*M1- Cái Giếng (Truyện Ngắn ) Nhà Văn Miêng (Paris- France)

 

Nhà Văn Miêng

 

 

Cái Giếng

 

Vị cố đạo im lặng nhìn mông lung qua cửa sổ. Ngoài trời mới nắng tháng sáu mà đã dữ dội đẩy hơi nóng ngộp thở vào phòng. Không gian đặc quánh lại như từng mảng ny lông úp chụp xuống người ông. Ông lim dim mắt, chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Ông quay bên phải bên trái, phất phất hai tay làm quạt, cái nóng ghì chặt làm ông ngầy ngật. Mấy con muỗi ngày vo ve như thỏ thẻ điều gì.

Mồ hôi chảy ròng ở cổ, trên người. Một sự rít rắm nhớp nhúa khó chịu làm ông ước gì được đứng dưới vòi sen - hay, ờ, tắm nước giếng ! Nỗi thèm khát rất tầm thường đó khiến vị cố đạo liên tưởng đến cái giếng nhà thờ - cái giếng với vị ngọt và cảm giác mát mẻ tuyệt vời mà ông chỉ có thể hình dung qua tiếng chắc lưỡi đầy nuối tiếc của người chung quanh chứ chưa bao giờ thực sự thụ hưởng từ khi được bổ nhiệm.

Ông vẫn từng sung sướng được sống ở đây, một thị trấn nhỏ và hiền. Dân làng hầu như thảy đều quen biết nhau và đối đãi với nhau thâm tình, trọng hậu. Cướp của giết người là cái gì chỉ nghe trong tiểu thuyết.

Thế rồi một ngày đẹp trời kia, có tin sét đánh xảy ra : một người đàn bà bị chết đuối ở Vực Rồng - con sông vẫn hiền hoà đón tiếp dân làng tắm giặt mỗi chiều.

Tương truyền vào thời nào cũng chẳng ai giải thích nổi, chỉ biết là "ngày xưa", nơi đây chỉ là một cái vịnh nhỏ chưa ăn thông ra biển. Chiều nọ một cô gái hái dâu về ngang qua đó, bỗng nghe có tiếng thở phì phò như trâu cày. Lạ lùng, cô đứng lại nhìn. Từ dưới đáy vịnh một cái đuôi to lớn đầy vảy óng ánh vàng quẫy nhè nhẹ lên khỏi mặt nước. Cô gái sững sờ. Chẳng bao lâu toàn thân một con rồng lộ lên và nói bằng tiếng người, rằng hãy về nói với dân làng khai thông cái vịnh ra khơi "cho ông thoát khỏi đây". Tới tối cả nhà đổ đi tìm thì thấy cô nằm ngất xỉu bên bờ vịnh...

Người đàn bà chết đuối ấy còn rất trẻ, tên Hạnh, vợ chủ hàng vàng duy nhất của thị trấn. Người ta rầm rì bàn tán : hay là "ông rồng" năm xưa bất mãn điều gì ? Thiên hạ nhắc nhở tới chuyện này dám hơn cả tháng. Rồi dân làng cũng lấy lại thói quen ra Vực Rồng tắm giặt, chỉ khác là đàn bà không dám ra sông một mình và không ai về quá muộn.

Một hôm, ông cố đạo nghe con chiên cuối cùng xưng tội. Ngồi tựa lưng vào ghế, ông tằn mằn thánh giá trước ngực.

 - Thưa cha, con là kẻ có tội.

Ông dịu dàng nhắc lại một câu phản xạ :

- Nhân danh Cha và Con và Thánh thần. Con có tội gì ?

Và ông làm phép thánh.

- Nghe giọng con thì cha biết là ai rồi.

- Lạy Chúa, đối với cha thì mọi người đều là con Chúa.

Bên ngoài khung cửa lưới có vẻ ngập ngừng, im lặng. Vị cố đạo cũng im lặng, chờ đợi.

- Con có tội..., con ăn năn..., con...

Lại im lặng. Tiếng trẻ con nô đùa ngoài sân nhà thờ vọng vào mồn một. Ông cha đạo vẫn bình tĩnh tựa lưng vào ghế, ông nghĩ cho tới bây giờ, những cái mà dân làng này cho là tội lỗi ghê gớm để xưng, cho là nặng nề lắm để ân hận, thì cùng lắm cũng chỉ là lỡ ném chết con gà hàng xóm mà không dám thú nhận, là lỡ đánh con bé giúp việc nặng tay, là lỡ lời hỗn láo với mẹ... Ông chờ đợi giọng người đàn ông bên ngoài nói con đã tráo thứ hàng không tốt cho bà nọ bà kia.

- Thưa cha..., chính con đã giết vợ con.

Vị cố đạo giật bắn người. Ông chồm hẳn người về phía trước và làm dấu thánh một cách máy móc. Căn phòng như thu hẹp lại, tối đen, rung rinh. Ông nuốt cái gì nghèn nghẹn ở cổ, ấp úng tính hỏi, như trong bất kỳ tội lỗi nào thì cũng hỏi tại sao, chuyện xảy ra như thế nào... vân vân và vân vân. Giọng bên ngoài gấp rút, khẩn trương như thể sợ ai giành :

- Nó ngoại tình với thằng Thạnh. Ðã vậy còn nhục mạ con. Con không kìm được. Mà con chỉ nghĩ làm nó sợ chớ không ngờ con xô mạnh quá, nó té hẳn xuống sông. Lúc đó nước đang lên...

Vị cố đạo cảm thấy cái gì lành lạnh sau lưng. Nước sông dâng lên tận miệng, tận mũi làm ông ngộp thở. Ông nắm chặt lấy cây thánh giá như thể nắm tay Chúa để trồi lên, trồi lên khỏi mặt nước đen ngòm tanh tưởi. Ông cố giữ đừng run :

- Sao con biết vợ con ngoại tình ?

Giọng bên ngoài sôi nổi phân bua :

- Thì con thấy tụi nó thập thò với nhau mấy lần rồi. Hôm đó Thằng Thạnh tới, con làm như không để ý gì chớ con thấy tụi nó nháy nhó với nhau. Thằng Thạnh ra về chừng năm phút thì vợ con nói phải chạy xuống chợ mua chút rau nấu canh. Con lẳng lặng theo sau, thấy nó vô nhà thằng Thạnh.

- Chớ vợ anh Thạnh đâu ?

- Hôm đó vợ nó về quê thăm bà già bịnh.

- A. Rồi sao nữa ?

- Con rình ở ngoài. Cả hơn tiếng sau nó mới ra, mặt mày phờ phạc mà lại có vẻ hí hửng.

Ông cha lại làm dấu thánh. Bí, không biết hỏi gì, ông bóp hai tay vào nhau, thấy tay mình nhớp nháp mồ hôi, mềm nhũn như linh hồn ông lúc bấy giờ. Có cái gì trong bụng cứ chạy lên tới cổ, để lại cái vị buồn nôn rồi chạy xuống.

- Họ... dan díu với nhau lâu chưa ?

- Dạ, cả năm nay.

- Con có tỏ gì cho vợ con và anh Thạnh biết là con nghi ngờ không ?

- Thưa cha không.

- Sao vậy ?

- Con... con nợ nần với thằng Thạnh.

- Nợ gì ?

- Con... con phạm điều răn thứ sáu với em dâu thằng Thạnh. Nó bắt gặp mà không nói gì, chỉ bảo con không nên nữa.

- ...

- Con đã tính nói phải trái với nó. Nhưng tối đó về nhà con không kìm lòng nổi, phải cãi nhau với vợ con mới được. Mà sợ mẹ con và trẻ nhỏ nghe, con rủ nó ra Vực Rồng. (Ngừng một lát lấy hơi) Tụi con cãi nhau to tiếng. Con nghĩ là nếu nó nhỏ nhẹ xin lỗi và hứa thôi thì con cũng sẽ bỏ qua. Không ngờ nó la còn to hơn con, còn chửi mẹ con, còn hạ nhục con...

- Nó chửi mẹ con cái gì ?

- Nó nói mẹ con cái gì cũng muốn xía vào. Nó nói thấy nó vui vẻ ăn diện mẹ con vì là nhà quê nên ganh tị không muốn, gì gì nữa con quên rồi.

- Nó hạ nhục con cái gì ?

- Nó nói... con chỉ được cái ghen bậy chớ... chớ... ngủ với con chẳng ra trò trống gì.

Im lặng một lát từ hai phía. Rồi bên ngoài lại nói, giọng đầy nước mắt :

- Con buồn phát bịnh. Con không tính giết vợ con.

Tiếng nấc dồn dập. Ông cha xứ khép hờ mắt lại, mỏi mệt. Một lát, giọng ông ngọt ngào như dỗ dành :

- Con biết là lúc đó nước đang lên mà... Con có nghĩ tới việc nhảy xuống cứu nó không ?

Lại im lặng. Và bên ngoài thở dài :

- Thưa cha... không !

Lần đầu tiên trong đời tu hành, ông cha đạo khuyên nhủ những lời không như thường lệ.  Lâu lắm, rồi ông nhè nhẹ làm dấu thánh :

- Và con ra về bình an !

Khi thấy bên kia cửa lưới người xưng tội đã bỏ đi, ông cha thở dài nhiều lần. Ông nhắm mắt lại, để mặc sóng biển cuốn trôi đi bềnh bồng, chao lượn...

                                                                  xxx

Ông cha đạo mệt mỏi tiều tụy hẳn đi và như ngần ngại trước mọi tấm thạnh tình. Bây giờ mỗi lần làm lễ, ông thường nhìn xuống đám con chiên, nhìn để tự nghĩ là những gương mặt đó, những gương mặt mộ đạo ngoan hiền đó chắc cũng có cái gì giấu giếm bên trong mà chỉ khi nào có dịp biết thì đối với ông là sét đánh. Cái bà cụ ngày nào cũng tới nhà thờ đọc kinh ấy, lúc nào cũng ngọt ngào và quý trọng kẻ tu hành ấy, có thực lòng không ? Cái anh chàng vẫn giúp một tay vào những chuyện nặng nhọc của nhà thờ ấy, có ý đồ gì không ? Cái cô rất tân thời mà có vẻ ngoan đạo ấy, có che giấu một cuộc sống thứ hai không ? Nhưng thôi cha ơi, sao cha lại nghi ngờ hết mọi người như vậy để làm gì ? Người ta không hại cha là tốt rồi, còn chuyện ai sao mặc họ chớ. Nhưng tao muốn cư xử với nhau thẳng thắn chân thật,,, thà là họ cứ nói thật là họ có tội gì, ngay cả nói rằng họ không yêu kính Chúa. Ðể làm gì ? Ðể Cha hoảng hốt bỏ trốn thế gian à ?

Ông bắt đầu giảm bớt những hẹn hò gặp gỡ riêng tư, bắt đầu giới hạn cái ý nghĩ ban đầu ông đã gieo cho dân đạo rằng ngày của ông là ngày của họ. Ông tránh các bà các cô muốn gặp ông sau những buổi lễ. Ông tránh đề nghị của cánh đàn ông muốn đưa ông tới chỗ nọ chỗ kia. Ông thu người nhỏ lại. Ông tự tạo cho mình một cái vỏ, trong suốt không ai thấy nhưng chắc chắn. Và tận cùng thâm tâm thì ông buồn vô hạn.

Ông cha đạo ăn uống ít đi và cầu nguyện thường xuyên hơn. Nhưng những bài kinh bằng tiếng La Tinh mà ông đọc với giọng van nài tha thiết cũng không đem lại cho ông bình yên là mấy. Cứ nhìn xuống đám con chiên là ông nghĩ rằng họ có cái gì không thật nữa. Và họ không chịu xưng tội, không chịu xưng hết tội họ phạm đâu. Em dâu thằng Thạnh có xưng tội ngoại tình đâu, con Hạnh có xưng tội ngoại tình đâu, thằng Thạnh có xưng tội ngoại tình đâu, và thằng hàng vàng, nếu không lỡ tay giết vợ rồi lo âu buồn rầu phát bịnh, liệu nó có xưng tội ra không ? Rồi còn ai nữa, còn gì nữa trong cái đám lầm rầm kinh kệ dưới kia ?

Ông cha đạo có vẻ buồn bã và ốm đi trông thấy. Cứ mỗi lần ông để hết tâm trí cầu nguyện, bên trong ông tiếng nói mơ hồ lại vang lên, vang lên. Cha ơi buồn làm chi, hơi nào mà lo nghĩ những chuyện mình chưa tai nghe mắt thấy,,, con người không phạm tội này thì cũng phạm tội kia là chuyện bình thường, việc gì cha lại lấy đó làm đau lòng ? Cha không nhớ người đàn bà ngoại tình, Chúa đã phán là nếu ai cảm thấy chưa bao giờ phạm một tội lỗi gì thì hãy ném đá vào bà ta,,, rốt cuộc là mọi người bỏ đi không ném đá, tức là ai cũng có tội,,, vậy thì thời buổi này việc gì mà cha lấy đó làm chuyện quan trọng dữ vậy ? Ừ mặc kệ tao, tao thấy như bị thiên hạ đánh lừa,,, trong khi tao nghĩ ai cũng hiền lành tử tế thì... Nhưng cha quan niệm thế nào là người tử tế ? Ai cũng có một đời sống công và một đời sống tư,,, trong đời sống tư lại có phần công khai và phần bí mật riêng. Nhưng tao, phần đời tư của tao chỉ là công khai, là cho họ. Tiếng nói kia chỉ trả lời bằng tiếng cười. Và vị cố đạo lại thấy héo lòng, là chẳng ai hiểu mình.

Nhiều tuần lễ như vậy trôi qua. Một đêm cuối tháng tư, trời tối đen như mực, vị cha xứ không ngủ được, ông khoác áo ra ngoài. Bước chân buồn rầu chầm chậm dẫn ông đi về phía giếng.

Cái giếng này nằm giữa nhà thờ giáo xứ và dãy nhà cạnh Vực Rồng. Trước kia, dân các khu ở gần thường tới đây gánh nước vì cho là nước nó trong và ngọt hơn các giếng khác ở thị trấn.

Với thời gian, Vực Rồng cứ bị sụt lở, sụt lở đi phía bên này sông. Dân di tản vào phía trong thị trấn. Những nhà khó khăn hơn thì cư ngụ phía bên kia sông, nơi đất cứ bồi lên, bồi lên và rất tốt cho việc trồng dưa hấu. Bãi sông bên đó chẳng bao lâu mà thành rộng thênh thang. Lèo tèo mấy gia đình tha hồ cắm cây định ranh lãnh thổ.

Mùa dưa chín, người thị trấn thường bơi qua tận bờ bên kia chơi. Họ dạo ra bãi dưa lựa trái nào ưng ý nhất, trả tiền, rồi ngồi xổm trên cát, dưới ánh sáng chan hoà của nắng, bổ dưa ra ngốn ngấu nhồm nhoàm say sưa thú vị. Cát sông mịn màng màu mỡ

gà ôm ấp những quả dưa xanh mướt căng tròn, đầy hứa hẹn cho mùa hái quả. Và thịt của nó chắc và ngọt. Người thị trấn khi mua thường cứ đòi phải là thứ "dưa Vực Rồng".

Ngược lại bãi bên này chỉ còn trơ trụi cái giếng không ai bén mảng, trừ người nhà xứ. Có lúc giáo xứ đã bàn tính chuyện kiếm đất để xây nhà thờ nơi khác nếu cần. Rồi trong một thời gian lâu, bờ sông bỗng ngừng ở đó, thôi không sụt nữa. Nhưng cái mạch giếng thì đã hỏng, nước lúc có lúc không mà lại tanh tanh. Ðời vốn mau quên, chẳng ai buồn nhắc đến nó nữa.

Ông cha đạo ra giếng. Cái giếng đã được che lại bằng miếng tôn dày. Vì không ai lui tới, rêu đã mọc xanh mướt chung quanh. Và bởi ông cha đạo chỉ tới vào ban đêm mịt mùng để chuyện trò với nó, nên trong tưởng tượng của ông nước giếng luôn luôn đầy và ngọt lịm như xưa. Trời tối đen sâu thăm thẳm. Ánh sáng dãy nhà sau nhà thờ nằm sâu trong phố, xa lắc, lung linh. Tiếng vỗ nhè nhẹ từ dưới lòng Vực Rồng vang lên như tiếng thì thào của Hạnh đang phân bua, cầu khẩn điều gì.

Như lần trước khi nghe tin Mẹ đã mất khi ông đau nặng không về được, ông dỡ tấm tôn ra cúi đầu vào lòng giếng và khóc. Lần này cũng vậy, ông khóc gập người. Nếu lần trước ông gào lên "Mẹ ơi !" thảm thiết, thì lần này ông để thoát ra từ cổ họng những ý nghĩ vẫn dằn vặt ông từ khi nghe một người đàn ông xưng tội. Ông hét to vào lòng giếng :

- Dân xứ này ghê quá. Ðứa nào cũng phạm vào điều răn thứ sáu. Thằng Quế vì ghen xô té chết con Hạnh...

Ông khóc thật lâu và còn kể lể nhiều thứ, cho hả. Rồi ông ra về, lòng nhẹ nhàng hơn. Ờ cứ nên thế. Cái giếng trung thành và kín miệng, sẽ giữ mãi mãi những lời tâm sự của ông. Ông về nhà, vừa nằm xuống là hai mắt díu lại. Ông thấy nước giếng từ từ dâng lên, dâng lên, trong suốt và mát mẻ như thuở nào...

                                                                   xxx

Ông cố đạo cố mở mắt ra nhưng không nổi. Ông có cảm tưởng có người lay vai ông :

- Này bác, thức dậy. Ông công an trưởng muốn hỏi cung bác đấy.

Vị cố đạo tỉnh dần. Ông nhìn chung quanh và nhớ ra rồi, mình đang ở phòng tạm giam của quận. Cái nóng lại ập xuống, u uất. Ông theo người công an trẻ ra văn phòng, tim dồn dập đau nhói. Viên công an trưởng đang ngồi ở bàn, mặt dửng dưng. Hình như làm công an không ai biết cười :

- Mời bác ngồi.

Anh ta vừa nói vừa đưa tay chỉ ghế đối diện. A, thế ra họ cũng lịch sự, cũng gọi mình bằng "bác" chớ đâu chỉ một mình bác Hồ mới có "vinh dự" này như cái chú công an ở trại vẫn quắc mắt gầm gừ phán ? Lại còn mời ngồi ! - chứ cứ như ở trại thì họ đã nhơn nhơn mặt lên và gọi mình bằng anh, có khi bằng thằng, và chỉ cho mình đứng xớ rớ mà chờ lệnh...

Viên công an trưởng lật đi lật lại hồ sơ, như năm nào ở trại cải tạo tên trưởng trại cứ gọi giật ông dậy lúc ba giờ sáng để nhìn hắn ta lật đi lật lại hồ sơ và hỏi những điều nhảm nhí mà ông đã lặp đi lặp lại không biết bao lần rồi. Cuối màn ấy hắn luôn luôn quát :

- Mỗi lần anh cung khai là có một chi tiết khác.

Hắn không cho biết cái khác đó là cái gì, nhưng cứ tiếp tục dựng đầu ông dậy giữa khuya để gọi là phải khai ra sự thật. Mà sự thật nào thì ông cũng mù tịt. Một lần như vậy, sáng hôm sau trong giờ nghỉ tay dẫy đất trồng khoai, một thanh niên ở lán khác xán tới nhìn ông cha đạo cười cười, dọ dẫm :

- Cha có biết đứa chơi cha con mình vào tù không ?

Ông cha giật mình lức láo nhìn quanh :

- Lạy Chúa, họ mà nghe anh gọi tôi bằng cha là anh và tôi cùng bị tội. Gọi bằng anh, bằng chú gì đó đi anh Ðoàn à.

- Vậy thì cha cũng dẹp tiếng lạy Chúa đi chớ. Bây giờ là lạy bác, hiểu chưa ? Chứ lạy Chúa mà cũng vào tù thì lạy làm quái gì tới sói đầu vậy !

Ông cha đạo cúi đầu xuống kín đáo làm dấu thánh. Anh thanh niên bẻ cho ông nửa trái chuối, thân mật :

- Cha biết không thì bảo ?

- Chúa muốn thử thách chúng ta.

Ðoàn phì cười văng cả chuối ra :

- Cái con c... cầy ! (Hạ giọng như  vỗ về) Dẹp ông Chúa yêu quý của cha lại một bên nghe. Coi bộ ổng không nên cơm cháo gì đâu.

-...

-  Cha  muốn biết là ai không ?

- Quỷ dữ muốn ám hại chúng ta.

Ðoàn vung tay trong không :

- Bố ơi, Chúa hay Quỷ gì thì cũng đại loại như nhau. .. Nè, Cha không thấy là thằng Quế thâm độc sao ?

- Quế nào ?

- Thì còn Quế nào nữa. Thằng Quế hàng vàng giết vợ đó !

Ông cha đạo giật bắn người, lại lấm lét nhìn quanh ấp úng hỏi :

- Anh... anh Quế nói với anh như vậy à ?

- Kệ con. Nhưng cha, cha có biết chuyện đó không ?

Ông cha vội vàng làm dấu thánh, quên cả nhìn trước nhìn sau tránh những đôi mắt cú vọ của bọn cai tù. Không nói gì, ông cha đạo đứng lên như muốn trở lại làm việc. Ðoàn nắm tay kéo giật ông ngồi xuống, nhìn thẳng vào mắt ông, dỗ dành :

- Nói thiệt đi mà. Tâm sự với  con thì cũng kín đáo như với cái giế... cái mộ vậy mà.

Vẻ ngơ ngác bối rối của vị cố đạo làm Ðoàn nhớ lại nét mặt lúng túng của Quế hôm nào...

Hôm đó cơm tối xong, Ðoàn nổ xe chạy lên nhà Quế. Ở cái thị trấn này chẳng ai chạy cái xe nổ ầm ĩ như Ðoàn. Cậu ta đi xa, năm năm sau về lại thị trấn với bộ mặt mới, ngang tàng, có vẻ sành đời, bất cần, không tin vào ai, trừ bà mẹ già. Và theo nhận xét các bà các cô thì trông cậu rất bảnh, rất "thủ đô", rất đàn ông. Tóc tai cậu dài, túm lại bằng sợi thun hoặc thả bay bay như con gái. Cái quần din bạc thếch rách ở đầu gối không mạng không vá với cái sơ mi rằn ri tay xăn lưng lửng, hai hột nút trên không cài, ngực hở hang. Luôn luôn cũng bận chỉ bấy nhiêu, không biết giặt giũ bao giờ mà lúc nào trông cũng duyên dáng, sạch sẽ. Ăn nói giản dị, cụt ngủn. Nhưng rỉ rả bài "Tình cho không biếu không" thì dài, quên thôi. Ði đâu với cậu ta thì yên bụng như đi với thần bổn mạng. Mà lạ, cậu ta có đánh đấm gì ai, có chọc ghẹo gì ai đâu kia chứ. Vậy mà tự nhiên thiên hạ cứ ngan ngán, nê nể thế nào. Con gái thì nheo nhẻo vừa gọi chú vừa liếc ỡm ờ.

Lúc đó Quế đang ở phòng khách chỉ bài cho các con. Nghe tiếng xe máy ngừng trước nhà, không ngẩng đầu lên, Quế cũng biết là ai. Và dù không kém ngạc nhiên bởi vì giữa hai người ít có liên hệ thân mật thì tới thăm nhau giờ này để làm gì, nhưng cũng vồn vã lớn giọng :

- Tui trong này, chú Ðoàn vào đây chơi.

Họ uống trà với nhau và nói chuyện trời trăng tầm phào. Quế vẫn không thấy lý do gì khiến Ðoàn phá rối lúc mình đang chỉ bài cho con. Chỉ khi ăn hết đĩa kẹo mè, uống hết bình trà và tưởng Ðoàn muốn ra về, thì Ðoàn đột ngột hỏi :

- Chị mất bao lâu rồi hả anh Quế ?

- Hơn hai tháng rồi.

Ðoàn chỉ kêu "a" lên một tiếng. Im lặng. Cái im lặng tự nhiên nặng nề kỳ cục. Rồi Ðoàn đứng lên như muốn chào về, nhìn Quế cười tủm tỉm :

- Nghe như là đâu phải chị trượt chân té. Hình như có ai xô.

Rồi gật đầu chào mà không đợi Quế chào lại, Ðoàn bỏ ra về...

- Nè cha, tu hành thì không được nói dối nghe. Cha phải biết chuyện đó vì thằng Quế phải xưng tội với cha chớ ?

Ông cha vẫn không trả lời, lặp lại câu hỏi :

- Anh Quế kể cho anh nghe à ?

Ðoàn đứng lên vươn vai mấy cái không trả lời. Hai người vừa dợm bước đi làm lại, trong khi ông cha có vẻ bứt rứt muốn hỏi Ðoàn cái gì thì thình lình Ðoàn nói :

- Nè cha, cái giếng bị nước xoi mòn cha biết không ?

- Giếng nào ?

- Cái giếng nhà xứ chứ giếng nào.

- (Ngơ ngác) Uả,... từ bao giờ ?

- Từ lâu rồi... Trước khi cha đến. Bởi vậy mới đậy tấm tôn lên, vì giếng đâu có nước !

- Có khi nó có nước mà...

- Nước sông dâng lên thôi. Khi nước rút thì cái giếng rỗng tuếch dưới đáy. Cha không biết sao ?

- Không.

Ông cha lửng lơ với ý nghĩ riêng, không chú ý mấy đến cái giếng. Quan trọng gì, không có cái nọ thì có cái kia, thị trấn thiếu gì giếng. Quan trọng là sao cái nhà anh Quế này lại đi kể cho một người như cậu Ðoàn nghe cái chuyện tày trời như vậy ? Hay là họ lại có "nợ nần" gì nhau, có gì đồng loã với nhau chăng ?

Nhìn ông cha đạo tần ngần trước cái tin giếng rỗng, Ðoàn bỗng thấy vừa tức cười vừa tội nghiệp. Bật cái nón cời ra khỏi đầu, cậu bước tới gần, nhỏ nhẹ :

- Cha biết dân thị trấn nói cha sao không ?

- Nói sao ?

- Họ nói cha khờ mà giảng đạo rất hay.

- Khờ thì giảng hay gì được ?

- Khờ tức là lành, là thiệt thà đó mà. Họ nói cha đúng là chân tu, trắng ra trắng đen ra đen. Mà cái con cầy, đời nó đủ màu sắc ly kỳ lắm chớ không phải chỉ có hai màu buồn thiu đó đâu cha nội !

Nói rồi Ðoàn cười vang vang, vỗ vỗ lên vai ông cha đạo. Ông cha cũng cười gượng, cầm cuốc bắt đầu đào đất. Ðoàn nghĩ ông đúng là khờ mới không liên tưởng gì thêm về chuyện cái giếng lủng đáy.

Và cậu nhớ lại đêm hôm đó, một trong những "con cháu" vòi vĩnh nhờ chú dẫn qua vùng bên thăm con bạn. Chú đèo cháu sau xe chạy như tên bắn. Ðường làng lại gập ghềnh. Con cháu ngồi phía sau chẳng biết sợ té thật không, cứ ôm sát vào lưng chú. Bộ ngực tròn trịa ấm áp làm nhột lưng ông chú quá, "phiền" ông chú quá. Và thế là vòng về, chú hỏi cháu có muốn ra Vực Rồng hóng mát không.

Trời thì tối như mực, con cháu sợ ma cứ nhất cử nhất động bám sát người vào chú. Chú dẫn cháu xuống rạch, nơi con sông vô tình cứ theo luồng nước xoáy tuốt vào lòng giếng, lúc bấy giờ khô vắt vì không nhằm ngày nước lớn cũng không phải giờ nước lên. Và chú không phải lao lực tán tỉnh ỉ ôi gì. Mọi chuyện tuần tự xảy ra như là phải như vậy, như vậy mới hợp lẽ trời.

Rồi con cháu đỏng đảnh điều tra :

- Chú có thường dẫn ai đi "hóng mát" kiểu này không ?

- Ai cần thì dẫn.

- Trong đám bạn cháu, có đứa nào đi với chú chưa ?

- Có.

 - Ðứa nào ? Con Trà, con Lan, con Kim, con...

- Hỏi làm gì ?

- Cho biết ! Còn mấy bà nữa, có bà nào không ?

- Có.

- Chú có bao nhiêu bà tất cả rồi ?

- Làm sao mà nhớ.

- Tức là nhiều tới nỗi không nhớ lận à ? Sao nhiều bà dữ vậy ?

- Ai cần gì mình cho nấy. Ai muốn gì mình chìu nấy.

- Bữa nay là chú cần chú muốn chớ cháu có cần có muốn đâu ?

- Thiệt hả ?

Ðoàn cười khịt một cái, khe khẽ hát bài "Tình cho không biếu không". Con cháu bịt mồm chú, nó thích nghe nói, không thích nghe hát. Im lặng. Nước tận ngoài xa, khe khẽ rì rào như những lời tâm sự.

- Chú biết người ta nói gì về chú không ?

- Người ta là ai ?

- Thì mọi người chung chung... Nói là chú đã từng vào tù ra khám. Có không ?

- Có.

- Tại sao vậy chú ?

- Chớ họ nói tại sao ?

- Họ nói chú cướp của giết người, có không ?

- Có.

- Ghê vậy đó ? Mà tại sao chú ăn cướp ?

- Ðể có tiền tiêu.

- Mà... chú có giết người thiệt à ?

- Muốn thiệt cũng được muốn không cũng không sao.

Tới đó thì còn chuyện trò được. Nhưng con cháu muốn biết nhiều hơn :

- Chú... chú có thương cháu không ?

Thôi cô ơi, đừng giở trò ngây thơ cụ,,, cũng chẳng trinh tiết gì, chẳng phải lần đầu mà,,, có thương em không,,, có thương em không,,, thương nhiều không,,, bằng em thương anh không,,, em tin chắc rằng không một đứa con gái nào thương một người

con trai như em thương anh đâu, em thương anh suốt đời,,, không có anh em không sống nổi,,, hứa với em đi, hứa là cũng thương em suốt đời đi,,, em hứa dù gì em cũng thương anh,,, anh có đui què sứt mẻ gì em cũng thương anh hoài, không gì làm em xa anh được... Và Ðoàn đã hứa, chân thành mà hứa với con tim giản dị của một thanh niên tỉnh lẻ. Nhưng rồi tiền làm họ xa nhau và Ðoàn suýt mang tội giết người...

Không muốn trả lời những điều vớ vẩn đó, Ðoàn làm như không nghe và đứng lên hối cô gái mặc quần áo vào kẻo lạnh. Cô cháu ưỡn ẹo nũng nịu. Ðoàn vừa vươn vai ngáp thì chợt giật mình vì nghe tiếng nắp giếng mở ra. Cậu chui hẳn vào bên trong nhìn lên, trong ánh sáng đèn rất xa của thị trấn, Ðoàn chỉ thấy mù mờ..., nhưng nghe rõ mồn một... Con cháu bật lên như lò xo, chụp vội quần áo kêu thét :

- Chú Ðoàn ơi, chú nghe tiếng ai khóc đó không ? Cháu sợ quá !

Ðoàn chui lộn trở ra hối :

- Ờ, không chừng hồn ma chị Hạnh đó. Về lẹ cho rồi !

Thế là tối hôm sau Ðoàn lên thăm Quế. Rồi sau đó cứ làm như tình cờ gặp Quế, lại làm như đau lòng chuyện chị Hạnh bị chết oan, lại tỏ vẻ ngạc nhiên sao anh không nhờ cảnh sát điều tra... Kết quả là cái xe vẫn nổ ầm ĩ của cậu được thay thế bằng xe khác, đời mới, loại ngon lành đáng giá. Và còn gì khác nữa chỉ có trời mới biết. Cậu vẫn vừa lái xe đò, vừa giúp nhà thờ khi cần. Năm ba tháng lại biếu nhà xứ ít tiền dù không có đạo. Thỉnh thoảng chở cha xứ đi thăm làng bên, cậu thường nửa đùa nửa thật hỏi tại sao cha đi tu làm gì cho cực, sao không sống hưởng thụ ngoài đời...

Họ làm việc chăm chỉ cả tiếng đồng hồ, rồi lợi dụng lúc cán bộ đi chỗ khác, Ðoàn lại buông cuốc chạy tới, hất hàm :

- Cha không thấy là Cộng sản vừa lên thì thằng Quế cũng thành cộng sản à ?

- Chắc là anh Quế có bà con đi tập kết về.

- Cái con c... cầy ! Nó chỉ là cách mạng ba mươi thôi. Thấy tụi kia lên là nó theo đuôi, phần vì sợ bị đánh tư sản, phần muốn bợ đít bọn nó để... trả thù.

Ông cha trố mắt :

- Trả thù ? Anh Quế có kẻ thù à ?

- Sao lại không có cha ? Người tu hành còn có kẻ thù huống chi người trần tục.

 

 

Hai người im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Ðoàn nghĩ tới những ngày đầu Cộng sản, cứ mỗi buổi họp lúc nào cũng có quyên góp để làm việc nọ việc kia thì luôn luôn Quế là người nhanh nhẩu nhất, đóng góp nhiều nhất. Chỉ hơn tháng sau, Quế trở thành một loại như tay chân đặc biệt của công an thị trấn, hăng hái dẫn bọn này đi khám nhà nọ nhà kia. Chẳng biết anh ta nói gì, mấy hôm sau chiếc xe Honda đời mới của Ðoàn bị nhà nước "trưng dụng". Mái tóc cột túm bằng sợi thun như con gái bị mấy thằng oắt con mang băng đỏ ở tay xấc xược cắt đi, bảo là phải "tôn trọng văn hoá dân tộc". Ðoàn không nhịn, mắng át là oắt con chúng bây thì biết thế quái nào là văn hoá dân tộc ? Cãi cứ cãi, tóc vẫn bị cắt, còn bị ăn đòn. Rồi cùng ngày với vị cha xứ và một số người thị trấn, Ðoàn bị công an dẫn đi vào lúc rạng đông...

Về phần ông cha thì giật mình suy nghĩ về câu nói của Ðoàn. Ông chợt nhớ dạo về sau, Quế ít lui tới nhà thờ và nếu không tránh được mặt ông thì chỉ chào qua loa rồi nhìn chỗ khác có vẻ như hằn học. Ông nhớ ngày Quế dẫn cách mạng vào khám nhà

chung, mặt hai anh công an còn ít đằng đằng sát khí hơn Quế, làm mọi người ngạc nhiên, ban đầu tưởng anh ta đóng kịch. Quế lấy tay quậy tìm hết các hốc tường như thể sẽ tìm ra đồ quốc cấm. Anh gợi ý cho công an hỏi sổ sách nhà chung. Anh đề nghị

công an bảo nhà chung phải cung khai tài sản. Tài sản ? Hai tiếng đó làm mọi người bối rối vì cho tới lúc đó, ngoài cái nhà thờ nhỏ và dãy nhà khiêm nhường bên cạnh, không ai nghĩ là nhà thờ có tài sản gì. Thế là nhà thờ nói chung và cha đạo nói riêng mang tiếng nói dối cách mạng. Rồi một sáng sớm kia, công an thình lình đến còng tay vị cha xứ...

- Anh Quế oán hận gì tôi à ?

- Cái đó phải hỏi ông Chúa của cha. Hình như ổng biết hết mọi chuyện mà ?

- Lạy Chúa, đừng đùa anh Ðoàn à. Tôi hỏi thật mà, có phải anh Quế thù oán gì tôi không ?

Ðoàn cười :

- Như vậy là cha nhận có biết chuyện nó giết vợ chớ gì ?

Ông cha không trả lời. Ðoàn tính nói thật nhiều chuyện nhưng lại thôi. Phải chi ông "người" một chút ! Ai cũng biết Quế bây giờ đã trở thành một tên vô sỉ, ác ôn hạng nặng. Hắn xúi giục công an bắt chẹt những gia đình có đạo, và gây phiền nhiễu khó khăn cho bất kỳ ai đã từng làm việc với chính phủ trước bảy lăm. Nhất là những gia đình trẻ thì còn nguy hơn nữa : Quế gài bẫy đẩy người chồng đi cải tạo để ở nhà lấy vợ họ ! Cả thị xã sững sờ và dân chúng oán hận hắn đến tận xương tủy, thù còn hơn cả công an cán bộ. Nhưng cậu cũng hỏi ướm :

- Bây giờ cha trong tù nó ở ngoài tự do, có hận thù gì thì cũng xong chuyện rồi, cha muốn biết làm chi ? Vấn đề là ra khỏi đây mình làm cái gì.

- Tôi sẽ cầu nguyện cho anh ấy đừng nghĩ quẩn mà buồn vô ích.

Ðoàn trố mắt ra cười thành tiếng, rồi chán nản lắc lắc đầu nói một mình :

- Khờ thứ thiệt !

Trời chiều hôm đó như âm u hơn mọi ngày. Mây đen xuống sát trên chóp núi nơi cheo leo mấy dãy lều cải tạo. Từng hàng một người nối đuôi nhau ra về, áo quần tả tơi bê bết đất màu hung đỏ, ngất ngư mỏi mệt sau một ngày lao động cật lực. Xa xa, những cái nón cời di động rắn rồng theo bìa núi như những con ma đói ngày lễ cúng cô hồn...

- Bác biết tên Ðoàn chớ ? Lê Ðoàn, cùng vào trại cải tạo với bác đó.

Ông cố đạo như tỉnh dậy :

- Có, tôi biết anh Ðoàn. Anh ấy ra trại sau tôi.

- Bác biết rõ không ?

Ông hơi đăm chiêu :

- Khó nói là biết rõ hay không. Anh ấy không có đạo mà thường tới lui giúp đỡ nhà chung. Người mau mắn vui vẻ, hơi ngang tàng nhưng có vẻ tốt bụng. Có hiếu với mẹ. Ngoài ra tôi không biết gì thêm.

- Trong trại, anh ấy thường nói gì với bác ?

Ông cố đạo lột kính xuống lau như thể lau trí nhớ :

- Khó trả lời cho chính xác quá. Tôi không nhớ hết anh ấy nói cái gì...

- Ví dụ... về chuyện bác và anh ấy vào trại chẳng hạn, anh ấy có nói gì không ?

Ông cố đạo suy nghĩ hồi lâu rồi như nhớ ra :

- À, về chuyện này thì anh Ðoàn nói là... có người chơi khăm anh ấy và tôi.

- Người đó là ai ? Có phải anh Quế không ?

- Lạy Chu..., ấy chết... Xin Ch.. ơ...  Anh Ðoàn trẻ người non dạ, có nói như vậy chắc cũng chỉ nói chơi thôi. Anh Quế đâu phải là người xấu mà đi vu cáo kẻ khác.

Anh công an nhíu mày :

- Bác tin vậy thật không ?

- Xin thưa với cán bộ là tôi không quen nói dối.

Viên công an lật lật hồ sơ. Cái nóng vẫn nhức nhối. Ông cố đạo tựa lưng vào ghế, nhìn mông lung qua khung cửa sổ bong sơn. Mấy song sắt cũ mòn mỏi như những ngón tay ghẻ. Bên kia sân quận, một người đàn bà ngừng xe Honda, tắt máy.

- Và tự bác, bác có gì thù oán anh Quế không ?

- Thật tình là không.

Anh công an hơi xẵng giọng :

- Vậy thì tại sao bác làm chuyện đó ?

Ông cố đạo tròn mắt :

- Thưa cán bộ, chuyện đó là chuyện gì ?

Viên công an không trả lời ngay câu hỏi. Anh đẩy hồ sơ qua một bên rồi khoanh tay lên bàn, ngón đan vào nhau, nhìn ông với ánh mắt nghiêm khắc, nghi ngờ  :

- Người ta tố cáo bác, và bác cũng bị bắt quả tang  đang đào mộ anh Quế.

Ông cố đạo thở ra nhè nhẹ không nói gì. Nét mặt ông không diễn tả một tình cảm đặc biệt nào, ánh mắt không bối rối. Anh công an lặng lẽ nhìn. Mặt anh đầy mụn đỏ, đôi mắt xếch với cái nhìn hơi lạnh khiến ông cha nhìn tránh đi. Và bây giờ thì tới lượt ông chà xát hai tay vào nhau. Thời gian như đọng lại...

- Thưa cán bộ,  nghe mộ anh Quế bị đào, quan tài bị đóng đinh. (Thở ra) Rồi vừa được đắp lại thì bị đào lần nữa. Sáng qua, làm lễ xong tôi xách xẻng ra tính đắp lại mộ cho anh ấy... Dù sao anh Quế với tôi cũng là chỗ thân quen. Lúc người ta ập tới bắt thì tôi mới lấp chưa được chục xẻng. Tôi tính...

- Có gì chứng minh là bác đang đào hay đang lấp ?

- Dạ chẳng có gì, ngoài sự hiểu biết và thông cảm của cán bộ.

Anh cán bộ lại xem tập hồ sơ. Cứ như mỗi lần anh rờ tới nó thì nảy thêm ra nhiều câu hỏi và trả lời mới mẻ. Nhưng rốt cuộc rồi anh cán bộ lắc đầu :

- Tôi không thể dựa vào sự thông cảm, mà dựa vào sự kiện. Nếu bác không khai được ai làm, không tình nghi ai, thì chúng tôi phải kết luận là bác mà thôi.

Rồi anh hý hoáy viết gì vào hồ sơ, xong đẩy tới trước :

- Rất tiếc, tôi phải làm bổn phận. Bác có quyền khiếu nại. Bác đọc và ký vào đây.

Ông cha hom hem đọc. Ba năm tù thì có là bao so với mười năm cải tạo ? Ông thản nhiên cầm viết ký. Bây giờ thì ông như đã quen với những việc bất ngờ, những điều ghê gớm và cái mà người ta thường gọi là vận xui. Mọi cái đều do Chúa sắp đặt. Mà Chúa muốn vậy thì ông tuân lời. Ông nguyện xin dâng lên Chúa tất cả những niềm vui nỗi khổ của mình.

Anh cán bộ đứng lên gọi ai đó rồi lát sau một cái xe bít bùng đỗ trước sân. Ông cha đạo lặng lẽ lên xe...

Trong xe tối om. Có người xích qua một bên.

- Cha ngồi sát vô đây. Bộ lạnh hay sao mà co ro vậy ?

- Không lạnh. Có cái thắc mắc là tại sao anh muốn mình ra đây ? Bộ trong nhà không nói chuyện được à ? Tối thui chẳng trông thấy gì.

- Tại trong chòi của cha bày la liệt đủ thứ tượng cái ông bị đóng đinh với mấy cây gỗ chữ thập nhiều quá, nói gì cũng có cảm tưởng như xưng tội. Mà con thì không tin nổi cái ông Chúa... vô tích sự của cha, vả lại cũng chẳng có tội lỗi gì để xưng cả.

- Thì không tội lỗi. Nhưng ra đây làm gì ?

Ðoàn gằn giọng : 

-  Ðể nói với cha là con đã cám ơn cái thằng Quế khốn nạn.

-  Ủa, anh Quế chết...

-  May cho nó ! Tại nó muốn hại con vô tù nên... (uất ức) mẹ con mới buồn mà chết. Con muốn tự tay bằm thây nó thì mới hả dạ. (Căm phẫn) Tức cái là nó chết trước khi con ra tù nên chỉ đào mả nó lên được thôi. 

- Lạy Chúa !

Ông cha đạo làm dấu thánh giá.

      

- Còn đóng đinh lên quan tài nó cha biết chi không ? Ðể cho cả giòng họ nó tàn mạt, lượm cứt mà ăn !

Vị cố đạo cảm thấy toàn thân lành lạnh, rã rượi. Ông tựa đầu vào thành xe từ từ thiếp đi.   Ông mơ màng thấy một cái lưng dài loang loáng ánh trăng từ biển bơi vào, đến cửa sông thì dừng lại, ngóc đầu lên phun cái gì xanh biếc vào sông. Rồi giếng nhà chung nước lại dâng lên, dâng lên, trong lành  tươi mát...

 

MIENG

Paris, Avril 1998.

Kommentar schreiben

Kommentare: 0

 

Một Kiếp Người

 

Anh đã cho em nửa cuộc đời

Cho con phân nửa của phần tôi

Phần tôi phân nửa, phần phân nửa

Cho thơ làm tựa viết thành lời

 

Thế là, tôi đã cho, cho hết

Xin người, thơ phú chớ phụ tôi

Ngày mai khi trở về cát bụi

Bia tôi xin tạc  "Một Kiếp Người" .

 

Thủy Điền