*VCL 3- Sư Ông (Truyện Ngắn) Tác Giả Võ Công Liêm (Canada)

 

Tác Giả Võ Công Liêm

 

                        

  Sư Ông

 

                                                                             ’pourquoi nier votre plus grand desir?’ (C.Jung)

 

1.

      Giữa tháng ba âm mà hương xuân còn vất vưởng đâu đây, cảnh vật chung quanh lắng đọng chỉ nghe vi vu tiếng gió hoặc tiếng chim trên cành. Đi dưới hàng thông già, sư Hải Tịnh cúi đầu bước chậm rãi, tay chắp sau đít, người mặc bộ đồ lam ngọc bạc mầu, đầu đội mũ len nâu; thỉnh thoảng sư ngẩn đầu hít thở khí trong lành buổi sáng sớm, nắng núp sau bụi cây già, len vào khe hở của tàng cây dội xuống sân chùa những tia nắng chói, thấy rõ mấy chậu bông cúc đại đóa, bông vạn thọ, bông mồng gà, vàng thắm, tỏa hương, cây kiển xanh tươi; sư liếc vào hoa để tìm thấy chút vui trong mắt cũng như hài hòa giữa người với cảnh thiên nhiên. Sư Hải Tịnh nay đã ngoài bảy mươi, bên cạnh sư có tu sinh tên là Độ, tuổi chừng 17, pháp danh Tánh Không con bỏ rơi ở chùa lúc mới chào đời. Được  sư Hải Tịnh nhận làm đệ tử theo phép Phật, sư và tiểu như cha con, Tánh Không lớn dần, sư nhẹ đôi tay. Sư Hải Tịnh trụ trì chùa sau khi sư cụ viên tịch và truyền y áo chấp chính việc tu học và quản trị chùa. Theo lời truyền tụng cũng như lời dạy của sư cụ thì chùa không có tên Phật để gọi, chỉ gọi là chùa Bà, nhưng Sư Hải Tịnh không hài lòng với tên gọi như thế, nhân gian quen miệng trở thành tên thường gọi. Đúng ra chùa được xây dựng nghe đâu từ hồi năm thứ 30 vua Tự Đức (1877) do Cung phi Tài nhân Nguyễn Trang Thị phụng lập là một trong số hơn 100 bà vợ của vua, thời gian ở trong cung cấm, bà tận tình làm tròn nghĩa vụ với hoàng thượng nhưng vẫn không sanh nở cho vua một mụn con; tuổi xế bóng bà Tài nhân  thường đến chùa đảnh lễ Phật vào những ngày lễ chính và rằm, mùng một. Chùa nằm sâu ở một vùng đồi núi hẻo lánh, xa kinh kỳ. Sau nầy bà xuất gia về tu ở đây cho tới ngày mãn phần.

Tiền Phật hậu linh, bài vị bà Tài nhân nay còn để thờ trong chùa. Nhờ thiện tâm của phật tử đóng góp và nhờ một mớ chữ Hán chữ Nôm, kinh điển mà làm được những việc Phật sự, ngoài ra sư Hải Tịnh biết về khoa nhập lý chẩn bệnh, trị bệnh, bốc thuốc Bắc, thuốc Nam trị được nhiều chứng nan y nhờ đó mà có lợi tức dành để trùng tu chùa mỗi khi có gió bão ghé tới và thêm hương hoa dâng Phật thường nhật. Cảnh chùa đẹp nhờ có sơn thủy trước sau, dể quyến rũ khách vãng cảnh. Đêm vắng lạnh chỉ còn nghe tiếng kinh của sư Hải Tịnh hoặc của Tánh Không khi trầm, khi bổng nhịp nhàng với chuông mõ, hòa với suối chảy từ đằng xa vọng về thêm thâm u cùng cốc giữa chốn sơn lâm.

 

2.

 

    Một tay O Khoát; bà con trong họ với sư Hải Tịnh đứng ra chăm sóc, nuôi nấng Độ, từ buổi nhặt được ở chùa, đợi tới khi Độ lên 5 thì O Khoát trao lại cho sư Hải Tịnh dạy dỗ và tu học ở chùa Bà do sư làm chủ nhiệm. Nhớ lại thuở đó sư áy náy vô cùng.

-   Sư anh có duyên mới được một đệ tử chân truyền. Đó cũng là cái hạnh được Trời Phật giao phó, biết đâu về sau đở tay thay việc cho sư anh. O Khoát nói.

-   Mô Phật! Sự gì cũng do nhân duyên mà ra. Đã tu thì phải nhận dù tốt hay xấu. Sư nói.

O Khoát ra về mà không cầm được nước mắt. Ôm Độ vào lòng mà nghe tiếng khóc nức nở. Độ cũng khóc vì quá thương O. Ra khỏi cổng chùa thì trời sập tối. Sư đứng nhìn theo mà lòng bồi hồi trước cảnh đời; tưởng xuống tóc qui y Phật, quy y tăng để giải thoát bể khổ, bể khổ lại vô vàn. Bóng đêm trùm xuống, sư vội vã nhanh chưn hướng về chánh điện, hành kinh chiều cúng Bụt và bà Từ cung đoạn lặng lẽ bước xuống trai thất xem chừng tiểu Độ. Tiểu Độ ngủ khoẻ, soải tay chân lên giường của sư Hải Tịnh. Sư kéo chăn đắp lên mình tiểu Độ rồi chuồi mình ngủ cạnh bên. Sư nhìn tiểu Độ, miệng lẩm nhẩm, mỉm cười mắt sư lịm xuống và chìm dần vào giấc ngủ. Trăng non hé qua rèm.

Sư và tiểu đệ thường khi hay vào rừng hoặc ven suối hái cây lá để ăn hoặc tìm lá hiếm có chất dược; sư dùng mũi và trí tuệ hoặc đem kinh nghiệm gia truyền để điều nghiên, đem về phơi khô, nghiền nát làm thuốc đông dược dành trị liệu cho thập phương chúng sinh.

Sư đi xa một khoảng không nghe Tiểu Độ bên mình, ngoảnh cổ nhìn lui không thấy, sư nghĩ chắc còn hái rau, hái trái. Yên lòng sư lủi thủi đi về, giữa lúc ấy Tiểu Độ dõi mắt nhìn bướm bay lượn hay đậu lại trên nhụy hoa, nhìn xuống nước ngắm cá lội, nhìn chim bay, một đôi khi vuốt lên mình những gai lông cứng của sâu rọm hay bọ xít mà lòng dạt dào ham muốn, Tiểu Độ dạo ấy qua khỏi tuổi mười hai, trong lòng thường hướng tới ngoại giới nhiều hơn. Về tới chùa, cúi đầu lạy thầy và lủi xuống trai thất, nghe heo ụt ịt trong chuồng cũng sinh lòng, nhìn qua sân thấy Sư thầy cúi đầu nghiền thuốc phơi khô; giữa sân chùa la liệt những lá, cành phơi nắng để làm thuốc. Kinh giờ ngọ xong mới thọ trai. Tiểu Độ hành kinh cùng thầy thường hay ngáp và ngủ gật. Sư Hải Tịnh liếc mắt nhìn và nhoẻn cười vui thú. Sư và tiểu sống thế như mọi năm, thời gian đi hay đứng đối với sư là tuần hoàn của vũ trụ. Có ngày thì phải có đêm, có mặt trời thì có mặt trăng, âm dương giữa thiên nhiên hòa hợp thì mới thuận với lẽ trời. Còn tiểu Độ vô tư, ngoài tu học kinh điển thì hồn trở về với mộng mơ. Ăn khoẻ, ngủ khoẻ. Sư Hải Tịnh căn dặn nhiều lần với tiểu đệ, dốc tâm học Phật, theo đường Phật là diệt dục, diệt ngã, diệt tham sân si.Tiểu Độ thưa bẩm rồi trở về với bản chất hồn nhiên...

-   Mới thấy đó mà giờ nầy Tánh Không ra đàn ông, vững chắc và thể lực dồi dào. Dưa muối mà nẩy mầm nhanh. Tánh Không nay đã 18, tiếng nói ’ngỗng đực’ râu quai hàm, râu mép xanh rờn, đầu cạo bóng loáng mà hôm sau đã lún phún. Sư ông nói một mình.

Ngoài việc kinh kệ, học tập, Tánh Không còn đảm đương việc chùa, chẻ củi, xắt giặt, cắt xén rau thừa, men rượu, cám cơm cho heo; như một phụ nữ trong nhà. Thu đông sư Hải Tịnh thường dậy muộn. Tánh Không quét sân chùa để tránh động giấc ngủ của sư ông. Tiểu sư Thích Tánh Không ngừng quét nhìn trời cảnh Bụt mà tức cảnh, ngâm thơ:

                                            ’Cung môn trần yếm kinh sinh đài

                                             Bạch trú trầm trầm thiểu vãng lai’*

Nghe tiếng ho biết thầy dậy, quẳng chủi đi về trai thất để hầu thầy. Tánh Không nhìn lên chiếu tọa thiền đã thấy trà ấm sẳn sàng. Bước qua chái sau đun lửa nấu nước để chế trà và nước ấm thầy rửa mặt. Lửa vui, nước cũng vui, Tánh Không thấy rạo rực trong lòng, cái tuổi trai 18 có khác gì tuổi gái dậy thì mỗi khi động kinh. Vô cùng chộn rộn.

-   Bạch thầy; con đã sẳn trà nước xin được hầu thầy. Tánh Không nói.

Bên ngoài nắng dậy từ lâu, gió thổi sương mờ đi khuất cho sáng một ngày vui. Lũ chim hót như nhạc khai mùa, những cây tùng, trắc bá diệp, cây long não, cây đa già coi như lả lơi, thách đố với ông Tạo, đồi núi thoi thỏi, suối, thác reo vui. Cảnh như thế làm sao không nức lòng. Sư chọn chỗ để tu thật là qúy cảnh. Khách thập phương mỗi khi tụ về đây thường mơ đến tiên giới là vậy. Thích Tánh Không không nghĩ như người đời nghĩ, tiểu sư nghĩ về đạo tu nhiều hơn; mà trong mỗi lời kinh hay thuyết giảng như chứa đựng một cái gì xa vời thực tế. Đôi khi Tánh Không cảm thấy như luật cấm, tâm hồn tiểu sư như gò ép, khó mà tìm cho ra câu giải đáp. Kể cả thay đổi trong người tiểu sư cũng đã là câu hỏi. Một đôi khi ức chế tâm can, thường bộc bạch với sư Hải Tịnh những câu hỏi ngoài giáo lý. Sư cười và trả lời một cách không có chi, sư xử dụng phép công án thiền phái.

-   Bạch thầy: Niết Bàn và Điạ ngục có thật không? Tánh Không nói.

-   Cửa cụi cài hay mở ? Coi chừng con mèo đen. Sư Hải Tịnh nói.

Tiểu sư Thích Tánh Không vô cùng ngạc nhiên nghe thầy dạy như thế ; đứng ngơ ngáo nhìn trời mây, không thấy sư ông ở đó, người đã ngoảy lưng đi sau câu nói. Hải Tịnh nghĩ Tánh Không như cây phiến trước cổng chùa qua một đêm mưa gió.

 

3.

     Sư Hải Tịnh đang trầm ngâm bài lý số tử vi mà đạo hữu Thìn cậy sư lập cho thằng con qúy tử. Sư thấy khó mà sắp xếp cho thuận số ở cái tuổi nầy. Giờ xấu, tháng xấu mà khai ra e làm buồn cho Thìn đội trưởng thôn An Hội. Sư Hải Tịnh ráng làm đẹp lòng vợ chồng Thìn mà sư chưa tìm ra lý giải. Đang vận dụng tâm trí, bấm từng đốt lóng tay. Bỗng nghe tiếng cửa đẩy nhẹ vào chánh điện chùa. Sư ngước mắt nhìn.

-   Bạch thầy có khách đến bắt mạch, bốc thuốc. Tánh Không nói.

-   Đưa khách vào trai thất và mời trà nước nghe con. Sư Hải Tịnh nói.

Hai mẹ con bà Yến Linh cung kính theo chân Tánh Không đến trai thất, rón rén, nhẹ nhàng như mèo rình chuột, mắt Yến Linh đảo quanh gian tranh, sắp xếp đơn sơ theo kiểu cách Thiền tu, một bộ ván gỗ làm nơi ăn, ngủ, ở gian giữa kê bộ bàn cũ với bốn cái ghế màu nâu sậm. Trên vách phên treo một vài bức thủy thái họa bằng mực Tàu. Ở mỗi hai cửa sổ treo hai giò lan rừng, đu đưa như chim hót trong lồng. Rót nước mời khách Tánh Không phép tắc trong cử chỉ, lời ăn tiếng nói, né tránh cái nhìn vào mỹ nữ, Tiểu sư sợ đôi mắt đời dị nghị, kể cả cái nhìn hiền hòa của sư ông. Tự nhiên tiểu sư vui ra.

-   Bà chắc đi đường xa mới đến đây. Từ ngoài lộ vào chùa non cây số, chắc vất vả cho bà và cô ở đây. Tánh Không nói.

-   Chúng tôi cho xe đợi ở ngoài cổng chùa và rảo bộ vào đây. Yến Linh nói.

Trao đổi vài câu với tiểu sư thì sư ông đã vào trai thất, nụ cười đôn hậu, kéo ghế ngồi cạnh bên hai mẹ con Yến Linh. Người con gái ít nói, trầm lặng hay vì đi đường xa. Sư Hải Tịnh vấn tay áo rộng ống, cầm bình trà rót vào hai tách. Sư nhìn qua hình dáng mẹ con Yến Linh cũng đánh giá được phẩm cách của họ thuộc thành phần nào giữa xã hội nầy. Cái nhìn của sư là cái nhìn bắt mạch, cái nhìn vật lý trị liệu.

-   Sao bà biết đến đây ? Ai thăm mạch, bốc thuốc bửa nay ? Sư ông nói.

Yến Linh nhìn con gái, đưa tay vuốt tóc con như vỗ về, nói nhỏ bên tai như trấn an, khuyên bảo, Yến Linh biết tâm trạng con gái mình thường hay giao động bất thường, một phần chứng lãnh cảm làm cho con gái thường âu sầu, ít nói hơn xưa. Bà đã cố công chạy chửa để con mình trở lại bình thường. Yến Linh đôi lần muốn nói cho con gái biết cái tâm bệnh gia truyền nhưng lại thôi, sợ hiểu nhầm phật lòng con. Đoạn quay qua nói với sư Hải Tịnh lý do bệnh lý của con mình và mong đợi sự chửa chạy của sư.

-  Bạch thầy : cháu tên là Hiền Lương, tuổi Thìn 21, sau khi học hết trung học thì cháu lâm bệnh, do đó học hành gián đoạn. Sinh ra ít ăn, ít nói, người mỗi lúc mỗi gầy. Thầy thuốc Tây cho đây một phần ảnh hưởng bệnh trầm cảm, một phần bị lý trí khống chế, biến chứng qua hành động khác thường. Tánh Không đứng cạnh sư ông nghe theo lời dặn, quay người trải chiếu lót khăn ; lúc nầy Tánh Không cởi áo nâu sòng, thay vào  chiếc áo quạ trắng, quần trắng như một tá viên. Đứng khoanh tay nghe ngóng, đợi chờ.

-  Mạch thường, ngũ tạng suy giảm, khí huyết có phần cao, thần khí không ổn cho nên kém ăn, mất ngủ cần phải theo dỏi kĩ, thuốc thang cân đúng, sắc đúng thì may ra thuyên giảm đôi phần. Nếu chai lơ bệnh sẽ khó chửa. Sư ông Hải Tịnh nói.

-  Vậy xin sư ông cho được gởi cháu lại đây để chửa trị, chừng mỗi tuần chúng tôi cắt cử người đến thăm cháu. Xin thầy nhận lời thỉnh cầu nầy ; cứu độ chúng sinh và đệ tử dốc tâm cung dưỡng công đức sư ông. Yến Linh nói.

Đây là một thế khó xử cho sư Hải Tịnh. Xưa nay chưa có ai làm việc nầy, nhất là tu giới, nhà Phật đâu có chứa nữ ở trong chùa ; ‘nam nữ thọ thọ bất thân’ mà lứa đôi là rơm với lửa. Sư Hải Tịnh suy nghĩ nát óc để tìm lối thoát. Sư xô cửa hông bên trái, bước xuống bực thềm, nhìn trời cao như thanh minh lòng dạ của người chân tu, xin chứng giám. Tánh Không nhìn sư ông rồi lại nhìn Hiền Lương. Trong suy tư của Tánh Không, có ít nhiều giới hạn hai chữ Niết Bàn và Điạ Ngục giữa lúc nầy. Tánh Không rùng mình.Thoạt nghe tiếng gọi của sư ông, vội vuốt tà áo nâu sòng, vuốt mái đầu trơn, nhanh chân bước tới gần sư ông.

-   Bạch thầy ; thầy chỉ dạy điều gì ? Tiểu sư Tánh Không nói.

-   Tánh Không ! Con sắp xếp chỗ ăn ở cho nữ Hiền Lương ở trai thất. Phần ta và đệ tử ngủ tạm trên nền gạch chánh điện chùa, nhớ là chiếu chăn sau giờ thỉnh kinh, ngủ dưới bụng trống đại. Con nhớ cho. Sư ông nói.

Chưa qua một tuần tá túc tại chùa ; Hiền Lương có nét vui, thì thào đôi câu. Sư ông nghĩ tác dụng của thuốc ta, thấm thuốc cho nên da thịt trở nên hồng hào, hay tại món ăn tương chao mà thích hợp cơ thể. Không chừng ! Tánh Không nhúm lửa nấu cháo gạo đỏ, gạo bà Yến Linh gởi đến hôm qua. Gạo sôi, phịp bọt hồng lên miệng om đất nghe mùi nồng nàn, sư ông và tiểu sư thèm món nầy từ lâu, nhưng không nói tránh cái tham dục trong lòng. Tánh Không đứng dậy nhìn ra ngoài thấy Hiền Lương đi lại chậm chạp trên sân gạch Bát Tràng, đầu cúi xuống, mái tóc xanh cũng cúi xuống, sà trên vai ; hình ảnh nầy cho Tánh Không một ấn tượng mới trong lòng. Sau tuần hương đầu sương, sư ông ăn chậm chén cháo gạo đỏ, lộ gương mặt ngon miệng. Cả ba điểm tâm xong họ đi vào việc. Cảnh trời đầu hạ ở rừng núi có một bầu không khí cách riêng như có hơi thở của cây lá, mạch đất, tất thảy đều xôn xao trở mình để đón nắng của mùa ấm.

-   Tôi muốn cùng thầy vào rừng thăm thú cho biết cảnh quang nơi đây. Hiền Lương nói.

Tánh Không cúi đầu im lặng, không trả lời câu nói của Hiền Lương mà cho đây là hành động phạm tăng giới, một đối đầu với thực tại giữa người tu Phật và người không tu Phật, nhưng trong tâm tư tình cảm của con người không có đối đầu, không có giới hạn mà có một luật chung sinh tử bình thường và bình đẳng, nhưng trong sự bình đẳng là một thúc đẩy quyết định, liệu chọn lựa đó có kiềm tỏa được trí năng ? Dù không một mảy may. Mỗi khi đưa vấn đề tức có dự mưu, dù kẻ ác hay thiện. Tâm tư tiểu sư báo động, miệng ấp úng.

-  Tôi phải thỉnh ý sư ông. Tánh Không nói.

Sư Hải Tịnh đưa chén trà lên môi, vuốt chùm râu bạc dưới cầm nhìn vào khoảng không, tư duy về chánh pháp Phật, dẫu cả đời sư ông dấn bước vào đuốc tuệ nhưng vẫn chưa tìm thấy chân lý nhà Phật một cách sáng suốt, triết thuyết Phật bao la diệu vợi, ngọn đuốc vẫn còn đứng trước gió. Nuôi dạy Tánh Không từ nhỏ cho tới lúc trưởng thành, chỉ dựa trên kinh điển để mà sống và hành chớ chưa một lần giảo nghiệm để thấy được đâu là chánh, đâu là tà, đâu là tâm và đâu là chất. Sư ông ngồi tĩnh tọa khá lâu, không còn nghe, thấy, biết, toàn trí nhập vào nhất thể để trở về tánh không, đó là chân lý nhà Phật. Ấy là điều lâu nay sư ông và đệ tử dày công nghiên cứu và tu học Phật.

-   Ôi ! cá lội dưới suối đẹp quá, dễ thương quá ! Hiền Lương tay trần mà muốn bắt cá, bắt ốc, y thị không ngại bởi bốn bề vắng lặng, chỉ nghe rì rào của thông reo ; hoàn toàn vắng lặng, cái sự vắng lặng vừa đe dọa, vừa gợi ý Hiền Lương. Tánh Không ngồi trên đồi cao canh chừng ‘tiểu thư’, cúi đầu chơi với cát đá. Ngẩn đầu lên thì không thấy thị nữ. Xuống đồi mới nhận ra mình mẩy Hiền Lương ướt vì theo đuổi cá mắt xanh. Chính cái vắng lặng, trong veo quyến rũ con người. Muốn đẹp lòng thị nữ, Tánh Không cuộn tay áo nâu, đuổi theo cá, họ cùng đuổi theo cá, chụp cá lội không ngờ cả hai té ngã, Tánh Không nằm trên mình Hiền Lương. Tiểu sư hoảng, cố buông tay ra khỏi người đẹp, tóc nàng dán lên mặt, chảy xuống tận môi, mắt Hiền Lương nhắm lại, tay quàng vào cổ Tánh Không. Đôi vú lộ trên chiếc áo mỏng, gần kề ngực tiểu sư. Tánh Không choáng váng, xốc người Hiền Lương đứng dậy đưa vào rià ; nước thấm da, áo thấm nước, mình mẩy cả hai run cầm cập, nụ hôn nở từ đây, vòng tay như sợi dây thừng cột từ đây. Lặng ; chỉ thấy đá, cây, nước và mây âm thầm đứng nhìn…Tánh Không nhận ra ba hiện tượng trước mắt: thiên, điạ, nhân. Khiếp!

 

Sư và đệ tử nằm ngủ dưới chân trống đại, đèn thờ trên hương án mờ mờ tỏ tỏ làm cho bóng đêm không sợ. Trăng bên ngoài đang còn ở giữa tuần trăng, bốn bề tĩnh lặng chỉ nghe tiếng vượn hú hay tiếng cú kêu ở tận rừng sâu đưa về, cây tùng, cây bách cũng ngủ. Qua gần giờ Tý, Tánh Không liếc nhìn sư ông ngủ kỹ, rón rén khoét chăn, nhẹ gót đẩy cửa xuống trai thất. Trai thất bốn bề là mực xạ, dường như nghe tiếng trở mình trên giường Hiền Lương. Chừng hơn nửa tiếng sau Tánh Không mò về kéo chăn đắp lên mình, sư ông nhắp nháy đôi mắt, Tánh Không nghe tiếng thở ra, ứ trong họng của sư ông. Bên ngoài sao lấp lánh trên cao và nghe như tiếng động của lá thì thầm ngoài hiên chùa.Bên trong ẩm khí len vào bệ thờ.

Nhịp sống trong chùa bình thường, bệnh tình của Hiền Lương một ngày một khả quan, người vui tươi như mây với gió. Tánh Không trở nên sinh động hơn trước nhiều, dốc sức làm lụng mà vẫn không thấy mệt, miệng huýt gió lia chia như chim được thoát ra khỏi lồng. Sư Hải Tịnh với khuôn mặt trầm, điềm đạm ngồi một mình trong gian giữa tiền đình. Đăm chiêu hướng về mảng trời xa. Mặc dù nơi đây là chốn xa trần thế. Mà trần thế thì gần…

Chưa đầy một tháng thì có xe đến rước bệnh nhân Hiền Lương trở về quê cũ của một người bình thường. Một phương thuốc trị liệu có hiệu ứng mà chỉ có Yến Linh biết rõ căn nguyên nầy. - Mấy mụ O bên chồng đều thế cả, có hơi đàn ông là hết bệnh, khoẻ ra. Khác gì khoai có hơi cuốc. Yến Linh tự nhủ. Mẹ con đoàn tụ sau một thời gian ngắn mà tợ như xa cách đã từ lâu. Họ cười nói nửa mừng nửa thương mong. Hiền Lương ghé vào tai mẹ nói khẽ. Mẹ Hiền Lương trố mắt ra đổi ngạc nhiên. Cả hai xuống xe ôm lấy nhau đi vào biệt thự.

 

Năm năm sau nghe sư ông chùa Bà qua đời ở tuồi 80. Tánh Không cho xây ngôi bửu tháp sau sân chùa. Dâng hương hoa lễ Phật và trai đàn 90 ngày vị sư già đã tận tụy hết lòng nơi cửa Phật và đã hành đạo như thị giả chúng sinh. Tánh Không qùy rất lâu trên chiếc chiếu hoa đã sờn qua mấy năm dẫm chân của thập phương. Phật nhắm mắt thiền định trên đài sen giữa chánh điện thờ. Chỉ nhận khói hương nghi ngút ngàn năm…bay bổng.

Đứng tựa cửa, bất giác Thích Tánh Không nhìn ra cổng chùa thấy một thiếu nữ chừng còn trẻ tay dẫn một đứa bé lên 5 tiến lại gần. Thấy đứa trẻ ; Tánh Không nhớ ra tuổi mình quy y Phật, quy y pháp, quy y tăng ở chùa nầy khi còn tục danh là tiểu Độ. Tánh Không quay người đến gần đại hồng chung cầm chày kình chùy liên hồi. Trời trong sáng hôm nay ./.

 

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. trăngkhuyết/lễ tạơn 10/2012)

 

* ‘why deny what you desire the most?/tại sao từ chối những gì ta ham muốn ?.’(Carl Jung 1875-1961).

*       ‘Cửa cung bụi phủ lối đi rêu mọc

     Giữa ban ngày mà vắng lặng ít người qua lại’

         (Thơ: vua Trần Thánh Tôn 1240-1278).

*  Nhân vật và cảnh quang trong truyện là hư cấu không có thực. Có trùng hợp ngoài ý muốn kẻ viết.

 

 

    

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền