NGL 5- Truyền Thuyết Bò Điên... (Phiếm Đàm) Tác Giả Nhụy Gia lai (Gia Lai- VN)

 

Tác Giả Nhụy Gia Lai

 

 

Truyền Thuyết Bò Điên...

 

 Ngày xửa, ngày xưa...

 

Ngày ấy, trái đất còn hoang sơ lắm, bởi Thượng đế chỉ tạo ra mỗi khu vườn Địa Đàng tuyệt đẹp với Adam, Eva và các loài muôn thú... Tất cả cùng chung sống hòa bình, vô tư nhờ vào hoa trái của khu vườn. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua, cho tới một ngày...

 

Cái ngày tai họa ấy, Adam và Eva quên mất lời dặn Thượng đế, cùng nhau nếm thử “trái cấm”. Muôn thú thấy hai người ăn trái cấm chẳng những không hề hấn gì, mà còn trở nên tươi tắn, vui vẻ nên rủ nhau lần lượt nếm thử. Chẳng ai ngờ thứ trái ấy hễ ăn vào là ghiền muốn ăn mãi, mà ăn nhiều thì phát sinh ra ...con đàn cháu đống. Vì vậy chẳng bao lâu sau, vườn Địa Đàng trở nên chật chội, hoang tàn; hoa trái cạn kiệt, con người và muôn thú trở mặt ăn thịt lẫn nhau.

 

          Thấy hạ giới náo loạn, Thượng đế liền triệu họp thiên đình tìm cách giải quyết. Các thần nhất trí đề cử Ngưu thần làm nhiệm vụ mang xuống hạ giới một container hạt giống ngũ cốc cho con người, một container hạt giống cây cỏ cho muôn thú. Ngưu thần phụng mệnh lên đường. Dọc đường, dừng chân ở quán Trăng nổi tiếng rượu ngon và cô chủ Hằng Nga xinh đẹp tuyệt trần, Ngưu thần ham vui uống say túy lúy. Chân nam đá chân xiêu, khi Ngưu thần đến hạ giới thì bản vẽ quy hoạch trồng trọt của Ngọc Hoàng rơi mất hồi nào, chỉ còn mỗi gói mồi khô nhậu do Hằng Nga khuyến mãi nhét vào túi ngực. Chưa tỉnh hẳn rượu và trong tâm trạng hoảng hốt, Ngưu thần mở container hạt giống cây cỏ ra vãi tứ tung, cây cỏ mọc rất nhanh, lan tràn khắp cả mặt đất. Đến khi Ngưu thần mở container hạt giống ngũ cốc, chỉ còn lại chút ít đất đai khô cằn, sõi đá.... Ngũ cốc không thể mọc nổi, lại bị cây cỏ lấn át cả.

Sự việc không thể ém nhẹm, Thượng đế nổi cơn lôi đình gọi cả Ngưu thần và con người lại cùng trách phạt :

 

- Hỡi con người, ta đã tạo ra các ngươi, cho các ngươi sự sống, ngay cả khi các ngươi dám cãi lời ta ăn trái cấm, ta cũng không nỡ để các ngươi đói khát. Nhưng vì Ngưu thần phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, ta không thể giúp gì được nữa. Từ nay con người phải tự dọn dẹp cây cỏ, khai phá đất đai trồng trọt ngũ cốc để nuôi lấy bản thân và con cháu. Cả nhà Ngưu thần phải bị đày xuống trần gian để giúp con người cày bừa, kéo xe; và chỉ được ăn cỏ để sống, khi nào hết cỏ ta mới cho trở về trời.

 

 

        Thượng đế “úm ba la xì bùa” một phát, Ngưu thần lập tức biến thành loài bò. Cẩn thận hơn, Ngài còn thu lại phép thuật của Ngưu thần giao cho con người quản lý, vì vậy bò tuy to con lớn xác, có sức mạnh và đôi sừng nhọn hoắc nhưng luôn phục tùng con người. Hàng ngày bò luôn cố ăn thật nhiều cỏ và nhẫn nại làm việc giúp con người. Đêm đêm, bò lại gác sừng nhìn lên mặt trăng và Hằng Nga như luyến tiếc rồi lôi gói mồi khô thuở nào ra nhai đi nhai lại cho đỡ buồn.(*)

       Nhưng có những việc đến Thượng đế cũng không ngờ...

Sang thế kỷ 19, con người mày mò cải tiến phép thuật của Ngưu thần rồi chế ra “ thiết ngưu” (**), vừa mạnh vừa nhanh, làm được nhiều việc hơn cả Ngưu thần. Con người từ coi trọng chuyển sang coi thường, rồi chủ yếu đem con cháu Ngưu thần ra làm xúc xích, làm phomat hiệu “bò cười”. Chưa hết, sang thế kỷ 20 con người lại phát minh ra phép “thụ tinh nhân tạo”. Họ tách Ngưu thần ra khỏi vợ con, cắt luôn niềm vui được duy trì nòi giống của Ngưu thần, rồi phù phép sao đó để sinh một lũ bê con, cháu, chắt... mập phệ, ngu đần, ăn tạp chả giống Ngưu thần tý nào...Ngưu thần sốc nặng, uất ức đến nổi hóa điên.

 

Và từ đó, bệnh bò điên lan truyền khắp nơi trên thế giới...

                                                                       

                                                     (NhuyjGialai 03.2011, phiếm đàm trà dư tửu hậu )

--------------------------------------------------------

(*) Bò thuộc loài nhai lại, ngày ăn chỉ nuốt thô, tối đến mới ợ lên để nhai lại để tiêu hóa.

(**) trâu sắt, tức máy cày.

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền