*LY 22- Coi Mắt (Truyện Ngắn) Nhà Văn Lê Yên (Sài Gòn- VN)

 

Nhà Văn Lê Yên

 

                                                 

  Coi Mắt

                                               

    Đi được hai phần ba chặng đường, còn một đoạn nữa là về đến nhà, nhưng Phước không thể… Hình như chiếc xe máy cà tàng của anh cần được nghỉ ngơi. Tấp vào quán cà phê bên đường anh tắt máy. Chọn một chiếc võng có chỗ nằm thoáng, gió từ bờ sông thổi lên mát rượi. “Cà phê võng” cái biển hiệu khiêm tốn khuất sau đám dây leo um tùm. Gọi cà phê xong, anh thả người xuống chiếc võng đong đưa, thật dễ chịu. Đi từ lúc trời chưa sáng, mấy tiếng đồng hồ chạy xe nghe ê ẩm. Cái lưng này cũng tới tuổi rồi… Anh khẽ cười thầm “Cũng như cái xe vậy thôi. Có sử dụng mà không bảo trì, tu bổ thì sẽ rạc đi với thời gian… Cũng may cơ thể con người có khả năng tự tái tạo và chữa lành… nên mình còn ngồi đây.” Dõi tầm mắt dọc theo mé sông. Một đôi uyên ương đang tạo dáng cho phó nhòm chụp ảnh. Thiên nhiên và cách trang trí quán rất bắt mắt, cô dâu chú rể sẽ có một bộ ảnh ngoại cảnh đẹp đây! Tuổi trẻ bây giờ khác hồi thời của anh. Một hình ảnh chợt thoáng qua. Anh cũng đã từng đi coi mắt vợ...

    Dòng sông tuổi thơ với con nước đục lờ theo anh lớn lên. Gắn bó và ở lại trong ký ức những bài thơ tình không đoạn kết… Tình yêu của anh đầy trăng sao và không thiếu hương hoa.

    Anh đã rời dòng sông quê cùng người yêu đến một chân trời mới… Muốn được như chàng nam chính trong phim kiếm hiệp kỳ tình Trung Hoa ngày ngày được chải tóc cho người mình yêu. Để có được cơ hội đó, anh đã đóng trọn các vai diễn trong cuộc đời… Từ một anh nhà báo, biên tập cho đài truyền hình đến những công trình vắt vẻo trên cao với dàn giáo. Anh vẽ những họa tiết cuộc đời với chủ đề được đặt trước…

    Có những đêm trong vai anh xe ôm dưới ánh đèn vàng mệt mỏi đường phố, anh đợi khách trong vắng lặng của đêm qua khói thuốc nhuộm vàng đầu tay. Những bài thơ viết vội trên giấy gói bánh mì vẫn tràn đầy cảm xúc. Phải chi có ai đó mua thơ, để anh bán… Chỉ có chị bán bánh mì được đọc thơ anh miễn phí, không biết chị có hiểu những gì anh muốn gởi vào thơ mà thỉnh thoảng thấy chị thở dài cũng có lúc cười tủm tỉm… Chỉ có anh bụng luôn réo lên trong se lạnh!

    Gia đình nhỏ của anh đã có một con trai. Anh luôn bên cạnh chăm sóc và có mặt mọi lúc, mọi nơi khi vợ con cần đến. Anh muốn xây lâu đài cho nàng. Sự nỗ lực của anh đã có kết quả. Một ngôi nhà khang trang ấm áp. Không biết anh đã mất đi bao nhiêu thời gian để quên bản thân trong sự miệt mài. Da anh sạm lại. Mắt anh trĩu nặng mỏi mệt...

    Con trai anh giờ đã lớn. Anh cảm giác cô đơn trong căn nhà đó! Vì nàng đã thay đổi quá nhiều, không còn vui khi anh chải tóc… Chỉ thích đếm tiền… Từ đó anh bỏ làm thơ…!

    Phước trả tiền ly cà phê rồi ra xe tiếp tục cuộc hành trình. Đã lâu anh chưa về thăm cha mẹ.  Lòng nôn nao một cảm giác khó tả. Sắp được về nhà… Cứ mỗi lần về trong anh lại rộn ràng như thế. Không biết có bao nhiêu lỗi lầm, chỉ cần thấy anh về cha mẹ và các chị em đều rất vui. Gia đình lại bày biện ăn uống sum vầy. Cá dưới sông. Rau sau vườn. Gà ngoài nương…

    Đêm, anh đem ghế bố ra trước hàng hiên nằm đếm sao trời. Chỉ ở quê, trời mênh mông không hạn chế tầm nhìn. Một mình với thế giới riêng, anh mơ… Giấc mơ trong đó không có kẻ mạnh hiếp kẻ yếu. Mọi giá trị không được tính bằng tiền, chỉ được đánh giá trên năng lực thực thụ bản thân và tính yêu thương của con người giữa vạn vật. Tiền chỉ là công cụ để trao đổi…

    Anh lại thích có anh hùng… Những người đàn ông trượng nghĩa. Thấy chuyện bất bình là ra tay. Thời đại nào cũng có những người tài đức đủ dũng khí để bảo vệ lẽ phải. Không thể thiếu người phụ nữ dịu dàng, đằm thắm. Sự mềm mại đó như dòng suối mát làm tươi mới sự khô cằn những người đàn ông như anh. Lan man trong ước mơ sắp lại trật tự xã hội, anh xuôi theo cơn gió mát chìm vào giấc ngủ.

    Những vì sao trên cao nghiêng mắt nhìn anh. Người đàn ông với tướng nằm co như con tôm luộc, thói quen ghé vào đâu đó chợp mắt trong chốc lát để lấy sức. Một tay gác lên che khuất gương mặt vuông cương nghị với vầng trán hằn những suy tư. Tay còn lại xuôi thẳng, bàn tay mở rộng như tâm tánh anh, chẳng giữ lại cái gì cho riêng mình như cuộc đời này vốn thế… Đến và đi cũng chỉ hai bàn tay trắng.

    Đêm lùi dần vào huyễn hoặc riêng mang… Tia nắng đầu tiên lấp lánh giọt sương còn đọng lại nổi bật trên nền xanh từng tảng lá. Giàn mướp rũ những đọt non sau một đêm vươn xa khỏi giàn đong đưa trong gió sớm mai.

    Phước bật dậy với tiếc nuối lặng ngắm bình minh. Mùi trà ướp hoa lài của cha thơm nức mũi không cưỡng lại được. Trong góc sân, một nhà chòi lục giác được lợp bằng lá dừa, cha anh ngồi trên bộ bàn ghế gỗ lâu năm bóng láng với tách trà bốc khói trên tay… Thói quen uống trà buổi sáng sớm mấy chục năm nay như là thú vui không thể thiếu cùng những ông bạn già hàng xóm tụ tập đánh cờ, đàm đạo…

    Đã ngoài tám mươi, cha anh vẫn còn minh mẫn. Người ông khô nhưng dáng điệu còn khỏe. Anh hay gọi đùa cha như cây Bonsai trăm tuổi…

    Anh bước ra chào cha và ngồi xuống, rót tách trà. Mùi trà thơm khiến anh tỉnh hẳn. Vị chát của trà đọng lại ngọt hậu khiến người uống bắt ghiền. Quay sang anh, cha nhắc chừng “Con chặt quày dừa đặng lát đem qua nhà thím Út, hôm nay giỗ chú Út bây đó.” Anh dạ nhỏ rồi đứng lên. Vườn nhà anh trồng khoảng chục gốc dừa. Những cây dừa cũ cao chót vót nằm cuối vườn. Giống dừa mới bây giờ thấp hơn. Chặt một quày dừa không tốn công sức là bao.

   Anh với chị Ba và nhỏ Tám xách giỏ trái cây và quày dừa qua trước, phụ thím Út. Một tay thím cũng vất vả. Con cái ở xa, ngày giỗ mong chúng về kịp là vui rồi.

    Đã lâu không có dịp đi lại con đường này. Từ nhà anh đến nhà thím Út chừng mấy công đất đường chim bay. Nông thôn bây giờ cũng thay đổi nhiều. Con đường được tráng nhựa mở rộng hơn. Hàng quán nhiều hơn. Chỉ một thời gian ngắn mà quá thay đổi. Chỉ có dòng sông, con nước đục lờ anh ngụp lặn mỗi ngày cùng đám bạn là giữ được bóng dáng ngày nào. Anh bồi hồi xúc động. Có điều gì đó anh bỏ sót sao…? Ruộng lúa bên đường đang trỗ đòng đòng, mướt màu con gái. Anh đã quay lưng lại với tất cả để làm con thiêu thân lao vào tình yêu bằng lòng chịu chết…

    Con người anh là như thế! Yêu cho đến tận cùng…

    Vừa chạm ngõ nhà thím Út, mấy con chó chồm lên sủa rân trời. Thím Út trong nhà la vọng ra đuổi mấy con chó. Cái chân cà nhắc vì đau khớp gối khiến thím đi lại khó khăn. Ánh mắt thím sáng lên khi nhìn thấy chị em nhà anh. “Vào đây! Mấy đứa qua thím mừng quá!” Quay qua anh thím đảo mắt từ trên xuống, cười cười nói “Thằng Phước! Bây lâu lắm mới về.”

    Căn nhà ba gian chừng lên màu rêu xanh. Mái ngói sậm lại với gió mưa. Bước vào gian giữa là nơi thờ ông bà tổ tiên và cũng là phòng khách. Nhỏ Tám xuống nhà dưới rửa trái cây bày lên đĩa, đặt lên bàn thờ. Thím Út bùi ngùi đốt nắm nhang trầm đưa cho mấy chị em thắp cho chú Út. Không khí như lắng xuống nao lòng.

    Chú Út là y sĩ quân y. Tử trận do mìn. Chú ra đi lúc còn trẻ, mình thím Út nuôi hai con đến khôn lớn không đi bước nữa, dù không thiếu những người đàn ông muốn cùng thím đi hết phần đời còn lại. Phước thở dài… Thời gian có vô tình không? Hay tại con người không biết trân quý nó!

    “Ngồi uống nước mấy đứa. Công chuyện từ sáng sớm có con hai Mận qua phụ thím mần xong hết ráo.” Nhìn Phước thím tiếp tục “Thằng Phước mày nhớ con hai Mận không? Hồi đó đi coi mắt, phải ưng ý thì giờ đâu đến nỗi! Con người ta vẫn ở không đó!” Anh há hốc miệng với cảm giác rơi hụt hẫng… “Có chuyện đó sao?” Thím Út đều giọng kể “Lúc hay tin mày lấy vợ. Hai Mận buồn sinh bịnh một thời gian mới tỉnh hồn. Kể cũng tội nghiệp.”

    Hình ảnh hai Mận thoáng hiện lên trong ký ức, mờ nhạt như sự vô tâm của thằng con trai mới lớn háo thắng. Cảm giác nhói buốt… Có phần nào lỗi của anh không!?

    Năm đó Mận mười tám tuổi. Anh hăm hai tuổi. Thím Út là người đứng ra mai mối. Cha Mận mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con, nên muốn Mận lập gia đình và bắt rể, để trong nhà có được người đàn ông…

    Anh nhớ bữa cơm hôm đó. Anh rủ bạn bè đi chung cho vui. Cái chính là thích náo nhiệt. Một cô gái có mái tóc dài trong chiếc áo bà ba nổi bật những bông hoa nhỏ trên nền tím cà rất xinh, lấp ló sau cánh cửa buồng không dám bước ra. Những chum rượu gạo đánh đổ mấy chàng trai trẻ… Trí nhớ anh dừng lại đó. Không biết trong cơn men say làm chếch choáng đầu óc… anh có đọc thơ tình cho Mận nghe không? Ôi! Cái tội lỗi tình si… Anh có gieo không?

    Tiếng thím Út làm anh giật mình trở về thực tại “Nhỏ hai Mận cứ chung tình với thằng Phước, những đám khác dọ hỏi nó không ưng. Mẹ nó riết rồi cũng không hối chuyện chồng con. Nhưng chỉ sợ bà mất đi rồi nó lại một mình rất tội nghiệp…

    Vừa lúc đó, tiếng con chó loẳng quẳng mừng ai đó. Anh tưởng tượng cảnh cái đuôi nó vẩy liên tục rồi nhảy chồm lên. Đó là hình ảnh con Vàng ngày xưa của anh. Thím Út chỉ tay ra ngõ “Hai Mận qua tới!” Cảm giác bối rối không biết nên đối diện như thế nào sau những gì thím út nói làm anh bối rối.

    Anh nhìn ra trước sân. Người phụ nữ đã ngoài bốn mươi, tướng đi nhẹ nhàng, khoan thai, nhan sắc đằm thắm, mặn mà, thon thả trong chiếc áo bà ba xanh nhạt, mái tóc dày búi thấp trông gọn gàng không kém phần duyên dáng. Có ai đó thắp lửa bên trong anh. Cảm giác chao đảo như cơn sóng đi qua, anh cố níu vào cái bề ngoài lạnh lùng vốn có để giữ chặt tính đam mê vẻ đẹp. Không chỉ riêng sự khả ái của phụ nữ hút anh. Bất chợt một khoảnh khắc bắt gặp nét tuyệt vời giữa thiên nhiên cũng khiến anh lặng đi vì xúc động.

    Thấy nhà có khách, Mận đi tránh vô gian bếp. Thím Út gọi giật lại “Mận à! Vào đây con, người quen không chứ có lạ đâu.” Mận bước vô phòng khách, nhìn một lượt… Cô gật đầu chào mọi người rồi ngập ngừng nhìn anh “Anh Phước về chơi?” Anh khẽ cười lên tiếng “Mận còn nhớ tui ha.” Đôi mắt chợt thoáng buồn vì câu hỏi vô tình. Thay vì trả lời, đôi mắt đó khép lại như giấu kín một linh hồn riêng mang… Cô đánh trống lảng “Để con xuống bếp mần cho xong công chuyện.” Không đợi thím Út lên tiếng, Mận đã khuất sau cánh cửa…

    Anh rít một hơi điếu thuốc cháy dở rồi dụi vào gạt tàn, nghe nóng rát cổ họng. Có phải anh đang hủy hoại thể xác vốn đã mòn mỏi… Đâu là nơi chốn của anh? Sao nghe mất phương hướng như thế này? Nhà cửa, vợ con hình như không thuộc về anh. Anh như một công cụ. Đến một ngày anh nhận ra cả sự tự do cũng không còn. Tất cả cuộc đời anh như vật hiến tế. Anh đã đặt để một tượng thần rồi bái lạy.  Anh không dám động hay phản kháng, không phải vì nhu nhược. Những tháng ngày đong đầy yêu thương anh cho hết… Cuộc sống vợ chồng chỉ cần tình yêu. Tờ hôn thú chỉ là giấy… Anh vui với hoa nắng trước sân nhà sớm mai… Anh vui khi cuối chiều đem về tổ ấm thành quả công sức lao động của mình. Anh vui khi vợ mình đứng tên trên một tài sản. Đến một ngày nhìn lại anh chỉ có hai bàn tay trắng.  Có lẽ tình yêu đã bội thực mà chết cùng với tuổi trẻ và công sức của anh.

    Anh đi tìm lại mình trong cô đơn, vắng lặng, thèm được như nắng như gió lang thang cùng trời cuối đất. Đã bao lâu rồi anh không làm thơ. Bài thơ tình không có vai nữ chính sao tròn cảm xúc… Chợt nhớ tới Mận hôm đám giỗ nhà thím út. Anh tìm cách nói chuyện với Mận, như giải mã thắc mắc trong lòng. Những câu bâng quơ qua lại rồi hết chuyện. Anh đánh bạo hỏi thẳng “Mận còn nhớ buổi coi mắt đó không?” Trầm ngâm một hồi Mận lên tiếng “Anh còn nhớ bài thơ hôm đó tặng em không?”Anh giật thót mình tự hỏi bản thân “Có chuyện đó sao?” Lặng đi trong nao buồn, đau thương… Anh chưa biết phải xử trí như thế nào!...

    Thật khẽ, Mận đọc cho anh nghe bài thơ đã níu giữ Mận cho đến hôm nay.

    Bàng hoàng trước những lời lẽ ngọt ngào tình tứ như một thệ ước thủy chung. Đó là men say, sự thoát thai bay bổng cảm xúc của tuổi trẻ... Anh quay lại nhìn Mận thật lâu, cái nhìn hơn nửa đời người anh đã nợ. Anh vô tình đi qua, đùa cợt trước cảm xúc đầu đời một thiếu nữ. Lòng anh chùng xuống như chiều ngoài kia trầm hẳn về đêm. Nợ tình trả sao đây!?...

    Đất ruộng nhà Phước mấy năm nay cho người khác thuê. Đã đến lúc anh trở về với làng quê, làm chủ thửa đất hương hỏa. Tuổi trẻ bồng bột đã lôi anh xuống lưng đồi. Anh phải từng bước trở về nơi bình yên… Tầm mắt anh dõi theo những cánh cò trắng cuối chiều êm ã, với đôi chân mạnh dạn anh đi…

    Nhìn dĩa bánh ít trên bàn, anh nhớ hồi còn khỏe mẹ thường gói bánh nhân đậu, nhân dừa. Đã lâu mùi vị vẫn còn trong ký ức anh! “Bánh ít đâu vậy chị Ba?” Tiếng chị Ba ngoài hiên vọng vào “Con hai Mận đem cho đó!” Anh chợt khựng lại, miếng bánh đang ăn như mắc nghẹn nơi cổ….

   Uống ly nước để nuốt cho trôi miếng bánh, bước ra vườn sau, mùi ổi chin thơm ngọt. Mùa nào trái đó. Bước đến gốc mận đang mùa ra hoa. Nhìn những chùm hoa khép mình dưới tán lá, dày đặc kín cây. Anh thấy lòng trĩu nặng hình ảnh cô gái ngồi lặng yên nghe người say đọc thơ… Bài thơ dài hơn hai mươi mấy năm vắng lặng…

    Đã lâu anh không làm thơ. Khẽ mỉm cười… Tự dưng anh muốn viết gì đó trước mùa mận sắp đậu quả…!

 

                                                                         Saigon - 29/9/19

 

                                                                              LÊ YÊN

   

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền