Nhà Văn Phạm Trọng Luật
TÁCH BÓNG
Gió luồn qua khe cửa, tát hơi lạnh vào mặt Trương Sinh. Nhưng y vẫn gà gật ngủ trên ghế, chỉ có thằng cu Ðản là mắt còn mở thao láo trong căn nhà vắng tanh. Nằm trên chõng tre, nó nhìn chằm chặp như bị thôi miên bởi những hình thù chập chờn trên vách, mặt mày hớn hở chẳng chút sợ hãi. Nó không khóc mà đưa cả hai tay bập bẹ vòi vĩnh.
Tiếng đứa bé làm người cha khẽ cựa mình. Sinh có vẻ mệt mỏi, đăm chiêu suốt buổi chiều, sau khi từ bờ Hoàng Giang trở về. Lúc đứng trên ghềnh nhìn xuống chỗ nước xoáy của con sông, y đã tự nhủ phải ngại sống hơn cả sợ chết mới có thể nhảy xuống đấy. Mà đã gieo mình xuống khúc sông này thì chỉ có Trời mới tìm được xác.
Cơm nước xong, y hoài công dỗ con ngủ. Quen ngủ ngày, thức khuya, thằng bé tỉnh táo chờ, trong khi kẻ gác con lịm dần vào một cơn ác mộng đầy gươm giáo.
- B...ôố !
Trương Sinh dụi mắt, bật dậy. Người cha định bước đến chõng bế con lên. Nhưng y bỗng giật bắn người dừng lại. Một bóng đen lồ lộ trên vách. Không phải bóng Sinh. Y đã đứng dậy, cái bóng vẫn ngồi yên. Ngọn đèn dầu không đặt sau lưng mà giữa Sinh với tấm vách, đâu thể hắt bóng y lên tường ? Sinh dáo dác nhìn quanh căn nhà trống. Chẳng có ai, trừ một hình thù trăng trắng đang cúi xuống như mải mê ngắm thằng bé.
Hai chân Sinh dán chặt xuống nền đất. Ðứa bé vẫn chỉ chỏ vào vách, cười đòi. Ðây là đầu, đây là vú ? Một người đàn bà ? Hai cái bóng ? Cái bóng đen của một người đàn bà mặc áo trắng ? Hoang mang, Sinh tự hỏi và ngờ vực cả mắt mình.
- B...ôố, bố về !
Sinh đã hiểu hết mọi chuyện từ đêm qua, khi thấy thằng cu Ðản chỉ bóng mình trên vách gọi là bố. Cái lắc đầu nguây nguẩy ban sáng của đứa con thơ khi y âu yếm bảo nó gọi mình là cha, cùng với câu bập bẹ định mệnh « không phải, bố tối mới về » bấy giờ mới rõ nghĩa ! Ðể dỗ con ngủ, người vợ chung thủy của Sinh vẫn chỉ bóng mình trên vách, nói dối con đấy là cha. Nhưng đã quá muộn. Sinh đã điên cuồng chửi rủa, đánh đập vợ trước mặt bao nhiêu người ở rải rác ven rừng đến mừng y chinh chiến trở về toàn vẹn, bất chấp mọi can ngăn.
Vợ Sinh bỏ đi đâu mất từ lúc ấy, trong bộ áo tang trắng ngày tiễn mẹ chồng. Sinh linh cảm thấy một cái gì bất thường, nhất là từ khi dân làng kháo nhau có người trông thấy ai như vợ Trương Sinh nhảy xuống ghềnh. Ðến chiều thì y biết chắc là vợ mình đã tự vẫn. Sinh tự nhủ mình đã giết oan một người. Và lần đầu tiên trong đời, y bỗng cảm thấy một sự xốn xang kỳ lạ, khác hẳn với mỗi khi vung gươm chém xuống quân địch.
Bây giờ kẻ bất hạnh trở về. Có lẽ để đòi Sinh đền mạng, như trong bao chuyện oan khuất vẫn được dân gian truyền tụng chăng ? Làm gì bây giờ cái bóng này đâu phải là vợ ta nữa mà có khi còn là một địch thủ nguy hiểm với những động tác không dễ đoán biết... Ý nghĩ này làm cả con người đã từng xông xáo sát phạt như y cũng cảm thấy cái gì lành lạnh chạy suốt sống lưng. Không có đến một tấc sắt trong tay tốt hơn ta nên tránh đụng độ ...
Bản năng sinh tồn bảo Sinh phải cử động thật nhẹ nhàng. Y khe khẽ đẩy lùi chiếc ghế. Tiếng động, dù thật nhỏ, cũng đủ làm cái bóng trắng quay đầu lại. Sinh nghe toàn thân rờn rợn với cảm tưởng rằng cái nhìn chằm chặp không mắt kia chính là than đen sắp bốc lửa. Y quýnh quáng mở cửa, rồi chạy lao về phía ngôi chùa làng trên đồi.
*
Trương Sinh thấp thỏm nhìn trời. Khi nghe y kể hết sự tình, nhà sư mù quả quyết rằng cái bóng kia sẽ còn hiện lên vách nếu có ánh đèn. Nhưng cũng khoảng giờ Tý hay trễ hơn ? Theo lời khuyên của ông, đêm nay Sinh trải chiếu ngồi khuất trong một góc ngay cạnh cửa sổ để ngỏ, và thử không thắp đèn xem sao. Dưới gối là cây gươm trận mà y đã bỏ công mài đi mài lại suốt buổi chiều. Có nó dưới tay, Sinh thấy an tâm hơn. Bất giác, y vừa tự nhủ thật là may đã không nằm ngủ với con trên chõng đêm qua, vừa hổ thẹn đã chạy trốn như kẻ chưa từng trận mạc.
Sinh ngồi chờ lâu lắm. Dù đã quen với những đêm mai phục đợi giặc, y vẫn thấy buồn ngủ khi chỉ có một mình, thỉnh thoảng phải vả vào mặt cho tỉnh. Lúc đầu, Sinh chăm chú rình từng cử động của thằng Ðản, chắc chắn rằng nếu có chi lạ, nó sẽ là người cảm thấy trước tiên. Chẳng ngờ cái ý nghĩ ấy lại có tác dụng trấn an. Ðôi mi y càng lúc càng nặng trĩu, rồi hai mắt từ từ khép lại lúc nào không hay.
- Bố, ... bôố về !
Sinh mở choàng mắt với tiếng báo động chờ đợi của con. Cái bóng hiện mờ mờ trên vách, tuy không chút ánh đèn. Thôi hỏng rồi quên bẵng là rằm... Vầng trăng tròn bên ngoài dường như lúc nào cũng đồng lõa với người cõi kia. Từ từ rút gươm dưới gối, Sinh lặng lẽ đứng lên.
- Con ơi con ngủ cho ngoan...
Bà mẹ khoan thai ru con, không màng đến sự có mặt của người cha. Vừa định cất bước, Sinh bỗng dừng ngay lại. Bóng ma chẳng có vẻ chi đe doạ mà ta đã làm người vô tội chết oan một lần rồi chẳng lẽ bây giờ lại đi gây hấn nữa rủi thằng Ðản bị thương trong trường hợp xô xát thì khổ ...
- ... Cho an lòng mẹ, cho tan nỗi niềm ...
Ngạc nhiên trước sự bình tĩnh của chính mình, người lính chiến nghĩ cách hủy hoại cái bóng. Triết lý nhà chùa có khi đúng cũng nên nếu có nhân mà thiếu duyên thì bóng ma kia chắc đâu hiện lên được ?
- ...Cha đi bình định giặc Chiêm...
Sinh thò tay đóng cửa sổ. Ánh trăng đã hoàn toàn bị đuổi ra. Nhưng cái bóng không ra chơi với trăng. Chỉ có mắt y là đột nhiên biến thành mắt nhà sư.
- ...Ngày nơi biên hiểm, nửa đêm mới về !
Tiếng ru con rõ mồn một. Tay cầm gươm, Sinh vẫn đứng nguyên trong thế phòng ngự mọi bất trắc. Mắt trừng trừng cố tìm trong cõi đen một hình thù. Chịu ! Tai gắng định hướng thật chính xác cái tiếng ru trêu ngươi. Chịu ! Bất lực, Sinh ngồi bệt xuống, tay từ từ buông lỏng cán gươm. Lời nhà sư mù hôm qua lại lảng vảng bên tai. « Người mẹ chỉ về vì đứa bé thôi, chẳng thiết chi đến chuyện báo oán đòi mạng đâu, nếu không chắc gì tráng sĩ còn lành lặn mà ngồi đấy ! »
Trong căn nhà không đèn, không trăng, một gia đình đoàn tụ. Ðầy đủ cả, cha, mẹ, với đứa con thơ. Và lời ru tình nghĩa. Nhưng có cái gì u uẩn trong trái tim con người khiến người cha tự bảo rằng đấy là lần cuối. Kẻ thác oan thường báo oán độc địa trên đời sau phải ngăn chận ngay từ bây giờ mẹ thằng Ðản bắt nó theo hay o ám nó thành đứa dở sống dở chết ...
*
Trương Sinh đã mang con lên gửi chùa từ xế chiều. Bàn ghế bây giờ dồn cả vào bốn góc, mỗi góc một ngọn đèn. Tất cả mọi cửa đều mở toang, mời mọc trăng mười sáu. Nếu phải tác chiến, mọi cử động của bóng ma phải in thật rõ trên tường. Mắt đăm đăm nhìn lưỡi gươm, Sinh tập trung lẩm bẩm nhắc lại từng việc phải làm. Và để chống lại cơn buồn ngủ, người lính trận không ngại ra giữa trời vung gươm lên múa mỗi bận sang canh. Ánh gươm loang loáng dưới trăng làm y tự tin thêm phần nào trước loại địch thủ chưa từng đối phó.
Khi Sinh trở vào, trên vách đã lồ lộ một bóng đen. Người mẹ đang ngẩn ngơ nhìn chiếc chõng trống. Tiếng chân làm bà ngoảnh lại. Khuôn mặt tái xanh dưới những lọn tóc than rối tung, ẩm ướt, toàn thân trắng như mây.
Như dự tính, Sinh chậm rãi gập người xuống, song mắt vẫn đăm đăm nhìn lên thây ma, bàn tay phải nắm chặt cán gươm.
- Ta thật nặng lỗi với hiền thê. Có gì thì cứ trừng trị kẻ phạm tội, nhưng ...
Người đàn bà vẫn dáo dác tìm con như thể không nghe.
- ... xin chớ đụng đến con ta...
Vẻ ngơ ngác tuyệt vọng của người mẹ bỗng làm Sinh chạnh lòng. Y buột miệng :
- Ta đã gửi con trên chùa. Dầu sao nó cũng không thể sống giữa hai cõi âm dương !
Hai mắt của thây ma rực lên một màu máu sau những lọn tóc đen. Cặp mắt thú dữ ngày nào khi bắt quả tang Sinh cùng một người bạn đang bỏ cọp con vào rọ nứa chợt loé lên trong trí nhớ. Sinh rùng mình : lần ấy chỉ có y chạy thoát !
Người cha đứng chắn trước mặt, lưỡi gươm chĩa thẳng vào thây ma vừa nhón bước định ra cửa. Người đàn bà vẫn lừ lừ tiến tới. Sinh vung gươm bổ xuống, vụt ngang, chém dọc. Trong chớp mắt, cái thân trắng bị chẻ thành từng mảnh mây mỗi lúc một nhỏ. Ðể lại hội tụ nhanh chóng sau lưng y. Sinh quay vòng chém xối xả, đuổi đánh kẻ địch khắp bốn góc. Nhưng không có những thân người gục ngã, không có máu me bê bết chung quanh. Chỉ có một màu trắng bao bọc y, một khối đen không thể phân biệt loang loáng trên vách, và những mảnh bàn ghế đứt văng tứ tung. Càng lúc Sinh càng cảm thấy tuyệt vọng trước kết quả không lối thoát của cuộc đọ sức. Nghĩ đến con, y đổi cách đánh, cứ xông lên chém xối xả xong lại lui về trấn ở cửa, chờ bóng ma tiến tới. Trận chiến cầm chừng cứ thế kéo dài vô tận. Như đêm trăng và nỗi khiếp đảm trong ánh mắt của kẻ chờ chết.
Khi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên thì người cha đã hết đứng vững. Y loạng choạng như kẻ trúng tên. Ðầu choáng váng, hình ảnh đứa con thơ chao đảo trong cặp mắt đỏ lờ đờ, tim đau quặn một cách kỳ lạ. Tay chân Sinh run bần bật, lưỡi kiếm trĩu xuống nền đất trong thế hàng phục. Kẻ chiến thắng lặng lẽ đứng nhìn, bất động và vô cảm. Khuôn mặt tái xanh đội những lọn tóc than rối tung, ẩm ướt, trên tấm thân mây.
Cùng với tiếng thây người ngã kéo bàn ghế đổ theo ồn ào, bóng ma thoăn thoắt ra cửa. Sau một thoáng ngần ngừ, người đàn bà theo những giọt sao mờ đi ngược về phía cuối sông. Bỏ lại sau đôi mắt kẻ hấp hối còn trừng trừng nhìn lên đồi, như lời kêu cứu tuyệt vọng cuối cùng cho đứa con thơ chỉ mới bập bẹ.
*
Trong ngôi chùa nhỏ hình chữ đinh, nhà sư mù điềm nhiên ngồi thiền, lưng quay ra cửa. Như chẳng hay biết rằng người khách mà ông chờ đợi từ đầu canh ba vừa bước vào. Chánh điện giờ này vắng lạnh, nghe được cả tiếng muỗi vo ve. Hàng nến đặt trước các pho tượng Phật, lớn bằng người nhưng đẽo gọt vụng về, toả ra chút ánh sáng yếu ớt, lung linh hắt lên tường một cái bóng mờ di động bên cạnh những khối đen của các pho tượng. Người đàn bà đã vượt qua chỗ ông ngồi chừng dăm sải tay.
- Mô Phật ! Tín nữ đến cúng dường đấy ư ? Quý hoá quá.
Người khách dừng lại như thể do dự.
- Ngồi đây uống trà, đàm đạo với bần tăng.
Người mẹ bước tới ngưỡng cửa dẫn vào bái đường, nơi đặt các pho tượng Hộ Pháp cũng đẽo bằng gỗ. Trên chiếc chiếu manh, thằng Ðản đang say sưa ngủ chứ không thức vòi vĩnh như mọi khi. Bên cạnh, một người đàn bà phe phẩy quạt.
- Cháu bé ngoan lắm. O Nhơn đã ru nó ngủ thay mẹ rồi. An tâm.
Ðược nhắc khéo, cô gái già nuốt nước bọt, thót bụng ghìm nỗi kinh sợ :
- Công... cha... như... núi ... Thái ... Sơn
- Ngồi đây đàm đạo với bần tăng.
O Nhơn vẫn cúi mặt ru. Phải nghĩ đến chuyện chi khác không thì chết khiếp mất mà chuyện gì bây giờ thì chuyện nhà sư mù cũng là dân lưu lạc như mình chẳng ai biết từ đâu đến người ta hỏi Thầy pháp danh là chi chỉ gãi đầu cười ngô nghê có người nói Thầy cũng chả mù thật đâu chỉ khép mắt không thiết nhìn chuyện thế gian thôi...
- ...Nghĩa mẹ ... như... nước trong... nguồn... chảy ra...
O Nhơn cảm thấy hai chân xếp bằng tròn ươn ướt, nong nóng. Lão lý trưởng nói tôi biết Thầy này tu cao thâm lắm rồi sai tráng đinh đẽo tượng xây chùa mời Thầy ở lại Nam Xương lão này khôn thật từ ngày Thầy về lão ít việc hẳn đi ai cũng lên chùa xin Thầy hướng dẫn chẳng hạn như ban sáng Thầy bảo đừng chôn mà thả xác Trương Sinh trôi sông cho vợ chồng người ta đoàn tụ mà giải kết oan khúc với nhau thế là lão gật gù ngay...
- ...Một lòng... thờ... mẹ... kính cha...
O Nhơn vẫn dán chặt mắt dưới đất, dù lời ru có vẻ mạch lạc hơn. Khổ nỗi Thầy lại bảo mình lên chùa giả làm mẹ nuôi ru thằng nhỏ trong khi Thầy trò chuyện với ma mẹ đừng cho nó ngủ ngày rủi thằng bé tối lại thức khuya vòi vĩnh như mọi khi thì hỏng cả ...
Nhưng kế hoạch của nhà sư có vẻ thành công. Người mẹ vẫn đứng ở ngưỡng cửa, trên khuôn mặt tái xanh lóng lánh cái gì như hai dòng lệ.
- ...Cho tròn... chữ hiếu.. . mới ... là... đạo con ...
- Xả ! Thương yêu cũng trói buộc như thù hận. Tín nữ phải xả mới đi được.
Giọng trầm ấm của nhà sư rót mồn một vào tai o Nhơn, làm kẻ tâm phúc của ngôi chùa làng bỗng nhiên thấy điềm tĩnh hơn. O ngân nga lặp lại lời ru, mắt liếc vội về phía cửa.
- Không mang thằng nhỏ theo được thì quyến luyến làm chi. Ðể nó ở đây làm con nuôi o Nhơn. Tín nữ biết o mà.
Có cái gì nghe như tiếng nấc trong tai người mù.
- Bần tăng sẽ thu nhận cháu làm đệ tử và lo cho nó nên người. Cứ an tâm mà đi.
Một khoảnh khắc vô tận trong mắt o Nhơn. Rồi cái bóng trắng từ từ bước ra. Người mẹ còn đứng tần ngần một thiên thu nữa trên thềm chùa như lại muốn quay vào. Nhưng không ! Nhà sư mù nghe một hơi thở hắt thật dài rồi tắt ngúm - lối thở của kẻ vĩnh viễn lìa trần. Cái bóng trắng đã theo tiếng mõ với lời cầu siêu của nhà sư về cõi trăng sao... Từ đấy, không ai còn gặp lại bà Vũ Thị Thiết, người thiếu phụ Nam Xương nữa.
*
Như mọi ngày, chú tiểu rời khỏi miếu mẹ ở đầu ghềnh rồi lững thững đi về phía ngôi nhà cũ. Chú còn nhớ rất rõ. Sáng hôm ấy, đột nhiên Thầy dắt chú lên viếng miếu này. Cái miếu thờ mà lý trưởng đã bảo dân làng xây « để làm gương cho mai hậu », rồi sau còn được cả nhà vua đến viếng, đề thơ và cấp tiền bảo quản. Rồi Thầy dẫn cậu bé về đây, kể cho chú nghe một câu chuyện, trước khi kết luận :
- Ðấy, chuyện đời con là như thế. Và đây là nhà con mười năm trước.
Ngôi nhà bây giờ trống trơn. Các cửa lúc nào cũng mở toang, rộng đón nắng, mưa, trăng, sao. Trước tấm vách nhìn ra cửa đặt một bát hương, đó là một thứ miếu rất khác mà Thầy đã làm cho bố mẹ chú tiểu, không phải để thờ. Từ năm lên mười, mỗi lần kinh kệ xong, Thầy bảo chú xuống đây định tâm. Chú ngồi trước tấm vách hàng giờ, ánh mặt trời đằng sau hắt bóng chú lên tường. Thầy bảo chú tìm cho nó một cái tên. Chú không hiểu tại sao Thầy lại bảo mình đặt tên cho tấm vách, mà Thầy lại không đặt cả pháp danh cho mình.
- Ðấy là công án (1) của con, khi nào tìm được là chứng ngộ.
- Chứng ngộ là gì, Thầy ?
- Là cuộc đời này như thế nào thì nhìn thấy nó như thế ấy, nên hết đau khổ.
- Thầy ơi, làm sao thấy được như vậy ?
- Con phải trút bỏ hết những trói buộc, mê muội...
- Làm sao chỉ nhìn bóng trên tường, đặt tên vách mà vất bỏ được ?
- Ðược. Vì đấy chỉ là những ngón tay để con nương theo mà nhìn thấy mặt trăng.
- Chừng nào con mới cắt bỏ được hết trói buộc, mê muội ?
- Con sẽ tự biết khi tìm ra giải đáp cho công án.
- Rồi con sẽ nói với Thầy, ... chỉ có Thầy mới biết là đúng hay sai .
- Con sẽ tự biết. Có khi lúc ấy Thầy chẳng còn nữa.
- Thầy không còn nữa, thì ai cho con làm tỳ kheo ?
- Chẳng ai cho cả. Con sẽ thành tỳ kheo hay không bởi cách hành xử của con.
Nhà sư già viên tịch vài năm sau thật. O Nhơn, bà mẹ nuôi thương yêu cũng không còn. Nhưng chú tiểu vẫn ngày ngày kinh kệ, đèn sách, thiền định. Chú còn ngồi xếp bằng tròn để ánh mắt trời hắt bóng mình lên vách, suy tưởng về công án trong nhiều năm liền. Cho đến một hôm, chú không còn thấy cần thiết trở lại ngôi nhà cũ nữa. Người ta nói chú đã tìm ra giải đáp, nhưng cũng chẳng ai biết chú đặt tên vách là gì. Chỉ nghe rằng hôm ấy, khi chú đứng lên, cái bóng vẫn ngồi lại.
Phạm Trọng Luật
20/05/2001
_______________________
(1) Ðối tượng suy tư, đề tài để suy nghĩ cho người học Thiền.
Kommentar schreiben