*NGL 1- Lã Bất Vi- Cá Chuối Đắm Đuối Vì Con (Tản Văn) Tác Giả Nhụy Gia Lai (Gia Lai- VN)

 

Tác Giả Nhu y Gia Lai

 

 

 

Lã Bất Vi- Cá Chuối Đắm Đuối Vì Con

 

Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi: "Người ta sống vì điều gì" chưa? Tôi vừa thử với Google, và thật đáng kinh ngạc: có đến 39.500.000 kết quả trong 0.59 giây. Sách giáo khoa và đạo đức xã hội tất nhiên có những định hướng cụ thể cho học sinh và  đối tượng bạn đọc của họ. Các nhà tâm lý trả lời cho từng trường hợp cụ thể. Các trang mạng xã hội thì thực tế hơn với nhiều quan điểm: vì bản thân, vì gia đình, vì cuộc sống, vì công danh sự nghiệp,  v.v và v.v...

 

Bạn đã nghe câu thành ngữ: "Cá chuối đắm đuối vì con" chưa?. Hồi nhỏ ở quê, có lần tôi bắt gặp một con cá chuối (*) nằm ở ven đường và bị một lũ kiến bu đầy. Tưởng cá chết nhưng nào ngờ lại gần nó trở mình phóng ào xuống nước. Tôi lạ quá về kể lại với mẹ. Bà tặc lưỡi: Ấy "cá chuối đắm đuối vì con" đấy con ạ, đừng đánh bắt nó mà tội nghiệp! Thì ra con cá chuối ấy đang có một bầy ròng ròng (tức cá con mới nở), nó tìm mồi cho con bằng cách nhảy lên bờ nằm im, đợi lúc kiến bu đầy mới phóng xuống nước mang theo cả lũ kiến ...

 

     

           Ở tuổi trung niên, trãi qua ít nhiều chiêm nghiệm cuộc sống, tôi cho rằng đã là con người- thì tuyệt đại đa số người ta sống là vì con cái. Cho dù núp dưới những ngôn từ mỹ miều hay thô thiển; thể hiện trong muôn vàn công việc mưu sinh, toan tính quyền lực, thậm chí giết chóc lẫn nhau ..., cái mục tiêu thiêng liêng ngàn đời đó vẫn là cái đích cuối cùng của con người. Một người không có con cái thường chỉ sống an phận, không mấy quan tâm đến những mục tiêu dài hạn và cũng chắng làm được việc gì ra hồn. (Tất nhiên không kể một số bậc vĩ nhân hy sinh cuộc sống riêng tư vì mục tiêu lớn lao cho cả cộng đồng).

       "Cá chuối đắm đuối vì con" là biểu tượng cho tình cảm cha mẹ, chỉ sự chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ quên mình vì con cái và mục đích sống vì con cái của con người. Thực ra các loài vật đều đắm đuối vì con, nhưng chỉ trong thời gian nhất định nuôi con khi chúng còn nhỏ chưa thể tự lập được. Điều này thuộc về bản năng sinh tồn và duy trì nòi giống của muôn loài. Con người có khác hơn, con người không chỉ nuôi mà còn dạy, đắm đuối vì con khi chúng còn nhỏ mà cả khi chúng đã trưởng thành, thậm chí cả khi chúng tiếp tục sinh con đẻ cái...

 

     Và trong muôn triệu con người sống vì con cái, cái tên Lã Bất Vi với tôi là con người số 1, bởi ông đã hy sinh cả đời vì con đến mức chịu chết dưới tay của chính con mình. Còn gì vĩ đại và bi kịch hơn thế?

 

     Lã Bất Vi được biết trong lịch sử như một người buôn vua, bán chúa có một không hai. Ông từng tranh luận với người cha- vốn cũng là một nhà buôn lớn, về lợi nhuận: "- Cày ruộng lợi gấp mấy? - Lợi gấp mười. - Buôn châu ngọc lợi gấp mấy? - Lợi gấp trăm. - Nếu giúp cho một người được lên làm vua, thống trị sơn hà, thì lợi gấp mấy? - Lợi không thể kể xiết".

 

Bất Vi tung tiền bạc châu báu giúp Tử Sở -lúc này đang là hoàng tử con thứ nước Tần sang làm con tin ở nước Triệu- để chiêu mộ tân khách, khuếch trương thanh thế, tìm cách đưa Tử Sở làm con nuôi của Hoa Dương phu nhân (sau này trở thành Hoàng hậu, và Tử Sở trở thành thái tử). Tiếp đó ông lập mưu gả người  thiếp yêu  đàn hay múa giỏi, lại đang có mang là Triệu Cơ cho Tử Sở. Tử Sở lập Triệu Cơ làm phu nhân, đến đủ tháng sinh con là Doanh Chính. Mười năm sau, Thái tử Tử Sở lên ngôi vua lấy hiệu là Trang Tương vương, Bất Vi được phong làm thừa tướng. Trang Tương vương làm vua được ba năm thì mất (Có ý kiến cho rằng chính Bất Vi chủ mưu hại vua). Thái tử Doanh Chính lúc này 13 tuổi nối ngôi, gọi là Tần Vương Chính- tức Tần Thủy Hoàng sau này, tôn Lã Bất Vi làm tướng quốc, gọi là trọng phụ.

 

 

Nếu tính thời gian chỉ  trong 13 năm, phi vụ mua bán của Lã Bất Vi như vậy thành công ngoài sức tưởng tượng. Nói về tiền của, Bất Vi chiêu đãi kẻ sĩ rất hậu, khách ăn trong nhà thường xuyên có đến ba nghìn. Khi biên soạn bộ sách Lã Thị Xuân Thu , để hoàn chỉnh bộ sách này, Bất Vi cho bày ở cửa chợ Hàm Dương, đặt nghìn lạng vàng lên trên, mời các du sĩ của chư hầu ai có thể thêm bớt một chữ thì xin biếu một nghìn lạng vàng.Nói về quyền lực, với chức thừa tướng kiêm tướng quốc, Bất Vi thâu tóm hết mọi quyền hành trong tay, triều thần không một ai dám chống đối.

 

Một người đã dám buôn vua bán chúa, tất không thể không đam mê quyền lực. Mà quyền lực thì phải tận cùng, phải tuyệt đối, nghĩa là phải làm vua kia, chứ nắm mọi quyền hành mà chưa làm vua thì chưa thể thỏa mãn khát khao quyền lực. Thế nhưng Lã Bất Vi không hề có ý định tiếm ngôi vua, dù ông hoàn toàn đủ sức làm việc đó. Ngay từ đầu dâng Triệu Cơ cho Tử Sở, ông đã tính toán mọi đường đi nước bước để đứa con đang còn trong bụng mẹ sẽ có ngày lên ngôi vua. Ông thâu tóm quyền lực chỉ để âm thầm bảo vệ cho con mình. Khi Tần Vương Chính dần trưởng thành và có ý thức xây dựng quyền lực riêng để thoát khỏi cái bóng quá lớn của Tướng quốc trọng phụ, ông lại từng bước buông lỏng quyền lực của mình, để rồi bị chính con mình bức tử mà không hề hé răng nửa lời. Bởi ông hiểu nếu ông làm vua hoặc tiết lộ bí mật cha con để đánh đổi mạng sống, con ông sẽ mất đi vị thế kế tục chính thống: "cha truyền con nối", "con vua phải được làm vua". Mà dưới các triều đại phong kiến, không có tính chính thống, ngai vàng khó mà giữ được.

 

Buôn cả vua nhưng không phải vì mình, mà để cho con mình làm vua, khắp gầm trời này duy chỉ có Lã Bất Vi vậy!

 

 

Có điều vì con, Lã Bất Vi không chỉ gây ra bi kịch cho chính cuộc đời mình mà cho cả Triệu Cơ, người thiếp ông từng rất mực yêu thương. Khi trở thành Tướng quốc trọng phụ, sợ bị lộ chuyện riêng tư cũ, Bất Vi bày kế đưa Lao Ái vào cung kề cận với Triệu Cơ, có hai con riêng sau bị chính người anh cùng mẹ khác cha Tần Thủy Hoàng giết chết, bản thân Triệu Cơ cũng bị đày vào lãnh cung. Tần Thủy Hoàng sau này trở thành bạo chúa khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa, người dám đốt sách và chôn sống hàng ngàn nho sinh, gây bao xương máu chất chồng trong quá trình thôn tính sáu nước chư hầu để lập nên đế chế Tần Thủy Hoàng hùng mạnh.

 

Ai cũng vì con cái, nhưng ai cũng "học tập" Lã Bất Vi thì thiên hạ có mà đại loạn.

 

Tôi không tán thành cái cách Lã Bất Vi toan tính để đạt đến mục tiêu của mình, nhưng sự hy sinh vì con cả một đời của ông thật đáng để người ta nể phục.

 

  (NhụyGialai 06.2011

nhàn đàm trà dư tửu hậu..).

 

(*): cũng là cá lóc, cá quả, cá tràu- tên gọi khác nhau theo từng miền

 

 

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền