*ĐML 14- Cuộc Chia Ly Nghẹn Ngào (Truyện Ngắn) Nhà Văn Điệp Mỹ Linh (Texas- USA)

 

Nhà Văn Điệp Mỹ Linh

 

 

Chia Ly Nghẹn Ngào

 

Đang kể tên các nghệ sĩ thuộc thập niên 60/70 để người bán hàng tìm trên computer, bà Lan chợt nghe ông Mỹ, sắp hàng sau bà, nhắc khẽ:

-Bà tìm những ca sĩ đó mà tại sao bà không tìm Ricky Nelson, Dean Martin, Frank Sinatra?

Bà Lan cười, nói với người bán hàng:

-Em làm ơn tìm giùm CD của các ca sĩ mà ông này vừa nhắc – nhất là Dean Martin.

Ông Mỹ phía sau lại tìm cách làm quen:

-Tại sao bà thích Dean Martin?

-Vì tôi thích tiếng Accordéon.

-Đúng. Bà có trí nhớ tốt.

-Cảm ơn ông.

Sau khi trả tiền, bà Lan cầm bao ny lông có mấy CD bên trong, đi ra cửa. Ông Mỹ vội rời hàng, bước theo, tự giới thiệu:

-Tôi là John Smith. Rất hân hạnh được gặp bà.

Bà Lan bắt tay John:

-Rất vui được gặp ông. Tên tôi là Lan.

-Bà mua những tác phẩm vang tiếng một thời, có lẽ bà chơi đàn, phải không ạ?

Bà Lan tránh câu trả lời:

-Ông nhớ tên nhiều nghệ sĩ hơn tôi, điều đó chứng tỏ ông là một người am hiểu nhiều về âm nhạc. Đúng không?

-Đúng. Làm thế nào tôi được hân hạnh đàn cho bà nghe?

-Cảm ơn ông. Ông chơi đàn gì?

-Piano.

-Tuyệt vời! Nhưng tôi có việc, phải đi. Xin lỗi.

Vừa bước theo bà Lan ra xe, John vừa hỏi:

-Thưa bà, tôi rất cần một phụ nữ cùng trang lứa với tôi để thỉnh thoảng đi nghe hòa nhạc. Bà có cho phép tôi…

John dừng lại, nhìn bà Lan với ánh nhìn trìu mến. Bà Lan đáp:

-Rất tiếc!

-Tại sao? Nếu bà là một phụ nữ có chồng thì tôi đã thấy nhẫn cưới trên ngón tay áp út nơi bàn tay trái của bà.

-Thưa ông, chồng tôi bị Cộng Sản Việt Nam (C.S.V.N.) nhốt tù từ năm 1975. Còn nhẫn cưới, tôi phải bán, lấy tiền mua gạo và vật dụng để mở quán cơm dĩa nơi ga xe lửa ở kinh tế mới!

-Chúa ơi! Sao xót xa đến thế!

Vừa nói “Cảm ơn” bà Lan vừa bấm nút để mở khóa xe. John vừa mở cửa xe cho bà Lan vừa nói:

-Mong bà hiểu, tôi không còn ở lứa tuổi thanh xuân để bảo rằng mình bồng bột/bị “tiếng sét ai tình”. Nhưng không hiểu tại sao chỉ mới gặp bà, tôi lại rất muốn làm quen với bà. Bà là một thiếu phụ đẹp, thông minh và quý phái.

-Cảm ơn ông. Nhưng xin lỗi, tôi phải đi.

-Vâng, chúc bà một buổi chiều tuyệt đẹp.

Lời chúc của John ngọt ngào như thế, nhưng trên đường lái xe về nhà, bà Lan lại cảm thấy tủi thân!

 

******

          Sau khi giúp bà Lan dời vào chung cư Woodlands Senior Independent Living, các con của bà vội vàng giã từ Mẹ để kịp về đi chợ/đưa con đi tập bơi/học đàn/chơi basketball, v.v… Bà Lan cười nhưng bất chợt, nỗi buồn mênh mông cùng niềm cô đơn đậm đặc từ đâu ùa về, vây kín tâm hồn! Chờ hai chiếc SUV khuất ở khúc quanh, bà Lan mới quay vào chung cư.

Vừa đến cửa phòng, chợt nghe tiếng Piano dìu dặc trong tình khúc None But The Lonely Heart của Tschaikowsky, bà Lan thở dài, đi về hướng phát ra tiếng đàn.                                                                                                                                                                   

Đến cửa phòng khánh tiết, thấy một phụ nữ ngoại quốc tóc bạc phơ đang say sưa đàn và người đàn ông tóc hói, ngồi trên xe lăng, gục đầu – không biết ông đang nghe nhạc hay là ông đang ngủ – bà Lan đứng lặng một chốc rồi trở về phòng.

Mở computer, vào “Inbox”, thấy youtube có tựa hơi lạ – Anh Ở Đây – bà Lan mở ra. Tiếng acoustic guitar dạo phân đoạn đầu nghe trầm trầm rồi tiếng hát nghẹn ngào: “Anh ở đây, bạn bè anh cũng ở đây. Áo rách xác xơ vai gầy, cùng chung kiếp sống lưu đầy. Anh ở đây, ngày ngày cơm chưa đầy chén... Toa liền toa, tầu đi trong ánh hoàng hôn, tiếp nối những dư âm buồn …” (1) Tiếng hát vừa đến đây, màn ảnh computer chợt mờ nhạt!

Trong không gian nhạt nhòa vì nước mắt, bà Lan tưởng như có thể thấy lại hình dáng tàn tạ/đói khổ của bà và các con ở kinh tế mới.

Chiều Thu năm 1976, bà Lan vừa gắp vài miếng dưa leo để vào dĩa cơm thịt nướng, chợt nghe Hưng – con trai của bà đang – hát khe khẽ theo âm điệu bài Quốc ca của C.S.V.N.: “Đoàn quân cộng nô kia như một lũ chó. Chúng bây từ đâu mang điêu tàn vào Nam. Từ ngoài Bắc suốt kiếp chúng bây nghèo đói. Lết vào Nam vơ vét không ngừng tay…” Bà Lan hãi quá, run tay, làm rớt mấy miếng dưa leo. Vừa khom xuống lượm mấy miếng dưa bà Lan vừa bảo:

-Hưng! Im đi, con! Ở tù đó, con!

-Bạn con hát thiếu gì. Hát mà cũng ở tù, kỳ thiệt!

Bà Lan ôm Hưng, giải thích rất ngắn gọn. Hưng xụ mặt, bưng dĩa cơm đến bên cửa sổ toa xe, mời hành khách. Một người đàn ông gầy gò từ cửa sổ toa xe chồm ra nói gì với Hưng rồi ông ấy nhìn bà Lan chăm chăm. Chỉ một chốc sau, ông này rời xe lửa, đi nhanh về phía bà Lan, hỏi nhỏ:

-Xin lỗi, phải chị là vợ của thiếu tá Hùng hay không?

-Ông là ai?

-Đúng rồi! Nghe giọng của chị, em nhận ra rồi.

-Xin lỗi, tôi không biết ông.

-Em là Năng, hồi đó ổng và chị đại diện nhà trai, cưới vợ cho em đó.

-Ô, trung úy Năng! Anh gầy và đen quá, tôi nhận không ra. Vợ con anh khỏe không?

-Cảm ơn chị, vợ con của em cũng lam lũ/cực nhọc như chị và mấy cháu vậy. Em thấy cậu bé bán cơm sao giống ổng quá, em hỏi, nó xác nhận. Thế là em rời xe lửa.

-Từ mấy năm qua Mẹ con tôi không được tin tức gì của ông ấy cả; không biết ổng còn sống hay không nữa!

-Chị chưa đi thăm ổng lần nào sao?

-Biết ổng ở đâu mà đi! Mẹ con tôi bị đuổi đi kính tế mới thì dù ổng có viết thư/nhắn tin về địa chỉ cũ, cũng chẳng ai biết tôi ở đâu mà đưa!

-Chuyện hơi dài. Chị bảo mấy cháu coi hàng, chị ngồi đây, em kể chị nghe.

Bà Lan vừa dặn ba đứa con vừa chỉ về phía Năng:

-Má phải nói chuyện với chú kia để tìm tin tức của Ba. Nếu hai chị của các con mót khoai/mót củi về sớm, các con nói hai chị phụ với các con, nha!

-Dạ. Con biết rồi.

Ngồi cạnh Năng, trên chiếc ghế nhựa thấp, bà Lan nghe Năng hỏi rất nhỏ:

-Trước khi đi “đăng ký” vào tù, thiếu tá có nói với chị điều gì hay không?

-Khi các cuộc rút quân từ vùng I bắt đầu, tôi thấy ông nhà tôi trở thành một người hoàn toàn khác! Sau khi Saigon thất thủ rồi radio kêu gọi sĩ quan “Ngụy” đi “đăng ký”, chính tôi khuyên ông ấy nên trình diện để được hợp thức hóa tình trạng “rã ngũ” của quân đội miền Nam. Ổng nhìn tôi, cười “nửa miệng”, bảo: “Em lớn lên trong một xã hội tự do/nhân bản/đạo đức cho nên em dễ tin người. Còn anh, anh đã thấy cảnh ông bà Nội/ông bà Ngoại của anh bị ném đá đến chết trong thời cải cách ruộng đất; Bố Mợ cùng em của anh chết nát thây trên chuyến xe đò bị giật mìn ở Cái Sắn. Tuổi thơ của anh được vun bồi bằng ngần ấy thù hận thì không thể nào anh tha thứ cho những kẻ đã tạo nên những thảm cảnh đó!”

-Chị có biết là ổng đã thành lập được một nhóm phục quốc khoảng trên dưới 30 người hay không?

-Trời!

-Trưa 28 tháng 04-1975, họp nhau tại văn phòng, sau khi nghe ổng trình bày/thuyết phục, tụi em, gồm thằng Nam, thằng Lành, thằng Hiếu, thiếu úy Phúc, trung úy Quốc, đại úy Đức, thiếu tá Dân đều đồng lòng theo ổng để làm “điều phi thường”!

-Trời! Rồi sao nữa, anh nói nhanh đi, tàu sắp chạy rồi.

-Dạ, không sao. Trễ chuyến này em đi chuyến sau. Em cố ý tìm chị mấy năm qua, nhưng quanh nhà chị chỉ toàn người từ Bắc vô không hà, không ai biết chị. Hôm nay bất ngờ gặp chị, em mừng lắm! Em chỉ muốn chị và mấy cháu biết rõ về ổng để được hãnh diện về ổng.

-Bây giờ ổng ở đâu, anh Năng?

-Ngày 05-05-1975, ổng giả vờ đi “đăng ký” học tập; thật ra ổng và tụi em đi ra Đồng Bò – mật khu cũ của Việt Cộng – trốn trên đó để chờ kết nạp với nhóm của ông Đặng Hữu Thân, Hải Quân, nhóm của anh Đức và nhóm của thầy Nguyễn Hữu Dưỡng.

Sau khi được tin ông Thân bị bắt, vì muốn tất cả rời Đồng Bò để khỏi bị bại lộ, ổng bảo Quốc và em đem tin đến thầy Dưỡng và anh Đức. Không ngờ trên đường đi, Quốc và em bị bắt. Quốc và em bị tụi C.S.V.N. tra khảo/đánh đập rất dã man. Nhưng Quốc – nhờ có võ – tránh né được. Biết Quốc có võ, tụi C.S.V.N. huy động bộ đội đông gấp mười để “dần nát thây” mà Quốc cũng vẫn không khai. Lần cuối cùng, bị tụi C.S.V.N. bảo lên văn phòng “làm việc”, Quốc thấy một vệ binh mang súng ra cổng thay phiên gác. Chờ lúc tên quản giáo và tên vệ binh sơ ý, Quốc quật ngã tên vệ binh, cướp súng, bắn tên quản giáo còn tên vệ binh bỏ chạy. Quốc quay súng, để nòng súng dưới cằm, bấm “cò”, chết!

-Trời! Tội quá!

-Riêng em, em vẫn không khai. Tụi C.S.V.N. cũng “dần” em “nhừ xương” rồi chuyển em về trại tù Nghĩa Phú. Em gặp lại thiếu tá Hùng tại đó…

Nói đến đây, Năng nghẹn lời! Nhìn chuyến xe lửa khuất dần cuối nẽo xa, Năng tưởng như có thể thấy lại hình ảnh lếch thết của ông Hùng vào những buổi chiều cùng đoàn tù trở về trại sau một ngày quần quật chặt cây, cưa gỗ để xây trại tù, tự nhốt mình!

Một buổi chiều, khi đoàn tù vừa về đến trại, Năng thấy toán vệ binh áp giải ông Hùng đến phòng quản giáo. Tên quản giáo đứng trước cửa, mắt lườm lườm, quát:

-Ai cho anh hát nhạc phản động, hả?

-Âm nhạc là một trong bảy bộ môn nghệ thuật; mà nghệ thuật thì chỉ có hay hoặc dở chứ nghệ thuật không phản động.

-Anh muốn “ný nuận” với tôi, hả? Anh có biết “nà” “noại” nhạc “nãng” mạn/thương vay khóc mướn ấy nó “nàm” cho tâm hồn con người mềm yếu/mất sức sống hay không?

-Chính Cộng Sản các anh cũng muốn chúng tôi mềm yếu/mất sức sống mà!

-Này! Này! Để ông bảo cho biết, nhá! Các anh có bao giờ mạnh đâu mà bảo Cộng Sản chúng tôi muốn các anh yếu?

-Chúng tôi không mạnh tại sao các anh sợ chúng tôi?

-Ai bảo thế? Sợ cái gì?

                -Các anh không sợ chúng tôi tại sao các anh ra thông cáo lừa gạc – đem theo tiền ăn cho 10 ngày – rồi nhốt chúng tôi mà không có bản án? Các anh không những sợ chúng tôi mà các anh còn sợ cả thương binh Việt Nam Cộng Hòa (V.N.C.H.). Thương binh đang còn điều trị trong bệnh viện mà ngày 30-04-1975 các anh cũng nhẫn tâm đuổi họ ra đường. Họ phải bò lê bò lết bên vệ đường, về nhà không có thuốc chữa trị, họ phải chết! Bức Tượng Thương Tiếc chỉ là biểu tượng của người Lính miền Nam thương nhớ đồng đội đã bị các anh giết mà các anh cũng sợ, vội đập bỏ. Nhạc miền Nam được người dân miền Bắc yêu thích, gọi là “nhạc vàng”, các anh cũng sợ, cấm, không cho đàn/hát. Sách vở/báo chí miền Nam là kho tàng của văn học/lịch sử, thế mà các anh cũng đốt cả. Các anh không sợ tại sao các anh hủy diệt? Các anh dùng vũ khí của ai để giết chúng tôi và đồng bào miền Nam? Tụi lính/cố vấn Trung Cộng nhỏ thó, giống người Việt, các anh cho chúng nó mặc đồ giống các anh để ngụy tạo; còn tụi Nga da trắng/mũi cao/to con – khó ngụy trang – các anh cho tụi Nga đóng dọc biên giới để các anh ngụy biện là Cộng Sản các anh có chính nghĩa rồi các anh gán cho chúng tôi là lính đánh thuê! Cái hèn của các anh là ở chỗ đó!

-Mày là một tên “Ngụy” cực kỳ phản động! Vệ binh! Đấm vỡ mặt nó!

Ông Hùng bị đòn “hội chợ” trong khi mọi tù nhân cúi mặt! Khuya hôm đó, ông Hùng bị chuyển ra Bắc.

 

*****

          Nhờ người bạn giỏi âm nhạc viết bài Anh Ở Đây từ youtube thành bản nhạc có notes, chuyển đến bà bằng email, bà Lan rất vui. Sau khi in ra, viết lời ca vào, bà Lan đến phòng khánh tiết.

Nhìn bản nhạc và dạo qua vài lần, bà Lan bắt đầu vừa đàn vừa hát nho nhỏ. Theo tiếng đàn và giọng hát – không còn trong và thánh thót như xưa – của chính mình, bà Lan nhận ra niềm u uất và nỗi nhớ thương của bà dành cho người chồng còn biền biệt phương xa dâng lên ngập lòng rồi tràn ra khóe mắt. Khi hát đến câu:“…Chiều Suối Máu xót xa buồn nhớ con. Tình thương em vẫn đong đầy khoé mắt. Chiều Long Giao sương mờ đêm u uất…” (1) bà Lan tưởng như bà có thể cảm nhận được sự thương nhớ/sự oán than/sự đau khổ/khóc hận đang xâu xé trái tim của những thành phần ưu tú của Quân Lực V.N.C.H. trong các trại tù của C.S.V.N.

Đang đắm hồn vào lời ca/tiếng đàn, bà Lan chợt cảm biết dường như có người đang nhìn bà từ phía trên tấm màn nơi của sổ. Ngẫng mặt nhìn lên cửa sổ, bà Lan thấy một bóng người khuất nhanh sau bức tường. Nhìn đồng hồ, bà Lan nhận ra bà đã đàn/hát khá lâu, có lẽ có người đang chờ để được đàn. Bà Lan ngưng đàn.

Vừa mở cửa bước ra, bà Lan thấy một người đàn ông ngoại quốc đang ngồi lẻ loi. Bà Lan chưa kịp tỏ thái độ thân thiện thì người đàn ông này vội đứng lên, giọng ngạc nhiên:

-Bà Lan! Có phải bà là Lan – người tôi đã gặp tại tiệm bán băng nhạc cách nay vài tuần – hay không?

-Hi, John! Thế giới nhỏ thật!

-Bà dời vào đây khi nào? Từ trước đến giờ tôi chưa hề thấy bà ở đây.

-Cuối tuần vừa qua.

-Thế thì từ nay tôi được nghe bà đàn.

-Có phải từ nãy giờ tôi đàn lâu quá, John phải chờ hay không?

-Không. Từ nãy giờ – qua giọng hát/tiếng đàn – dù không hiểu tiếng Việt, tôi cũng cảm nhận được những giai điệu êm đềm/thiết tha nhưng mang nhiều u uất. Tiếng Bass của Piano như dội thẳng vào tâm thức u hoài, làm bừng sống trong tôi một thời khói lửa ngập trời tại Khê Sanh và các mặt trận dọc biên giới Lào Việt.

-Ô, ông đã từng tham chiến tại Việt Nam! Cảm ơn ông đã giúp chúng tôi chống lại Vi Ci.

-Thôi, quên hết đi để vui tuổi già!

-Vâng. Ông nói đúng.

-Mời bà ở lại, đàn/hát cho tôi nghe bài ấy một lần nữa. Please!

Hai người vào phòng khánh tiết. Bà Lan mở nắp Piano, để bản nhạc trên giá nhạc. John ngồi trên ghế, cạnh Piano. Bà Lan dạo phân đoạn đầu rồi “bắt” vào:“Anh ở đây, bạn bè anh cũng ở đây…” Khi tiếng hát nghẹn ngào như chan chứa nỗi xót xa đoài đoạn của bà Lan đến câu: “…Ôi đời ta, ngờ đâu trăm đắng nghìn cay. Khúc sắn bát ngô vơi đầy, sầu nuôi thân xác hao gầy. Bao ngày qua đợi chờ tin vui chẳng thấy, hận thù yêu thương còn đấy. Vui đành như cánh chim bay…”John thấy hai hàng nước mắt chảy dọc cánh mũi thon của bà Lan. John đứng lên, bước đến, khom người, thì thầm:

-Cảm ơn nhiều. Nhưng xin bà dừng lại.

-Tại sao ông không muốn nghe nữa? Có lẽ, vì xúc động, tôi hát dỡ quá, phải không?

-Không. Lúc nào tôi cũng muốn nghe bà đàn và hát; nhưng tôi nhận ra sự vô tình của tôi đã “hành hạ” trái tim của bà!

Cả hai im lặng. Một chốc sau, John hỏi:

-Hôm trước bà bảo chồng của bà bị C.S.V.N. cầm tù. Thế tình trạng hiện tại của chồng bà như thế nào?

-Khi tôi còn ở kinh tế mới, một sĩ quan từng làm việc và ở tù chung trại với chồng tôi cho tôi hay rằng chồng tôi bị đánh đập rất tàn bạo. Sau đó, chồng tôi bị chuyển ra Bắc cho nên vị sĩ quan này không biết gì thêm.

-Bà có làm đơn khiếu nại với nhà cầm quyền C.S.V.N. hay không?

-C.S.V.N. chứ không phải xứ tự do dân chủ như Mỹ/Canada/các nước bên Châu Âu đâu mà xét đơn khiếu nại của dân. Nhà/đất/tài sản của dân/của nhà thờ/của chùa mà khi người C.S.V.N. muốn thì người C.S.V.N. cũng tịch thu rồi đuổi dân/đuổi tu sĩ đi thì C.S.V.N. xét đơn của dân để làm gì!

-Thật sao? Thế thì, trước khi sang Mỹ, bà có đến các trại tù của C.S.V.N. để tìm chồng bà hay không?

Như được dịp bộc lộ sự đau khổ tận cùng, bà Lan nói “một mạch” như đang thuyết trình:

-Ông có biết là sau 30-04-1975, C.S.V.N. đã tạo nên bao nhiêu địa điểm trắc trở/khắc nghiệt/hung hãng và tồi tệ nhất thế giới để nhốt sĩ quan và công chức V.N.C.H. hay không? Mỗi khi đến những địa điểm đó thì phải có giấy phép của C.S.V.N. cấp chứ không phải ai muốn đi thì đi. Muốn có giấy phép thì người xin giấy phép phải hối lộ tiền cho C.S.V.N.. Nhưng, ở kinh tế mới, bo bo và củ mì mà chúng tôi cũng không đủ ăn thì tiền ở đâu tôi có thể hối lộ C.S.V.N. để xin giấy phép và đi khắp các trại tù để tìm chồng? Đó là chưa kể tôi bỏ năm đứa con dại ở kinh tế mới cho ai?

John cúi mặt, đưa tay bóp trán, im lặng. Một chốc sau, John thở dài, hỏi:

-Bà còn giữ ý định tìm chồng của bà hay không?

-Bất cứ lúc nào tôi cũng mong được biết tin của chồng tôi.

-Tôi sẽ giúp bà. Tôi không dám hứa điều gì, nhưng tôi sẽ hết lòng. Bà cho tôi biết tên/họ/ngày/tháng/năm sinh và số quân của chồng bà. Ok!

-Ô, xin Phật/Chúa và các đấng thiên liêng phù hộ ông! Trái tim của ông thật là vỹ đại!

 

******

 

Suốt thời gian hai gia đình sum họp, Hưng đề nghị sẽ ăn cơm tại nhà hàng để bà Lan/chị em của Hưng và Nở – vợ kế của ông Hùng – khỏi nhọc công. Bà Lan cố ý không đến gần và cũng không tỏ cử chỉ thân mật với ông Hùng. Nở luôn tìm cách lánh mặt bà Lan; chỉ có hai đứa con của Nở và ông Hùng thì lúc nào cũng chơi đùa vui vẻ với cháu nội/cháu ngoại của bà Lan; và Hưng thì không rời “Ba Hùng”.

Thấy “Ba Hùng” chỉ dùng iPad, Hưng mua tặng “Ba Hùng” computer với màn hình khá rộng và một máy in. Sau khi chỉ cho ông Hùng cách thức xử dụng computer, Hưng nói:

-Từ nay, gặp trở ngại gì về computer, Ba gọi/email cho “thằng Hưng của Ba” nè. Ok!

Ông Hùng nghẹn lời vì bốn chữ “thằng Hưng của Ba”. Hưng tiếp:

-Ba ngồi, thực hành đi. Con ra phụ dọn dẹp để chiều Má và tụi con ra phi trường.

Rời phòng, Hưng tìm bà Lan, khoe:

-Ba vui lắm. Tội nghiệp Ba!

-Cảm ơn con. Con chỉ cho Ba cách dùng chưa?

-Ba “smart” lắm, Má đừng lo!

Đang cùng con/dâu/rể cho áo quần vào va-ly, bà Lan chợt nghe tiếng ông Hùng cười vang “Ha…ha…ha…” Cả nhà ngạc nhiên, chạy đến cửa phòng computer, thấy ông Hùng vừa cười lớn vừa nói:

 -“Con giun đánh lắm cũng quằn”! C.S.V.N. dù ngụy biện/dối trá/sắt máu bao nhiêu đi nữa mà khi lòng dân nhận ra được dã tâm của C.S.V.N. thì C.S.V.N. “chạy trời cũng không khỏi nắng”!

Hưng chẳng hiểu, vội hỏi:

-Ba đọc tin gì mà vui quá vậy, Ba?

-Lâu nay dùng iPad, mất công đưa tay “quẹt quẹt” cho nên Ba lười. Xem tin tức trên TV như CNN/Yahoo/Foxnews thì chẳng có tin gì về Việt Nam. Bây giờ có computer, Ba xem tin Việt Nam và thấy tin “động Trời” cho nên Ba vui quá!

-Tin gì mà vui “dữ” vậy, Ba?

Nở nhìn bà Lan, tỏ vẻ không hiểu. Bà Lan chỉ cười nhẹ trong khi ông Hùng giải thích:

-Trong một xã hội độc đảng như Việt Nam mà ngày 20-10-2018, trong khi tiếp xúc với cử tri tại quận II Saigon, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – chủ tịch nhân dân thành phố Hồ Chí Minh – đã bị cô Nguyễn Thị Thùy Dương quăng chiếc giày của cô vào bà Tâm.

Giữa khi mọi người còn ngạc nhiên, ông Hùng tiếp:

-Cái này mới ghê! Ngày 14-09-2018, ông Nguyễn Văn Túc – thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ – bị tòa án C.S.V.N. tại Thái Bình kết án 13 năm tù và 05 năm quản chế vì tội âm mưu lật đổ chính quyền thì ông Nguyễn Văn Túc nhìn quan tòa và nói “Địt mẹ tòa!”

Lúc này bà Lan mới lên tiếng:

-Em đã xem youtube “Một trận mưa dép giành cho ông Trần Văn Tuân” – phó chánh án tòa án nhân dân tối cao, vào ngày 25-04-2017 – khi ông Tuân xin lỗi bị can Hàn Đức Long, người đã bị tuyên án tử hình oan!

Ông Hùng xác quyết:

-Nếu mỗi người dân Việt trong nước đều can đảm, dám tỏ thái độ để khẳng định lập trường của mình thì đảng C.S.V.N. sẽ không còn!

Nhìn đồng hồ tay, Hưng nhắc:

-Thôi, đi ăn, Ba. Tụi con đói bụng rồi.

 

******

Mang giày cho cháu xong, bà Lan chợt nghe tiếng hát văng vẳng: “… Gọi người yêu dấu xa vời mà lòng lưu luyến bồi hồi. Ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi khi chiều nhẹ rơi…” (2) Bà Lan đến bên cửa sổ, nhìn về hướng có tiếng hát và thấy ông Hùng đang tựa gốc cây sồi, ánh mắt xa xăm, vừa nhìn về phương trời vô định vừa “ngân nga” nho nhỏ “…Gọi người yêu dấu muôn đời, nghẹn ngào không nói thành lời. Tình yêu xưa ngày tháng phôi phai biết bao giờ nguôi…” (3) Bà Lan thở dài, cúi mặt, quay vào nhà.

Thấy các con đem hành lý ra xe, ông Hùng vào nhà, giúp mọi người. Sau khi kiểm soát hành lý, Hưng bảo các con và cháu lần lược “hug” ông Hùng, dì Nở và hai em. Bà Lan ôm hôn hai đứa con của Nở và ông Hùng rồi xoay sang ông Hùng – không “hug” – khẽ nói:

-Em và các con rất vui. Từ nay Bố con có thể liên lạc với nhau rồi.

-Em cho anh một phút để anh nói với em những gì cần phải nói.

Bà Lan rơm rớm nước mắt, cúi đầu. Ông Hùng tiếp:

-Anh cảm tạ em đã nuôi dạy các con nên người. Khi mới gặp lại nhau, các con chỉ muốn nghỉ lại tại “nhà Ba” chứ không muốn nghỉ tại khách sạn thì anh biết em đã giáo dục các con theo đạo lý của nền văn hóa Việt Nam thuần túy. Với một phụ nữ đẹp/có tài – như em – mà em cũng vẫn chung tình với anh thì em chính là Thiên Thần của anh. Anh cũng cảm ơn chị Hai đã bảo lãnh em và các con sang Mỹ; nếu không có chị Hai, không biết cuộc đời của các con có thoát được cảnh “xuất cảnh lao động” để con gái đi làm điếm, con trai đi ăn cắp hoặc buôn bán cần sa hay không!

Về phần anh, sau khi anh được C.S.V.N. thả ra, trở về chốn xưa với tấm thân tàn tạ, đầy bệnh tật và không nơi nương tựa thì chính Nở – cô gái bán bánh mì – đã cho anh từng ổ bánh mì. Thấy anh ngủ bờ/ngủ bụi, Nở đem cho anh cái mền cũ rồi Nở nhận vé số nơi chủ thầu cho anh đi bán. Lúc rãnh, anh dạy Nở học tiếng Anh. Khi làm đơn theo chương trình định cư cựu tù cải tạo (HO), anh đề nghị Nở cùng đi. Qua bên này, anh không đi làm được, vì già và mang nhiều thương tật. Nở làm móng tay để nuôi anh và hai đứa nhỏ…

Bà Lan tủi thân! Khi mới sang Mỹ, bà phải làm hai việc – toàn thời gian – và đi học lại! Mỗi đêm bà về nhà thì các con đã ngủ say. Các con của bà, đến lớp 12 đều vừa đi học vừa đi làm. Bà Lan buồn, nhưng không biết buồn ai và buồn vì cái gì, đành cắt lời ông Hùng:

-Ai cũng tưởng Mỹ là Thiên Đường! Nhưng muốn lên Thiên Đường thì phải…chết rồi mới lên Thiên Đường!

  Bà Lan xoay sang, “hug” Nở và khẽ nói:

-Cảm ơn em đã giúp đỡ/thương yêu/lo lắng cho anh Hùng; nhờ vậy, anh Hùng mới sống được để gặp lại các con của anh ấy.

Nở xúc động, khóc ròng:

-Bộ chị “hỏng” giận em sao?

-Không! Em là người ơn của Mẹ con chị.

Hưng bước đến:

-Sorry, Má, Aunty (Dì)! Má và tụi con phải đi kẻo trễ. Con sẽ gửi vé máy bay cho Ba, Aunty và hai em đến thăm Má và tụi con vào dịp Thanksgiving.

Ông Hùng bước theo Hưng và bà Lan ra xe. Bà Lan ngồi vào ghế bên phải của Hưng.

Hai chiếc xe Van từ từ chuyển bánh. Nhiều bàn tay vẫy vẫy và nhiều tiếng “bye, bye” hướng về phía ông Hùng. Trong khi kéo “seat belt”, bà Lan nhìn vào kính bên phải, vẫn thấy ông Hùng đứng lặng nhìn theo. Nhìn dáng ông Hùng nhỏ dần…nhỏ dần…bà Lan tưởng như tiếng hát ngọt ngào của Whitney Houston đangngân lên từ tâm thức của bà: “… So good bye. Please don't cry… And I will always love you…” (4)

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

 

1.- Anh Ở Đây của Vũ Đức Nghiêm & Thục Vũ.

2 & 3.- Gọi Người Yêu Dấu của Vũ Đức Nghiêm.

4.- I Will Always Love You của Dolly Parton

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền