Nhà Văn Điệp Mỹ Linh
SÔNG NƯỚC TRỞ VỀ
Sau một lúc nhìn đoàn ghe nằm san sát đang nhấp nhô nhè nhẹ trên triền sóng của “biển không”(1) và nghe tiếng giây cáp chạm vào cột buồm bằng kim loại tạo nên chuỗi âm thanh trong vắt, đều đặn, Thúy-Quýnh ngẫng mặt, mắt hơi khép lại, hít đầy phổi luồng không khí mát rượi của vịnh San Diego êm đềm.
Cuối chân cầu gỗ, tại bến tàu Siddler Cover thuộc San Diego Club, hai Navigators – danh từ Tân dùng cho chính chàng và cho cả Vinh, chồng của Thúy-Quỳnh – đang loay hoay hạ thủy chiếc ghe buồm.
Hai cánh buồm no gió, căng phồng. Với dáng người cao dong dỏng, mái tóc ngắn và nụ cười lúc nào cũng như sắp nở trên môi, Tân liếng thoắng, nhanh nhẹn trong mọi cử chỉ quen thuộc. Trái lại, với mái tóc muối tiêu, gương mặt hằn nhiều nét tàn phá của thời gian, Vinh chậm rãi, có vẻ trầm tư như chàng đang mang nặng khối suy tư trong hồn. Thấy Tân vừa cài chiếc phao đỏ vào cổ Thúy-Quýnh vừa dặn dò những điều cần thiết, Vinh muốn cho Tân biết rằng ngày xưa Thúy-Quỳnh đã từng tháp tùng nhiều đơn vị tác chiến cũng như trên chiến hạm của Hải-Quân V.N.C.H. mà chưa bao giờ Thúy-Quỳnh phải mang phao; nhưng nghĩ sao, Vinh lặng yên, nhìn bâng quơ lên nền trời trong xanh.
Con thuyền lướt nhẹ về phía San Diego Coronado Bridge, chiếc cầu cao lê nghêu, nối liền hai thành phố San Diego và Coronado. Nhìn những tia nắng cuối cùng của buổi chiều đang thoi thóp trên đỉnh những tòa nhà cao vút trong khi bóng hoàng hôn đang len lén trở về, Thúy-Quỳnh chợt cảm thấy lòng ray rức, bâng khuâng một cách lạ lùng.
Từ xa, ngược chiều với chiếc thuyền buồm nhỏ nhắn, một chiếc thuyền máy lướt nhanh, tạo nên những lượn sóng cuồn cuộn, làm tròng trành chiết thuyền nhỏ. Mặc dù rất ngạc nhiên khi thấy Thúy-Quỳnh không lộ vẻ sợ hãi hay cuống quít, Tân cũng nói lớn:
- Cô coi chừng ướt. Vịn vào giây buồm đi!
Thúy-Quỳnh làm theo lời Tân rồi nhìn chàng, cười. Tân muốn hỏi Thúy-Quỳnh xem nàng có lạnh hay không; nhưng chợt thấy nụ cười của Thúy-Quỳnh vụt tắt và dường như nàng lại rơi vào thế giới của riêng nàng, Tân im lặng.
Tuy mới gặp nhau chỉ mấy tiếng đồng hồ từ khi đón Vinh và Thúy-Quỳnh ở sân bay, Tân vẫn cảm thấy như chàng rất mến và thân thiết với cả hai, từ lâu. Mối tình cảm này đến từ những cuộc điện đàm viễn liên, bắt nguồn từ những lời thư khen tặng của Tân dành cho Thúy-Quỳnh, sau khi Tân đọc những tác phẩm của nàng. Nhờ những liên hệ đó, khi gặp nhau, cả ba người chuyện trò
“dòn tan” như những người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Nhưng lạ! Kể từ khi Tân đưa Vinh và Thúy-Quỳnh đến bến tàu cho đến bây giờ, cả Vinh và Thúy-Quỳnh đều trở nên trầm tư, ít nói, ánh mắt trở nên buồn và xa vắng lạ lùng!
Để tôn trọng những suy tư của Vinh và Thúy-Quỳnh, Tân cũng im lặng, tựa người vào mạn thuyển, tay vẫn để trên tay lái, mắt lơ đãng nhìn sang bời đối diện.
Trong tầm mắt của Tân, những chiến hạm màu xám đậm đang neo sát nhau, che khuất quân cảng San Diego Naval Station. Nhìn chiếc hàng không mẫu hạm USS Ranger CV-61 đang đại kỳ, Tân cố vẽ ra trong trí chàng hình ảnh chiếc hàng không mẫu hạm USS Independence CV-62 đang công tác dài hạn tại Nhật mà chàng sẽ phục vụ.
Là một thanh niên, Tân mang nỗi khao khát của kẻ thích tìm tòi, thích khai phá, thích phiêu du cho nên chàng chọn quân chủng Hải-Quân khi chàng học năm thứ tư tại University of Washington ở Seattle. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện, Tân được huấn luyện tại OCS – Officer Candidate School – tại Rhode Island.
Ra trường với cấp bậc Hải-Quân Thiếu Úy, Tân được đưa sang tu nghiệp bổ túc tại Surface Warfare Officers School Pacific, thuộc Amphibious Base, thành phố Coronado. Cuối tuần này là lễ mãn khóa tu nghiệp, chuẩn bị chờ ngày ra khơi.
Kể từ khi nhận được lệnh phục vụ trên hàng không mẫu hạm, Tân mang nỗi háo hức của một người muốn biết “mùi” biển, muốn trở thành Hải-Quân…thật! Đôi khi sự háo hức ấy bồng bột dâng cao như những ngọn sóng cong vòng và Tân như tay surfer chuyên nghiệp đang cúi rạp mình, chân lách nhẹ chiếc surfboard, lướt nhanh trong lòng sóng xanh biết và nghe bọt biển òa vỡ lao xao.
Một nhân vật trong truyện ngắn Hân và Thi của Điệp-Linh cho rằng “biển một bên, em một bên”. Nhưng riêng Tân, biển là tất cả. Biển cho chàng nhiều suy tư, nhiều mơ ước. Biển vỗ về chàng trong cơn say sóng ngầy ngật khi con thuyền nhỏ đưa chàng vượt biên. Biển cho chàng những giây phút chạnh lòng trên bước đường phiêu bạc. Biển thét gào, réo gọi những ray rức trở về mỗi khi chàng lặng nhìn bãi Coronado phơi mình trong nắng ấm. Biển cho chàng những giây phút lặng lẽ bên ngọn hải đăng để lòng chàng vọng về quê cũ, nơi người Mẹ hiền đang khắc khoải nhớ thương con. Biển làm sống lại trong lòng chàng hình ảnh lãng mạng đến tuyệt vời của mối tình không trọn bên những ngọn đồi đầy thông xanh và tuyết trắng.
Cũng vì Tân nặng tình với biển cho nên những tác phẩm của Thúy-Quỳnh tác động mạnh vào tâm thức của chàng.
Giờ đây, trên dòng nước ngược, trong khi Tân muốn biết Thúy-Quỳnh nghĩ gì mà trầm ngâm thì chính Thúy-Quỳnh lại đang dõi mắt theo những cánh buồm xanh trắng xa xa, lòng bồi hồi nhớ lại một chiều Hè lộng gió bên bến Cầu-Đá Nhatrang.
Thời điểm đó, Vinh là hạm phó một trục lôi hạm đang cặp bến Cầu-Đá và Thúy-Quỳnh là sinh viên năm thứ II trường Luật về Nhatrang nghỉ Hè. Anh của Thúy-Quỳnh là giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Nhị, đưa nhóm học sinh và Thúy-Quỳnh đi cắm trại bên Hòn Bảy Miếu. Vinh được Hạm Trưởng chỉ định tháp tùng chiếc “ca-nô” chở nhóm học sinh.
Suốt đoạn hải hành ngắn, từ Cầu-Đá đến Hòn Bảy Miếu, Vinh và Thúy-Quỳnh không hề để ý nhau. Nhưng tối đến, bên ánh lửa trại bập bùng, Vinh ngồi bệt trên cát, vừa đệm Tây Ban Cầm vừa hát ca khúc Bernadine của Pat Boone thì Thúy-Quỳnh cảm thấy tim nàng tê dại! Thấy Vinh gật đầu làm nhịp theo từng thì mạnh (temps fort) trong những tràng hợp âm trầm của điệu Swing, Thúy-Quỳnh chợt liên tưởng đến một cảnh rất đẹp của Ricky Nelson trong phim Rio Bravo.
Vì không có micro, tiếng hát của Vinh loãn đi; nhưng không sao, gió khơi đang đưa nhẹ giọng ca của Vinh vào tận ngõ ngách của những trái tim thiếu nữ đang rạo dực yêu đương.
Khi ban hợp ca của nhóm học sinh đồng ca nhạc khúc Nhạc Rừng Khuya của Lam-Phương, một nam sinh đệm Tây Ban Cầm và Vinh lật ngược Tây Ban Cầm của chàng, dùng tay đánh phía sau thùng đàn theo điệu Rhumba, giả tiếng trống. Thúy-Quỳnh vừa hát theo nho nhỏ vừa khơi cao ngọn lửa. Vinh hất đầu làm hiệu, có ý mời Thúy-Quỳnh đến với “ca đoàn”.
Bên bờ đảo vắng, những giọng ca tài tử hòa với tiếng Tây Ban Cầm dìu dặt cùng với tiếng “trống giả” dồn dập khiến Thúy-Quỳnh cảm thấy nao nao trong lòng. Từ đó, Vinh cứ kiếm cớ ngồi cạnh Thúy-Quỳnh và hỏi nàng những câu vu vơ. Và cũng từ đó, Thúy-Quỳnh thầm nhủ: “Mấy anh chàng Hải-Quân thật là lãng mạng và đa tình!”
Mới đó mà Vinh đã lìa biển Mẹ, đã xa sông nước Cữu-Long gần nửa thế kỷ! Trong khoảng thời gian ấy, Vinh tưởng chàng có thể chôn vùi quá khứ để chấp nhận cuộc sống thừa; nhưng hôm nay, vịnh San Diego im lìm nhưng trong lòng Vinh niềm đau đang trở giấc, dĩ vãng đang thét gào! Nhìn những chiến hạm bất động, sau khi nhận ra chiếc nào thuộc loại tuần dương, chiếc nào thuộc loại hộ tống, chiếc nào thuộc loại hải vận hạm, v.v…Vinh thở dài! Hồn Vinh ngất lịm vì nhớ thương chập chùng!
Như không chịu nỗi sự “hành hạ” từ ngoại cảnh, Vinh đề nghị Tân quay buồm trở về.
Tối đến, từ cửa sổ lầu năm của khu sĩ quan độc thân, B.O.Q. (Bachelor Officers Quarters) nhìn ra bờ biển Coronado, Vinh có cảm tưởng như chàng đang ở Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Nha-Trang. Cũng vòng biển cong cong; cũng ngọn đồi nhỏ xa xa và ánh hải đăng cuối vòng cung cát trắng; cũng những dãy nhà ngăn nắp; cũng lính gác cổng; cũng thấp thoáng mấy chàng Hải-Quân lang thang từ câu lạc bộ; chỉ khác một điều là không có một chiếc quân xa nào trong doanh trại Amphibious này.
Trong khi Vinh muốn được yên lặng một mình để chiêm nghiệm câu: “Quand ce n’est pas de ce qui est, je rêve de ce qui a été , de ce qui n’est plus” của Jack London (2) thì Tân và Thúy-Quỳnh đếm từng bước chân trần trên bờ cát mịn.
Đi được một khoảng ngắn, Thúy-Quỳnh nhìn những vì sao lấp lánh trên nền trời đêm, nói như mơ:
- Ngày xưa, khi chú là Hạm-Trưởng, trong vài lần cô xuống chiến hạm thăm, chú thường hay nhìn trời và giải thích cho cô về các chòm sao như Tiểu Hùng Tinh, Đại Hùng Tinh, v.v…Bây giờ…già, cô quên rồi.
Tân tròn mắt nhìn Thúy-Quỳnh:
- Cô mà già! Đọc văn của cô Tân thấy tâm hồn của cô rất trẻ trung và cô nghệ sĩ lắm.
- Càng nghệ sĩ càng khổ, Tân ơi!
- Tại sao vậy, cô?
- Theo cô, nghệ sĩ thường có tâm hồn ướt át, bén nhạy, tình cảm lênh láng và sống hơi xa thực tế.
- Tân thấy những điều đó hơi đúng đối với cô.
Bị Tân nói đúng “tim đen”, Thúy-Quỳnh cười:
- Mới gặp sao Tân biết hết vậy?
- Trời! Đọc sách của cô, nói điện thoại với cô thì hiểu cô chứ.
Thúy-Quỳnh dừng bước, nhìn ra khơi, chuyển đề tài:
- Bãi biển này đẹp quá, làm cô nhớ nhà dễ sợ.
- Tân cũng vậy. Mỗi chiều đi qua bãi biển này Tân buồn vì nhớ mấy lần vượt biên.
Thúy-Quỳnh nhìn Tân, phân vân, chưa biết có nên hỏi Tân chi tiết về những lần vượt biên ấy hay không thì Tân tiếp:
- Nhiều khi nhìn biển Tân nhớ Mẹ ghê lắm. Khi hay tin Tân đi lính, Mẹ buồn…
- Làm Mẹ ai cũng vậy cả, Tân à!
- Tân hiểu chứ. Nhưng đôi khi Tân vẫn tự hỏi tại sao mình lại đi lính cho Mỹ?
- Tân đừng nên mặc cảm. Tân nên hiểu rằng người Việt mình có câu: “Ăn cây nào, rào cây nấy.” Đất nước này cưu mang mình, mình phải có bổn phận góp sức bảo vệ đất nước này, đúng không?
- Dạ, Tân hiểu.
- Những người như Tân sẽ xóa bớt ấn tượng bẩn thỉu do nhóm bác sĩ Việt-Nam gian lận Medicare tạo nên. Những người như Tân mới làm mờ đi hình ảnh những người Việt-Nam làm nghề tự do, rồi trốn thuế để hưởng phúc lộc của chính phủ Mỹ như xin foodstamps, housing, Medicaid, v.v…
- Cảm ơn cô đã cho Tân những ý niệm đó.
Tân dừng lại một chốc rồi lắc đầu, tiếp;
- Tân thích Hải-Quân từ ngày Tân còn bé kia. Tiếc một điều là khi Tân lớn thì Hải-Quân mình không còn nữa, cho nên Tân không được là một trong những họ.
Thúy-Quỳnh cười. Tân ngạc nhiên:
- Tại sao cô lại cười?
- Tân muốn nói đúng tiếng Việt không?
- Dạ, muốn chứ.
- Thật ra Tân nói và viết tiếng Việt rất khá; chỉ thỉnh thoảng gặp trở ngại thôi.
- Chẳng hạn?
- Chữ “họ” ở câu cuối cùng rặc Mỹ đó. Tân dịch sát nghĩa mấy chữ “one of them”, phải không?
Tân cười vang:
- Vậy thì phải nói như thế nào, cô?
Sau khi giải thích cho Tân hiểu cách nói của ba miền, Thúy-Quỳnh thân mật nhìn Tân:
- Tân là độc giả số một của cô đó.
- Trời! “Ngon” vậy? Tại sao, cô?
- Trong kiếp sống lưu vong, mỗi ngày những người Việt vào lứa tuổi ham thích đọc sách Việt sẽ chết đi; trong khi đó, có bao nhiêu người thuộc thế hệ của Tân còn tìm tòi đọc sách Việt?
- Tân biết cô nói gì rồi. Ai Tân không biết chứ riêng Tân, nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, đọc sách Việt, nghe nhạc Việt…
Thúy-Quýnh nghịch, chen vào:
- Lấy vợ người Việt nữa chứ.
Tân vỗ hai tay vào nhau, nhảy cao lên, reo vui:
- Dĩ nhiên! Không hiểu cô nghĩ sao chứ Tân thấy sống ở đời mà không có lý tưởng, không có mục đích, chỉ biết học, lấy mảnh bằng rồi cưới vợ, sinh con thì chán chết, phải không, cô?
- Đúng.
- A, theo cô, mình yêu tiếng Việt, yêu nước Việt đâu có nghĩa là mình phải chấp nhận tất cả những cái tốt và cái xấu của phong tục và tập quán của người Việt, phải không, cô?
Thúy-Quỳnh hơi ngẩng ra một giây, không ngờ “anh chàng” này hỏi tới tấp như vậy:
- Tân phỏng vấn cô đó hả?
- Dạ, đâu có. Tân chỉ muốn cô giải thích cho Tân hiểu; vì từ ngày đến Mỹ, cô là người lớn tuổi đầu tiên mà Tân quen.
- Người Mỹ thường nhắc những “good old days” nhưng họ chấp nhận sự thay đổi theo đà tiến hóa của con người, của khoa học và kỹ thuật. Người mình bảo thủ hơn, cái gì xưa cũng cho là đúng, là hay rồi hô hào bảo vệ tất cả phong tục cổ truyền. Ai chọn sự đổi thay thì bị cho là lai căng, vọng ngoại. Theo cô, có những phong tục mình không nên duy trì nữa.
- Tỷ dụ?
- Tỷ dụ như tinh thần “trọng nam khinh nữ”, như “được hào con hơn hào của”. Vì quan niệm như vậy cho nên người xưa thường cầu khẩn để được sinh con trai “nối dòng”. Và người xưa cứ đẻ, để hoài, nuôi không nổi rồi trút tất cả gánh nặng cho người trưởng nam. Tại sao không tạo cho đàn con tinh thần tự lập mà chỉ đặt trách nhiệm và bổn phận lên vai người trai trưởng để cả đàn con nuôi tinh thần ỷ lại?
- Đúng! Tân đồng ý với cô. Tân nghĩ cô nên đưa tư tưởng này vào tác phẩm của cô.
- Có rồi, trong truyện dài Cuồng Lưu.
- All right!
Cứ sau phút vui đùa Tân lại trở nên nghiêm nghị:
- Cô thấy, người mình, dù xưa hay nay, cũng nặng tinh thần ỷ lại. Miền Nam mất cũng vì mình ỷ lại là tụi Mỹ không thể nào bỏ miền Nam Việt-Nam; vì miền Nam là tiền đồn chống Cộng ở Đông Nam Á! Không biết bây giờ những người đó đã sáng mắt chưa?
- Tân cẩn thận. Đụng chạm lắm đó.
- Tân là lính, nghĩ sao nói vậy.
Dõi mắt nhìn ngọn hải đăng, Tân nhíu mày rồi tiếp:
- Cô giải thích cho Tân câu này được không, cô?
- Câu gì?
- “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.
- Cô không học Hán văn cho nên cô chỉ hiểu đại ý là: Người đàn bà, khi ở nhà, vâng lời Cha; lấy chồng, phục tòng chồng; chồng chết ở với con. Câu cuối cùng còn hàm ý là người đà bà không nên lập gia đình một lần nữa.
- Tân cũng hiểu đại khái như vậy; nhưng theo cô thì sao?
- Cô đồng ý câu đầu, hai câu sau phải xét lại.
- Đúng! Sao cô nói chuyện hợp với Tân ghê.
- Cô nghĩ, lấy phải người chồng hay người vợ thiếu đạo đức, kém giáo dục hoặc tâm hồn hẹp hòi cũng giống như mình mắc bệnh ung thư vậy. Hoặc là mình chấp nhận giải phẫu để sống thêm một thời gian, hoặc là để yên như vậy cho cái chết đến nhanh. Đằng nào thì cũng đau đớn cả!
- Nếu là cô, cô chọn thái độ nào?
- Nếu là cô, cô chọn thái độ dứt khoát để cả hai khỏi phải chịu đựng nhau và con cái khỏi phải sufferd, nhưng…
- Nhưng… sao, thưa cô?
- Ở đời có những việc mình muốn lắm mà không thể hoặc chưa thể thực hiện được.
- Tân tưởng muốn là được. Lúc nào Tân cũng nghĩ như vậy cả.
- Tân còn trẻ, hiếu thắng, năng động cho nên Tân nghĩ như vậy. Nhưng theo tuổi đời, Tân sẽ nhận biết rằng không phải bất cứ điều gì mình muốn mình cũng có thể thực hiện được cả.
- Cô có lý. Còn chồng chết ở với con, đừng lập gia đình nữa, cô nghĩ sao?
- Cô nghĩ, lập gia đình một lần nữa hay không là do quyết định của chính người phụ nữ đó. Tình thương của con tuy quý và cần thiết, nhưng hoàn toàn khác hẳn với companionship giữa một người đàn ông và một người đàn bà.
- Nếu Tân là con gái, quan niệm sống của cô sẽ giúp ích cho Tân rất nhiều.
- Như vậy có nghĩa là Tân không đồng ý với cô vì Tân là con trai, phải không?
- Chắc vậy đó, cô.
- Tân đặt sệt…Việt-Nam!
- Cô thấy có sự cảm thông giữa người Việt còn ở lại Việt-Nam và người Việt di tản không, thưa cô?
Tân chuyển đề tài bất ngờ khiến Thúy-Quỳnh hơi lúng túng. Chỉ một thoáng thôi, Thúy-Quỳnh đáp:
- Không!
- Đúng! Nhưng lỗi của bên nào, cô?
- Lỗi của cả hai bên; nhưng phần nặng hơn là do người Việt di tản.
- Có phải vì sự khoe khoang lố bịch, sự láo lếu không biết ngượng và bị mặc cảm dày vò cho nên người di tản đã tạo sự ngộ nhận to lớn trong lòng bà con bên nhà hay không, cô?
- Đúng.
- Mình có thể thay đổi được gì?
- Chịu! Khoe khoang và ỷ lại là hai căn bệnh không thể chữa được của người mình. Điều khôi hài là có nhiều người sang Mỹ sau 75, đã là nạn nhân của sự ngộ nhận đó; nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, họ lại cố tình tạo ra những ý tưởng nhầm lẫn cho bà con còn lại ở bên nhà.
- Còn về thế hệ di tản thứ hai, cô có nghĩ rằng người trẻ mất gốc lắm không?
- Tân muốn nói đến lớp trẻ có văn hóa hay lớp trẻ bụi đời hay lớp trẻ lai thiếu may mắn?
- Lớp trẻ như những người trong gia đình cô và Tân.
- Lớp người đó là sự chắt lọc tinh khiết từ tập thể người Việt tỵ nạn. Theo cô, họ có nhiều cái hay lắm. Lúc đầu, tuy hơi lấn cấn trước sự va chạm giữa hai nền văn hóa, nhưng họ thích nghi trong một giai đoạn kỷ lục. Họ hấp thụ những cái hay trong môi trường họ đang sống. Họ mạnh dạn nói lên những gì họ nghĩ và họ thẳng thắn không chấp nhận những gì không thực tế, không hợp thời của nên giáo dục nệ cổ.
- Cảm ơn cô đã nghĩ như vậy. Nhiều người, mỗi khi nói chuyện với người trẻ thường hay chê bai, chỉ trích dạy đời không hà!
- Cô nghĩ, giới trẻ, mình phải gần họ, phải hiểu họ thì khoảng cách giữa hai thế hệ mới không bị xoi mòn thêm.
Tân im lặng, gật gù như “ông cụ non”. Chỉ một chốc thôi, Tân đề nghị:
- Bây giờ mình trở về phá chú chơi.
- Phá bằng cách nào?
- Mình đàn, hát, không cho chú ngủ. Vậy là phá rồi.
- Tân chơi nhạc cụ gì?
- Dạ, Tây Ban Cầm. Còn cô?
- Làm thế nào Tân biết cô chơi nhạc?
- Trời ơi! Một nhà văn không biết nhạc không thể đưa những chi tiết về âm nhạc vào tác phẩm như cô đâu.
Thúy-Quỳnh cười. Tân tiếp:
- Cô không thích nhạc Rock chứ?
- Rock nhè nhẹ như Rock and Roll Come True thì cô thích; còn Rock như Big City Night hoặc Rock Like Hurricane hoặc Thriller, Beat It thì cô chịu thua.
Hai người ra đến đường nhựa, nhìn hai đầu đường để tránh xe. Tân vượt nhanh qua bên kia đường. Quay lui, thấy Thúy-Quỳnh còn đứng lại, Tân đưa tay vẫy vẫy:
- Come on, cô.
Thúy-Quỳnh thong thả bước sang, nét mặt tự nhiên trầm hẳn xuống. Tân tò mò:
- Sao tư nhiên trông cô buồn vậy? Đi bộ nhiều, cô mệt, phải không?
- Không. Tại vì cử chỉ của Tân làm cô nhớ cậu con út của cô. Cậu ta đang theo học tại viện âm nhạc Musicians Institute ở Hollywood. Anh chàng cao lớn, nhưng ngây thơ lắm. Mỗi khi băng qua đường với cô, anh chàng cũng ngoắc tay giống Tân vậy. Khi cô sang đến nơi, anh chàng bẹo má cô và nói tiếng Việt “ba rọi”: “My mommy is so… dễ thương!”
Tân quay nhìn ra xa, giọng buồn buồn:
- Oh! I miss my mommy!
Thúy-Quỳnh muốn an ủi Tân, nhưng nghĩ hoài không tìm được lời nào thích hợp, đành im lặng đi bên Tân.
Về đến phòng, sau khi chơi với Vinh vài ván cờ tướng, Tân chụp Guitar và đề nghị:
- Hát đi, cô.
- Ai đàn mà hát?
- Dạ, Tân. Tân vừa đàn vừa chơi cờ được mà.
Thúy-Quỳnh thầm nghĩ: Lại một anh chàng Hải-Quân lãng mạn và đa tình nữa đây!
Tân vừa đệm đàn vừa ư hử theo dòng nhạc, mắt vừa chăm chú nhìn vào bàn cờ theo dõi “nước” cờ của Vinh.
Riêng Vinh, cả một thời tuổi trẻ, cả một vùng kỷ niệm, cả một trời thương nhớ đang bị ngoại cảnh và nhân dáng của Tân khuấy động trong lòng cho nên Vinh chẳng suy nghĩ được gì cả! Thua Tân liên tiếp hai bàn, Vinh chán nản đứng lên:
- Thôi, cô cháu đàn ca, hát hò gì thì hát hò; chú vào phòng, nghỉ.
Sau khi Vinh đóng cửa phòng, Tân vừa đẩy tập nhạc vừa nói:
- Tập nhạc đây, cô.
Vừa lật từng trang để tìm những nhạc khúc nàng thích, Thúy-Quỳnh vừa hỏi:
-Dường như giây đàn lên không đúng diapason (âm thanh biểu), phải không, Tân?
Tân tròn mắt ngạc nhiên:
- Làm thế nào cô nhận biết được?
- Tai của cô đã quen với âm nhạc từ ngày cô còn bé lận, Tân à!
Thấy Thúy-Quỳnh lật đến nhạc khúc Rồi Mai Tôi Đưa Em của Trường Sa, Tân nhắc:
- Dường như cô có đề cập đến nhạc phẩm này trong một truyện ngắn, phải không, cô?
- Không nhớ. Tân biết nhạc phẩm này Trường Sa sáng tác vào thời điểm nào hay không?
- Dạ, thời gian đó Tân còn bé xíu, làm sao biết được.
- Trường Sa sáng tác ca khúc này khi anh ấy chỉ huy một đơn vị Tuần Thám tại Mộc Hóa.
- Tại sao cô biết?
- Biết chứ. Lúc đó chú là chỉ huy trưởng Liên Đoàn 5 Tuần Thám và Trường Sa chỉ huy một trong mấy Giang Đoàn đó.
Tân đột ngột ngưng đàn, reo lên:
- Trường Sa là Hải-Quân mình hả, cô? All right! Hải-Quân mình số dách!
Tân và Thúy-Quỳnh hát nghêu ngao được vài bài, đến ca khúc Nhớ Nha-Trang của Minh-Kỳ, tiếng đàn của Tân trở nên dìu dặt, thiết tha như lời sóng thì thầm với cát ngoài bãi Coronado. Đến đoạn giữa, Thúy-Quỳnh vào lỗi nhịp, Tân vội “rải” một tràng hợp âm rời (accord plaque) kịp thời “lấp” nhịp sai. Thúy-Quỳnh nhìn Tân, vừa hát vừa cười như nhận lỗi. Đến hai chữ cuối cùng trong câu “…để cô gái xuân ngây nhìn thương mến…đầy vơi!” Thúy-Quỳnh hơi chậm lại và nàng không hát đúng theo âm chủ (tonique) mà lại hát note ngũ trình (quinte) của nhạc khúc được viết âm giai Ré Trưởng.
Dứt bản nhạc, Tân đột ngột than:
- Buồn quá!
Cũng cảm thấy buồn khi nghĩ đến cảnh cô đơn của Tân giữa những người khác chủng tộc trên Hàng Không Mẫu Hạm và sự nguy khốn mà Hàng Không Mẫu Hạm đó sẽ phải trực diện, nhưng Thúy-Quỳnh phải an ủi Tân:
- Ba năm sẽ qua nhanh lắm. Vả lại, mỗi năm Tân được đi phép, trở về Mỹ mà.
- Năm đầu tiên có thể không được đi phép. Mỹ nó huấn luyện sĩ quan nghiêm khắc lắm, cô ơi! Lúc nào sĩ quan cũng phải đặt quyền lợi của thuộc cấp lên trên quyền lợi của mình.
- Cô biết.
Như không muốn khơi dậy nỗi buồn đang chỉu nặng trong hồn, Tân chuyển đề tài:
- Cô có làm thơ không, cô?
- Không. Tân thích thơ lắm, phải không?
Tân phát ra âm thanh giữa hai chữ “a” và “ê” rồi đưa tay mặt lắc lắc. Thúy-Quỳnh cười:
- Tân thích thơ tiếng Việt hay thơ tiếng Anh?
- Tân thì cô biết rồi; cái gì cũng chỉ Việt-Nam thôi.
- Thơ tiếng Anh cũng có cái hay của nó.
- Thỉnh thoảng Tân có đọc vài bài, nhưng sự cảm nhận trong Tân rất ít.
- Cô sẽ đọc một bài thơ tiếng Anh xem Tân nghĩ sao, nha.
Tân chưa kịp đáp, Thúy-Quỳnh đã cười dòn, đùa:
-Thơ tiếng Anh mà cô đọc lên thì tội nghiệp cái tai của Tân quá! Thôi, đưa giấy bút, cô viết cho.
Bên chiếc bàn nhỏ, Tân chăm chú theo từng nét chữ của Thúy-Quỳnh:
AN EMPTY REFLECTION
As I stared into the mirror each morning,
I saw a reflection of a girl you once loved.
And asked her: Why do you love him so much?
Searching for an answer, tears rolled down her face.
She looked at me but no words were spoken.
Only then did I realize she was lost as I was!
Wiping her tears, I said love should not hurt so.
She gently smiled, but there was sadness in her eyes.
Though our eyes met, her thoughts were far away.
I reached out for her and found nothing but emptiness!
Suddenly I felt cold anh lonely!
Day after day, she has yet to answer my question.
And I have yet to know what it is like to be loved!
Tân ngạc nhiên:
- Của ai vậy, cô? Người Mỹ hay Việt?
- Của Hồ Nguyễn Xuân Hương, một người thuộc thế hệ của Tân. Cô nàng này nhận được hai giải Golden Poet Trophies…
Thúy-Quỳnh vừa nói ngang đó, vội ngưng, vì Vinh vừa hé cửa, bảo:
- Thôi, khuya rồi, đi ngủ cho Tân ngủ; mai còn dậy sớm dự lễ.
* *
*
Từ cao ốc sĩ quan độc thân đi sang phòng hành lễ Jones Hall với Tân và Vinh, Thúy-Quỳnh cảm thấy buồn buồn; vì hình ảnh của Tân trong quân phục đại lễ gợi lại trong hồn nàng nhân dáng của Vinh vào những dịp lễ theo truyền thống Hải-Quân. Nhưng khi thấy khuôn mặt rạng rỡ của Tân điểm nụ cười vô tư, không thể nào Thúy-Quỳnh không liên tưởng đến khuôn mặt tươi thắm, xinh đẹp của các con trong những buổi lễ ra trường tại Rice University, University of Houston và Musicians Intitute tại Hollywood, California.
Ba người đi chầm chậm trên lối đi bằng xi-măng, vòng theo thảm cỏ non. Từ nhiều nẽo trong doanh trại, những khóa sinh trong quân phục đại lễ, các sĩ quan huấn luyện trong quân phục tiểu lễ, đang tiến đến địa điểm hành lễ. Vừa đi Tân vừa kể tiểu sử của Hải-Quân Thiếu Úy Herbert C. Jones mà Hải-Quân Hoa-Kỳ đã dùng tên của Ông đặt cho Trung Tâm cử hành những buổi lễ mãn khóa tu nghiệp.
Năm 1941, Hải-Quân Thiếu Úy Herbert C. Jones phục vụ trên chiến hạm USS Caliafornia BB-44, thuộc Pacific Fleet của Hoa-Kỳ. Ngày 7 tháng 12 năm 1941 phi cơ Nhật bất ngờ tấn công hải cảng Pearl Harbor. Chiến hạm USS California bị phi cơ Nhật oanh kích nặng nề. Mặc dù bị thương nặng, Thiếu Úy Jones vẫn bình tĩnh, can đảm và liều lĩnh tản thương tất cả nạn nhân trên chiến hạm. Cuối cùng, Thiếu Úy Jones đã anh dũng ở lại chiến hạm và chết theo tàu!
Vào đến Jones Hall, thấy ảnh của Hải-Quân Thiếu Úy Herbert C. Jones trong quân phục đại lễ, cầm kiếm, được phóng lớn trên nền cờ Mỹ, treo trên tường, Thúy-Quỳnh chợt nghĩ đến cố Hải-Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn, người đã tuẩn tiết trên sông Vàm Cỏ Tây vào khuya 1 tháng 5 năm 1975 khi miền Nam Việt-Nam thất thủ!
Nhìn quanh tòa nhà, Thúy-Quỳnh nhận thấy lối kiến trúc của Jones Hall thật cầu kỳ. Chung quanh cao ốc là phòng học, phòng thí nghiệm, phòng huấn luyện, phòng thực tập (Simulator), v.v…Ở giữa là khoảng trống lộ thiên, rất lớn, hình chữ V. Buổi lễ ra trường của khóa sinh thuộc Surface Warfare Officers School Pacific được tổ chức tại đây.
Khi tất cả khóa sinh theo nhau, tuần tự, bước vào những hàng ghế ngay trước khan đài, Thúy-Quỳnh cảm thấy rưng rức trong hồn. Nếu tất cả khóa sinh cùng quỳ xuống, đưa cao tay thề trung thành với Tổ Quốc và trên không vài chiếc máy bay thả khói màu thì quang cảnh này có khác chi những buổi lễ mãn khóa tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải-Quân Nha Trang dạo nào!
Lúc tất cả khóa sinh sắp hàng để được gọi tên lên nhận văn bằng từ Đô Đốc Conrad C. Lautenbacher Jr., Thúy-Quỳnh thấy Tân như lạc lõng bên những khóa sinh người Mỹ, hồn nàng chĩu nặng xót xa.
Trước khi vào dùng tiệc trà ở phòng bên cạnh, Vinh đến bắt tay, chúc mừng Tân với nụ cười vui nhưng ánh mắt lại chan chứa u hoài!
- Chú chúc mừng Tân.
- Cảm ơn chú. Chú thấy buổi lễ như thế nào?
- Đơn sơ nhưng đẹp và ý nghĩa vô cùng. Lời hiếu thị của ông Đô Đốc rất hàm xúc và cảm động.
Vừa cùng Tân tiến về Thúy-Quỳnh Vinh vừa nói:
- Cô có chụp cho Tân nhiều ảnh lắm.
- Dạ, Tân có thấy.
Vừa bắt tay Tân, Thúy-Quỳnh vừa nói những lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho một chuyến ra khơi. Tân cười.
- Vui không, cô?
- Vui lắm. Cô cảm ơn Người Đem Sông Nước Trở Về”./.
ĐIỆP MỸ LINH
(1) Danh từ của Hải Quân, có nghĩa là biển rất êm.
(2) Tạm dịch: “Khi thực tại không phải thế, tôi mơ cái đã thế, cái không còn nữa!”
Kommentar schreiben