Nhà Thơ Châu Thạ̣ch
Nhà Thơ Vũ Thu Yến
Đọc Đường Thi Bút Thép Vũ Thu Yến
Từ ngày thơ Đường luật thịnh hành trở lại trên diễn đàn thơ nước Việt, người ta thấy rất nhiều tác giả nữ ở tuổi trung niên xuất hiện trên thi đàn, đã góp phần quan trọng trong việc làm cho thể thơ nầy mỗi ngày thêm khởi sắc. Một trong những nhà thơ đó mà Châu Thạch tôi có duyên được mến mộ trên dòng thời gian facebook và trên các trang web thơ văn, bởi ngoài những bài thơ với những để tài chung quanh cuộc sống, tác giả còn có những bài thơ đanh thép như bút kiếm của nam nhi hảo hán, chém vào những điều tệ hại của cuộc đời. Đó là Vũ Thu Yến. một người đẹp đang sống giữa lòng thành phố Sài Gòn hoa lê.
Hôm nay Châu Thạch xin đề cập riêng về chủ đề “bút thép” trong Đường thi Vũ Thu Yến, là một thể loại thơ cần kỷ thuât cao, hình thức cấu trúc, phương pháp diễn đạt và kỷ xảo phải đạt một trình độ thượng thừa thì thơ mới đi vào được lòng người.
Đường thi Vũ Thu Yến có nhiều về những đề tài xã hội, là một đề tài thật khô khan. Thế nhưng, nhà thơ mượn thể thơ bác học nầy để khéo léo diễn đạt rõ nét những vết nhơ bẩn giữa đời, biến cái không đẹp thành thơ đẹp, tác động vào ta thấy những bức xúc nổi cộm mà từ lâu ẩn chứa trong lòng người và khuấy động giữa thời gian.
Hãy đọc thử một bài thơ nói về một loại côn trùng:
VỊNH CON ĐUÔNG DỪA
Thân mình tròn lẳn bọn đuông dừa
Nòi giống côn trùng thật khó ưa
Khoét đục thân cây cho mục ruỗng
Moi đào mạch nhựa đến te tua
Ăn tàn nguồn sống không thương tiếc
Phá hoại tài nguyên chẳng chịu chừa
Một lũ háu ăn mong thoát xác
Người đời nguyền rủa nhục hay chưa?
Vũ Thu Yến
Từ xa xưa, các nhà nho đã quen dùng ba thể cách phú, tỉ, hứng để diễn đạt những điều mình muốn nói vào thi ca. Tỉ là cách lấy vật nầy so với vật kia, ví dụ như lấy con chuộc xù để nói về bọn bóc lột:
Chuột xù mày hởi chuột xù
Từ nay thôi chớ ăn nhờ thóc đây…
Qua bài “Vịnh Con Đuông Dừa” ta thấy Vũ Thu Yến đã tài tình khi áp dụng thể cách tỉ, dùng con “Đuông” để vạch trần tội lỗi của bọn lâm tặc, của bọn người phá hoại tài nguyên đất nước. Nhà thơ đã dùng hình ảnh con vật rất nhỏ nhoi để ký trú vào đó hình ảnh của con người mang tội lỗi đại hình. Khác với những nhà thơ Đường thi khác, thường dùng những con vật hung dữ, hoặc những đồ vật dơ bẩn làm hiện thân của bọn tội phạm, nhà thơ Vũ Thu Yến đã dùng một côn trùng hiền hòa, yếu đuôi lại phát họa hoàn toàn hình và tánh của bọn người phá hoại kia. Sự nghịch lý ấy chính là một nghệ thuật và một phương pháp thành công trong văn chương để sự diễn đạt rốt ráo đến tận chân tơ.
Khi đọc “Thân hình tròn lẳng bọn đuông dừa/Nòi giống côn trùng thật khó ưa” không ai không nghĩ đến thân thể phị nộn của lũ người sâu dân mọt nước: Đó là dùng tả chân để tả hình!. Khi đọc “Ăn tàn nguồn sống không thương tiếc/Phá hoài tài nguyên chẳng chịu chừa” không ai không nghĩ đến bọn người phá rừng, phá núi, bán sông bán biển, bán hầm mỏ, bán đất đai vì lợi ích của bản thân mình: Đó là dùng ẩn dụ để tả tánh!.
Con Đuông Dừa là ấu trùng của loại bọ cánh cứng, chuyên đục phá thân cây nhưng là món ăn đặc sản ngon bổ rất quí hiếm. Qua bài thơ “Vịnh Con Đuông Dừa” cái hay là người đọc không ghê tởm con Đuông Dừa, không ghét con Đuông Dừa chút nào nhừng lại ghê tởm bọn người mang hình ảnh con Đuông ở giữa cuộc đời nầy. Bài thơ đã dùng kỷ xảo tuyệt vời, đem cái xấu và cái tốt tá khách vào nhau, tạo phản cảm lớn lao trong bức tranh con vật nhỏ bé một cách trọn vẹn, diễn đạt đầy đủ sự bách hại của một thành phần xã hội đen mà “ người đời nguyền rủa…”
Tiếp tục nói về tính bút thép trong Đường thi, Vũ Thu Yến có những bài thơ như “Họ Nhà Khỉ” vạch mặt chỉ tên bọn giả nhân giả nghĩa, bọn múa rối giữa đời như bầy khỉ từ trên cao xuống núi, huyênh hoang, khoác lác diễn tuồng mà không xấu hổ:
Một lũ bầy đàn sống ở hang
Rủ nhau xuống núi đến thôn làng
Tay chân lếu láo bày trò rối
Dạng điệu huênh hoang học cách sang
Làm xiếc đóng hề nơi phố thị
Hát tuồng, diễn thói khắp sơn trang
--------------------còn tiếp hai câu
(Họ Nhà Khỉ)
Hoặc là nhà thơ đã miêu tả những con sâu dơ bẩn giống y nguyên khuôn mặt bọn gian manh trong cuộc đời nầy:
Sâu to sâu nhỏ cả bầy đàn
Mắt hí mày ngài thô nét gian
Đục khoét gặm mòn nhiều ngõ ngách
Ăn tàn phá họai một giang san
----------------------còn tiếp bốn câu
( Bầy Sâu)
Đọc bốn câu thơ, chỉ ở vế mở và vế trạng của bài Đường thi, ta đã thấy lô lộ những khuôn mặt gớm ghiếc của bọn sâu mang mặt người và sự đục khoét, ăn tàn của họ ghê gớm làm sao. Nhà thơ đã rất độc đáo trong nghê thuật tả người ở câu thơ “Mắt hí mày ngài thô nét gian”. Chỉ câu thơ nầy thôi đã diễn đạt đậm ý nghĩa của toàn bộ bài thơ. Khi đọc câu thơ nầy người đọc hiểu ngay “sâu’ không phải là sâu mà là “người”, nhưng “người” cũng không phải là người mà là ‘sâu’. Hơn nữa, người ở đây hiển hiện ra bề ngoài đầy đủ sự dâm ô, gian tham và xảo quyệt trong bản tính của họ
Cây bút Đường thi của Vũ Thu Yến là cây bút xông xao và gan dạ. Nhà thơ không từ việc chỉ trích đến những nhân vật có quyền cao chức trọng mà có cử chỉ tầm thường, mất đi cốt cách cho người đời kính trọng:
Ô kìa bản mặt của ai đây
Đưa mắt lên trời ngắm đám mây?
Cuộc họp đông người chăm chú dõi
Tọa đàm năm vị lắng nghe bày
---------------------------còn tiếp 4 câu
(Khó Coi)
Cuối cùng là một bài Đường thi bút thép nhưng thép đã được tôi luyện ở chốn thiền môn nên nhẹ nhàng, thanh cao và thâm thúy:
TIẾNG CHUÔNG NGÂN
Bước đến Thiền môn giũ bụi trần
Nghe lòng thanh thản nỗi bâng khuâng
Chuông vang lảnh lót bao lời nhắn
Mõ vọng thâm trầm những tiếng ngân
Mọt nước đừng hòng che ác ý
Sâu dân không thể giấu tà tâm
Tiếng chuông cảnh tỉnh lòng mê muội
Trở gót lòng mình thấy nhẹ tâng.
Đọc phần đầu của “Tiếng Chuông Ngân” ta nghe tiếng chuông vang vọng lời khuyên buông bỏ. Lời thơ ở đây như sự thức tỉnh tâm hồn tác giả, giữa sự lắng đọng của không gian, trong tiếng chuông chùa vang vọng. Thế nhưng, đọc tiếp bốn câu thơ sau, ta nhận biết được nỗi ưu tư của con người có tấm lòng đối với nhân thế. Đọc bài thơ nầy tôi nhớ đến lời nhạc của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi,để gió cuốn đi…”. Ở đây Vũ Thu Yến có một tâm lòng không để gió cuốn đi mà để theo tiếng chuông chùa ngân vọng vào lòng người, xóa hết khổ đau, hướng về néo thiện.
Đây là một bài thơ mang hai tâm trạng trong một con người. Tâm trạng đầu tiên khi nghe “chuông vang lánh lót/ Mõ vọng thâm trầm” là nghe “lòng thanh thản nỗi bâng khuâng”. Ấy là sự hưởng thụ thanh bình, an lạc ở chốn thiền môn. Rồi thì khi nhớ đến bọn “sâu dân/ mọt nước”, nỗi đau bổng thức dậy trong lòng. Nỗi đau nầy không có hận thù, đó là thứ tình thương siêu việt mà nhà thơ ít, nhiều hấp thụ từ giáo huấn Phật pháp, từ đức đô của các vị tu hành. Vũ Thu Yến đã nhận tiếng chuông vào lòng mình và muốn gởi tiếng chuông đó để nhắn nhủ, để “cảnh tỉnh lòng mê muội” của tha nhân còn đắm chìm trong tội lỗi.
Đọc toàn bô bài thơ” Tiếng Chuông Ngân”, ta hiểu đây không phải là lời hoa mỹ đầu môi của những bài thơ đạo đức, thơ thiền, thơ Phật theo trào lưu hiện nay, Đây chính là một bài thơ diễn đạt sự chuyển biến tâm trạng thật của con người có thiện tánh, con người đó khi nghe tiếng chuông ngân thì lòng rung động. Bài thơ hay vì nhà thơ đã diễn đạt dược cái thật của lòng mình, cái ý niệm cao sâu thường nằm trong tiềm thức mà ít người làm thơ nói ra được, dầu đã học sâu nhiệm giáo lý cao thâm.
Tất nhiên gia tài thơ Vũ Thu Yến có đầy đủ những đề tài về mây nước. về gió trăng, về tình yêu và về tất cả nhừng điều mà nhà thờ cảm xúc trong đời. Tôi đã bước vào vườn thơ ấy và tôi cũng đã từng thao thức để chiêm nghiệm, ngưỡng mộ và khen ngợi những đóa hoa thơ rất đẹp. Mong rằng tôi còn dịp để viết về những loài hoa thơ khác của nhà thơ. Ước ao, có ai đó bước vào nơi ấy cũng sẽ ngồi lại rất lâu ./.
Châu Thạch
Kommentar schreiben