Nhà Văn Võ Công Liêm
LỠ XE ÔM
Trời tháng năm ngọn gió quái tạt về thành phố, phố ở giờ ngọ bắt đầu buồn ngủ, mấy hàng cây dọc dòng sông uốn mình bất đắc dĩ, không vui như mọi khi, những cành nhánh rũ xuống buông lơi. Mấy phu xe bên đường vắng khách, đánh trần hứng gió chướng, ngẩng cổ, ngáp dài như khát nước. Sáng sớm lót dạ dĩa xôi mụ Đợi ở chợ Mới mà nay đã hơi lưng. Lỡ xoa bụng, nằm thu người trên ghế xe máy, chân trên, chân dưới, lấy mũ vải màu cứt ngựa đắp lên mặt ru ngủ. Chừng nửa tiếng Lỡ dậy, nhổ phạch miếng nước bọt, con ruồi đen còn đeo ở vành miệng, Lỡ đưa tay khoát ruồi bay xa. Lỡ lắt đầu vói miệng -Ê! mấy giờ rồi Tư. Chẳng nghe vọng lại. -Coi như dơ mõ chồn, cả ngày không một mống. Lỡ nhủ thầm. Ngồi trên ghế xe, ngơ ngáo nhìn trời. -Đi không? Khách hỏi. -Dạ đi chơ. Lỡ nói. Chạy cuốc này xong là trực chỉ về nhà xem chừng mụ vợ đã uống thuốc chưa. -Anh tên chi? -Dạ…dz..z. ạ Lỡ. Lỡ nói. -Bữa ni chạy mấy cuốc? Khách nói. -Dạ mô có. Chỉ có O thôi đó.Lỡ nói. Chiếc xe máy hiệu Honda đời 1999 còn tốt nước sơn. -Chưa hết nợ, tháng tới là làm chủ xe. Lỡ nói. Không lâu thì tới điểm của khách. -Anh lấy nhiêu? Khách nói. -Mấy cũng được, tùy O. Lỡ nói. Khách đi một đoạn xa mà Lỡ còn trông theo. E rằng khách có chút sắc? Lỡ lên xe phóng nhanh.
Dựng xe Lỡ chẳng hỏi thăm vợ, đi thẳng xuống bếp vò gạo, đưa mắt xuống rạch; mấy cọng rau muống đong đưa với sóng nước. Hắn lội xuống nước thò tay mò, chẳng hiểu mò gì. Gương mặt Lỡ không bao giờ thấy vui. Lỡ có nhiều vấn đề trong người. Vợ nằm liệt giường, thuốc giả nhiều hơn thuốc thiệt, khó cứu chửa. Đứa con gái độc nhất theo trai lâu lâu về thăm nhà, với thùng mì gói trên tay. Vợ chồng Lỡ hết mong đợi. Nỗi khổ khác; cái tên Lỡ cũng chẳng phải mẹ cha đặt để đáp ứng với đời. Hắn tự đặt tên mình cho phù hợp thế gian. Từ đó cho tới nay, đời chỉ biết Lỡ là Lỡ xe ôm. Tên cúng cơm Dụ chôn sâu dưới lòng đất từ ngày xuôi Nam. Chỉ có Nguyệt biết tục danh đó. Bản mặt không vui có nhiều lẽ; tưởng vô Nam làm ăn nên, vô hang cọp mới thấy cọp. Lỡ chán cuộc đời với bao nổi trần ai, gian khổ. Cuối cùng; chọn nghề chạy xe ôm hợp khả năng hơn những nghề khác.
-Anh Dụ cho tôi miếng nước. Nguyệt nói. Vợ chồng sống với nhau hơn ba mượi năm cứ Dụ với Nguyệt như tình nhân. -Tôi đã nói bà đừng gọi cái tên ấy nữa. Tôi đổi nghệ danh cho thích nghi hoàn cảnh, không ai gọi tôi là Dụ cả. Lỡ hằn học vợ. Lỡ bưng chém cơm, kẹp miếng rau mà lòng không mấy vui. Từ khi bỏ làng Rột xuôi Nam kiếm ăn, một mình một ngựa, tứ cố vô thân, bước đầu may nhờ bạn ‘đồng môn’ thương cảnh nghèo đứng ra giúp đở. Bán miếng đất hương hỏa ngoài Huế ông cha để lại, phần chạy giấy tờ ‘đầu tiên’, phần chia cho mấy thằng em. Sau cùng vợ chồng mua một khoảnh trong hẻm chợ Âm Hồn làm nơi trú ngụ, sanh nhai. Hồi chưa bệnh vợ Lỡ bán hột vịt lộn. Lỡ làm đủ nghề vẫn không đủ sống; nuôi con Tranh từ Trung vô Nam, nay nó đã ngoài hai lăm theo trai đi suốt ngày đêm, vợ chồng Lỡ chẳng hiểu thị hành nghề gì. -Khốn nạn! Lỡ tự chưởi mình. Sống giữa cái thời bon chen, loạn xà ngầu; đùng Nguyệt đổ bệnh nan y. Con Tranh có bầu (lấy chồng đâu có cho vợ chồng Lỡ miếng trầu, miếng rượu) đem về cho Lỡ cục nợ. Được cái Lỡ chịu đựng giỏi và kiên tâm nuôi mộng lớn từ nhỏ cho tới già, nhưng; sao trời không chiếu sáng. Giờ đây Lỡ ngoài sáu mươi, buồn cảnh nhà, cảnh đời, không bao lâu thì Nguyệt ra đi. Lỡ trở nên độc thân vui tính.
Nay lại gặp khách cũ cách đây hơn cả năm. -Anh còn nhớ tôi không? Tôi Xoa đây.Trả cuốc xe trăm ngàn để thuốc men cho vợ anh. Anh từ chối nhiều, ít nhớ không? Xoa nói. Lần này Xoa mới hay vợ Lỡ qua đời. Cảm kích; họ kết thân cái tình bất ngờ đó. Chồng Xoa chết tai nạn xe, để lại thằng con trai lên mười. Xoa chạy ‘mánh’. Tưởng đổi mới hoá ra còn cũ hơn xưa. Lỡ ôm cái búa, ứa nước mắt.
ĂN TRÊN SÔNG
Người Á đông thường sanh hoạt trên sông, ở Việt Nam nhất là vùng đồng bằng sông Cửu và vùng mũi; nói chữ là thương-hồ, buôn bán trên sông, hồ, chữ bình dân gọi là chợ nổi; ghe thuyền tấp nập ngược xuôi, chè cháo trên sông, trên rạch như trên đất, nhà ở dựng trên nước lợp tôn, lợp ngói, cũng cây cảnh, cũng gà vịt, mèo chó như cảnh quê làng xóm; chẳng thấy chi lạ mà có cảm giác vui mắt, suôn tai qua điệu hò, câu hát hay vọng cổ sáu câu làm cho tâm hồn lạc quan yêu đời. Nhưng ở miền Trung lối sống trên sông khác hẳn, nhất là ở cố đô Huế. Xưa đò ngang đò dọc từ các ngọn nguồn xa chuyên chở, xuôi về kinh đô đông đúc, chen lấn, ồn ào làm cho sông thêm phần uế tạp; lắm khi không ngửi được mùi hương mà rặc mùi mắm ruốt, không còn thấy chi là làn sóng lăn tăn. Cứ thế mà lênh đênh trên sóng nước, vô tư cắm sào cạnh miệng chợ Đông Ba. Sầm uất, huyên náo đủ các thị dân khắp nơi. Nhà nước cũ không nỡ lòng đuổi việc làm ăn của họ, phớt lờ như giả điếc. Tới năm 75 người ngoài Bắc vào Nam cải cách đời sống văn minh hiện đại; xô mấy vạn đò, vạn chài, vạn bán buôn trên sông và đò đưa khách ở sông đào Gia hội xa chốn phố chợ và làm sạch thành phố để ‘đô thị hóa’. Dân ngu chả hiểu chữ nghĩa cứ ù lì; tức mình mấy ông chơi trò cho đi học tập ‘mút mùa’ khi đó mới giựt mình. May thay; qua thời kỳ nhà nước đổi mới thị trường, mấy vạn lén lút ‘nằm vùng’ chở khách làm ăn. Sông Hương trở nên ồn ào như xưa. Lâu dần dân Bắc hóa ra dân Nam (làm chơi ăn thiệt, có sao nói vậy, học tánh thực thà mà giàu nhanh) lợi dụng tình người mấy vạn đò như đồng khởi làm ăn theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa; đưa khách, mánh mung, chôm chiả. Nhưng; được cái dân Huế bảo thủ, luôn chịu đựng nắng mưa, mặc nhiên; có khi cũng phải thừa hưởng. Hưởng cái thanh lịch trên sông như mấy ông vua bà chúa thời nhà Nguyễn. Xưa du thuyền nghe ca nhạc chầu văn, ca Huế, nam ai, nam bằng, tứ đại cảnh, cung phi mỹ nữ dâng rượu hả hê quên hết, quên luôn cả hoàng triều. Nay hiện đại hơn (thập niên 60) ăn chơi trên sông là thượng lưu, trí thức, kẻ có tiền; thường gọi kín là ‘ngủ đò’ nghe qua tưởng nóng nực tìm sông nước để dỗ giấc ngủ ngon. Mà thiệt! ngủ trên sông đêm trăng, gió thổi hiu hiu, xung quanh là sóng nước vỗ bì bạch nghe sướng tai vô cùng, bất giác nghe tiếng ọt ẹt của chèo cộc chạm tiếng nước nghe thích thú hơn. Cũng chiếu hoa, chăn gấm, gối phụng, màng the trang trí đèn dầu lạc, lước qua tợ như thư phòng của bậc hiền nhân đang soạn văn thư. Đúng! Đó là chỗ thư giản cho công tử, các cậu ấm, ông nghè... Ai mà trách cứ, cho đó là chọn lựa đúng chỗ vừa kín đáo, vừa bày tỏ cái tấm lòng của kẻ thi nhân mặc khách. Đèn khuya làm mấy cậu hay sanh chứng đòi ăn sương đêm. Huế độc chiêu món này, có đủ nem công chả phụng phục vụ tới nơi, tới chốn vì đó là chốn tài tử đa xuân tứ. Có vị ngứa miệng hỏi chủ vạn -Nè! có bún bò, có cơm hến, có nem lụi, thịt nướng và có…? -Dạ thưa; không thiếu, đặc sản vịt lộn bầu (có vị chưa nghe, thấy) ngài đã dùng qua chưa? -Dạ thưa ăn một hột ngủ ngon lắm. Chủ vạn nói. -Ờ cho nếm thử coi. Chủ chơi nói. Quả thật; cái gì quê mùa là cái nguyên chất mới ra lò.
Ngủ đò còn truyền lưu tới hôm nay; sau 75 biến dạng thành đò đưa khách ra giữa dòng ngắm trăng, nghe nhạc du dương, cười nói tự do, đám hạ giới sướng quá văng tục. Sông Hương không còn gợn sóng lăn tăn mà hóa ra lăng nhăng. Huế cổ kính, Huế đẹp, Huế thơ, Huế mộng nếu tìm thấy đích thực cái cổ kính tàn tích phong kiến một thời vang bóng thì mới thấy Huế. Điều đó quả là hiếm. Nó phôi pha, nó ngắt nghẽo để đi vào thiên thu; giờ chỉ là ảo ảnh không thực. Đò xưa không hoa lá cành, không rồng bay, phượng múa, không kèn, không trống. Xưa nó trọng cái lăn tăn thâm trầm, kín đáo để rớt xuống đó tiếng chuông chùa từ xa vọng về ‘đố ai quét sạch lá rừng’ mà Phạm Duy, Văn Cao và nhiều văn nghệ sĩ khác đã một lần phải thao thức để được sống lại cuối đời ở chốn bồng lai tiên cảnh này. Nói thiệt để khỏi mất lòng; Huế ngó rứa mà bạc: đãi khách hơn đãi chủ.-Rứa răng!
PHỐ
Việt Nam có nhiều phố từ Bắc chí Nam. Chữ phố nghe như thời thượng, có cái gì lôi cuốn và hấp dẫn, từ ngữ phố có ấn tượng của người sành điệu. Cho nên xưa nay đẻ ra chữ phố hơi ‘ngang tàng’, đụng vô là phố, thấy cái gì có mùi nước mắm thì gọi phố cho trọn nghĩa ‘đế quốc’ tư duy. Tưởng ở trong nước có nhiều phố, nước ngoài nơi nào dân Việt ngụ, ăn nói tiếng Việt là phố Việt như phố Tàu, phố Hàn. Lạ hơn bên Mỹ không chơi chữ phố mà chơi chữ ‘little’ Sg; tợ phố nhỏ Ý Đại Lợi bên Nữu Ước…Tây đủ loại giống, đủ loại cở, bầu cua cá cọp du thân ở đâu thì ở đó mang nhản hiệu phố tây (ba lô). Giờ thì gọi phố Tây cho trọn tình ‘anh em chủ nghĩa’. Những ngày mới mở cửa dân ta, dân tây hồ hởi phấn khởi ‘khoe tài’. Mỗi thành phố đông cư dân là nơi lắm tây tới viếng. Đi sâu vào lòng đất tìm thấy ‘đá qúy’ sanh ra bệnh làm ăn. Phần lớn những tay đầu tư thuộc tập đoàn nước ngoài bỏ tiền mua đất, xây nhà chọc trời, xây xí nghiệp, hảng xưởng, nhà máy; cắm dùi, xây tường ngăn chận, rào kẽm gai không cho dân ta dòm ngó. Ào ạt đổ xô vào vùng đất mới phát triển, dễ ‘đút lót’ vì họ bắt trúng mạch cho nên dễ qua cầu, nhưng; không hiểu cái túi khôn của bọn đế quốc tư bản. Kế hoạch, đồ án đã ký chỉ chạy vấn đề ‘đầu tiên’ hoặc ‘cửa sau’ là xong chuyện. Cho nên gọi phố làm ăn. Chữ phố được thu nhỏ dưới ống kính du khách, nhân cơ hội đó nàng ‘Kiều’ Việt Nam khống chế thị trường trên các lầu xanh, đỏ, vàng, trắng. -Hôm nay mầy làm ở đâu? Kim Ngân nói. -Ờ; tao ở phố Hàn Quốc bên quận Nhất. Thu Cúc nói. Chưa kể mười ba (13) quận nội thành, còn ngoài huyện lị thì la liệt phố. Bỏ quê lên thành phố làm ăn (thuê) cho nên đầy ngập người như kiến cỏ; không thiếu phân bón? Người đời nay thích nói vắn tắc cho nhanh chuyện. Nói: -Sáng mai lên thành phố; vậy là hiểu ngầm phố nào rồi chớ nói ‘một mạch’ nó dài và nghe không chuẩn với thời gian tính. Lối nói gọn của dân ta hao hao hỗn danh (nick-name) hay bí danh của tên thường gọi.
Nói chung là phố để khỏi lạm phát tư tưởng. Ở Hà Nội có Ba muơi sáu phố phường, nay gọi Phố Xưa cũng bán buôn xung quanh vỉa hè, cà phê trà nước đời xưa, đời nay có ghế đòn hàng hiên…Tây đủ màu da cũng tham dự và ăn bánh cuốn Thanh Trì. Nay thì tô son, điểm phấn vì có mấy vị nguyên thủ ghé chân. Phố xưa Hà Nội trầm lắng vào đêm, dù gặp phải mưa không thấy phố phường Hà Nội; chỉ cần nhâm nhi tách trà, nghe nhạc Trịnh, để nhớ về thuở xa xưa ở phố Khâm Thiên bên ngọn đèn dầu lạc là thú vị và nhìn mây bay ở phố Hoàn Kiếm mà mủi lòng cho hồn thi nhân. Thế thôi!
Phố Huế là tên gọi của văn chương, sách vở, chớ thực tế không có phố này, phố nọ để mà kêu cho đúng ngôn từ. Huế nói cho ngay đâu cũng là phố cả. Xưa có nhiều điểm tụ hội mà không gọi là phố. Phố Huế nó chình ình ra đó, còn phố nào để kêu ‘phố phái’. Nay dưới chân cầu Trường Tiền có hàng quán bán buôn về đêm, dập dìu xe pháo, lụa là tím xưa, cũng có chị em đưa khách ‘ngủ đò’. Ban văn hóa Huế tính đặt cái tên cho nghe kêu: Phố đêm Trường Tiền, nhưng ngặc đụng phải Tràng Tiền Hà Nội tợ như cốp-bi của người ta nghe thêm ốt-dzột. Đành lờ cho xong chuyện. Xuôi vô Nam, ghé Đà Nẳng thì phải về Hội An; ở đó mới thực sự gọi là phố. Phổ Cổ tuyệt đẹp đêm lẫn ngày, mái ngói thơm nâu, tường xanh rêu mốc. Khách du lịch rất trọng vọng miếng đất cổ lỗ sĩ này, bởi; nó đại diện cho một nền văn hóa Đông phương. Nơi đón tiếp văn minh Đông Tây. Dân tình hiền hỏa, đất lành chim đậu dưới những tàn cây cổ thụ thơm ngát hương trầm. Đã đến phố cổ Hội An coi như hành hương ‘đất thánh’,vì; không gian và thời gian như chứng tích lịch sử của ‘thời thượng’. Người Nhật coi Hội An như có dây mơ rễ má với Thái dương Thần nữ. Hầu hết du khách Nhật và Pháp thích đến Hội An hơn nơi khác. Những món ăn uống ở đây giản dị, mộc mạc mà ngon vô cùng. Trời hoàng hôn Hội An là bức tranh siêu thực vĩ đại; nếu ngồi ở cầu Nhật chờ trăng thì tuyệt cú mèo. Thiệt đó!
VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc. Trăng đầy tháng 6/2018)
Kommentar schreiben