*VCL 22 - Con Đường Tình Ta Đi (Truyện Ngắn) Võ Công Liêm (Canada)

 

Nhà Văn Võ Công Liêm

 

 

CON ĐƯỜNG TÌNH TA ĐI

 

    Mượn ca từ của nhạc sĩ Phạm Duy làm chủ đề thì may ra trọn ý, trọn tình cho cụm từ: –In Love With The Way; đặc cách này có thể không đi sát vấn đề, nhưng; đó là thể cách diễn đạt ý và lời, chữ và nghĩa cô đọng trong một nghệ thuật bút pháp (calligraphy), một thứ nghệ thuật không lời, không màu, không sắc cùng một vóc dáng của thủ pháp, thủ ấn hay thư pháp; là sắc tố có tính chất nghệ thuật điêu luyện hơn là nghệ thuật trình diễn. Bút pháp là lối chơi chữ theo kiểu viết đẹp –Calligraphy; it mean for ‘beautiful writing’. Là một nghệ thuật mà nơi đây chữ và hình tương giao vào nhau, nơi mà người nghệ sĩ cố công tạo vào đó một hình ảnh bày tỏ qua ‘con chữ / the word’ là lời nói vượt hẳn của người viết chữ có tài năng; nghĩa là giữ đúng văn bản trong thế đứng nguyên vẹn và hoàn hảo đầy niềm tin ở nó –the meaning of words in a way that transcends the text while remaining completely faithful to it. Bút pháp là một nội công mang vào đó một tinh thần có ý nghĩa và tăng thêm thi vị hóa cho một hiện hình đã tỏ ra trên mặt chữ, biểu lộ như một kích thích tố vào mọi giới, hầu như nó có một ngữ ngôn để nói lên, một văn hóa cách riêng mà người Trung Hoa dày công tu luyện coi nó như ‘đạo chữ’ giống như trà đạo của Nhật vậy. Một thứ nghệ thuật của con chữ -art of the word- một diễn giải ý nghĩa thâm hậu, vừa phô diễn một thái độ tài hoa phong vị thủy của con người lịch lãm để từ đó trở nên một tập truyền của người Á đông, đặc biệt ở Trung hoa coi như lối tượng hình (pictograph), đặc chất của nghĩa chữ là phong thái mang lại cuộc đời mới hơn, nó được coi như vũ điệu ba-lê lả lướt, bay nhảy trong trí (choreography) đưa từ trạng thái bình thường đến trạng huống bất ngờ, tuyệt thú.

Chữ tượng hình qua vật thể hoặc dựa vào đó để mô tả và đọc thành tiếng; khi chữ và nghĩa sát nhập vào hồn người là lúc người ta bắt đầu biết qúi con chữ để viết thành văn thơ và nắn nót từng chữ như diễn tả cho một nội thức qua từng mạch chữ bằng tất cả giác quan và ý thức, một thứ ý thức tiềm ẩn và bao hàm, khiêu gợi trong một ý thức thâm sâu của những gì thuộc khoái cảm qua từng nét chấm phá và từ chỗ đó người chơi chữ bắt đầu sáng tạo con chữ phóng khoáng và mới lạ hơn, phát sinh ra lối viết chữ đẹp là chịu ảnh hưởng những văn tự đục trên đá, trên gỗ. Bút pháp nhập cuộc như hội họa và điêu khắc xâm nhập vào thi ca cũng như văn chương đáng chú ý nhất là ở Trung quốc, phơi mở một nội tâm qua cách diễn đạt mới. Thư pháp ngoài việc phát huy qua ngọn bút lông là cả tấm lòng rộng mở, khoan dung nhưng phải bén nhạy và linh động qua đôi mắt rung động và đôi tay uyển chuyển trên từng ngón xuân nồng, bởi;người nghệ sĩ viết theo lối thủ pháp, thủ ấn hay thư pháp là họ đang đối diện với cái đẹp nội tại, nghĩa là nhập định trong tinh thần coi chữ là nghĩa hòa nhập vào trong một chữ, khiến cho người chơi chữ quên hết ngoại giới và từ chỗ đó chữ viết đi vào trạng thái trực giác hình tướng. Viết chữ Hán cũng là một thứ nghệ thuật vẽ. Vương Duy đời Đường (Tang dynasty (618-907) cho đó là nghệ thuật hình tượng, bởi; người nghệ sĩ chơi chữ nhìn thấy: giấy, bút, mực  là một tác động đưa người nghệ sĩ phiêu lưu vào hình ảnh của ‘rồng bay phượng múa’ và tạo cho con chữ trở nên hình tướng của chữ như một mô tả sự vật. Bút pháp là một sự cần thiết cho ngữ ngôn của tâm hồn, gần như một thứ trừu tượng Đông phương (Orietal abstraction) hòa vào nhau cùng một thể, hấp thụ vào những gì cần thiết mà người xưa đã để lại và thêm vào đó một sáng tạo độc đáo cho một thủ pháp riêng biệt, hòa tan vào trong đó một thứ luân lý đạo đức có từ một sự ngưng kết (concreteness) thấm thấu khi thành hình mặt chữ nhất là thi ca và hội họa. Bút pháp được coi như chủ nghĩa hình tượng (Imagism). Tiện thể nói qua Vương Duy: ông là một trong tứ đại thi nhân đời thịnh Đường (Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị và Vương Duy) Vương Duy ngoài thi ca còn là họa sư, một tay bút pháp lừng danh và thiền họa thủy mặc Nam phương. Tô Đông Pha nói về Vương Duy: ‘Trong thơ có họa, trong họa có thơ / Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi’ đặc biệt thư pháp viết lên thơ là biệt tài của Vương Duy. Thành ra thủ pháp là một hình thái quan trọng khác cho một biểu trưng của con chữ; đôi khi nhìn vung vãi, quệt quặc nhưng dưới mắt nghệ thuật có thể là đẹp do đường nét uyển chuyển và màu mực tạo cho chữ viết có một sắc thái ở bên trong lẫn bên ngoài. Nhớ cho điểm này: thơ Vương Duy là biểu tượng cho dòng thi ca tượng hình (bút pháp). Ông chuốt vót từng con chữ như lối chơi chữ; từ chỗ đó biến thành vẽ chữ, mà Đường thi là thể thơ cô đọng, lời vắn tình dài nhất là thể thơ tuyệt cú, ngay cả việc chấm phá con chữ mang tính chất nghệ thuật hội họa thủy mặc. Bài thơ nổi tiếng của Vương Duy là một trong ba trăm bài thơ Đường hay nhất chất chứa một phong cảnh thiên nhiên qua thời tiết, hoa lá cành sum suê ở đất Vị. Bài thơ ‘Vị Thành Khúc’ của đại nhân họ Vương  như sau:

Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần

Khách xá thanh thanh liễu sắc tân

Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu

Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.

Mà Bùi Giáng cho rằng đã đạt tới  cõi đạo vô ngần của Vương Duy và đã được thi sĩ họ Bùi dịch một cách tài tình, vượt thoát một cách siêu độ. Tiếc thay nguyên bản gốc bằng bút pháp không còn tại thế để tồn lưu, tồn lại cho nhân gian; với tiết điệu của Bùi Giáng cũng đủ cho chúng ta thấy con chữ nó trào ra như suối nguồn như cá gặp nước như rồng gặp mây với ý thức sống động của từng con chữ:

Vị Thành mưa sớm mù tăm

Cõi miền bụi ướt thấm đầm ngõ thuôn

Quán mờ liễu thắm thắm xanh buông

Mời anh cạn chén rượu buồn tiễn chân

Tiền trình quan ải tây phân

Đèo truông ra khỏi cố nhân không còn. (Bùi Giáng-Mùa Xuân trong thi ca).

Như thế cũng đủ thấy chữ và nghĩa nó tung hoành như thế nào. thi sĩ Bùi Giáng đã ‘bút pháp’ còn hơn cả bút pháp mà chúng ta từng chiêm ngưỡng.Tuyệt chiêu là ở chỗ đó. Không nên lý tài có với không mà làm cho tâm tư rối loạn, đụng chạm tới con chữ của bút pháp, bởi; cái sự phóng khoáng của con chữ là thần dược giải bệnh để cho tâm hồn trở nên thanh cao thời mới được phần thanh cao mà cụ Nguyễn Du đôi lần bóng gió qua thi ca. Đấy là sự cần thiết của đạo-chữ. Điều gì thật sự cần thiết, thật sự có lợi ích ấy là Đạo -và sau hết; nó trở nên hiện hữu tối thượng –What is really essential; really productive is the Way -after all; becoming is superior to being. Đây! lấy câu chuyện này ra ví phỏng bút pháp của người chơi chữ; một thứ nghệ thuật không gia truyền nhưng để lại cái gia truyền của con chữ và từ đó nối tiếp như ngón nghề thông thường để trở nên đam mê, nhưng mỗi chặn đường là mỗi kinh nghiệm thu tập. Danh họa Nhật Bản Hokusai kể: ‘Tất cả những gì tôi vẽ trước tuổi 70 không đáng nói tới. Chỉ tới tuổi 73 tôi mới hiểu đích thực hình tượng của sinh vật và bản chất đích thực của cỏ cây…tới 90 tuổi tôi sẽ tới gần cốt tủy của nghệ thuật…tới 110 tuổi mỗi chấm, mỗi nét trong tranh của tôi sẽ có một đời sống riêng…’Từ đó suy ra bút pháp chỉ sống mãi sau cái chết của người chơi chữ. Và; bút pháp còn gọi là bút tích; thậm chí những người yêu chữ lại là kẻ sĩ nghèo khó cho nên có hay chữ chẳng mấy ai ngó ngàng. Mà thật; xưa nay là thế. Lấy hai câu thơ của Lý Bạch trong bài thơ ‘Minh Phi’ như một lời an ủi bởi phải đam mê mà đời quên nhưng được cái để tiếng thơm nơi cái tồn lại nhân gian: ‘Sinh pháp hoàng kim uổng đồ họa / Tử lưu thanh trủng xử nhân ta …’(tam dịch: sống thiếu cân vàng tranh vẽ lọ / Chết phơi nắm đất cỏ xanh rì). Ngần ấy cũng đủ thấy người chết chớ tranh không chết. Lý cho sát vấn đề thì bút pháp là phương tiện chuyên chở cho con chữ chớ con chữ không phải là phương tiện ‘hành pháp’ của bút pháp. Như đã nói; chúng chỉ đan kết vào nhau để tạo hình tướng, dung thông vào nhau để bày tỏ, nó cô đọng trong một tâm thức thoát tục để được trở về trong cái tồn chứa, một dự trữ của người chơi chữ, không có gì cho mình mà cũng chẳng cho ai, nó chỉ để dành cho một tồn lưu nhân thế, tồn lại như ‘thanh trủng’, mát mặt với đời tất nó không tồn lui mà phải tồn tới. Kẻ không biết dụng võ là thứ tồn lủi giữa thế gian này. Bút pháp ngó giống nhau nhưng không giống nhau, bởi; mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười; vả lại bút pháp là một đặc thù của lối vẽ. Nó chứa một mãnh lực vô tiền khoán hậu cho hai cái sự phân tích siêu đẳng tối thượng thừa: có người cho rằng có kẻ xem tranh bằng tai và cũng có kẻ nghe nhạc bằng mắt nhưng bút pháp vi diệu hơn là nghe được tiếng cười, tiếng than của con chữ và có lúc thấy con chữ khóc bằng mắt trên phiếm ngà. Nghe qua tưởng như lý tài chủ nghĩa, ca bài con cá nhưng đi vào lòng đất mới thấy có lửa còn đứng ngoài la toáng lên hay với dở, nhất có mình tôi là thứ tồn loạt cho cái thủ thế, độc diễn mà thôi. Rởm!

Bút pháp coi giản đơn, nhẹ nhàng nhưng chất chứa vào đó tất cả tập truyền phong phú (richness) là một thú chơi chữ vô cùng tận (inexhaustible) tợ như lối thả-thơ của chúng ta. Đời nhà Đường coi tục bút pháp, thư pháp hay thủ pháp là một trao đổi giao lưu đến từ thi ca cổ điển của Trung hoa. Lối chơi chữ của thi nhân ở cái thời liên tu bất tận, một thứ văn hóa về chữ và nghĩa là gốc ngọn  đã được quay về một ngàn năm trước kỷ nguyên của chúng ta. Nó đạt tới đích dành cho thi ca mà trong đó là một liên tưởng tới bút pháp và họa. Trong điạ hạt thi ca có ba đại diện tầm cở ngoại hạng: -Lý Bạch, người có khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa vô vi, thoát tục (tự do) của Lão Tử. -Đỗ Phủ coi thuyết Khổng Tử là chủ yếu, là tiếng thốt đầu đời, là nổi khổ hạnh của nhân loại nhưng cũng là một một sự bao la kỳ diệu ở tự nó mà ra. -Vương Duy thích hợp vào Thiền Phật giáo hướng vào đời, nắm vào tĩnh lự làm nồng cốt để phát huy và sáng tạo trong thơ cũng như trong thư pháp. Bên cạnh đó; về sau có Mạnh Hạo Nhiên và Giả Đảo đã bày tỏ cái thanh cao sơ sài trong cái tâm như nhiên là vượt thoát ra khỏi giao động tự phát. Người xử dụng bút pháp là tập trung trí tuệ, tĩnh lặng, cách xa với ngoại giới, giữ nó trong trạng thái trầm tư, tự định và phải có một ý thức quán triệt sự vật qua thư pháp để mô tả một sự thật bên trong con chữ, phản ảnh một đời sống nghệ thuật cao qúi, một sự khắc khổ của con người cứng rắn nhưng làm thế nào là dồi dào và sanh lợi cho một hiện hữu sống động là hơi thở cần thiết của con người; bút pháp phải là một tâm hồn rộng mở, tiếng đập dồn dập, rạo rực của tim đi vào vũ trụ của chữ và nghĩa, khám phá cái thâm sâu cùng cốc của ngữ ngôn mà bút pháp là một hiện hữu bên trong của người chơi chữ. Giữa những trạng huống như thế là thể cách khác nhau cho một hiện hữu tồn lưu trong nghệ thuật bút pháp của người Trung hoa; ở đó chỉ một điều trọn vẹn đặc biệt mà chúng ta tìm thấy trong một thể cách trong sáng, một biểu lộ chân thật giữa chữ và người qua bút pháp. Mỗi một chữ của bút pháp là một hình tượng biểu lộ qua ý thức (ideogram) như dẫn vào đó tư tưởng thi ca hoặc có màu sắc thuộc triết lý mà mỗi thứ nó chứa đựng chất liệu trong từng môi trường và đặc trong một không gian với tác phong đa diện có tính chất của: trống không, trí tuệ, đường lối và tĩnh lự.Những thứ đó quấn vào nhau trong một nội tâm thoát tục mà chỉ để lại tinh anh của ‘hương vị’ đặc trưng và tạo được nét thẩm mỹ trong ý niệm qua sự xuất thần đột khởi giữa chữ và ý với một tương thức như nhiên.

 

Vậy sự gì gọi là thi vị hóa dành cho bút pháp của Trung hoa? Và; ngay cả sứ mệnh thiêng liêng mỗi khi xuân về trên đất nước ta với ‘thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ’? Liệu có tồn lưu, tồn lại và tồn lợi đối với dân gian hay chỉ chơi qua rồi bỏ? Mà phải thừa nhận nó là nghệ thuật. Không còn ngại nghi để phải tốn công sức bắt đầu hay lý giải nguồn cơn tự sự trở lại, bởi; nó hiển nhiên tự có như đã định vị, như thi ca, như văn chương. Con đường đó chỉ là tư duy xuyên qua cho một biến hóa mới, không có chi là thâm sâu cùng cốc mà là một phơi mở tột độ bên trong và bên ngoài của linh hồn con chữ với một tập quán thông thường có tính chất nghệ thuật, một thứ nghệ thuật bút pháp đả thông tư tưởng qua trí tuệ. Con đường đó tiếp tục khai triển, dù chỉ có một; thế mà vẫn chưa đi hết dăm trường đã vạch và chưa khám phá cái mới lạ nơi con chữ; nhưng tựu chung chỉ một cõi đi về của bút pháp mà thôi ./.

 

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc. cuối 7/2017).

 

ĐỌC THÊM: ‘Chơi Chữ” Tùy bút của võcôngliêm. Hiện có trên một số báo mạng và giấy trong và ngoài nước hoặc email như đã ghi.

TRANH VẼ: ‘ Bút pháp của tôi / Calligraphy of mine’ Khổ 12” X 18”. Bút lông trên giấy báo nhựt trình. India-ink. vcl#2372017.

 

 

 

võ công liêm.

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền