Nhà Thơ Châu Thạch
Nhà Thơ Lê Văn Giao
ĐỌC “ƯỚC CHI” THƠ LÊ GIAO VĂN
Châu Thạch
ƯỚC CHI ! – Thơ Lê Giao Văn
gởi PHI - làng Đại Bường- Quảng Nam
Hồi em gái quê mười bảy
Nồng nàn hương bưởi , hương cau
Quả đất đêm huyền lệch trụ
Bốn lăm năm mộng...còn say !
Thời gian đi qua nhanh quá
Tóc xanh vội đã úa vàng
Lạc nhau giữa mùa tao loạn
Hương tình da thịt chưa tan!
Nhớ quá ! Theo trăng tìm kiếm
Từ rừng đến biển ước mơ
Giọt môi đa tình ngày nọ
Nuôi anh sống mãi tận giờ
Ươc chi - đất trời chết yểu
Chúng mình làm cuộc tái sinh
Hoa ngàn, bướm rừng âu yếm
Hẹn nhau mùa chín...giao tình !
Lê giao Văn -8.1.2018
Bình ngắn: Châu Thạch
Bài thơ tác giả tặng cho Phi - làng Đại Bường, Quảng Nam nên trước hết người viết xin giới thiệu qua về làng Đại Bường;
“Ngược dòng sông Thu Bồn, qua khỏi khu vực tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên sông dần hẹp lại.Hai bên bờ có nhiều ghềnh thác, vực sâu... núi cao vời vợi soi bóng xuống dòng sông xanh ngắt. Chen giữa những thung lũng có nhiều ngôi làng nhỏ hiền hoà...Làng Đại Bường nằm về phía hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam một vùng quê yên ả, thanh bình. Nơi đây hội đủ các yếu tố về địa lợi, nhân hoà. Làng hoa trái Đại Bường là một làng nghề truyền thống nổi tiếng cung cấp trái cây chủ yếu cho Hội An Quảng Nam và Đà Nẵng. Nơi đây, có nhiều loại trái cây khá phong phú và đa dạng. Đến với Đại Bường du khách không chỉ được thưởng thức nhiều loại hoa quả lạ mà làng còn hiện lên nét văn hóa của làng quê Việt Nam xưa. Làng hoa trái Đại Bường ai đến đây cũng phải sững sờ trước những loại cây ăn quả từ nơi khác đều có ở Đại Bường. Mặc tình ai muốn gọi gì cũng được, có điều chắc chắn chính sự đa dạng, phong phú, đầy đủ của cây trái đã làm cho làng Đại Bường như một cõi lạ giữa miền Trung. Ngoài ra làng Đại Bường còn có một đặc điểm là, dầu làng ở miền trung du nhưng qua hai cuộc chiến tranh, không hiểu có thế lực thần quyền che chở hay không, mà không có một quả bom, hòn đạn nào lọt vào làng. Cuộc sống người dân vẫn an bình trong thời khói lửa.”
Làng Đại Bường như thế, cho nên khi thấy bài thơ đề tặng cho một người con gái làng Đại Bường thì trong ta đã dậy lên một cảm tình riêng với cô gái trong thơ rồi. Không nói ra nhưng ai cũng cảm nhận tự nhiên cái hương thơm của hoa trái ở đây ướp vào trong thịt da cô và cái bình yên của một ngôi làng lý tưởng làm cho tâm hồn cô cũng thùy mị trắng trong. Từ sự yêu mến ngồi làng và người con gái ấy, ta yêu mến bài thơ, bởi vì bài thơ cũng như một cánh hoa bay, nhưng bay chao đảo trong không gian quá khứ của ngôi làng và trong nỗi ước mơ của một thi nhân tóc bạc bởi phong sương. Ta thấy gì ở khổ thơ đầu tiên|
Hồi em gái quê mười bảy
Nồng nàn hương bưởi , hương cau
Quả đất đêm huyền lệch trụ
Bốn lăm năm mộng...còn say !
Dễ hiểu quá và không có gì đặc biệt. Thế nhưng chỉ một chữ “lệch trụ” hay nói rõ hơn, câu thơ “Quả đất đêm huyền lêch trụ” nó làm cất cánh khổ thơ bay cao hơn những ý thơ cũng như thế của nhiều thi sĩ khác. Câu thơ không nói đến chiến tranh nhưng nó cho ta liên tưởng một biến động làm sai lệch ghê gớm của con người, của xã hội và của Thương Đế nữa. Sau sự sai lệch đó, thì nhân phải hứng chịu 45 năm nằm mộng và say. Cơn say triền miên dài dằng dặc của lê Giao Văn đã đánh động vào tâm hồn mỗi người đọc thơ cảm nhận giấc mộng của chính mình với người xưa nào đó và đồng cảm với thi nhân.
Rồi qua khổ thơ thứ hai:
Thời gian đi qua nhanh quá
Tóc xanh vội đã úa vàng
Lạc nhau giữa mùa tao loạn
Hương tình da thịt chưa tan!
Khổ thơ này cũng như mọi khổ thơ của biết bao thi sĩ khi nói về ký ức tình yêu, thấy thời gian qua mau, thấy tóc mình đã bạc, xót xa đã lạc nhau trong mùa tao loạn. Tuy vậy, đặc biệt nó có một câu thơ nâng cánh cho toàn khổ thơ như con chim đẹp bay lên cao: Câu thơ “Hương tình da thịt chưa tan!”. Đọc câu thơ ta không chỉ cảm nhận cái hương nầy là hương của một cô gái thanh tân như bao cô gái khác, mà ta còn cảm nhận thêm đây là thứ hương thơm của làng Đại Bường trong da thịt cô. Thứ hương diệu kỳ đó đã đi theo thi sĩ suốt nửa đời người không tan biến. Thứ hương đó đượm toàn mùi hoa quả ngọt ngào, bay qua thời gian bay qua không gian và không đọng lại trên khứu giác mà đọng lại trong tâm, trong trí, trong hồn tác giả bài thơ. Và thì, mỗi chúng ta, những người không có người yêu ở làng Đại Bường, khi đọc thơ, sẽ tưởng tượng được, sẽ thưởng thức được thứ hương hoa trong thịt da người con gái Đại Bường, khám phá dược thứ hương lạ của một vùng đất thắng cảnh xa xôi.
Thế rồi, thứ hương hoa vi diệu ấy đã làm Lê Giao Văn nhớ quá. Trong ước mơ đoàn tụ nhà thơ băng rừng vượt biển tìm nàng:
Nhớ quá ! Theo trăng tìm kiếm
Từ rừng đến biển ước mơ
Giọt môi đa tình ngày nọ
Nuôi anh sống mãi tận giờ
Một nhà thơ nào khác, khi đi tìm em thường diễn tả cuộc đi bằng một tâm trạng bi ai. Ngược lại Lê Giao Văn “theo trăng tìm kiếm” là mang cả một tâm hồn lãng tử. Nhà thơ đi theo đường trăng là nhà thơ đi trong lãng du, vừa tìm em vừa hưởng sự thi vị của tình yêu thôi thúc mình phiêu bạc. Đây là một tứ thơ lồng được niềm đau vào khung kính, biến cuộc đi thành lãng mạn, làm cho năm tháng du hành dưới trăng trở nên mộng mơ. Tứ thơ đó làm cho sự ly biệt, sự tìm kiếm mang đầy màu sắc cúa thơ. Màu sắc cúa thơ ấy còn hiển hiện trong một “giọt môi đa tình” đã “nuôi”. Cuộc tình sống mãi. Hai câu thơ “Giọt môi đa tình ngày nọ/ Nuôi anh sống mãi tận giờ”như một lời tạ ơn người tình ly biệt. Ý thơ đó giải thích được lý do cuộc đi theo trăng miệt mài năm tháng và khẳng định tình yêu bất diệt trong lòng tác giả.
Qua vế thơ thứ tư tác giả dùng một ước vọng không tưởng để làm thăng hoa một mối tình ly tan. Sự ước vọng không tưởng của thi sĩ có tác dụng không làm cho mối tình khổ đau mà ngược lại, nẩy sinh một tình yêu trường tồn vĩnh viễn, đẹp như hoa như bướm, đẹp như sự hẹn hò giao tình trong “mùa xuân chin”.
Ươc chi - đất trời chết yểu
Chúng mình làm cuộc tái sinh
Hoa ngàn, bướm rừng âu yếm
Hẹn nhau mùa chín...giao tình !
Bài thơ cho ta nhiều cảm hứng bất ngờ, nhà thơ đi tìm em từ tóc xanh cho đến tóc úa vàng, đi cùng với trăng và mang theo suốt cuộc hàng trình mùi hương hoa trái. Tất nhiên em đẹp. Tâm hồn thi sĩ của Lê Giao Văn tha thiết với vẽ đẹp nhân dáng phải có, nhưng tha thiết hơn bởi trong em mang vẽ đẹp của linh hồn quê hương. một miền trung du trù phú. Đọc thơ, nếu có một chút nhạy bén của tâm hồn nghệ sĩ, ta sẽ cảm nhận được bài thơ như một quả chín cây thơm và ngon tuyệt vời. Tôi viết về nó và có cảm tưởng hình như hương thơm hoa lá phản phất đâu đây. Trong hương thơm đó có một người đi dưới trăng và đi suốt cả cuộc đời để chỉ tìm em! ./.
Châu Thạch
Kommentar schreiben