm gan
Anh hùng xưa đã khuất
Nước lạnh hận chưa tan.
DHD họa thơ:
Khứ niên tráng sĩ biệt
Dịch Thủy hàn căm căm
Kim nhật vọng cố quốc
Bạch đầu tâm bất trầm.
Nguyên Lạc lược dịch:
Anh hùng xưa ra đi
Nước sông Dich lạnh căm
Hôm nay nhớ cố quốc
Bạc đầu lòng không an
Nguyên Lạc họa thơ:
Khứ niên mạt sĩ biệt
Đông hải hàn "căm căm"
Kim nhật vọng cố quốc
Cố nhân hề vô âm!
.
Và thêm hai câu:
Kim nhật vọng cố quốc
Cố nhân … bất khả tầm!
Nguyên Lạc tự lược dịch
Cùng sĩ xưa ra đi
Nước biển Đông lạnh căm (*)
Nay nhớ về cố quốc
Người xưa giờ biệt tăm
.
Nay nhớ về cố quốc
Người xưa … ơi nơi nào?! (không thể tìm!)
.............
(*) “Căm căm” là tiếng Nôm, hai chữ nữ sĩ DHD định dùng là “băng băng” nhưng đưa vào thơ thấy không hay nên nữ thi sĩ đọc luôn "căm căm" cho nghe se sắt hơn - Vì xét về âm thanh cũng gần nhau. Tôi đùa với nữ sĩ nên dùng “căm căm” để họa, đúng ra là “lẫm lẫm” [凛凛: Lẫm lẫm là lạnh lắm lắm, rét căm căm]
- Ý 2 câu "Cùng sĩ xưa ra đi/ Nước biển Đông lạnh căm" tác giả muốn nói là ra đi "vượt thoát" sau 1975.
.
2. HỌA CÂU PHÚ TÔ ĐÔNG PHA
.
Vọng mỹ nhân hề THIÊN nhất phương
(Tiền Xích Bích phú - Tô Đông Pha)
(Ngóng người đẹp trời chỉ một phương)
Nguyên Lạc họa
Mộng cố nhân hề ĐỊA đa phương
Thêm 1 câu tâm trạng:
Tưởng cố hương hề NHÂN đoạn trường
Nguyên Lạc lược dịch:
Mơ người xưa đất nhiều hướng
Tưởng cố hương lòng đứt ruột
.
3. THIÊN, ĐỊA, NHÂN
Về 3 chữ THIÊN, ĐỊA và NHÂN trong các câu thơ trên:
Trong Dịch học: Vạch dương ( __ vạch liền) là có; vạch âm (- - vạch dứt) là không.
Trời trên, đất dưới và người ở giữa: Quẻ CÀN: 3 vạch dương ☰ . Quẻ CÀN là quẻ tốt, hạnh thông.
Người (NHÂN) mà: Trên THIÊN - trời không có (- - vạch dứt) ; dưới ĐỊA - đất cũng không có (- - vạch dứt). Trời và đất = QUÊ HƯƠNG không có thì NHÂN - người làm sao vui vẻ, hạnh thông được? Vì lúc đó quẻ CÀN biến thành quẻ KHẢM (Thủy): - Vạch dương ở giữa , hai vạch âm: một trên một dưới. NHÂN- người trên không trời, dưới không đất - nghĩa là không có QUÊ HƯƠNG.
☰ Càn (Kiền)
☵ Khảm (thủy)
KHẢM là nước: Nước chảy lang thang không nói cố định. Không quê hương ai mà không lang thang?
Hãy cố gắng bảo vệ quê hương mình để còn nó. Mong thay!
.
LỜI KẾT
Qua trên, Nguyên Lạc tôi họa thơ Đường cho vui cùng với bạn thơ. Tuy nhiên, những dòng thơ này cũng là tâm sự của kẻ tha hương:
.
Kim nhật vọng cố quốc
Cố nhân hề vô âm!
Kim nhật vọng cố quốc
Cố nhân … bất khả tầm!
.
Xin tặng các lữ khách vẫn hoài vọng quê nhà bài thơ nhớ quê hương của tôi, xem như lời kết.
.
QUÊ HƯƠNG VẪN MÃI THIÊN THU
.
Quê hương bứt gốc ra đi
Quê hương là nỗi phân ly não lòng
Quê hương là những dòng sông
Quê hương là khói đốt đồng chiều lam
.
Quê hương lời đó linh thiêng
Máu xương giữ nước lời nguyền khắc ghi
Quê hương dù có biệt ly
Vẫn hoài cố lý vẫn lời nước non
.
Quê hương một tấm lòng son
Tổ tiên ơn nghĩa mãi còn thiên thu
"Sơn hà Nam quốc đế cư
Tiệt nhiên phận định thiên thư rành rành"
.
Quê hương người hỡi sao đành?
Quên câu " kiến nghĩa" lợi danh riêng mình! **
.
Nhà Thơ Nguyên Lạc
.................
* Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
Lý Thường Kiệt
** Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả/ Lâm nguy bất cứu mạt anh hùng.
Thấy việc nghĩa trước mắt mà không làm không phải là người anh dũng/ Thấy chuyện nguy nan không cứu không đáng mặt anh hùng.
.
Nguyên Lạc
Kommentar schreiben