Nhà Văn Hai Hùng Sài Gòn
Tập Tễnh Làm "Hai Lúa"
Mới có hai mươi âm lịch mà vùng quê nơi con bé Hai đang tá túc đã chộn rộn với cái không khí của ngày tết rồi, xóm làng Phước Thành chợt như
"Tỉnh giấc" sau cơn ngủ vùi bởi những tháng mưa gió dầm dề, giờ thì những luống rau, những vườn trồng bông, đã đơm hoa kheo sắc đủ màu, từng con mương, cái đìa được tát cạn để thu hoạch mớ cá con Tôm, còn Gà Vịt, Heo V.v... Cũng được mọi gia đình chuẩn bị sẳn sàng cho mâm cơm ba ngày tết..
***
Vốn là dân Sài gòn chánh gốc nên nhà của bé Hai cũng như bao gia đình khác, khi đất nước "chuyển mình" vào tháng tư bảy lăm, phần lớn dân chúng chưa quen với "nếp sống mới", do công việc làm cũ không còn nữa, nên rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp bất đắc dĩ, mọi người hoang mang vì không biết rồi đây cuộc sống của gia đình mình sẽ đi đâu về đâu, dân gian có câu "Nhân cùng tất biến" vì vậy trong thời buổi đói kém, "Gạo châu củi quế" đã có nhiều người xoay sở bằng cách đi bán chợ trời, còn những người khác không có việc làm, thì họ đâu có thể khoanh tay chịu đói, họ đã bán dần dà các tài sản trong nhà để mua thực phẩm nuôi sống gia đình.
***
Do tình trạng mua bán, sửa chữa tân trang xe hơi không còn khách để duy trì công việc trên nữa, ông Tư tía của bé Hai nhanh chóng họp mặt gia đình lại mong tìm ra lối thoát cho cuộc sống hiện thời, khi mọi người có mặt nơi phòng khách, ông Tư liếc mắt sơ qua ông thấy vẫn còn thiếu hai đứa trong đàn con yêu dấu của mình, ông lên tiếng hỏi: - Sơn nè, chị Hai bây với con Dung đi đâu mà chưa có mặt vậy, ba dặn rồi tới giờ này mà chưa chịu về.
Sơn là đứa em kế của con bé Hai, nó nhanh nhẩu trả lời:
-Chị Hai đang xếp hàng mua Bo Bo ở cửa hàng lương thực, còn con Dung đang chờ mua Dầu hôi ở cây xăng đó ba, lúc nãy con thấy người ta bu đen nghẹt bị mấy người ở cửa hàng rầy rà quá trời, có ông cán bộ cầm loa ra yêu cầu xếp hàng trật tự họ mới bán, ba có biết không hiện giờ mọi người đứng "Rồng rắn" dài thòng luôn vậy đó, tại vì ai cũng sợ tới phiên mình thì không còn hàng để mua.
Ông Tư lắc đầu ngao ngán, ông nói với thằng Sơn và mấy đứa em của nó:
-Thôi tụi con ngồi đây chơi chờ một chút nữa hai đứa nó về rồi mình họp luôn.
Ông Tư vừa dứt lời thì ngoài sân Bé Hai lên tiếng:
-Có Bo bo rồi đây, mừng ghê, mới mua vừa xong là vừa hết giờ, mấy người phía sau họ sẽ phải mua vào sáng mai.
Rồi con Dung cũng xuất hiện nơi đầu ngõ, nó xách hai can nhựa Dầu hôi đem vô nhà với gương mặt vui vẻ, thấy vậy Sơn nói:
-Cha chả, coi bộ con nhỏ này khoái cái vụ mua Dầu hôi hay sao đó, thấy bản mặt nó vui quá chừng vậy cà.
Nghe thằng Sơn nói con Dung bèn cự liền :
-Khoái con khỉ khô họ, anh đi mua đi rồi anh biết khoái hay không.
Thằng Sơn bắt bẻ :
-Không khoái sao tao thấy mầy tủm tỉm cười hoài vậy?
-Anh coi không mắc cười sao được, tui xếp hàng gần áp chót, tưởng đâu phải chờ ông trời "đứng bóng" mới tới phiên của mình, ai dè cái thằng đứng bơm Dầu hôi là Thằng Lương bạn học của tui, nó thấy tui đứng cách nơi nó bán xa lắc xa lơ nên nó chạy tới xách hai cái can bơm đầy nhóc cho tui, đã vậy nó chỉ lấy tiền có một can thôi, như vậy kỳ cục quá nên tui đâu có chịu, tui nhất quyết trả tiền sòng phẳng cho xong, ác một cái nó cứ đưa tiền lại cho tui hoài làm bà con ngó chằm chằm mắc cỡ quá nên tui thây kệ nó luôn, tui xách hai thùng Dầu dông thẳng về đây nè.
Lúc này bé Hai nói chen vô :
-Chị biết thằng Lương này rồi, ba nó theo "kháng chiến" gì đó, giờ "Hòa bình" về được làm chức cũng lớn bộn trên xã đó, cái ngữ này chắc ba nó gởi gắm cho vô ngành thương nghiệp đây chứ đâu.
***
Cuộc họp gia đình bắt đầu, ông Tư nói hết hoàn cảnh trong nhà, công ăn việc làm bị ngưng trệ, do xe hơi được liệt vô hàng xa xí phẩm, thậm chí có người còn cho là chỉ có giai cấp bốc lột mới sử dụng, cho nên mọi người chuyển sang đi bộ, đi xe đạp, xe Lam, xích lô hoặc xe buýt cũ mèm, các loại xe hơi coi đành phải "Trùm mền" hoặc để "Trồng hành", cuối cùng ông Tư bàn với bà Tư gia đình phải chia ra làm hai, giống y hoàn cảnh cách đây mấy ngàn năm bà Âu Cơ cùng ông Lạc long Quân dẫn dắt một nửa đàn con để kẻ lên rừng, người xuống biển lập nghiệp.
Cuối cuộc họp ông Tư tình nguyện cùng con bé Hai, thằng Sơn và con Dung khăn gói về Phước Thành quê ngoại của các con để tìm cách mưu sinh, bà Tư ở lại Sài gòn cùng mấy đứa con còn lại, bà nhận may, sửa quần áo cho bà con trong xóm để kiếm tiền sống đắp đổi qua ngày...
***
Khi chiếc phà cập bến bên Phía xã Phước Thành, bà Mười ngoại của bé Hai đứng chờ sẳn trên bờ, bà đưa mắt tìm kiếm tía con ông Tư, vì trước ngày lên đường ông Tư ra Bưu điện đánh "giây thép" về báo tin cho bà Mười biết cha con ông sẽ về quê làm ruộng để có thêm gạo thóc tiếp tế cho bà Tư cùng bầy con còn lại nơi phố thị.
Người dưới phà lần lượt lên bờ gần hết mà bà Mười chưa thấy bóng dáng tía con ông Tư ở đâu, bà cằn nhằn với cậu Sáu của bé Hai:
-Thằng Sáu mầy có chắc là hôm nay cha con thằng Tư về đây không vậy bây?, hôm trước cái miếng giấy quánh"dây thép" của thằng Tư bây bỏ đâu rồi, lớ quớ ra đây đón lộn ngày là mắc công lắm đó đa.
Cậu Sáu của bé Hai đáp rành rọt:
-Đúng rồi mà má, tờ giấy con cất trong cái bóp của con rồi, con lấy cục phấn (biên) lên cửa tủ quần áo rõ ràng là hôm nay, chuyến phà chừng mười tới mười một giờ, chuyến này chưa có thì chịu khó chờ chuyến sau, kệ nó chừng nào anh Tư về tới thì mình đón, hơi đâu nóng ruột má ơi!
Trời nắng nóng gay gắt, bến phà lại không có được một làn gió nhẹ nào khiến bà Mười bực bội, giờ nghe thằng Sáu con mình nói kiểu "Được chăng hay chớ" khiến bà bực mình:
-Cái thằng (dịch lệ) này nha, tao nóng ruột hông biết tụi nó đi xe cộ có gì chuyện gì hông nữa, chứ thường thường áng chừng giờ này tụi nó tới rồi.
Bà Mười vừa dứt lời, bổng cậu Sáu chỉ tay về chiếc phà và vui mừng la lên:
-Tới rồi, tới rồi má ơi!
Từ đàng xa Mấy tía con ông Tư cũng nhìn thấy Ngoại và cậu của mình, bé Hai, thằng Sơn, con Dung đồng loạt co giò chạy nhanh về phía họ rồi mấy đứa ôm chầm lấy ngoại và cậu vì đã khá lâu họ mới có dịp gặp lại nhau..
Tía con ông Tư về quê làm ruộng trúng ngay lúc những thửa ruộng rất cần thợ cấy, nên sau một ngày nghỉ ngơi và sau khi được bà Mười chỉ vẽ cho các công việc phải làm trên ruộng thì mấy cha con ông Tư theo bà Mười ra cánh đồng nhà mình để làm việc như bao người ở thôn quê.
Trời mờ sáng, sau khi cơm nước lót dạ buổi sáng xong mọi người lũ lượt kéo nhau ra đồng, bà Mười đi trước, bé Hai đi lẽo đẽo phía sau cùng với những người nhà của nó, khi đi qua những đoạn bờ đê nhỏ hẹp và (Trơn trợt) khiến bé Hai té ngã liên hồi, bộ đồ (Bà ba) do bà Tư may cho tuần trước hẳn còn thơm mùi vải mới, vậy mà hôm nay nó lấm lem bùn đất, mỗi lần bé Hai "Chụp Ếch" chẳng những bị người nhà cười chọc quê, mà còn bị đám thanh niên đang cấy lúa bên thửa ruộng gần đó trêu ghẹo:
-Chèn ơi! Cô Hai bắt được bao nhiêu Ếch rồi, đưa tui đem dìa nấu cháo Ếch trưa ăn luôn
Bị cười nhạo, bé Hai giận lắm nó chưa kịp trả lời thì con Dung đã lên tiếng:
-Thôi đi mấy anh, lo cấy đi cho kịp công không thôi chủ rầy đó, vụ cháo Ếch có tui lo rồi nhe.
Đám thanh niên thấy con Dung đối đáp mạnh mẽ nên có phần e dè, họ không dám công khai chọc ghẹo nữa, chừng khi cả nhà bà Mười đi qua bờ đê giáp với ruộng của đám thanh niên này thì bé Hai nghe tiếng của anh chàng nào đó ghẹo mình:
-Mèn ơi ! Trên đời trời đất hôm nay tui mới thấy nông dân mặc đồ đẹp đi cấy lúa nhe anh em.
Con bé Hai mắc cỡ vô cùng, nó lấy nón lá che nghiêng để tránh những cái nhìn của đám thanh niên nọ.
Bà Mười nghe câu nói của thằng Chiến là người vừa đưa ra câu chọc ghẹo bé Hai, bà liền lên tiếng:
-Cái thằng Chiến này, đây là mấy đứa cháu của tao trên thành phố nó về đây phụ làm cho vui thôi chứ nó có phải nông dân chánh cống như mấy đứa bây đâu, vài bữa tao may đồ cho nó mấy bộ đồ vải đen mặc giống y như bây thôi, ghẹo nó chi bây ơi.
Mặt trời bắt đầu chiếu rọi nhũng tia nắng nóng lên khắp nơi, mùi bùn non bốc lên khiến cho bé Hai nhăn mặt, vừa khom lưng cấy lúa vừa đưa tay gãi những nơi bị con Bù mắc cắn gây ra ngứa ngáy vô cùng, chừng như chịu không thấu khi bị những loài côn trùng nhỏ xíu này tấn công liên tục, nó thầm than vãn và cầu xin:
-Thôi nghe tụi bây, cắn đâu thì cắn, làm ơn tha cái mặt cho tao nghe.
Cái lũ Bù mắc chẳng những không nghe theo lời cầu xin của bé Hai mà còn (bu) vô con nhỏ càng lúc một nhiều, kể cả khuôn mặt trắng hồng của "Tiểu thơ" đám Bù mắc cũng chẳng tha, nên nhiều lúc bị cắn đau quá bé Hai giơ tay đập mạnh vào gò má của mình để "Tiêu diệt" chúng, báo hại gương mặt bé Hai bùn sình đen đúa như những đứa trẻ đi bắt hôi Cá trong đìa của thiên hạ.
Bà Mười thấy đứa cháu cưng của mình lem luốc đầy bùn bà thương bé Hai vô cùng, cũng vì hoàn cảnh mà từ là một tiểu thơ cành vàng lá ngọc, hàng ngày với chiếc áo dài trắng trinh nguyên cắp sách đến trường, vậy mà giờ đây bé Hai hóa thân thành một cô thôn nữ cực khổ khiến bà ứa nước mắt, bà nói:
-Bé Hai bây ra con rạch phía trước rửa ráy cho sạch sẽ rồi nghỉ tay chút đi con.
Thấy công việc còn nhiều, ai nấy đang vất vả làm việc nên bé Hai nhất quyết ở lại phụ cho xong, không khí oi nồng trên ruộng khiến ai nấy cắm cúi làm việc, rồi bất chợt mọi người nghe tiếng con Dung la bài hãi:
-Đĩa Đĩa trâu cắn tui anh Sơn ơi, gỡ nó ra giùm tui đi, thấy ghê quá hà.
Thấy con Dung bị Đĩa đeo nơi bắp vế, thằng Sơn chạy lại để nhanh chóng giải thoát cho em mình, nó phun một ít nước miếng vào lòng bàn tay của mình, rồi thoa lên khắp thân hình con Đĩa trâu, không đầy một giây con Đĩa uốn éo rồi tự động rớt xuống cạnh bàn chân của con Dung, vết máu do Đĩa cắn nơi bắp chân rỉ xuống, Sơn lấy tay nặn cho chảy bớt máu độc, vì do có loại hóa chất chống đông máu của con Đĩa tiết ra, nó lấy ngón tay đè chặt nơi Đĩa cắn một lúc sau thì vết thương của con Dung không còn rỉ máu nữa...
Với sự góp sức của tía con ông Tư nên chẳng bao lâu phần ruộng của bà Mười được cấy xong, vui mừng nhất là mấy chị em của bé Hai, vì khỏi phải lội ruộng, không sợ Bù mắc cắn, không sợ những con Đĩa trâu đeo hút máu, riêng bé Hai khỏi phải e thẹn khi bị thằng Chiến và đám bạn của nó cứ ghẹo mình hoài.
***
Trên cây khế trước nhà bà Mười có một ổ chim Se Sẻ không biết nó ở đó tự bao giờ, bổng dưng sáng nay đôi chim bay ra vô liên tục, rồi tiếng những con chim non kêu lên ríu rít nghe rộn cả góc sân nhà, anh em bé Hai đang chăm chú theo dõi thì nghe ngoại kêu:
-Nè mấy đứa lại đây phụ ngoại vá lại mấy cái lưới nè bây.
Con Dung vốn không khoái làm mấy chuyện tỉ mỉ này, nó phân trần với bà Mười :
-Chèn ơi! Nào giờ tụi con đâu có biết làm ba cái thứ này đâu ngoại, mà nhà mình ai đi lưới vậy ngoại .
Bà Mười nắm tay con Dung kéo nó ngồi xuống gần đám lưới đang nằm trên mặt đất, bà nói:
-Lưới này họ chài ngoài vàm, mấy ghe chài họ mướn mình làm, có công việc này là cũng có chút đỉnh tiền đó con.
Bà Mười đưa mỗi đứa một dụng cụ na ná như con thoi trong máy dệt, nó được quấn sợi cước tương đương với loại cước của tấm lưới phải vá, qua chỉ dẫn của bà Mười mấy chị em con Dung làm thật nhanh và thành thạo như những ngư dân thứ thiệt, bà Mười tỏ vẻ vui mừng, bà thì thầm:
- Mấy đứa này sáng dạ thiệt, cứ giỏi giang như vầy thì không bao giờ sợ đói...
***
Thấy thằng Chiến lấp ló ngoài ngõ nhà mình, bà Mười lên tiếng hỏi nó:
-Chiến, bây đi đâu sớm bửng vậy, thằng cha con mẹ bây khỏe hông vậy, vô nhà uống nước đi bây.
Tay cầm xâu cá Út tươi rói được xỏ xâu bằng những sợi dây lác, Chiến đi đến bên bà Mười nó nói:
-Dạ cha má con mạnh giỏi hết bà Mười, con mới chài được mớ cá Út đem qua để bà Mười nấu chua cho mấy anh chị Sài gòn ăn lấy thảo.
Trong bụng bà Mười thật vui, nhưng bà cũng nói theo kiểu (Mại hơi):
-Úy mèn đéc ơi, nay tự nhiên sao bây bày đặt vụ này chi cho mắc công vậy con, hôm qua bà cho tía con tụi nó ăn nồi canh chua cá Lóc tụi nó vừa ăn vừa hít hà khen ngon thấu trời luôn. Thằng Chiến tiếp lời:
-Kệ nó, hôm nay ăn nữa cũng được mà bà Mười, má con bả cũng nấu canh chua hà rầm mà có đứa nào ngán đâu, bà Mười nấu với lá Me non đi, món này nấu kiểu đó cũng ngon thấy tía luôn.
Bà Mười cười nhẹ rồi nói:
-Thằng bây nói chí phải đa, để bà nấu cho cha con bé Hai nó ăn, rồi bà nói cho tụi nó biết cá của bây cho nhe.
Thằng Chiến nghe vậy nó mắc cỡ đỏ mặt, nó nói:
-Thôi bà Mười khỏi nói vậy đi, có nhiều nhõi gì đâu, mắc công bé Hai nó cười lại con làm sao.
Bà Mười vui miệng nói luôn:
-Cái thằng này, bây nói nghe ngộ quá, thây kệ nó đứa nào cười hở mười cái răng ráng chịu.
Nghe bà Mười nói giỡn chơi như vậy thằng Chiến cười lên sung sướng, bởi từ khi bé Hai về đây, không biết có phải tiền kiếp nó nợ mần gì con Bé Hai hay không, mà bổng dưng nó cảm thấy bé Hai và nó dường như quen nhau tự kiếp nào, những lúc nghỉ tay ở bên bờ ruộng, thằng Chiến hay lân la đến để bắt chuyện, lần nào cũng bị con Dung "Cản mũi Kỳ đà" nên Chiến chưa có dịp thổ lộ tình cảm, nay nhân cơ hội này được bà Mười mớm lời nó trở nên bạo dạn, nó bèn cất tiếng hỏi:
-Bà Mười cho phép con hỏi thăm bé Hai có nhà không bà Mười.
-Nó với mấy đứa đang cuốc đất phía sau vườn để trồng bậy mớ khoai mì kìa, bây có quởn thì ra đó chơi.
-Con chỉ hỏi thăm vậy thôi, con xin phép bữa khác qua thăm bà Mười.
Nói xong không đợi bà Mười trả lời, thằng Chiến lật đật dông thẳng ra ngoài ngõ mất dạng.
Bà Mười cười cười rồi bà nói mình ên:
-Cái thằng Chiến này nhát gái tổ mẹ, ngó bộ dạng sau này sợ vợ thấy bà luôn cho coi .
***
Thắm thoát bé Hai về Phước Thành gần cả năm trời, công việc đồng áng mấy chị em nó không còn bở ngỡ nữa, thời gian đầu ai nấy chưa thích nghi với cuộc sống mới, dần dà qua công việc, qua tình bạn với các cô gái trang lứa trong xóm, với không khí trong lành, và qua cách đối xử hàng ngày thật chân chất nên bé Hai cảm thấy một phần nào đó khiến nó gắn bó với vùng đất này, tâm trạng mọi người rất vui vẻ lạc quan, đám con trai trong làng nhất là đám bạn của thằng Chiến không còn chọc ghẹo bé Hai như những ngày đầu nó hiện diện trên vùng đất này.
***
Khi những cánh đồng bát ngát của Phước thành được gặt xong, mặt ruộng khô nức nẻ báo hiệu mùa khô bắt đầu, đám con trai rủ nhau chơi đá banh, chơi (Volleyball) V.v... Địa điểm sân banh là những mặt ruộng nhấp nhô kia, đám nhóc của Chiến xúm lại dùng cuốc, đầm gỗ để san phẳng lại bề mặt của thửa ruộng thành một sân banh ngon lành, ông Tư được đám nhỏ mời làm trọng tài cho trận đấu giữa xóm Ruộng và dân xóm chài, ông Tư đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của người "cầm cân nẩy mực" khiến hai đội banh nể phục hoàn toàn...
***
Đất trời vùng Phước Thành đang "chuyển mình" vào xuân, khí trời tương đối dịu mát dưới bầu trời trong xanh, mọi người trong xóm tất bật lo sắm sửa chi cái tết, ngoài vườn nhà bà Mười những trái Quýt chín vàng cả cây, Xoài nghịch vụ cũng lác đác ra trái, dưới đất đám dây khoai mỡ bò rợp che kín cả giàn, bà Mười nhìn thành quả của gia đình làm ra bà mĩm cười thật hạnh phúc.
***
Sân đình làng Phước Thành đêm nay được trang hoàng thật lộng lẫy, các dây đèn màu lập lòe chớp tắt liên hồi, tấm băng rôn treo ngoài cổng vẽ hình các nghệ sĩ cải lương của gánh hát Hương Tràm về đây lưu diễn, trời vừa nhá nhem tối bà con đầu trên xóm dưới tụ tập đông đúc, họ nói cười huyên thuyên, những băng ghế gỗ được xếp đầy nhóc trong sân đình, bà con lần lượt mua vé vô ngồi rất trật tự, thằng Chiến và đám bạn của nó mong có dịp như hôm nay để tìm và làm quen với các thôn nữ của xóm trên, bé Hai, và hai đứa em của nó cũng đâu có tha những dịp vui hiếm có nơi vùng đất nhỏ bé này, mấy chị em lấy những bộ đồ đẹp nhất để chưng diện cho đêm nay, trước khi đi bà Mười đưa cho chị em bé Hai mỗi đứa một gói khoai mì quết dừa được gói trong lá chuối, vì mới cơm nước xong hồi xế chiều, bụng hãy còn no nóc, vậy mà ngoại mình còn bắt đem theo gói khoai mì để ăn thêm, thằng Sơn nói:
-Chèn ơi mới ăn cơm xong bụng còn no cành hông thì đem theo gói khoai mì kỳ lắm ngoại ơi.
Bà Mười cắt nghĩa cho chị em con bé Hai:
-Đình ở đây khi hát xong là khuya lắm bây ơi, đem theo lỡ đói bụng thì có cái mà ăn, không chịu thủ thân chừng đói biết kêu ai.
Nghe ngoại nói cũng có lý nên đứa nào cũng vui vẻ cầm gói khoai mì đem theo, bà Mười còn đưa tiền để mua vé, bé Hai không nhận nó nói :
-Ba đã cho tiền tụi con rồi ngoại ơi, ngoại đừng có lo.
Khi mấy chị em ra đến sân đình thì trong sân đã chật kín người như niêm, ba chị em bé Hai đành đứng bên ngoài, thấy hàng Dừa trước cổng đình có ít người nên bé Hai kéo hai đứa em đứng cạnh cây Dừa bên bờ con rạch nhỏ, nơi đây tuy có xa sân khấu đôi chút, thiệt thòi đôi chúc bởi không nhìn rõ được mặt các nghệ sĩ, nhưng bù lại sẽ nhìn được toàn cảnh sân khấu vì có khoảng không gian trống trải, bầu trời bấy giờ được bao phủ bởi màn đêm dầy đặc, bé Hai ngước nhìn lên thấy vài Ngôi Sao lấp lánh trên cao, nó thả hồn về nơi cũ, nó thầm hỏi giờ này má và các em đang làm gì ở nhà, chắc khó có điều kiện đi xem hát như nó trong đêm nay.
Tuồng hát mở màn trống kèn nổi lên liên hồi làm náo động cả vùng quê, đang chăm chú xem bổng nghe tiếng của thằng Chiến gọi nhỏ bên tai mình:
-Bé Hai, anh ...anh muốn nói chút chuyện.
Bé Hai ngạc nhiên hỏi :
-Ủa anh Chiến cũng đi coi hát nữa hả, còn mấy người bạn của anh đâu, không lẽ anh đi một mình.
Lúc này con Dung và thằng Sơn đã nghe qua lời đối đáp của hai bên, hai đứa biết tỏng tòng tong thằng Chiến đang tìm mọi cách để o bế chị của mình, thoạt đầu vì không biết rõ tánh tình của thằng Chiến nên còn tìm cách ngăn chặn, nhưng thời gian dài vừa qua thằng Chiến thể hiện sự quan tâm đến gia đình bà Mười bằng cách bữa nay cho con Cá, bữa khác biếu con Gà, Chiến nhà ta áp dụng chiến thuật "Mưa dầm thấm đất" nên nó đã chiếm được tình cảm của "Mấy người ở Sài gòn" về đây sinh sống.
Con Dung và thằng Sơn gật đầu chào thằng Chiến, con Dung nói với bé Hai :
-Chị Hai ngồi đây nói chuyện với anh Chiến chút đi, em dẫn thằng Sơn mua đậu phọng rang về nhai chơi đỡ buồn.
Biết hai đứa em mình "Ga lăng" nên tìm cách lánh mặt, bé Hai căn dặn:
-Dung nhớ coi chừng thằng Sơn nha, người đông lắm coi chừng đi lạc đó...
Thằng Chiến và bé Hai ngồi bên gốc dừa, hai đứa cứ ấp úng mãi chẳng đứa nào biết nói gì cho nhau buổi tối bên nhau, hồi lâu bé Hai hỏi:
-Anh Chiến chừng nào lấy vợ, bà nào lấy được anh coi như khỏe re há, con ông chủ điền mà vừa gì.
Nghe bé Hai hỏi vậy thằng Chiến trả lời tức thì:
-Có ai ưng tui đâu mà vợ với con cô Hai ơi.
Thằng Chiến bắt đầu trổ mồi ve vãn bé Hai:
-Còn người tui mến thương bấy lâu nay, cô nàng chẳng thèm để ý đến tui, tui buồn lắm.
"Đi guốc trong bụng" thằng Chiến đã lâu, bé Hai làm bộ "Giả Nai":
-Mèn ơi ai mà ác với anh dữ thần ôn vậy cà, anh cho tui biết cô nàng nào vậy, được hông.
Thái độ ấm ức, thằng Chiến ỡm ờ :
-Cô Hai biết quá rồi, khỏi cần chỉ phải không cô Hai.
Rồi tự dưng thằng Chiến nhớ lời khích bác của thằng Ba Khía bạn nó:
-Mầy thích bé Hai thì mầy phải ngỏ lời, chứ mầy cứ im im làm sao bé Hai biết được tình cảm của mầy.
Thằng Chiến dồn hết sức mới dám thổ lộ tình cảm của mình bấy lâu nay:
-Tui nói thiệt cô Hai đừng cười tui nghe, tui...tui...tui mến cô Hai lâu rồi, mong cô Hai chịu làm bạn với tui cho vui.
Thấy thằng Chiến quá rụt rè trong khi trãi lòng với mình, bé Hai nó vừa thương vừa tội, bé Hai có suy nghĩ:
-"Nếu mình dính líu sâu đậm với ông Chiến này thì mình sẽ làm dâu nơi đây suốt đời, mà nơi này gia đình mình coi như bến tạm, sẽ có ngày ba mình cùng mấy đứa con quay về nơi ở cũ để các con của ba còn có cơ hội vươn lên".
Rất nhanh với quyết định trong đầu của mình, bé Hai lái tình cảm của Chiến sang hướng khác để tránh sự phiền muộn cho cả hai về sau, bé Hai nói:
- Nói chơi với anh Chiến vậy thôi, bé Hai biết anh đặt để tình cảm nhiều cho bé Hai, tiếc rằng anh em mình gặp nhau hơi chậm, vì bé Hai đã có người yêu ở Sài gòn lâu rồi, nếu không có biến cố xảy ra có lẽ giờ này anh em mình không có dịp biết nhau đâu, anh Chiến đừng buồn, bé Hai thấy con Minh trong xóm này cô ta cũng mến anh lắm đó, anh mở lòng đáp lại tình yêu của cô ấy dành cho anh đi.
Nghe bé Hai khước từ tình cảm của mình, thằng Chiến cảm thấy hụt hẫng, tuy vậy nó cố níu kéo:
-Thôi nếu mình không là bạn của nhau, tui xin nhận bé Hai làm em nuôi của tui nha.
Biết "ông anh nuôi" còn nhen nhóm một chút hy vọng có ngày bé Hai thấy được tấm chân tình của mình sẽ thay đổi thái độ, nhưng trong tình huống này nếu không uyển chuyển thì nhiều khi Chiến thất vọng đâm ra oán thù không có lợi cho cả hai nên bé Hai gật đầu cái rụp...
***
Cái tết đầu tiên gia đình của ông Tư chọn sum họp nhau trên vùng đất Phước Thành, bà Tư cùng mấy đứa em của bé Hai tề tựu về đông đủ, bà Mười sai cậu Sáu:
-Tết nay (xấp nhỏ) về đây ăn tết, bây coi lo gói bánh nấu cho mấy đứa cháu nó biết cái tục lệ ở đây, có gì kêu xúm lại phụ với nhau, còn thịt thà để kho hột Vịt bây kêu ông (Cắt chú) ở trên xã thọc huyết con Heo mọi kia, bộ đồ lòng nấu cháo cho mấy đứa nó ăn cho thỏa mãn, lâu lắm có đứa nào được ăn cháo lòng đâu.
Nghe bà Mười dặn dò, cậu Sáu y lệnh răm rắp, cậu dẫn đám con bé Hai đi chợ tết miền quê cho biết với thiên hạ, nói là chợ cho oai chứ thật ra bà con đóng mấy cái sạp bằng tre để dọc theo con đường làng, còn những người buôn bán nhỏ như vài nãi chuối, dăm ba con Gà con Vịt, họ chỉ trãi tấm nylon xuống đất rồi để hàng hóa lên cũng có chỗ buôn bán qua ngày.
Cậu Sáu cũng vậy cậu bày , Quýt , Xoài thu hoạch ở vườn nhà ra chợ bán, cậu không trãi nylon mà cậu mướn cái sạp của bà bạn quen biết lâu đời nơi đây để mua bán, giá cả cậu cho bé Hai biết rồi giao cho đứa cháu cưng đứng bán để làm quen với cuộc sống ở đây, cậu Sáu nhìn người không sai, vì bé Hai rất nhanh nhẹn, vui tánh nên loay hoay chừng một tiếng đồng hồ sau là hết sạch cả gian hàng, nhưng nói nào ngay nếu không có "Ông anh kết nghĩa" tới mua ủng hộ thì có lẽ mặt trời đứng bóng chưa chắc bé Hai đã bán số trái cây này.
***
Để bé Hai một mình xoay sở, cậu Sáu dẫn mấy đứa cháu còn lại đi mua sắm các mặt hàng thiết yếu cho ngày tết, cậu cũng không quên mua cho mỗi đứa cháu một bộ quần áo may sẵn để có tết nhất với thiên hạ, cậu mua thêm bánh trái, Thèo lèo cứt Chuột để cúng đưa ông Táo về trời, Chà là , mức Gừng, mức Bí .V.v...
Đêm ba mươi thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, đứng trước bàn ông Thiên bà Mười đốt nhang khấn vái, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa hàng bội thu, con cháu trong nhà khỏe mạnh ,gia đạo bình yên, mọi người quỳ lạy trên chiếc chiếu trãi cạnh chân bàn ông Thiên, tiếng pháo khắp nơi đì đùng vang về hòa lẫn với tiếng súng của ai đó bắn chỉ thiên mừng xuân cùng trăm họ.
Tiếng trống múa Lân của đám thằng Dương bạn của thằng Chiến đang vang lên inh ỏi ngoài phía đình làng, âm thanh này khiến thêm phần náo nức đầu trên xóm dưới. Nồi bánh tét nấu từ chiều đến quá nửa đêm nó đã thơm "dậy mùi", bé Hai có nhiệm vụ canh nồi bánh này, trong khi mấy đứa em nó thì gầy một dòng bài cào kế bên, thằng Chiến ở đâu cũng lọ mọ đến chơi bài cùng đám nhỏ, không biết nó có lấy lòng hay số đen đủi khiến nó bị mấy đứa em của bé Hai ăn gần sạch túi.
Bà Mười cùng vợ chồng ông Tư đang ngồi thưởng thức món trà Tàu thơm phức, họ ôn lại suốt một năm qua, bất chợt bà nói với vợ chồng ông Tư.
-Mới có gần một năm mà má thấy bây già đi dữ nghe thằng Tư, bây giữ sức khỏe cho tốt để chèo chống lo cho bầy con bây, tội nghiệp bầy trẻ quá chừng.
Hớp ngụm trà, bà Mười tiếp:
-Con Tư cũng vậy, bây cố gắng làm lụng lo cho cái đám nhỏ ở trển đi, thiếu hụt gì hú má một tiếng tao gửi lên liền. Con Hai nó lớn bộn rồi đa, thằng cha của thằng Chiến nó đòi ngồi sui với bây, nó nhờ tao nói vô một tiếng, ngặt một nỗi là tao thăm dò ý tứ thì bé Hai nó không chịu, bây để ý lo cho con nó nơi chốn đàng hoàng để nương nhờ tấm thân, nhớ tránh mấy thằng bợm nhậu giùm tao cái nghe bây.
Hai vợ chồng ông Tư vâng dạ liên hồi, bà Mười gọi hết con cháu lại quây quần bên bà để bà lì xì lấy hên, bé Hai được ngoại ưu tiên cái bao hơi "Nặng ký" so với mấy đứa cháu còn lại khiến con Dung nó "Cà nanh"
-Ngoại chơi kỳ quá, bao lì xì con xẹp lép, còn chị Hai sướng quá chừng.
Bà Mười cười hiền rồi thanh minh cho việc không công bằng này:
-Chèn ơi, đây là tiền công con Hai nó bán trái cây đó, bây khiếu nại hỏi cậu Sáu bây kìa còn tao vô can vụ này nhe.
Thằng Chiến cũng ăn ké được lộc đầu năm do bà Mười trao cho, đưa bao lì xì cho nó bà Mười nói nhỏ để an ủi nó:
-Bây đừng buồn, bà Mười biết bây còn thương bé Hai dữ lắm nhưng duyên phận hai đứa không thành, thôi đừng buồn nhe thằng cháu rể hụt của tui.
Bé Hai chú ý nên nó nghe được câu nói này, nó bèn nói lớn cho cả gia đình nghe:
-Con xin giới thiệu với Ngoại với cả nhà, đây anh Chiến là anh kết nghĩa của con rồi, phải không anh Chiến.
Thằng Chiến như bị điện giật nó nói theo kiểu phản xạ có điều kiện :
-Đúng rồi ngoại ơi, bé Hai nói vậy là đúng đó ngoại.
Tuy nói ra như vậy nhưng tâm trạng nó không vui vì nó vẫn còn tôn thờ hình ảnh của bé Hai như ngày nào.
***
Qua bao ngày làm lụng vất vả nơi quê ngoại của các con, qua cái tết nọ ông Tư đưa các con về lại Sài gòn sinh sống, bà Mười, cậu Sáu, đám bạn trai gái ở Phước Thành ai nấy cũng buồn hiu, riêng thằng Chiến thì trốn đâu mất nó không dám đến chia tay nhà bé Hai vì sợ không nén được cảm xúc nó khóc bất tử thì xấu hổ vô cùng, con phà xa dần xa dần để lại bao niềm thương nỗi nhớ cho cả hai bên người đi kẻ ở.
Giờ đây nhớ lại những ngày tháng gian nan ở miền quê Phước Thành, bé Hai không ngờ mình đã vượt qua và những kỷ niệm vui buồn của năm nào ở vùng đất này sẽ khắc ghi trong tiềm thức của mình mãi mãi về sau.
Hai Hùng Sài Gòn
Viết xong 9h15 ngày 28.9.2018
Kommentar schreiben