Nhà Thơ Phạm Đức Nhì
“CHỢ TÌNH” – VIÊN NGỌC BỎ QUÊN
Một Người Bạn Mới
Mấy tuần trước tôi nhận được email của một độc giả tên Phạm Lam Hà:
“Qua bài anh bình thơ của bạn Ngọc Mai, tôi rất thích và Cảm Mến anh! Đã lâu tôi mới lại được đọc một bài bình thơ Công Bằng và Chân Thành như Anh. Tôi hỏi Ngọc Mai, biết anh cư trú ở Mỹ. Tiếc quá, tôi muốn liên lạc thường xuyên với anh để trao đổi, học hỏi thì có thể làm thế nào được?
Chúc Anh cùng gia đình luôn Vui Khỏe và Hạnh Phúc.”
Thế rồi thư qua thư lại mấy ngày chúng tôi kết bạn Facebook. Nhờ hộp tin nhắn FB tôi gọi nói chuyện, biết anh là kỹ sư cầu đường về hưu, quê ở Hải Dương, sinh năm 1947. Anh rất vui vẻ, chân thật nên thỉnh thoảng trò chuyện đôi câu cũng không đến nỗi chán. Sau đó anh gởi cho tôi một bài thơ, có lẽ là ưng ý nhất, nhờ góp ý kiến. Tôi chân tình nhận xét ưu khuyết điểm của bài thơ để anh rút kinh nghiệm. Lần mò vào trang của anh trên FB tôi đọc được khá nhiều thơ văn trong đó bài thơ Chợ Tình có vóc dáng rất đặc biệt. Tôi lại bỏ ra mấy ngày để cùng anh trao đổi về hoàn cảnh ra đời của Chợ Tình và một số chi tiết độc đáo của nội dung bài thơ.
Vài Nét Về Chợ Tình
Chợ Tình trong bài thơ của Phạm Lam Hà chính là chợ Khau Vai, mỗi năm chỉ họp duy nhất một phiên vào ngày 26 tháng 3 âm lịch. Địa điểm thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang.
Anh PLH cho biết thêm:
Vì là Chợ Tình nên người bán, người mua rất ít. Mục đích chính của phiên chợ là để cho gái trai đến tìm bạn tình, cho những người yêu nhau mà vì lẽ gì đó không lấy được nhau, đến tìm gặp người tình cũ (dù lúc ấy đã có vợ hoặc chồng). Họ có quyền vui chơi, tình tự và sống với nhau như vợ chồng dưới “tán ô xòe” được dựng “riêng một góc trời”. Cả vợ hoặc chồng đều có quyền gặp người tình cũ như vậy. Có biết, có thấy, có chạm mặt nhau cũng không ai ghen tuông gì. Quan niệm về tình yêu, tình dục và hôn nhân của họ, theo anh PLH, rất tự do và phóng khoáng, vượt xa những xã hội tự nhận là văn minh.
Anh cũng cho biết năm 1966 anh có sống và công tác ở Mèo Vạc, Hà Giang 6 tháng và có dự phiên chợ Khau Vai để tìm (và gặp) bạn tình. Anh viết bài thơ Chợ Tình vào năm đó (lúc 19 tuổi) và năm 2017 có “đánh bóng lại” chút ít để đưa lên Facebook.
Dưới đây là bài thơ của anh Phạm Lam Hà:
CHỢ TÌNH
Lán lá chông chênh sườn dốc
lũ ngựa thả rông
nhởn nhơ gặm cỏ ven rừng
Chợ đông, rất đông
xênh xang áo váy đủ màu
chảo Thắng Cố (1) sôi
vòng ngồi nêm chặt
ngả nghiêng chóe rượu khèn bè (2)
Gái, trai ngời rạng
ngực Thổ Cẩm (3) căng tròn
ô xòe (4) che nghiêng
góc riêng giữa trời giữa đất
trời cứ xanh cao
núi xanh cao!
bóng núi từng chùm
bầu trời rất lạ
Chợ đông, rất đông
người bán, người mua lại ít
mẹ xuống chợ gặp người yêu cũ
cha về hẹn bạn tình xưa
chẳng ghen tuông rình rập bao giờ
Chợ Khau Vai
năm một lần mới họp
chợ một phiên
tình nặng một đời.
Hà Giang 1966
Hải Dương 2017
Chú Thích:
1/ Món ăn rất được ưa thích của dân miền núi, nguyên liệu là lục phủ, ngũ tạng của trâu, bò, dê, lợn, ngựa v.v, cộng với gia vị đặc biệt của dân địa phương, ăn nóng rất ngon.
2/ Một loại nhạc cụ của người Thái và người Dao
3/ Một loại vải dệt bằng sợi “Lanh” có “cài hoa văn” đủ màu sắc
4/ Một kiểu lều che 3 mặt đơn giản
"Chảo 'Thắng Cố' sôi
vòng ngồi nêm chặt"
Tứ Thơ:
Quang cảnh một phiên “Chợ Tình” có tên gọi Chợ Khau Vai ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Nói Thêm Về Tứ Thơ:
Ca dao Việt Nam có bài Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa được Phạm Duy phổ nhạc rất hay. Dưới đây là đoạn sau của bài ca dao:
Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
(Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa, ca dao)
Đây là hoàn cảnh của phụ nữ không lấy được người mình yêu. Bị trói buộc như cá cắn câu, như chim vào lồng. Nhiều trường hợp lấy được người yêu thích nhất (trong số bạn tình), sau khi chung sống một thời gian mới biết là không hợp, muốn cựa quậy tìm đường thoát nhưng ràng buộc đã quá chặt. Phía nam giới tuy có dễ dàng hơn một chút nhưng ngoài chuyện tình cảm và con cái, cái giá để hủy bỏ một cuộc hôn nhân - về phương diện tài chánh, xã hội, đạo đức, tôn giáo - trong nhiều trường hợp, quá cao nên cũng đành cam chịu. Những bài thơ của TTKh là một minh chứng hùng hồn.
Ở các nước Âu Mỹ quan niệm về tình yêu và hôn nhân có phóng khoáng hơn nhưng chế độ một vợ một chồng cũng là nền tảng căn bản. Và trong đời sống vợ chồng, những cuộc hôn nhân xé nát tim người cũng không phải là ít. Tôi đã thấy trên sách báo, truyền thanh truyền hình, trong tòa án và cả thực tế ngoài đời biết bao cảnh tình bi đát vì không tìm ra lối thoát. Bi kịch hôn nhân của Thái Tử Charles và Công Nương Diana là một thí dụ điển hình.
Hôn nhân kiểu “xã hội văn minh” được dây nhợ của luật pháp, tôn giáo, đạo đức, cách hành xử xã hội … trói chặt, bao kín trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, đã trở thành một cái cũi vô hình giam hãm tâm hồn con người. Từ lúc sinh ra cho đến lúc trưởng thành con người được giáo dục, “thuần hóa” để tình nguyện chui vào cái cũi ấy (và nhiều cái cũi khác nữa).
Tình yêu kiểu Chợ Tình (Khau Vai) tuy chưa phải là câu trả lời rốt ráo cho vấn nạn hôn nhân, nhưng ít ra, theo tôi, cũng là một gợi ý để những tâm hồn phóng khoáng tự cảnh tỉnh rồi mạnh dạn đặt những bước chân khai phá hầu tìm một hướng đi mới cho cuộc sống vợ chồng.
Hình Thức:
Thoạt nhìn tôi đã khoái vóc dáng của bài thơ. Không còn dính dáng gì đến các thể thơ truyền thống, bỏ xa thơ mới, vượt qua thơ mới biến thể. Số chữ trong câu, số câu trong bài biến đổi tùy tiện, thoải mái, không theo một quy luật nào. Với hình thức thơ này tác giả giành lại gần như trọn vẹn quyền tự do của thi sĩ khi phóng bút.
Ngôn Ngữ Thơ:
Rất bình dân mà lại rất cao siêu. Bình dân vì đó là ngôn ngữ đời thường, không có những từ mang tính triết lý, học thuật, vượt quá trình độ thưởng thức của người yêu thơ trung bình. Dĩ nhiên, vì viết về nếp sống từ vùng rừng sâu, núi cao của dân tộc thiểu số nên có vài từ địa phương, nhưng chỉ cần liếc qua phần chú thích là độc giả sẽ hiểu ngay. Cao siêu vì các con chữ kết hợp với nhau một cách tài tình thành những bức tranh thơ sinh động, tuyệt đẹp. Tôi có thể đơn cử 3 bức tranh thơ:
1/
Bằng 3 câu thơ mở đầu thi sĩ Phạm Lam Hà đã vẽ bức tranh đầu tiên của Chợ Tình:
Lán lá chông chênh sườn dốc
lũ ngựa thả rông
nhởn nhơ gặm cỏ ven rừng
Có 2 đìểm đặc biệt về kỹ thuật thơ trong đoạn thơ này:
a/ Thi Hóa Thân Thành Họa: Ngôn ngữ thơ đã hoàn toàn tan biến để hóa thân thành một bức tranh thơ sống động.
b/ Thủ pháp Show, Don’t Tell (gợi, không kể): Với bức tranh trên, độc giả, với khả năng liên tưởng của mình sẽ nhận ra một nét lạ đầu tiên của Chợ Tinh; Nhiều người cỡi ngựa đến dự phiên chợ độc đáo này. Tác giả không nói mà chỉ cung cấp dữ kiện (gợi ý) để độc giả tự suy ra.
2/
Và tác giả tiếp tục ra tài thơ của mình qua bức tranh thứ hai:
Chợ đông, rất đông
xênh xang áo váy đủ màu
chảo Thắng Cố sôi
vòng ngồi nêm chặt
ngả nghiêng chóe rượu khèn bè
Bức tranh vẽ cảnh một quán ăn của người miền núi, người ngồi nêm chặt quanh chảo Thắng Cố sôi bốc khói, ngả nghiêng với chóe rượu khèn bè. Phía sau, xa xa một tí, “xênh xang áo váy đủ màu”, người đi, kẻ lại đông đúc. Chữ “nêm” rất “gợi” và đắt, làm đẹp và mạnh nghĩa cho cả câu và đoạn thơ. Ngôn ngữ thơ ở đây rõ ràng quá, câu cú đơn giản, chặt chẽ quá; tất cả đã tan hết, hòa nhập vào bức tranh sinh động, không cần và cũng không thể giải thích gì thêm nữa.
3/
Đoạn kế tiếp và bức tranh thứ ba:
Gái, trai ngời rạng
ngực Thổ Cẩm căng tròn
ô xòe che nghiêng
góc riêng giữa trời giữa đất
Bức tranh vẽ cảnh gái trai mặt mũi tươi vui, ngời rạng, mặc áo vải Thổ Cẩm, ngực căng tròn đầy sức sống; xa xa những chiếc ô xòe che nghiêng (kiểu lều che kín 3 mặt) như đứng riêng một góc trời (để tình nhân đến tình tự, ân ái). Đây là bức tranh rất gợi tình và sexy một cách kín đáo, nghệ thuật.
Bàn Thêm Về Hai Chữ “rất lạ”
Đoạn thơ kế tiếp có nhóm hai chữ làm cho độc giả kỹ tính và người bình thơ phân vân. Đó là nhóm chữ “rất lạ” ở cuối đoạn.
Trời cứ xanh cao
núi xanh cao!
bóng núi từng chùm
bầu trời rất lạ
Trước hết tôi xin bàn về cái dở của nhóm chữ “rất lạ” này. Nếu nó được thay bằng một chữ (hoặc nhóm chữ) khác thích hợp – trong ngữ cảnh này chắc là không khó khăn lắm - đọan thơ sẽ thành một bức tranh thơ vẽ cảnh mênh mông hùng vĩ của những chùm núi được trời xanh bao phủ, cho thấy vẻ đẹp cảnh “ngoại biên”, cuối tầm mắt của thi sĩ ở khu vực Chợ Tình. Nhóm chữ “rất lạ” không “tan”, không hòa nhập vào trong tranh mà trồi lên làm “cộm mắt” người thưởng ngoạn.
Nhưng nhóm chữ “rất lạ” không phải vô tích sự mà cũng có đóng góp khá quan trọng trong việc thể hiện tứ thơ. Cái hình tượng (chưa phải là bức tranh) núi trời bao la “rất lạ” ấy rất hợp để đưa tâm hồn độc giả đến với những thông tin “rất khác thường” của phiên Chợ Tình một cách trơn tru, thoải mái hơn (nối tiếp ngay sau đó).
Có thể thi sĩ không nghĩ đến nên vô tình để “vuột” bức tranh thơ thứ tư. Cũng có thể ông biết nhưng vẫn cứ dùng nhóm chữ “rất lạ” để có sự chuyển đoạn hợp lý, hợp tình, suôn sẻ. Tôi nghiêng về “giả thuyết” thứ hai – nghĩa là nhà thơ của chúng ta đã chọn lựa một cách tính toán. Tuy hơi tiếc, nhưng trên trang thơ của mình thi sĩ là Vua nên tôi chấp nhận cúi đầu tuân phục trước quyền uy tối thượng của Ngài.
Ngoài ra 2 câu:
Trời cứ xanh cao
núi xanh cao
trong đó câu thứ hai bị “cắt” mất một chữ thành thử như người chân dài, chân ngắn, bước đi khập khiễng, mất cân đối; đọc lên như nghe ca sĩ hát sai nhịp. Đáng tiếc là việc “cắt một chữ” này chẳng đem lại lợi ích gì cho đoạn thơ cũng như bài thơ hết.
Đoạn Thơ Cung Cấp Thông Tin “Rất Khác Thường”
Chợ đông, rất đông
người bán, người mua lại ít
mẹ xuống chợ gặp người yêu cũ
cha về hẹn bạn tình xưa
chẳng ghen tuông rình rập bao giờ
1/
Chợ đông, rất đông
người bán, người mua lại ít
Người đến Chợ Tình ăn mặc đẹp như đi dự một lễ hội, dĩ nhiên, không phải để mua bán mà vì một chữ Tình (viết hoa). Đây đó cũng có những quán:
chảo Thắng Cố sôi
vòng ngồi nêm chặt
ngả nghiêng chóe rượu khèn bè
nhưng mục đích chỉ để hỗ trợ, vun đắp chữ Tình - tạo khung cảnh, cơ hội để bạn tình, người yêu cũ ăn uống, vui chơi, chuyện trò, tâm sự.
2/
mẹ xuống chợ gặp người yêu cũ
cha về hẹn bạn tình xưa
chẳng ghen tuông rình rập bao giờ
Đây cũng là một điểm khác biệt giữa Chơ Tình và những phiên chợ bình thường khác. Mức độ tự do vượt bậc trong việc tìm người yêu ở Chợ Tình đã cho phép mọi người tham dự đạp đổ cái hàng rào cấm kỵ được canh giữ nghiêm ngặt ở xã hội bên ngoài. Lòng chung thủy được xem là đức tính, là nét đẹp, là điều kiện tối cần thiết cho cuộc sống vợ chồng, nhưng mặt trái của nó đã bóp nát không biết bao nhiêu triệu trái tim lầm lỡ. Quan niệm cho phép “gặp người yêu cũ, hẹn bạn tình xưa” để trao trọn cả thể xác lẫn tâm hồn cho nhau, dù chỉ một ngày mỗi năm, theo tôi, rất nhân bản và đáng ngưỡng mộ.
Đoạn Kết Của Bài Thơ
Chợ Khau Vai
năm một lần mới họp
chợ một phiên
tình nặng một đời.
Tác giả đưa vào đoạn cuối của bài thơ 2 chi tiết:
Tên Chợ Tình là chợ Khau Vai và mỗi năm chỉ họp một lần. Sau đó ông rất khéo léo kết thúc bài thơ bằng 2 câu:
chợ một phiên
tình nặng một đời
“Tình nặng một đời” ở đây không phải là sự trói buộc của hôn nhân mà là “sợi dây tình” cho phép những kẻ yêu nhau, dù hoàn cảnh trái ngang đến đâu chăng nữa, mỗi năm cũng có một ngày được sống trọn vẹn cho nhau, và cứ thế, đến hết một đời. Với sự hỗ trợ của 2 câu trước đó, 2 câu kết đã gói trọn hồn cốt của bài thơ, để lại trong lòng độc giả một ấn tượng mạnh mẽ.
Vần:
Nhìn qua cách dàn trải chữ nghĩa về mặt hình thức tôi không nghĩ là tác giả chủ ý gieo vần. Có lẽ vì ông chú tâm quan sát, ghi nhận để “thu” hết quang cảnh Chợ Tình vào bài thơ nên “quên” luật thơ. Cả bài thơ 25 câu mà chỉ có 2 lần gieo cước vận (vần cuối câu):
1/
lũ ngựa thả rông
nhởn nhơ gặm cỏ ven rừng
2/
cha về hẹn bạn tình xưa
chẳng ghen tuông rình rập bao giờ
và 2 lần có yêu vận (vần lưng):
1/
ô xòe che nghiêng
góc riêng giữa trời giữa đất
2/
chảo Thắng Cố sôi
vòng ngồi nêm chặt
Riêng 2 chỗ yêu vận, do nhịp điệu thay đổi, hiệu ứng tính nhạc rất cao nên dù ít vần, bài thơ đọc vẫn cứ trơn tuột, tứ thơ vẫn chảy thành dòng từ đầu đến cuối. Món chè Chợ Tình ngọt không phải do đường mà do “chất ngọt” tự nhiên từ nguyên liệu (ở đây là cấu trúc câu thơ).
Hơn nữa, Chợ Tình ngay phần đầu, đã có đến 3 bức tranh thơ, ở đó ngôn ngữ đã tan biến nên ý đã có thể đi thẳng vào hồn mà không phải dừng lại để qua trạm “gạn đục khơi trong” của lý trí.
Cảm Xúc
Cảm xúc tầng 1:
Khoái cảm có được do tiếp xúc với các con chữ (ngôn ngữ thơ) và câu thơ - trong bóng đá là kỹ thuật cá nhân của cầu thủ. Như đã nói ở trên, ngôn ngữ thơ của Chợ Tình vừa bình dân vừa cao siêu, cấu trúc câu giản dị, dễ hiểu. Độc giả nào thấy được cái siêu của các con chữ tượng hình, lắp đặt trong một cấu trúc câu đơn giản – đơn giản đến mức tự tan biến để trở thành những bức tranh thơ - sẽ rất thích thú. Cũng có thể so sánh với việc xem bóng đá bắt gặp khả năng chận bóng, đi bóng, chuyền bóng, sút bóng - không rê dắt, màu mè nhưng lại rất hiệu quả - của cầu thủ.
Cảm xúc tầng 2:
Khoái cảm, rung động có được do thế trận câu chữ mạch lạc, hợp lý – trong bóng đá là đấu pháp toàn đội ăn ý. Thế trận câu chữ của Chợ Tình đơn giản nhưng mạch lạc dễ hiểu. Đặc biệt đoạn kết rất “gợi”; câu “tình nặng một đời” cho người đọc cái cảm giác bồi hồi, sung sướng khi mường tượng trước mắt chính mình và người tình cũ (thật hoặc tưởng tượng) đang sóng vai đi giữa Chợ Tinh.
Cảm xúc tầng 3:
Người đọc theo dòng chảy của tứ thơ cảm được sự đồng tình một cách thích thú của tác giả với quan niệm rất phóng khoáng về tình yêu và tình dục của người dân địa phương. Hơn nữa, thi sĩ bước vào khung cảnh Chợ Tình không phải như một người bàng quan mà là với tâm trạng xôn xao, háo hức của một chàng thanh niên 19 tuổi, vừa tò mò trải nghiệm một nét văn hóa mới lạ, vừa nhập cuộc, đem chính trái tim của mình ra “thử thời vận” với tình duyên.
Chính vì vậy, khác với Ông Đồ của Vũ Đình Liên (cũng có 4 bức tranh thơ), bên dưới 3 bức tranh thơ của Chợ Tình (và mấy đoạn thơ sau đó), độc giả cảm thấy một luồng hơi nóng tỏa ra, không phải từ các con chữ mà từ đâu đó giữa hai hàng kẻ. Đó là thứ cảm xúc cao cấp nhất - cho khoái cảm nhiều nhất, đặc biệt nhất - của thơ.
Có điều ở đây tác giả nặng về chuyển tải thông điệp (về phiên Chợ Tình) nên mặc dù đoạn kết gây ấn tượng mạnh mẽ, cảm xúc vẫn chưa đến mức cao trào để tạo hồn thơ.
Kết Luận
Ngoài khuyết điểm nhỏ “cắt một chữ”, Chợ Tình là bài thơ thành công về nhiều mặt. Tứ thơ chuyển tải một thông điệp, một nét văn hóa rất lạ, rất đẹp, rất nhân bản về tình yêu và hôn nhân. Về hình thức, Chợ Tình đã vượt qua thơ mới biến thể, nghĩa là đã đi trước rất nhiều thi sĩ nổi tiếng đương đại; vần rất ít mà vẫn có vị ngọt tự nhiên giúp tứ thơ chảy thành dòng thông thoáng, đặc biệt ngôn ngữ đơn giản đến mức ảo diệu, đã vẽ lên 3 bức tranh thơ sinh động.
Được anh Phạm Lam Hà mời đến “nhà” chơi, thấy viên đá nằm lăn lóc trên mặt bàn, tôi tò mò cầm lên phủi bụi rồi lấy mảnh khăn giấy (napkin) lau qua một lượt. Thật lạ lùng! Nó tỏa ra ánh sáng lung linh nhiều màu rất đẹp. Xem xét kỹ hơn thì biết đó là viên ngọc đã bị ông chủ bỏ quên suốt 50 năm.
League City 16 tháng 6 năm 2018
Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com
Kommentar schreiben