Nhà Văn Miêng
ỠM Ờ
Hồi trẻ, tương đối tôi được lắm anh vờn. Ðến nỗi có lần hết tiền xin chân chạy bàn tiệm phở, chạy được mấy vòng chưa tới đâu bà chủ bèn chi tiền rất hậu cho thôi việc, sợ anh thái thịt sẵn dao chém anh rửa chén, sợ anh rửa chén lấy mảnh sành lột da anh thái thịt. Trong vòng bạn bè vòng loại phải kể cả tá, vòng bán kết khoảng dăm anh, vòng chung kết ba. Mỗi anh có đặc điểm riêng và nói chung chung, anh nào cũng đáng yêu hết cả.
Anh thứ nhất đôi mắt lẳng lơ, máu nghệ sĩ đầy mình, cầm kỳ thi hoạ đều có. Cầm thì ghi ta anh vặt ngược ra sau vẫn đàn được. Kỳ thì chiếu tướng khá bất ngờ người thua thường nóng mặt chê «cờ rình» . Hoạ thì anh vẽ gì cũng hình thù nhà cổ, ngay cả chim chuột - chẳng qua vì học kiến trúc chuyên vẽ chùa chiền đền miễu. Còn thi nói sau cùng bởi có lần, viết cho tôi lá thư tình, anh chép nguyên bài «Nguyện» của Xuân Diệu, nói hai câu « Nguyện tâm hồn như chim chắp cánh, Nguyện thân thể như cây liền cành» thống thiết quá, anh thích hai câu «Nguyện xin trời đất làm hai bản, Nguyện lúc xa nhau vẫn vẹn hình». Tôi bèn đề nghị sửa chữ «nguyện» thứ hai thành chữ «để» , kết quả lời nguyện, xa nhau mà vẫn vẹn hình không thích à. Anh bằng lòng. Dĩ nhiên tôi bảo gì anh chả vâng.
Anh thứ nhì nhà hoá học, gốc gác Phan Thiết. Ăn chay trường với nước mắm, mang kính cận gọng đỏ rất nổi. Thường giảng giải nhiều thứ rất ly kỳ, ví dụ thịt có nhiều protéine, trong không khí cũng có protéine nên hít thở khí trời cũng có phần nào như... ăn thịt ! Mà loại thịt này dễ tiêu, «thịt thiệt» nặng bụng lắm. Dĩ nhiên tôi nghe chỉ với vành tai. Ví dụ nhất định lần này dây bí nhà anh sinh ít nhất phải hai mươi hai trái mới đủ biếu bạn bè mỗi người một trái, bằng cách thấy hoa cái anh vội vàng xát hoa đực vào, cho chúng gặp nhau, trao thân gửi phận cho nhau. Thế là nó đậu. Anh dặn nước mắm phải mua loại ít nhất ba mươi lăm phần trăm chất đạm mới tốt, mới có chất cá chất biển trong người. Rằng ... dài dòng nhiều thứ «phải» thế này thế nọ lắm lắm, nhớ gì hết.
Còn anh thứ ba, hàng lông mi dày đặc biệt trên đôi mắt tròn vo hột nhãn, ánh mắt ngây thơ đến động lòng, chơi chơi lại hái khối tiền : đánh billard artistique. Lúc không bận bịu thi cử, tôi tháp tùng anh ngang dọc đó đây. Anh co giò lên bàn bi da là tôi muốn sụp giò van vái Trời Phât dắt trái banh đi đúng đường đi lối về. Sau hai lần thử anh không thành công tim tôi đập đến nỗi làm ồn người ngồi cạnh. Nếu nó rộn rã vì yêu thì hay biết bao ! Cũng chẳng phải sợ anh thua sẽ lượm được ít tiền - ngoài chỗ thân tình ra, cho tới bấy giờ anh là người da vàng duy nhất được tham dự trò này mức độ quốc tế. Lại thuận tay trái, mỗi lần tới phiên anh người ta phải vẽ đường đối xứng. Cái thuận trời cho này có dịp hành hạ ban tổ chức thêm một chút làm tôi chịu quá. Nên chi mỗi lần anh cầm đứng hay đặt nằm nghiêng nằm ngửa cây «cơ» , đẩy nhẹ hay thật mạnh làm sao trái banh đi đúng đường vẽ lúc cong lúc thẳng, tôi phục sát đất, cho anh là người Việt Nam tài ba lỗi lạc lắm lắm rồi. Mỗi lần ai dấm dớ không xem chương trình hay không nghe lời giới thiệu, hỏi « Japanese ? », tôi hét lên « No, Vietnamese ! », khoái lạc !
Hồi đó bạn bè dục chịu ai thì lựa lè lẹ, còn giải phóng bớt. Nhưng tôi đi đâu mà vội mà vàng cơ chứ, cứ chầm chậm nhặt hoa rơi, thỉnh thoảng gặp anh thứ nhất nghe chơi bản đàn, vẽ chơi cái nhà tưởng tượng cho hai đứa mai sau (cái tủ lạnh thì ra đống rác lượm về xài, nhắm rồ) ; thỉnh thoảng gặp anh thứ hai bắt địa chai mắm ngon đủ ba mươi lăm phần trăm chất đạm, mùa hè được ít nhất nửa trái bí đỏ cây nhà lá vườn, bảo đảm nuôi tự nhiên không bón hoá học (anh nửa trái, chia tôi nửa trái, theo lời anh thì vậy «cho nó tình» chớ không phải hà tiện không cho trái nguyên) ; và dại gì không chạy theo anh ba thường ngược xuôi Ðức, Tây Ban Nha coi đánh bi-da ạc-tít-tíc ? Nữ sinh độc thân cũng khá nhiều dễ chịu.
Tôi đu đưa giữa ba anh, cầm chắc trong tay sinh mạng và linh hồn họ, không bị vắt ra nước là phước đức lắm rồi. Nghĩ bụng hôm nào đẹp trời sẽ cho nhà hoá học đi tìm la-bô khác, đàn ông sành sõi quá lại đo lọ nước mắm, ngắm hũ dưa hành, làm sao sống nổi, thà cứ vụng vịu cho em nhờ. Gượm đã, hãy còn cần nước mắm, chẳng vội vã gì.
Một hôm sau khi gặp anh bi-da, tôi nói với bạn :
- Mày à, chắc anh ấy thương tao thật.
Cô bạn gắt :
- Anh nào ? Mày thì lắm anh, cứ anh ấy với anh đó thì tao biết là anh nào.
Tôi cười nhỏ nhẹ :
- Anh Hùng ấy mà.
- Anh hùng anh dũng gì tao cũng cóc nhớ. Tao chỉ nhớ thằng đạo thơ, thằng lẩm cẩm và thằng bi-da. Thằng nào ?
- Thằng bi-da. Mà tội, anh bi-da.
Bạn bĩu dài môi :
- Anh với chả anh. (Cao giọng) Mà hồi nãy mày nói cái gì ? Làm sao mày biết nó thương mày thật ?
Tôi nói lý do. Lý do gì cũng chẳng nhớ. Chỉ biết có cái gì đó chứng tỏ tấm chân tình anh làm cảm động. Bạn tôi trót một lần thất tình nên tội nghiệp quá, mất hết niềm tin, nghi ngờ hết thảy - kể cả đám đàn ông của tôi ! - ngúyt dài :
- Rõ vớ vẩn. Thằng nào gặp gái chẳng nói cái điều như mình không thương là nó chết bất đắc kỳ tử ngay. Rốt rồi thằng nào cũng đùm đề thê tử trước mình cho coi.
Dĩ nhiên tôi cười độ lượng ra điều «mày chưa đủ khôn để hiểu».
Cô bạn coi vậy mà độc mồm. Ðùng một cái, hai tháng sau miệng tôi vẫn mở mà tiếng cười tắt ngấm khi anh nghệ sĩ vừa báo tin tiểu đăng khoa vừa rỉ rả bài «anh khóc trên vai em, anh khóc trên vai em, một lần cuối, một lần cuối cùng, để còn thấy lòng thương lần cuối, một lần cuối cùng thôi em ơi !» . Bấy giờ bắt đầu vẽ nhà và chó mèo cho cô gì gì đó (cóc cần biết). Nghe nói bên nhà hai họ đã làm đám linh đình, thằng em trai mười chín tuổi phải đóng vai chú rể, ôm con gà trống qua nhà gái, nó mắc cỡ không chịu, dỗ mãi, phải tốn bộ vó mới tinh và cái vé khứ hồi nó rong chơi Huế mười ngày.
Không thể vặn tại sao bởi nghĩ cho cùng, anh ấy chỉ «nguyện» chớ có hứa hẹn gì ? Lại là ông Xuân Diệu tự nguyện với lòng hay với ai đó, anh ấy «đạo» chút đỉnh, chết con kiến nào ? Chỉ tôi dại tưởng bở, hầm lắm. Mình không cho ai đi tàu suốt thì thôi chớ sao bị «cắm sừng» như vậy được. Nuốt mãi giận cũng còn. Con chó sinh được ba ngày, mắt tôi bắt đầu hé mở.
Rồi trời ơi, mùa đông năm ấy mới lạnh lẽo làm sao ! Bởi vì tấp tểnh người đi tớ cũng đi, nhà hoá học không đợi mời, cũng đi tìm la-bô khác ! Hôm ấy trời mưa tầm tã như thể muốn chứng tỏ gì chớ nước trời có thừa. Anh ấy đội mưa, tội quá (dù sao !), đem cho thùng nước mắm :
- Thùng mười hai chai, hy vọng em ăn được cả năm. Thứ anh vẫn thường mua, ngon và đủ ba mươi lăm độ chất đạm, bổ lắm.
Rồi kể tỉnh bơ về vợ sắp cưới. Anh có tật đãng trí không nhìn rõ tấm nhan sắc cô vợ (xấu hơn «Con ma nhà họ Hứa»), không nhận thấy vẻ sững sờ thất vọng trên mặt tôi. Ô, vậy mà mình cứ tưởng... dù sao... Và tôi làm như thể chúc mừng anh thật sự.
A, chó đã được sáu ngày, mắt mở to thêm một chút, tiếng ư hử rõ ràng tiếng sủa. Ngay hôm sau tôi tìm tới anh bi-da. Phải ra tay trước chớ còn vỏn vẹn một chàng, để anh ta có cơ hội dở chứng thì còn mặt mũi nào. Anh đang tập dượt. Tôi la to : tôi chán đàn ông con trai, rằng muốn thôi không liên lạc với anh nữa, rằng các anh là một lũ ba xạo... Rằng đối với anh tôi cũng chẳng thương yêu gì, chỉ chơi giải trí cho vui, rằng dù vậy tôi vẫn muốn làm trái banh đỏ, trái banh trắng vòng vo bở hơi cũng phải chạm tới nó chớ không thì vẫn cứ là hỏng... vân vân.
Chẳng nhớ nói gì và cũng chẳng hiểu lắm mình muốn nói cái gì, chỉ nhớ ngúng nguẩy bỏ đi anh chạy theo nắm tay nhưng tôi giằng ra. Tối đó không trả lời điện thoại, không chịu gặp anh và tuần sau em gái anh tìm tôi ở trường, báo tin anh đang ở tù bên Thụy Ðiển.
Ðã nói ở trên, đó là « hồi trẻ», nếu xem ông trời bằng cái vung đã tốt phước cho ông lắm rồi ! Thích nghe đàn ghi ta và thơ đạo tán hươu tán vượn, thích ăn nước mắm đủ ba mươi lăm độ chất đạm không phải chạy đi mua, thích du lịch đó đây chút đỉnh không tốn tiền. Ðàn bà con gái mà, cứ tự cho quyền đá thiên hạ như đá banh, mình thì phải được sùng bái như thần thành hoàng !
Tuần sau nhận thư anh bi-da từ Thụy Ðiển, bảo rất mong gặp nhau. Tôi trả lời còn hai tháng nữa thi xong sẽ qua thăm ngay, vì dù sao anh bị giam tới một năm, vội gì (lúc đó thầm cám ơn quan toà đã xử anh tới một năm, dù chần chờ, cũng còn dịp đi thăm được). Không quên nói rất tiếc lỗi anh phạm phải. Nó giản dị thôi : mỗi lần bực bội chuyện gì thì cầm trái banh ném lên trời, thường anh chạy ra sân nên ông trời chộp được ném trả lại lựa chỗ không người. Ðằng này anh còn trong phòng có khán giả mà ném, trần nhà liệng trả lại, trúng phải một bà. Thế là bị «giam lỏng» bên đó (dù lỏng cũng vẫn là bị giam) và treo giò một năm. Ðời anh không cầm gậy chọc chọc mấy trái banh trắng đỏ, không ngang dọc nay đây mai đó hơn thua giải này giải nọ thì coi như tàn. Tôi tương lai cũng tàn nếu lần này hỏng nữa.
«Ðộ này kiện cáo khách hàng thưa
Thấy trẻ tiêu như có vẻ thừa
Kiệm ước ra đời sao chẳng kiệm
Con Thầy thông cảm ý Thầy chưa ?»
Lá thư lần đó Thầy tôi gửi, không mấy hiệu nghiệm. Nhưng :
«Con tưởng Thầy hái ra tiền dễ lắm hả ? Cãi thắng thì phải nhắc khéo cho thân chủ trả tiền lè lẹ. Thua thì phải tìm cách dụ ngọt ngào sao cho thân chủ phải móc hầu bao mà đừng buồn. Ai đưa thiếu thì hết cãi ở toà xong lại về cãi ở nhà. Thầy khổ lắm con ơi !», thống thiết bi ai quá, tôi không thể làm ngơ.
Ba tuần sau nhận được thư anh bi-da :
Em thương,
Anh chán phải chơi trò ú tim lắm rồi. Cũng vì bực mình em mà hôm đó anh bị thua và bị phạt. Có một gia đình Thụy Ðiển rất qúi mến anh, anh sắp làm đám cưới với cô con gái nhà đó. Anh muốn yên thân để còn lo sự nghiệp lâu dài về sau hơn là cứ phải điên đầu vì em. Chúc em may mắn.
MIÊNG
Paris 22 Aout, 1995
Kommentar schreiben