*CT 11- ĐỌC “LỜI KINH 2” THƠ TRẦN MAI NGÂN VÀ “KINH THƠ” CỦA QUANG TUYẾT (Lời Bình) Nhà Thơ Châu Thạch (Đà Nẵng- VN)

 

 

Nhà Thơ Châu Thạch

 

 

 

NT Trần Mai Ngân

 

 

NT Quang Tuyết


 

ĐỌC “LỜI KINH 2” THƠ TRẦN MAI NGÂN

        VÀ “KINH THƠ” CỦA QUANG TUYẾT

                                                    

Bên Kinh Thơ bên Lời Kinh

Hai nàng khiến tớ giật mình sợ thay

Thế nhưng đọc thật là hay

Tớ ngâm rượu ý chờ ngày lên men

Viết cho đã tánh bon chen

Của con dế mọn, dế hèn mơ cao!!!

BÀN VỀ “LỜI KINH 2” CỦA TRẦN MAI NGÂN

 

LỜI KINH (2)

 

Trú trong kinh Bát Nhã

Lời xưa và dáng em

Chim bay về lối cũ

Đậu lại khóc bên thềm...

Mùa Xuân sao lại mưa

Cây Sầu Đông trổ muộn

Chiều xanh gầy dấu xưa

Thương nhớ sao cho vừa

Tiếng chuông hồi huyễn mộng

Gióng lên tình hư không

Mây bay trôi vô vọng

Tôi nhớ người xa xăm...

Ai cho tôi trần gian

Chôn những nỗi âm thầm

Lấp vùi gần trăm năm

Tim tôi sầu rướm máu

Ai cùng tôi nương náu

Những rã rời nay mai

Bới tìm hoài vô vọng

Nguyện cầu đừng nhạt phai...

 

                  Trần Mai Ngân

 

                     23-9-2018

 

Bài thơ có đầu đề là “Lời kinh” mà nó chẳng tả gì về lời kinh. Vậy thì “Lời Kinh” là lời kinh chỗ nào?. Một người như nhà thơ Trần Mai Ngân mà dám viết lời kinh thì có kiêu ngạo quá chăng? Muốn biết có kiêu ngạo hay không ta phải tìm hiểu bài thơ thì mới có kết luận.

Đọc câu thơ đầu tiên tôi hoảng hốt: “Trú trong kinh Bát Nhã”. Kinh Bát Nhã là gì?

“Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là một bộ kinh rất ngắn của Đại Thừa Phật giáo, có ý nghĩa rất thâm sâu, rất cơ bản, nhằm phá thói quen chấp thật rất nặng nề của chúng sinh. Kinh này được các chùa tụng niệm rất thường xuyên, các thầy cúng đám ma, ngay cả ở nông thôn miền nam Việt Nam cũng tụng kinh này. Có thể nói kinh này rất quen thuộc với Phật tử, nhưng mọi người có hiểu rõ ràng tường tận ý nghĩa của nó không, thì không dám chắc.Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh là quyển Tâm Kinh nhằm phá chấp thật để hiển hiện trí bát nhã của bờ bên kia (ba la mật) tức là bến bờ giác ngộ”.

Kinh Bát Nhã là thế nhưng nhà thơ Trần Mai Ngân đã trú trong kinh Bát nhã. Vậy ai muốn ném đá nhà thơ cũng dễ vì có thể cho rằng tác giả đã cao ngạo, tự cho mình như một tu sĩ thượng thừa mới trú được trong kinh Bát Nhã. Trú tức là ở, có nghĩa là lấy kinh Bát Nhã làm ngôi nhà cho linh hồn mình tá túc. Thế nhưng đọc hết bài thơ “Lời Kinh 2” ta mới hiểu rằng nhà thơ muốn trú mà trú không được, bởi vì hết cả bài thơ là nỗi dằn vặt của tâm tư, là niềm thương nhớ của thứ tình yêu trần thế.

Đức Phật Thích ca nói răng “Ta là Phật và các ngươi cũng sẽ là Phật”. Vậy thì không trách Trần Mai Ngân được, vì Thích Ca là người đã trú trong kinh Bát Nhã và đã đến bờ bên kia, còn Trần Mai Ngân hay Phật tử khác thì đang trú trong kinh Bát Nhã nhưng chưa phá chấp được để ngộ, nên chưa biết ngày nào mới qua được cái bến mê để đến bờ chấn lý.

Vậy vì sao nhà thơ đặt tên đầu đề bài thơ của mình là Lời Kinh? Trong Phật gíao, kinh dịch theo âm là Tu-đa-la, là tên gọi của các bài giảng của Đức Phật. Trong Thiên Chúa giáo, Kinh là lời của Đức Chúa Trời khải thị cho con người viết.

Vậy thì Trần Mai Ngân cho bài thơ mình là Lời Kinh có cao ngạo không? Trả lời là không. Vì sao là không? Bởi vỉ nhà thơ đã trú trong kinh Bát Nhã, và những lời thơ là vọng âm của tâm hồn nàng từ trong kinh Bát Nhã mà ra. Có thể nói rằng nhà thơ đã đọc kinh Bát Nhã nhưng thay vì lời kinh đưa linh hồn đến cõi bình an thì ngược lại, linh hồn nhà thơ đã hỏa táng trong cõi tình trường.

Cái hay của bài thơ là ở đó, cái thấm thía của bài thơ là ở đó. Ta đọc bài thơ khác chi ta nhìn một ni cô giai nhân tuyệt sắc thất tình nên đi tu. Lòng ta sẽ cảm thấy vừa kính vừa trọng vừa quý mến vừa thương mà vừa ngưỡng mộ cái sắc đẹp trời cho ni cô ấy.

Thưởng thức bài thơ “Lời Kinh” của Trần Mai Ngân ta phải vận dụng niềm hoan lạc của một tu sĩ, tâm hồn lãng mạn của một thi nhân cùng với nỗi đau thất tình thì mỗi câu thơ, mỗi ý thơ sẽ thẩm thấu vào tâm hồn ta, làm trái tim ta rung động những cảm xúc khó mà diễn đạt thành lời.

Đọc thơ là như vậy, không phải biện luận bằng “Tam Đoạn Luận”mà hiểu thơ, mà phải hiểu bằng mắt ta, bằng tai ta, bằng tâm ta, bằng tất cả giác quan của ta, thêm cả giác quan thứ sáu và bằng linh cảm trong ta nữa.

Nhà thơ Trần Mai Ngân đã trú trong lời kinh Bát Nhã để khóc bằng lời tình. Tiếng thơ như tiếng chuông vọng từ nỗi đau chia lìa ly biêt, như tiếng chuông vọng từ một bàn tay nữ tu nào đó trong dòng nước mắt dưới bệ thờ, nơi chánh điện.

BÀN VỀ “KINH THƠ” CỦA QUANG TUYẾT

 

KINH THƠ

 

Chiều về bên dòng sông tuổi thơ

Lắng hồn trong tiếng sóng vỗ bờ

Hững hờ sao đò chiều xua nước

Biết về đâu... Về đâu bến mơ

Mong nhớ nào chạm ánh trăng thơ

Soi gì đêm đã lạc bước mờ

Ta trở về như chưa hề tới

Bến giang đầu hạnh phúc xa xưa

Người đã vượt dòng sông quê người

Ôm tuổi xanh ngủ vội bên trời

Mặc gió mùa cuốn đời mù mịt

Chòng chành đưa hoa nến trôi xuôi

Về đây mong hay đợi người ơi

Vô thường rồi một bước buông lơi

Nỗi nhớ nào như mưa dầm thấm đất

Nát con tim gãy quỵ thân đời

 

                               Quang Tuyết

                        Huế, chiều cuối đông

 

Bây giờ hãy bước qua “Kinh Thơ” của Quang Tuyết.

Kinh của Quang Tuyết là kinh của thơ, nó không là lời dạy của Phật hay của Chúa nhưng là sự tụng niệm của tình. Quang Tuyết đã sáng tác ra thứ kinh ấy và nhẩm mãi trong lòng mình bởi sự hoài vọng tuổi thơ như cơn bệnh tinh thần cũng bởi sự chia lìa ly cách mà có.

Thật ra kinh đó là tất cả niềm đau tiềm ẩn trong tâm hồn thi sĩ, nó không cần tụng niệm ra lời nhưng nó tụng niệm trong tận sâu tâm hồn qua tháng ngày, trên mọi cảnh vật mà sự nhớ đem đến cho thi nhân.

Đọc khổ đầu của bài thơ, ta thấy lời kinh thơ trong tiếng sóng nước, tiếng mái chèo khua, trong âm thanh của dòng sông thực ngoài đời vọng vào dòng sông ký ức trong linh hồn tác giả, để con thuyền của tuổi thơ lạc vào một bên mơ nào không biết:

Chiều về bên dòng sông tuổi thơ

Lắng hồn trong tiếng sóng vỗ bờ

Hững hờ sao đò chiều xua nước

Biết về đâu... Về đâu bến mơ

Ta hãy nghe âm vọng của sóng trong bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/Con thuyền xuôi mái nước song song”.

Sóng của Huy Cận gợn lên nhau và kéo dài ra cùng con thuyền xuôi mái. Cảnh vật như xa lạ nên nỗi buồn cũng chỉ gợn nhẹ vì thấy cảnh sinh tình mà thôi.

Sóng và thuyền Quang Tuyết thì khác, nó mang hình ảnh thân thương gần gủi. Tiếng nước vổ sát bên tai, mái chèo khua sát bên tai, tất cả là màu sắc là của tuổi thơ. Màu sắc cúa tuổi thơ còn đó nhưng tuổi thơ đã đi qua, đã trôi về một bến mơ nào đó như con thuyền sẽ về đâu không biết.

Nhà thơ đã đứng bên dòng sông xưa, dưới ánh trăng hiện tại, có tâm trạng như chưa quay về đến đich vì dấu xưa bây giờ trở nên xa lạ:

Mong nhớ nào chạm ánh trăng thơ

Soi gì đêm đã lạc bước mờ

Ta trở về như chưa hề tới

Bến giang đầu hạnh phúc xa xưa

Đọc khổ thơ trên cho ta liên nghĩ đến nỗi sầu của bà Huyện Thanh Quan: “Dấu Xưa xe ngựa hồn thu tháo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Khác chăng là Quang Tuyết không mang nỗi sầu của một triều đại suy tàn mà mang nỗi sầu của một thế hệ qua đi. Nỗi sầu của Quang Tuyết lớn hơn, rộng hơn và bình dị hơn.

Qua khổ thơ thứ ba Quang Tuyết nhớ đến “Người”. Người đã đi vào dĩ vãng, người đã ở góc bễ chân trời:

Người đã vượt dòng sông quê người

Ôm tuổi xanh ngủ vội bên trời

Mặc gió mùa cuốn đời mù mịt

Chòng chành đưa hoa nến trôi xuôi

Người ở đây là ai? Có thể là người tình, có thể là người thân, có thể một thế hệ sống với dòng sông năm xưa và cũng có thể là chính tác giả. Người đã bị “gió mùa cuốn đi”. Gió mùa là sinh kế, gió mùa là thời cuộc, gió mùa là khói lửa chiến tranh, gió mùa tất cả sự vô thường của kiếp sông, nó đưa đẩy tuổi thơ như một đóa hoa chòng chành trôi xuôi. Hình ảnh đóa hoa trôi xuôi đó bị “gió mùa cuốn đời mù mịt” và đã “ngủ vội bên trời” buồn làm sao, da diết làm sao, có khi là đau khổ vì sự “ngủ vui” cho ta liên nghĩ dến sự chết trong đời.

Qua khổ thơ chót Quang Tuyết mới cất những tiếng than xé lòng:

Về đây mong hay đợi người ơi

Vô thường rồi một bước buông lơi

Nỗi nhớ nào như mưa dầm thấm đất

Nát con tim gãy quỵ thân đời

Nhà thơ quay về trong vô vọng vì “Về đây mong hay đợi người ơi” nghĩa là về không một niềm hy vọng đoàn viên. Nhà thơ về để dỗ dành nỗi nhớ nhưng nỗi nhớ đã như “mưa dầm thấm đất” thì nó đã nhiểm sâu trong tâm hồn, không còn ai hốt nước lên bàn tay được nữa. Bởi vì vậy câu thơ cuối là sự gục ngã đớn đau: “Nát con tim gãy quỵ thân đời”

Toàn bộ bài thơ như một tiếng kinh nhưng không phải là tiếng kinh cầu. Đây là tiếng kinh tụng niệm nỗi sầu, vọng lên từ nỗi nhớ, vọng lên từ linh hồn một người lạc lỏng bên dòng sông thân thương năm xưa. Bài thơ như tiếng sóng trầm của bến nước bình yên, nhưng lại đồng vọng nỗi buồn điệp điệp trong hồn ta và trong hồn vạn vật mà người thơ đứng cô đơn để mong và để đợi.

Đọc hai bài thơ “Lời Kinh 2” của Trần Mai Ngân và “Kinh Thơ” của Quang Tuyết, mỗi bài thơ mang một tâm sự khác nhau, môt phong cách khác nhau.

Trần Mai Ngân thì sâu nhiệm, trầm lắng những ẩn dụ trong chiều sâu tâm hồn, Quang Tuyết thì trải bày tâm tư bằng những dòng thơ se lạnh như ngọn thu phong. Thế nhưng cả hai bài thơ đều như rất gần nhau, như hai tiếng đàn 

mang cung trầm cung bổng quyến luyến nhau làm đắm say lòng người. Tôi đã đắm say nó nên tôi phải gióng lên tiếng trống, như tiếng trống chầu để tỏ lòng ngưỡng mô, tuy biết rằng viết nhiều cho người đẹp đôi khi cũng ăn đá của đời.

 

                                                                          Châu Thạch

   

    

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền