Nhà Văn Trần Mỹ Giống
Phê Bình Mềm Dẻo
(Kỳ 9)
Anh là nhà nghiên cứu phê bình văn học có danh. Khi nghe tôi đọc câu: “Trông thấy em, anh chỉ muốn vào tù”, anh liền hỏi:
- Cậu đọc cái gì vậy?
Tôi bảo:
- À, em đọc câu thơ của một nhà thơ Việt Nam, lãnh đạo tòa soạn ta đấy ạ.
- Thế à? Thằng này chắc còn ngồi ghế lãnh đạo tòa soạn lâu đây.
- Anh thấy câu thơ này thế nào ạ?
- Hay! Rất hay! Câu thơ tả gián tiếp một cách tế nhị cái đẹp của “em” – cô gái biu-ti-phun - đẹp đến nỗi tác giả mới vừa nhìn thấy đã ngưỡng mộ, say mê, ham muốn đến bất chấp tất cả. Để được chiếm đoạt cô, tác giả sẵn sàng chịu hình phạt cao là vào tù, mà còn rất “muốn vào tù” nữa thì chứng tỏ cô gái đẹp đến mê hồn thế nào… Câu thơ còn thể hiện được một nét tâm lý phổ biến của đàn ông đối với cái đẹp khác giới… Giỏi! Giỏi!
*
Ba năm sau, tôi lại đọc lại câu thơ “Trông thấy em anh chỉ muốn vào tù” để nhâm nhi thưởng thức cái đẹp của cô gái và tài năng của tác giả mà nhờ anh truyền cho hiểu biết và cách thẩm định. Anh la lớn:
- Thô thiển! Thô thiển! Không có một tí chất thơ nào! Chỉ có những thằng tâm thần mới muốn vào tù vì một cô gái, mà cái cô gái ấy đẹp xấu thế nào cũng chưa biết. Thơ thằng ấy như cứt. Một thằng chỉ giỏi thủ đoạn man trá cầu danh cầu lợi, lợi dụng quyền chức tranh giành giải thưởng với anh em thì làm sao có thơ hay được… Nó bị trên cách chức là quá đúng!
Tôi ngạc nhiên:
- Ơ, câu này anh đã bình cách đây ba năm…
Anh cắt lời tôi:
- Phê bình mà nguyên tắc cứng nhắc máy móc như cậu thì chỉ có… gẫy. Phải biết phê bình mềm dẻo, bám sát thực tế. Thực tế luôn biến đổi, ngày hôm nay khác ngày hôm qua. Phê bình mà xa rời thực tiễn thì sẽ bị đào thải. Rõ chưa?
Trần Mỹ Giống
Kommentar schreiben